Từ tăng giá xăng dầu tới bán nhà tính theo giá vàng: Lạm bàn về văn hóa ứng xử của người làm quan

Bạn sẽ nghĩ gì, khi quan chức Chính phủ vừa ráo hoảnh trấn an báo giới sẽ không tăng giá xăng, vừa bí mật chuẩn bị quyết định cho phép đột ngột tăng giá xăng 15%, có hiệu lực tức thì ngay vào thời điểm văn bản này được kí.


Tháng năm, bằng một quyết định hành chính bất ngờ, xăng dầu được phép tăng giá. Ở những xứ đã hội nhập sâu vào chợ toàn cầu giá xăng trôi nổi từng giờ theo những biến động ở Trung Đông là điều chẳng mấy khó hiểu. Ở nước ta, việc tăng giá xăng dầu vì những sức ép của thị trường cũng khó mà cưỡng lại được, song điều đáng bàn là thái độ của những người giữ quyền cho phép tăng giá xăng. Quyết định tăng giá được giữ bí mật đến tận phút chót, khi tiếp xúc với báo giới vài ngày trước đó, người ta vẫn thường xuyên loan tin sẽ tìm mọi cách để bình ổn giá cả, kể cả vay ngoại tệ nước ngoài để hỗ trợ bù lỗ cho doanh nghiệp nhập xăng.
Cùng với giá xăng, cước phí vận tải, giá nguyên liệu cũng rục rịch tăng nhanh. Hàng triệu người tiêu dùng, hàng vạn doanh nghiệp kinh doanh vận tải và sản xuất, chế biến, ngày qua ngày mới kịp ngấm dần tác động của việc tăng giá. Những lí lẽ kiểu như “thị trường của nước ta còn rất sơ khai, người dân và doanh nghiệp hay đầu cơ để kiếm lời, nên cực chẳng đã quan chức nhà nước mới phải bí mật giữ kín chuyện tăng giá xăng” liệu có thể còn chấp nhận được chăng trong một thời đại mà người dân mong chờ vào một nền hành chính với những chính sách minh bạch, dễ tiên liệu và dự đoán được?

Một Chính phủ mà công sở của mình chưa tin vào bản tệ thì làm sao có thể giáo dục nhân dân tự trọng và yêu lấy đồng tiền, yêu lấy quốc gia của mình.

Nhà nước là một khái niệm rất xa vời, người dân chỉ có thể cảm nhận được nhà nước qua cách ứng xử của nhân viên công lực, bắt đầu bằng người gác cổng, cô cán bộ hộ tịch cấp phường, cho tới viên cảnh sát giao thông trên đường hay quan chức nơi công sở. Những lời hỏi đáp có thưa gửi trân trọng với từng người dân, những sơ đồ, tờ rơi chỉ dẫn dễ hiểu các quy trình hành chính và quyền của người dân góp phần tạo nên một văn hóa tử tế của công chức. Đặc biệt, khi tiếp xúc với báo giới, công chức càng phải được đào luyện kĩ càng, bởi một thông tin báo chí sẽ gây dư luận trong hàng triệu người nghe. Bạn sẽ nghĩ gì, khi quan chức Chính phủ vừa ráo hoảnh trấn an báo giới sẽ không tăng giá xăng, vừa bí mật chuẩn bị quyết định cho phép đột ngột tăng giá xăng 15%, có hiệu lực tức thì ngay vào thời điểm văn bản này được kí.
Tháng năm, giá vàng cũng tăng cao, mỗi ngày phá một kỉ lục. Những người dân bị giải tỏa mặt bằng đã nhường mái ấm của mình cho những công trình công cộng, đã được mua nhà tái định cư, nay đứng ngồi không yên bởi hợp đồng bán nhà được các công ty quốc doanh soạn sẵn, tính giá nhà bằng vàng cho chắc chắn. Điều ấy cũng đúng với những người được mua nhà của nhà nước theo những chính sách thanh lí khác. Vàng tăng giá, làm cho giá mua nhà tăng vọt vượt quá khả năng của dân nghèo. Người ta lại hỏi, tại sao nhà nước khi lấy đất của dân thì đền bù bằng tiền đồng Việt Nam, song khi bán nhà cho dân thì lại chắc lép tính giá bán nhà bằng vàng cho đỡ rủi ro?
Cách hành xử ấy liệu có phù hợp chăng với một nhà nước có chức năng che chở, bảo hộ người dân? Trước một chính quyền có cảnh sát, súng đạn, nhà giam; từng người dân quả thực vô cùng mỏng manh và yếu ớt. Bởi vậy, ở đâu người ta cũng gắng hạn chế công lực và bảo vệ dân quyền. Dưới sức ép của công luận, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã tạm đình chỉ việc bán nhà tái định cư cho dân tính giá bằng vàng. Điều ấy đáng hoan nghênh, song chưa thật triệt để. Cần phải tìm mọi cách cản trở cơ quan nhà nước chỉ giành lấy phần thuận lợi về mình và làm khó dễ cho dân. Một Chính phủ mà công sở của mình chưa tin vào bản tệ thì làm sao có thể giáo dục nhân dân tự trọng và yêu lấy đồng tiền, yêu lấy quốc gia của mình. Lại một lần nữa gióng lên những tiếng chuông kìm chế sự lạm quyền của công lực và thúc đẩy nhận thức “người dân được phép làm tất cả những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan nhà nước chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép mà thôi”.
Tháng năm, đêm thì đã ngắn lại thêm thiếu ngủ vì nhật báo Nam Hàn đưa tin hoàng tử xứ này đi mua vợ Việt Nam. Lại nữa, một cô gái Việt được chào bán như món hàng trên chợ Mã Lai. Nhà nước có trách nhiệm gì trước danh dự và nhân phẩm của con người, mà trên hết là quyền được sống, quyền được tự do sở hữu, tự do phát triển nhân cách? Người ta nói 34 tỉnh thành đã phá rào, mời gọi đầu tư mà vi phạm pháp luật quốc gia, 17 trong số đó đã được Trung ương nhắc nhở, khiển trách. Có người lo trong cuộc chạy đua xuống đáy, anh em sẽ tự dìm nhau, có hại cho lợi ích quốc gia. Điều ấy có thể đúng, song theo thiển nghĩ của tôi là một dấu hiệu tốt cho trách nhiệm của quan chức địa phương. Làm quan liệu có hãnh diện gì, nếu còn có người dân cùng cực và buộc phải bán mình rẻ mạt?


Phạm Duy Nghĩa

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)