Tự do thương mại: một sức ép cải cách Chính sách, Pháp luật Việt Nam
Năm 1871 Nguyễn Trường Tộ viết lời tấu: “Nên mở cửa, chứ không nên đóng”. Vậy mà, hơn 100 năm sau, người Việt Nam vẫn chập chững học luật chơi của chợ thế giới. Vào AFTA, APEC, tiến tới gia nhập WTO, đã và đang thực hiện những hiệp định thương mại song phương được ký kết với trên 80 nước trên thế giới, cửa đã mở, không thể đóng lại được nữa. Bài viết dưới đây góp vài thiển ý nhận diện ảnh hưởng của quá trình hội nhập kinh tế đối với hệ thống chính sách và pháp luật kinh tế của Việt Nam.
Từ khi thương nhân phương Tây mạnh dần lên, tự tạo ra luật lệ, tự tạo ra các tòa án của thương nhân và đô thị tự trị bên cạnh pháp luật phong kiến và giáo hội, chủ nghĩa trọng thương đã luôn đòi hỏi thông thương, hạn chế và xóa bỏ rào cản để hàng hóa được lưu thông tự do. Liên tục từ thế kỷ XII cho đến nay, các rào cản của quận công, lãnh chúa dần được xóa bỏ, hình thành nên các nhà nước quốc gia. Sự tự do di chuyển của hàng hóa vật chất, tiền, công nghệ và lao động đã là một lý do cơ bản để thống nhất Châu Âu, hình thành các khu vực thương mại tự do mang tính khu vực, cũng như nền tảng cơ bản hình thành Tổ chức thương mại thế giới.
Việt Nam tham gia AFTA, Tổ chức thương mại thế giới hay ký kết Hiệp định thương mại với Mỹ (Hiệp định TMVM), ở cấp độ nào cũng phải tuân thủ nguyên tắc tạo mọi điều kiện cho hàng hóa, tư bản và con người được di chuyển tự do; các rào cản hạn chế sự tự do đó phải được từng bước dỡ bỏ.
Và đương nhiên, phía Mỹ, cũng như các nước giàu có khác, cũng từng bước dỡ bỏ các rào cản đối với hàng hóa và dịch vụ Việt Nam. Một tư duy thoạt nghe tưởng như có đi có lại, song theo tính toán của E. Fukasa và W. Martin [1999], ảnh hưởng của nó đối với phía Việt Nam là cơ bản, chứ các hiệp định không có ảnh hưởng đáng kể gì đối với phía Mỹ và các nước phát triển. Nước Mỹ vốn đã quen mở của cho hầu hết các nước trên thế giới, theo hạ viện Mỹ [US Senate, 2001], Việt Nam là một trong sáu quốc gia cuối cùng bị Mỹ khước từ quy chế thương mại bình thường, nay mở thêm cửa cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam [vốn chỉ chiếm một thị phần không đáng kể ở Mỹ], bản thân Hiệp định TMVM mang lại một số lợi ích, song không làm thay đổi đáng kể chính sách, pháp luật và kinh tế đối với người Mỹ. Thêm nữa, theo Wortzel [2002], hàng hóa xuất từ Mỹ sang Việt Nam cả năm mới chỉ bằng 3 ngày xuất sang Nhật, điều đó đủ cho thấy ảnh hưởng của Hiệp định TMVM này hoàn toàn không đáng kể đối với nền kinh tế Mỹ.
Song đối với Việt Nam, Hiệp định TMVM có thể sẽ tạo ra những xung lực đáng kể, ví dụ lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng nhanh, do thuế suất nhập khẩu của Mỹ giảm đáng kể [từ trung bình 40% nay giảm xuống còn 3 – 4%], xuất khẩu gia tăng kéo theo phân bổ lại cấu trúc ngành nghề và thu hút vốn đầu tư cũng như phân bổ nguồn lực hợp lý, tăng trưởng xuất khẩu có thể sẽ đem lại phúc lợi gia tăng tính theo thu nhập bình quân của Việt Nam, một bộ phận người Việt Nam có thể được lợi từ Hiệp định này.
Thực tiễn đánh giá việc thực hiện Hiệp định TMVM phần nào xác nhận những dự đoán đó đã diễn ra. Để đổi lại, Việt Nam phải mở rộng thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Những chính sách nâng đỡ doanh nghiệp nhà nước bấy lâu nay vẫn quen áp dụng bị buộc phải hạn chế hoặc xóa bỏ, và việc thực hiện những cam kết này bị đặt dưới sự giám sát của phía Mỹ. Một cuộc phá hủy đang chờ đợi các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, và xưa nay vốn sống nhờ vào sự che chở của ngân sách nhà nước.
Cộng với những điều kiện vay nợ từ các định chế tài chính quốc tế, về cơ bản nằm trong sự kiểm soát của các nhà tư bản tài chính Mỹ, sự tự do hoạch định chính sách kinh tế của Chính phủ Việt Nam, càng bị thu hẹp dần. Nói cách khác, tham gia các tổ chức thương mại khu vực và quốc tế cũng như thực thi các hiệp định thương mại song phương, về mặt bản chất, là sự tự nguyện hạn chế một phần quyền tự định đoạt chính sách thương mại của Việt Nam, khép Chính phủ nước ta vào thứ kỷ luật một phần bị giám sát bởi Chính phủ nước ngoài để đổi lấy sự tự do và cơ hội tiếp cận thị trường nước họ.
Những triết lý này thật không dễ chịu đối với một dân tộc vừa giành được độc lập; song xét trên toàn cục, điều đó đúng cho bất kỳ quốc gia nào muốn tham gia chợ toàn cầu. Người Đức, người Pháp muốn trở thành đầu tàu của nền kinh tế Liên minh Âu Châu EU, thì tự họ phải tự nguyện từ bỏ đồng DM và Franc, từ bỏ chính sách tiền tệ độc lập, từ bỏ quyền định ra thuế quan, giám sát cửa khẩu, thậm chí phải dỡ bỏ các trạm kiểm tra đường biên.
Mọi so sánh có thể khập khiễng, song nếu liên tưởng đến lưỡi kiếm thời Trung cổ, họng đại bác thời cận đại, và các hiệp định thương mại thời nay, tất cả đều có một mẫu số chung là tự do thương mại, mở rộng thị trường và truyền bá chủ nghĩa trọng thương. Kinh nghiệm lịch sử đã nhiều lần chứng minh mọi sự thụ động và miễn cưỡng chấp nhận thường mang lại tai họa nhiều hơn là ích lợi cho dân tộc. Lời kêu gọi “nên mở, không nên đóng” của tiền nhân cách đây 140 năm [Nguyễn Trường Tộ] vẫn còn vang lên cảnh báo dân tộc ta về nguy cơ của một nền văn hóa đóng kín với thế giới bên ngoài.
Có thể dự đoán trong những năm đầu thực hiện Hiệp định TMVM, hoặc nếu được gia nhập WTO, một số thuận lợi trước mắt dễ nhận thấy cho Việt Nam. Xuất khẩu tăng kích thích tăng trưởng, tạo ra công ăn việc làm, phúc lợi cho dân chúng Việt Nam có thể tăng [E. Fukase, W. Martin 1999, CIEM, 2001]. Song “đưa một ngón tay, cá sấu sẽ nuốt cả bàn tay”: những ảnh hưởng lâu dài của Hiệp định TMVM cũng như luật lệ của WTO sẽ thay đổi cung cách quản lý nền kinh tế của Việt Nam theo kiểu Âu Mỹ. Các nhà tài phiệt Phương Tây vốn đã quá quen đánh gục sự tự chủ về chính sách của hàng loạt quốc gia chỉ với những lời tư vấn của câu lạc bộ người cho vay [Stiglitz, 2002].
Nay, cứ mỗi năm một lần, Tổng thống nước Mỹ lại xem Việt Nam có đủ điều kiện để hưởng sự nới lỏng của đạo luật Jackson-Vanik hay không, nếu ông ta lắc đầu, thuế suất lại quay về 40% như cũ. Và biết đâu, danh sách những điều kiện đó cứ gia tăng mãi, từ các điều kiện lắt léo về bảo vệ môi trường, hạn chế hoặc cấm sử dụng lao động trẻ em, sử dụng lao động tư nhân cho đến các quy định bảo vệ sức khỏe con người. Vụ cá basa là một lần diễn tập đầu tiên, khi quan chức Việt Nam phải phơi bày đủ mọi hồ sơ để người Mỹ thẩm định theo tiêu chí của họ, liệu Việt Nam có bán phá giá hay không. Sau vụ cá da trơn, là vụ kiện tôm. Sau tôm là xe đạp, bật lửa ga, và biết bao vụ kiện khác còn đang chờ đợi.
Sự mở cửa cho hàng hóa và tư duy Âu Mỹ trong điều kiện doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm khoảng 42% tổng sản phẩm quốc nội, đa phần làm ăn kém hiệu quả và chậm đổi mới, các doanh nghiệp dân doanh trong nước chưa thoát khỏi sự phân biệt đối xử của Nhà nước, và chưa bao giờ được cạnh tranh một cách bài bản, theo tôi, có lẽ sẽ tước mất cơ hội tập bơi cho doanh nhân trước khi ném họ vào dông tố của đại dương.
Tuy nhiên, để tránh hiểu nhầm, tôi nhấn mạnh rằng khi 150 nước đã tham gia Tổ chức thương mại thế giới và câu lạc bộ này đã chiếm tới 90% tổng thương mại toàn cầu [WTO, 2005], thì Việt Nam tham gia hội nhập là điều tất yếu. Chỉ có điều các thiết chế điều tiết kinh tế, chính sách, pháp luật và thói quen, khả năng kinh doanh của doanh nhân dường như chưa được chuẩn bị chu đáo cho cuộc đua này. Điển hình là sau khi ký kết Hiệp định TMVM, người ta mới lo thống kê những lĩnh vực chính sách và pháp luật cần được điều chỉnh cho phù hợp. Giới trí thức Việt Nam cũng chưa quen làm chức năng dự báo, mà thường khi chỉ quen minh họa cho những sự đã rồi. Sự trì trệ này có nhiều nguyên nhân, song một dân tộc trẻ trung với 60% dân số ở độ tuổi dưới 30, 85% dân số ở độ tuổi dưới 40 [Wortzel, 2002], không có nhiều lý do để bất lực trong việc khai thác lợi thế của toàn cầu hóa để làm giàu cho chính mình, gia đình và dân tộc mình.
Nước Nhật đến với thế giới bằng việc Minh Trị và quần thần làm lễ canh tân; Trung Quốc đang trở thành siêu cường kinh tế vì những cuộc cải cách toàn diện ngay trên đất nước của họ. Nếu không tự cải cách, sớm muộn luật lệ của WTO cũng buộc Việt Nam phải cải cách theo những định hướng luật lệ của họ.
Bởi vậy, quả là không ngoa, nếu người ta cho rằng, những cuộc đàm phán của Việt Nam để gia nhập WTO tại Giơ-ne-vơ chắc cũng rất khó, song chưa chắc đã khó bằng những tranh luận gay gắt có thể sẽ diễn ra ngay tại Hà Nội: Liệu giới hoạch định chính sách nước ta đã sẵn sàng cho những luật chơi mới, buộc phải minh bạch hóa luật lệ và chính sách, mở cửa cho tư nhân tự do kinh doanh và chiếm hữu các ngành kinh tế trọng yếu, từ viễn thông cho tới ngân hàng? Cuộc vật lộn thoát ra khỏi những tư duy bảo hộ cũ, vốn quen nhấn mạnh công hữu và sự can thiệp rộng rãi của nhà nước vào đời sống kinh tế để chấp nhận tư duy trọng thương, chấp nhận kinh tế tư nhân là động lực cho tăng trưởng, chấp nhận cạnh tranh gay gắt…, chắc sẽ rất phức tạp trong bối cảnh văn hóa, chính trị và thể chế nước ta.