Tự xây dựng trường ĐH chuẩn mực quốc tế
Việc bàn thảo xây dựng ở Việt Nam một trường đại học đẳng cấp quốc tế khởi đầu cách đây vài năm, dường như đã lắng xuống thì gần đây sôi động trở lại khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra dự án sẽ vay của WB và ADB khoảng 400 triệu USD và hợp tác với một số đại học và tổ chức nước ngoài vào năm 2013, sẽ xây dựng mới 4 trường đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, tiến tới trình độ quốc tế vào năm 2020, trong đó có ít nhất một trường lọt vào tốp 200 của thế giới.
Cụ thể là trường đại học Việt Đức trong khuôn viên ĐHQG TP.HCM, Đại học KH&CN tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và hai trường đại học ở Đà Nẵng và Cần Thơ. Tại cuộc lấy ý kiến các chuyên gia và nhà khoa học trong và ngoài nước ở Hà Nội đầu tháng 8, dường như để minh chứng cho tính khả thi của dự án này, bà Trần Thị Hà Vụ trưởng Vụ GD-ĐH đã dẫn ra sự thành công của ĐH KH&CN HongKong (HKVST) – chỉ sau 15 năm xây dựng đã được Newsweek xếp hàng 60 trên thế giới (không biết trường này có trong tốp 200 theo xếp hạng của ĐH Thượng Hải?). Nhưng phần lớn những người am hiểu giáo dục đại học đều không tin vào tính khả thi của dự án, dù chúng ta có đổ vào đó không chỉ 400 triệu USD mà là cả tỉ USD. Họ đã có lý, vì tiêu chí hàng đầu của một đại học đẳng cấp quốc tế là một trung tâm nghiên cứu và đào tạo mạnh với một đội ngũ GS, giảng viên có nhiều công bố quốc tế, có hệ số trích dẫn cao. Vậy chỉ trong thời gian gần chục năm làm cách nào chúng ta có được đội ngũ GS, giảng viên như vậy cho các trường kể trên? Trong khi chất lượng nghiên cứu của đội ngũ GS, giảng viên các trường ĐH hiện nay của ta còn rất hạn chế. (Số công bố quốc tế trong lĩnh vực toán – một lĩnh vực thuộc loại mạnh hàng đầu của Việt Nam – của tất cả các trường ĐH và Viện toán của ta trong năm chỉ bằng số công bố quốc tế của trường ĐH Toulouse – một trường ĐH hạng trung bình ở Pháp). Hơn nữa, theo nguồn tin rất đáng tin cậy của một giáo sư, thì có đối tác của 4 trường trên còn xa mới được coi là trường đạt chuẩn mực quốc tế, nói gì đến đẳng cấp quốc tế. Đối tác như vậy không hy vọng họ có thể thu hút được các nhà khoa học uy tín nước ngoài đến Việt Nam tham gia giảng dạy.
Từ bài học các nước đang phát triển có trình độ KH&CN và tiềm lực kinh tế hơn ta nhiều như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác trong xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế cho thấy không có trường hợp nào do nước ngoài làm hoặc áp đặt một mô hình của nước ngoài mà thành công. Điển hình là năm 2005, George Mason, một trong những trường Đại học Mỹ đầu tiên mở một chi nhánh đào tạo ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập, nhưng vào tháng 5 vừa qua, nó trở thành trường đầu tiên quyết định đóng cửa, dù chưa hề cho tốt nghiệp một sinh viên nào. Vì vậy việc chúng ta hợp tác với nước ngoài để xây dựng một số trường ĐH là cần thiết nhưng với thực trạng của nền kinh tế – xã hội và giáo dục đại học hiện nay của ta, không nhất thiết đặt ra mục tiêu top 200 – “có tính chính trị” như vậy- mà chỉ đặt vấn đề xây dựng các trường ĐH theo chuẩn mực quốc tế, nhằm đào tạo những chuyên gia có kỹ năng cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Theo GS Hoàng Tụy, nếu chúng ta thực sự mong muốn về lâu dài có được một trường đại học có đẳng cấp quốc tế thuộc hạng trung bình của các nước tiên tiến, thì trước mắt phải bắt đầu từ việc tự xây dựng một trường đại học với qui mô nhỏ, chọn lọc một vài ngành học mà ta có tiềm lực mạnh với từ 200 – 300 sinh viên, nhưng mọi hoạt động giảng dạy và đào tạo của trường ngay từ đầu phải theo các chuẩn mực quốc tế và ngày càng phấn đấu theo chuẩn mực cao hơn. Bộ máy quản lý của trường thời kỳ đầu cần thu hút được những GS có uy tín lớn, cần thiết có thể mời các GS người nước ngoài.
Trong bối cảnh của Việt Nam, để có thể xây dựng được một trường ĐH đẳng cấp quốc tế, là một việc lâu dài rất khó khăn, phải vượt qua không ít chướng ngại về thể chế, về văn hóa nghiên cứu, tính cạnh tranh… đặc biệt là chính sách tiền lương, đãi ngộ vật chất. Vì vậy theo GS Hoàng Tụy, sự quyết tâm cùng với các chính sách của các nhà quản lý là điều cần nhưng chưa đủ. Phải huy động được sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà giáo có uy tín quốc tế và chỉ có họ mới có thể huy động thêm được nguồn lực và tư vấn cho các nhà quản lý những bước đi và giải pháp thích hợp.
TIA SÁNG