Tuân thủ EUDR: Đâu là cơ hội tốt?

Nếu nhà nước đẩy mạnh vai trò của mình trong việc hỗ trợ người dân thực hiện EUDR, biết đâu đây là cơ hội không chỉ để canh tác nông lâm nghiệp bền vững hơn mà còn tăng sản lượng xuất khẩu vào EU?

Hình 1: Ảnh chụp từ ứng dụng miễn phí Timestamp Camera trên điện thoại thông minh để cung cấp thông tin cho các bên liên quan.

Quy định của Liên minh châu Âu về sản phẩm không gây mất rừng (EUDR) sẽ khởi động vào ngày 30/12/2024. Mặc dù tên của quy định hướng mục tiêu không gây mất rừng và suy thoái rừng1, nhưng để lưu thông trên thị trường ở các nước EU, các sản phẩm, bao gồm cả hàng nhập khẩu còn phải đáp ứng nhiều quy định khác của nước sản xuất.  

Dù EUDR đặt gánh nặng trách nhiệm lên nhà nhập khẩu, nhưng tất cả các mắt xích trong chuỗi cung ứng sẽ đều chịu ảnh hưởng – họ phải cung cấp bằng chứng rõ ràng để nhà nhập khẩu thực hiện nghĩa vụ giải trình và báo cáo. Nhưng trên hết, EUDR còn xác định nhà nước cũng phải có vai trò trong việc tạo điều kiện thuật lợi và giảm chi phí thực hiện trách nhiệm này.  

Các sản phẩm chịu tác động của EUDR bao gồm gia súc, ca cao, gỗ, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và các hàng hóa phái sinh được quy định cụ thể trong Phụ lục 1 EUDR. Đây có thể được xem như hàng nông lâm nghiệp và sự hình thành của chúng gắn liền với đất đai canh tác. Trong đó, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bao gồm: gỗ, cao su, cà phê cùng hàng hóa phái sinh của chúng. Những đặc thù của Việt Nam sẽ thách thức nhà nước trong việc hỗ trợ các nông, lâm hộ và thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia về phát triển nông lâm nghiệp bền vững như thế nào? Các thảo luận trong bài viết này đặt trong bối cảnh EUDR đang chờ hướng dẫn của Ủy ban châu Âu.

Pháp luật Việt Nam hiện nay cũng như khả năng cơ quan nhà nước ở địa phương chưa sẵn sàng cung cấp thông tin về toạ độ địa lý phù hợp với yêu cầu EUDR. Ở góc độ khác, việc cung cấp toạ độ địa lý ra bên ngoài có thể liên quan đến an ninh quốc gia hoặc bí mật nhà nước mà trong phạm vi bài viết này không thảo luận đến.

Chống phá rừng và suy thoái rừng

Một trong hai trụ cột của EUDR là chống phá rừng. Theo đó, bất kì sản phẩm nào nhập vào EU phải được sản xuất trên đất đai không có việc phá rừng, hoặc trong trường hợp của gỗ, là được khai thác không gây suy thoái rừng kể từ sau 31/12/2020. Yêu cầu này gắn liền với truy xuất thông tin vị trí địa lý nơi sản phẩm được sản xuất cho từng lô hàng. Nói cách khác, để xác minh xem sản phẩm có được sản xuất trên thửa đất mà hoạt động canh tác có được là do kết quả của phá rừng, cần phải có tọa độ địa lý để xác định vị trí của thửa đất.

EUDR yêu cầu phải có tọa độ địa lý được mô tả bằng điểm kinh độ và vĩ độ với sáu chữ số thập phân. Thửa đất có diện tích dưới 4ha chỉ cần ít nhất một điểm tọa độ. Thửa đất trên 4ha không phải đất chăn nuôi được định vị địa lý bằng đa giác có đủ điểm kinh độ và vĩ độ để mô tả chu vi thửa đất. 

Nghe có vẻ phức tạp, nhưng các hộ tiểu điền hoàn toàn có thể tự làm được nhờ vào nhiều ứng dụng miễn phí có thể cài trên điện thoại thông minh, để chụp ảnh và tự động gắn vào ảnh thông tin về tọa độ địa lý cũng như mốc thời gian của thửa đất. (như ảnh minh họa dưới đây). 

Dẫu vậy, thủ tục này vẫn có thể gây khó khăn cho các hộ với khả năng tiếp cận thông tin còn hạn chế, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Tốt hơn hết là nhà nước nên chuẩn bị sẵn những thông tin này và cho phép người dân tiếp cận để tránh việc họ “mất tiền oan” cho bên thứ ba. 

Tuy nhiên, hiện trạng pháp luật Việt Nam hiện nay cũng như khả năng cơ quan nhà nước ở địa phương sẵn sàng cung cấp thông tin về toạ độ địa lý phù hợp với yêu cầu EUDR còn hạn chế. Pháp luật có quy định về trích đo địa chính thửa đất được thực hiện trong hệ tọa độ quốc gia VN-2000; trường hợp tách đo địa chính cho hộ gia đình, cá nhân thì thực hiện trong hệ tọa độ quốc gia VN-2000 hoặc hệ tọa độ tự do.2 Tuy nhiên, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nói chung hiện nay không thể hiện vị trí địa lý của thửa đất theo kinh độ và vĩ độ3 Các phương thức cung cấp thông tin địa qua cổng thông tin đất đai như một số địa phương đã triển khai hoặc qua phiếu yêu cầu đối với thửa đất có hoặc chưa có GCNQSDĐ cũng không cung cấp toạ độ địa lý theo kinh độ và vĩ độ.4 Những ai có nhu cầu xác định toạ độ địa lý được khuyên tìm đến các tổ chức có chức năng hành nghề đo đạc và bản đồ để được thực hiện việc trích đo địa chính thửa đất trong hệ tọa độ quốc gia VN-2000 hoặc hệ toạ độ tự do.5

Các cơ quan có thẩm quyền ở các nước EU sẽ sử dụng toạ độ địa lý để lấy hình ảnh vệ tinh hoặc bản đồ che phủ rừng để phát hiện hiện tượng phá rừng và suy thoái rừng trên thửa đất đó sau ngày 31/12/2020. Phía Việt Nam có thể “kiểm tra chéo” bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh để đề phòng trường hợp hàng hóa bị trả lại. 

Bên cạnh nghĩa vụ phải cung cấp toạ độ địa lý, người sản xuất phải chứng minh sản phẩm của mình được sản xuất trên đất không có phá rừng*. Có hai cách chứng minh: ảnh viễn thám hoặc quyền sử dụng đất. Với cách thứ nhất, người sản xuất có thể tự chứng minh sự “trong sạch” của sản phẩm của mình bằng những công cụ hiện có và miễn phí trên Google Earth: đầu tiên, họ xác định vị trí thửa đất của mình trên bản đồ của phần mềm, sau đó dịch chuyển dòng thời gian trên phần mềm để chứng minh thời điểm canh tác của thửa đất không có phá rừng. Với cách thứ hai, các giấy tờ chứng minh được mục đích sử dụng của thửa đất có thể được coi là thông tin cuối cùng và xác minh được đầy đủ về yếu tố không phá rừng của sản phẩm. Với các Giấy Chứng nhận Quyền Sử dụng Đất (GCNQSDĐ) được cấp trước ngày 31/12/2020, thông tin về lịch sử biến động mục đích sử dụng của thửa đất sẽ là bằng chứng tốt cho thấy không có phá rừng kể từ mốc thời gian EUDR giới hạn. 

Hình 2a: Ảnh vệ tinh chụp ngày 30 tháng 01 năm 2008 chứng minh thời điểm này chủ đất đã canh tác trên thửa đất và không phá rừng.

Khó khăn nằm ở các thửa đất chưa có GCNQSDĐ hay giấy này được cấp sau ngày 31/12/2020, người dân chỉ có thể cậy nhờ vào thông tin lấy được từ hệ thống thông tin quản lý đất đai hoặc tìm đến các đơn vị tư vấn liên quan đến đất đai/công nghệ viễn thám chứng minh đất canh tác không phải là đất rừng hoặc không phải là kết quả của hoạt động phá rừng. Trong đó phương án một là khả dĩ hơn cả nhưng hiện nay các thông tin đó không dễ tiếp cận. Nội dung được yêu cầu trong phiếu yêu cầu thông tin về đất đai hay cổng thông tin điện tử không bao gồm thông tin về mục đích sử dụng của thửa đất có trước ngày cấp GCNQSDĐ hay thông tin quy hoạch đất đai của thời điểm quá khứ. Tức là chưa có cơ chế để người dân tiếp cận được các thông tin quá khứ. Như vậy, nếu cơ quan hữu quan EU nghi ngờ về sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau ngày 31/12/2020 và ảnh viễn thám cũng cho thấy mất rừng sau thời điểm này thì người sản xuất đành “ngậm đắng nuốt cay”. 

Bởi vậy, xây dựng hệ thống thông tin quản lý đất đai, quy định về các thông tin mà người dân được khai thác cũng như cách thức tổ chức để người dân có thể tiếp cận được là rất quan trọng để giảm bớt gánh nặng tài chính liên quan đến việc chứng minh sản phẩm không gây phá rừng cho các nông hộ. Ngoài ra, để thuận lợi cho việc tra cứu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mà cụ thể là Cục Lâm nghiệp, nên công khai bản đồ hiện trạng rừng trước 31/12/2020 lên hệ thống WebGIS để có thể xác định vị trí thửa đất và truy xuất thông tin liệu thửa đất đó có phải là đất rừng hay là kết quả của hoạt động phá rừng hay không.

Việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý đất đai, quy định về các thông tin mà người dân được khai thác cũng như cách thức tổ chức để người dân có thể tiếp cận được là những gì phải có để giảm bớt gánh nặng tài chính liên quan đến việc chứng minh sản phẩm không gây phá rừng cho các nông hộ.

Tính hợp pháp của hoạt động sản xuất

Trụ cột thứ hai trong EUDR là giải trình trách nhiệm về tính hợp pháp của hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm, cụ thể là:

– Các quyền sử dụng đất;

– Bảo vệ môi trường;

– Các quy định về lâm nghiệp, bao gồm quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, khi liên quan trực tiếp đến khai  thác gỗ;

– Các quyền của các bên thứ ba;

– Các quyền về lao động;

– Quyền con người được bảo vệ bằng luật pháp quốc tế;

– Nguyên tắc đồng thuận dựa trên sự tự nguyện, báo trước và được cung cấp thông tin (FPIC), bao gồm các quy định được đưa ra trong Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về các quyền của các dân tộc bản địa;

– Quy định về thuế, chống tham nhũng, thương mại và hải quan.

Về cơ bản, đây là những thông tin để đánh giá xem liệu hoạt động canh tác tạo ra sản phẩm có gây ra các tác động đến môi trường và quyền con người hay không. Tính hợp pháp của sản phẩm cần phải được hướng dẫn thêm bởi Ủy  ban châu Âu nhưng khối lượng và tính phức tạp của các thông tin ở trên rõ ràng là một thách thức cho bất kỳ nhà canh tác, nhà sản xuất và nhà xuất khẩu nào trong chuỗi cung ứng. Yêu cầu này có thể tương tự với Hướng dẫn của EU về Trách nhiệm giải trình về tính bền vững của công ty đang trong quá trình thông qua và dự định có hiệu lực vào năm 2029. Hướng dẫn này cũng đặt ra nghĩa vụ đối với công ty có quy mô và trong một số ngành nghề nhất định trong đó có nông nghiệp, phải duy trì hệ thống trách nhiệm giải trình để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nhân quyền và môi trường trong đó có các vấn đề về lao động, ô nhiễm, phá rừng. Trách nhiệm giải trình cũng mở rộng ra cho toàn bộ chuỗi cung ứng.6

Hình 2b: Ảnh vệ tinh chụp ngày 25/2/2024 chứng minh sản phẩm được cung cấp từ thửa đất này.

Đánh giá sơ bộ ban đầu trong bối cảnh Việt Nam, quyền sử dụng đất có thể có những ảnh hưởng đáng kể đến việc xác minh tính hợp pháp của sản phẩm – EUDR yêu cầu người canh tác phải được trao quyền canh tác trên thửa đất đó. Một lần nữa GCNQSDĐ lại đóng vai trò quan trọng. Mặc dù EUDR không yêu cầu đích danh chứng nhận này, nhưng GCNQSDĐ luôn là bằng chứng tốt nhất cho thấy cao su hay cà phê được trồng trên đất là đúng với mục đích sử dụng đất của thửa đất đó, cụ thể là đất trồng cây lâu năm. Bài viết này không thảo luận về gỗ ở điểm này do những đặc thù của ngành gỗ và pháp luật lâm nghiệp Việt Nam.

Một thực tế phổ biến là không phải mọi thửa đất hiện nay đều đã được cấp GCNQSDĐ. Yêu cầu xác minh về quyền sử dụng đất để đáp ứng EUDR thúc đẩy hơn nữa công tác cấp GCNQSDĐ nhìn từ góc độ nhà nước, từ việc truyền thông, phổ biến đến xử lý các hồ sơ yêu cầu.

Khi không có GCNQSDĐ, người sản xuất phải lưu giữ các giấy tờ chứng minh quyền được canh tác của mình trên thửa đất hoặc cơ quan quản lý ở địa phương phải sẵn sàng xác nhận cho họ. Các giấy tờ có thể chứng minh quyền canh tác trên đất có thể là kê khai đất đai cho mục đích cấp GCNQSDĐ, các biên lai nộp thuế hoặc các nghĩa vụ tài chính gắn liền với thửa đất, nhưng phải lưu ý rằng thuế sử dụng đất nông nghiệp đã  được miễn nộp trong rất nhiều năm.

Một trong những thực tế khác nữa là tình trạng xâm canh trong đất rừng. Quy định của pháp luật lâm nghiệp hiện nay cho phép việc trồng xen cây nông nghiệp dưới tán rừng và sản xuất nông nghiệp trên đất chưa có rừng trong rừng sản xuất hay rừng phòng hộ, hay các mô hình vườn rừng. Như vậy, mặc dù mục đích sử dụng đất được xác định là đất rừng, nhưng việc xen canh cây nông nghiệp không làm ảnh hưởng đến việc phòng hộ đối với rừng phòng hộ, không làm suy giảm chất lượng rừng đối với rừng trồng. Tuy nhiên, cây cao su và cà phê không được xếp loại là cây nông nghiệp mà là cây công nghiệp lâu năm.7 Như vậy, có khả năng sản phẩm được tạo ra từ các vùng đất rừng này không thể chứng minh được tính hợp pháp của hoạt động canh tác trên thửa đất gắn liền.

Việc di dân, tái định cư hay chuyển đổi cây trồng để tuân thủ pháp luật không phải là công việc có thể thực hiện được một cách nhanh chóng và thành công nếu thiếu đi các nguồn lực tài chính, xã hội trong đó có cả những hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân.

Chính sách của nhà nước liên quan đến rừng thay đổi theo thời gian và phù hợp với mục tiêu chính sách của từng thời kỳ. Đất đai được khai hoang để canh tác nông nghiệp đã diễn ra từ những thời kỳ trước nhưng quy hoạch sử dụng đất và pháp luật xuất hiện sau, từ đó biến việc khai hoang và canh tác trở thành không tuân thủ pháp luật và không phù hợp với mục đích sử dụng đất mới. Tuy nhiên, việc di dân, tái định cư hay chuyển đổi cây trồng để tuân thủ pháp luật không phải là công việc có thể thực hiện được một cách nhanh chóng và thành công nếu thiếu đi các nguồn lực tài chính, xã hội trong đó có cả những hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân. Với những diện tích đất xen canh trong đất rừng có trồng cà phê hoặc cao su, các sản phẩm thu hoạch từ đây khó có thể đạt được yêu cầu về tính hợp pháp của quyền sử dụng đất. Các tác giả bài viết không có số liệu cụ thể để chứng minh mức độ ảnh hưởng của EUDR đến những người sản xuất trong trường hợp này, cụ thể là tỷ lệ sản phẩm từ các khu vực loại này xuất khẩu sang châu Âu. Về cơ bản, tiếp cận thị trường cho các sản phẩm trồng trên đất rừng sẽ bị thu hẹp khi mất đi thị trường EU. Đây có thể góp thêm động lực để thúc đẩy việc giải quyết hiện trạng xen canh trong đất rừng và từ đó khôi phục lại rừng trên những diện tích này xét trên phương diện người dân có thể bị thu hẹp khả năng bán sản phẩm canh tác dẫn tới việc sự gắn bó kinh tế của họ với đất đai giảm đi và tạo động lực cho họ di dời hoặc chuyển đổi hoạt động kinh tế. Một thực tế hiện nay là tại một số địa phương, khi thu nhập của người dân trên những diện tích đất xâm canh này mang lại thu nhập thấp thì người dân bỏ hoá và rừng bắt đầu phục hồi lại trên những diện tích này.

Cách để giảm nhẹ trách nhiệm giải trình

Các quốc gia sản xuất hàng hóa sẽ được được phân loại  thành ba mức độ, cao, tiêu chuẩn hoặc thấp, về rủi ro gây mất rừng theo một hệ thống phân loại do Ủy ban châu Âu vận hành. Đối với các quốc gia sản xuất được xếp vào nhóm nguy cơ cao, tỷ lệ kiểm tra hàng hóa tối thiểu hàng năm là 9% và kiểm tra nhà nhập khẩu là 9%; trong khi đó, với các quốc gia xếp loại tiêu chuẩn và thấp thì tỷ lệ kiểm tra hàng năm đối với nhà nhập khẩu tối thiểu lần lượt là 3% và 1% tương ứng và không cần phải kiểm tra hàng hoá. Hệ thống giải trình trách nhiệm không cần thực hiện các bước về xác định rủi ro và xây dựng biện pháp khắc phục đối với sản phẩm đến từ quốc gia sản xuất được phân loại rủi ro thấp. Gánh nặng trách nhiệm giải trình cũng như chi phí liên quan đến hoạt động kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan hữu quan EU sẽ giảm đi đáng kể khi quốc gia sản xuất được xếp vào nhóm nguy cơ thấp.

Hình 3: Mô hình trồng cà phê dưới tán rừng tại Hương Sơn, Hà Tĩnh là mô hình vườn rừng tương đối phổ biến nhưng có thể không đủ điều kiện theo EUDR.

Để phân loại quốc gia cho mục đích đảm bảo hàng hóa lưu thông không phá rừng, các tiêu chí sau đây được xem xét:

– Tỉ lệ mất rừng và suy thoái rừng;

– Tỉ lệ mở rộng đất nông nghiệp để sản xuất các hàng hóa liên quan; 

– Xu hướng sản xuất của các hàng hóa và sản phẩm liên quan. 

Các tiêu chí khác cũng được đưa vào, gồm có:

– Các thông tin do quốc gia sản xuất, chính quyền khu vực liên quan, nhà nhập khẩu, các tổ chức phi chính phủ hoặc bên thứ bao bao gồm các dân tộc bản địa, cộng đồng địa phương và các tổ chức dân sự liên quan đến phát thải và loại bỏ phát thải từ nông nghiệp, lâm nghiệp và chuyển mục đích sử dụng đất theo Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC);

– Các điều ước quốc tế mà quốc gia sản xuất ký kết với EU hoặc với nước thành viên của EU có điều chỉnh về phá rừng và suy thoái rừng và có tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ quy định của EUDR;

– Quốc gia sản xuất có hệ thống pháp luật, bao gồm cả việc tham gia các điều ước quốc tế, có thực thi pháp luật này một cách hiệu quả để giải quyết nạn phá rừng và suy thoái rừng, phòng tránh và xử phạt các hành vi dẫn đến phá rừng và làm suy thoái rừng, cũng như mức độ xử phạt phải đủ để tước đi các lợi ích từ việc phá rừng và gây suy thoái rừng;

– Quốc gia sản xuất có cung cấp dữ liệu minh bạch, và nếu có thể về sự tồn tại, tuân thủ và thực thi hiệu quả pháp luật bảo vệ quyền con người, quyền của các dân tộc bản địa, cộng đồng địa phương và những người nắm giữ quyền sở hữu rừng truyền thống khác;

– Các biện pháp trừng phạt quốc tế do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hoặc của Hội đồng EU  ban hành đối với xuất nhập khẩu các hàng hóa và sản phẩm là đối tượng của EUDR.

EUDR đã gián tiếp đặt lên các quốc gia sản xuất trách nhiệm giải trình liên quan đến thực thi pháp luật về chống phá rừng, giảm phát thải, bảo vệ môi trường, và quyền con người nói chung.

Ngay sau khi EUDR được ban hành vào ngày 16/5/2023, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng có hành động, cụ thể là là Bộ NN&PTNT đã gửi Công văn số 5179/BNN-HTQT đến các tỉnh yêu cầu triển khai Khung Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng EU, trong đó có các nội dung xây dựng, cập nhật, chia sẻ các cơ sở dữ liệu về rừng tự nhiên và vùng trồng trên bản đồ địa chính, xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với định vị địa lý cho các vườn trồng có sản phẩm là đối tượng của EUDR, triển khai cách tiếp cận cảnh quan phục vụ canh tác bền vững, bảo vệ tài nguyên và an sinh xã hội, áp dụng chứng chỉ bền vững cho cà phê, cao su, gỗ, và hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho nông dân đặc biệt là những người dân tộc sống xen kẽ trong rừng và tiếp giáp rừng, tăng cường công tác bảo vệ và quản lý rừng. Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Bộ NN&PTNT đã có những định hướng hỗ trợ cho người sản xuất liên quan đến việc xây dựng các cơ sở dữ liệu cần thiết. Tuy nhiên, trách nhiệm quốc gia còn rộng hơn như thế khi các tiêu chí phân loại của EUDR đòi hỏi không chỉ sự sẵn có của hệ thống pháp luật mà còn ở khả năng thực thi, cưỡng chế thực hiện và các biện pháp xử phạt hiệu quả để ngăn ngừa phá rừng và suy thoái rừng.

Quay ngược trở lại với yêu cầu trách nhiệm giải trình liên quan đến sự tuân thủ pháp luật có liên quan, mặc dù nghĩa vụ thuộc về tất cả những ai tham gia vào chuỗi cung ứng, nhưng khi pháp luật được đảm bảo thực thi và Nhà nước triển khai được một cơ chế quản lý nhà nước hiệu quả cho mục đích này, thông tin về sự tuân thủ sẽ được thu thập thuận lợi hơn và có tính tin cậy hơn. Có thể nói EUDR còn gián tiếp đặt lên các quốc gia sản xuất trách nhiệm giải trình liên quan đến thực thi pháp luật về chống phá rừng, giảm phát thải, bảo vệ môi trường, và quyền con người nói chung.

Thích ứng với EUDR

Thích ứng với EUDR có khó không và khó đến mức độ nào? Có lẽ còn quá sớm để đi đến câu trả lời khi mà Ủy ban châu Âu vẫn chưa ban hành các hướng dẫn cũng như hoàn thành danh mục phân loại quốc gia sản xuất theo nguy cơ rủi ro (trong thời gian này, nguy cơ tiêu chuẩn được áp dụng chung).

Tuy nhiên, Việt Nam không phải quá xa lạ với các yêu cầu liên quan đến truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm giải trình ở cả cấp chính phủ lẫn người sản xuất. Từ trước khi EUDR được ban hành, tham vấn giữa EU và các cơ quan hữu quan Việt Nam đã được thực hiện và quá trình này vẫn tiếp tục. Các hỗ trợ kỹ thuật từ phía EU để thích ứng với EUDR cũng đã diễn ra. Sự hợp tác, và cũng chính là tinh thần của EUDR, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc phân loại nguy cơ đối với quốc gia sản xuất, thúc đẩy các sự công nhận tương đương liên quan đến các thông tin chứng minh không phá rừng và sự tuân thủ pháp luật của sản phẩm, chia sẻ cách tiếp cận của Việt Nam về pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật. 

Trước đây, vào tháng 10/2020, Mỹ khởi xướng điều tra gỗ và đồ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam dựa trên nghi ngờ là gỗ đã được nhập khẩu và sử dụng ở Việt Nam cho sản xuất, có nguồn gốc từ  thu hoạch và buôn bán bất hợp pháp. Vào thời điểm đó, Việt Nam đã là thành viên của CITES, công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã, và đã có một hệ thống pháp luật để thực hiện cam kết quốc tế, điều chỉnh về nguồn gốc xuất xứ của gỗ nhưng hệ thống pháp luật đó chưa đủ để kiểm soát gỗ nhập khẩu. Cuộc điều tra của Mỹ kết thúc và không một biện pháp trả đũa nào được áp dụng với gỗ và đồ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam khi hai nước đạt được thỏa thuận về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp vào tháng 10/2021. Một số các cam kết của Việt Nam là không để gỗ tịch thu của Việt Nam đi vào chuỗi cung ứng; tăng cường kiểm soát, kiểm tra gỗ nhập khẩu, tăng cường hợp tác với các nước xuất khẩu nguyên liệu để kiểm soát gỗ nhập khẩu vào Việt Nam… Kinh nghiệm từ vụ việc này và kết quả đàm phán đạt được góp phần tăng cường năng lực quản trị của Chính phủ  Việt Nam trong việc thực thi pháp luật và thực hiện các cam kết quốc tế, và quan trọng hơn cả là làm cho gỗ lưu thông trên thị trường Việt Nam nói chung trở nên minh bạch hơn về nguồn gốc.

Về phía người sản xuất cao su, cà phê, gỗ, việc sản xuất tuân theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế để có giấy chứng nhận, nâng cao giá trị của hàng hóa đã không còn là công việc mới mẻ. Được chứng nhận tuân thủ các tiêu chuẩn có lẽ sẽ làm giảm bớt gánh nặng xây dựng, duy trì hệ thống trách nhiệm giải trình và lập báo cáo theo EUDR. Các chứng chỉ cho cà phê bền vững phổ biến ở Việt Nam có thể kế đến  như Thương mại công bằng (Fairtrade), Hữu cơ (Organic), Liên minh Rừng mưa (Rainforest Alliance), Utz certified. Các chứng chỉ này nói chung đều yêu cầu về hệ thống quản lý và ghi chép tài liệu; y tế và an toàn sức khỏe; điều kiện lao động; sử dụng và quản lý hóa chất; bảo vệ đất; quản lý chất thải; bảo vệ nguồn nước; bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Những nội dung này đều có mối liên hệ hữu cơ với các yêu cầu về tuân thủ pháp luật liên quan trong EUDR.

Ngoài ra, Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) được ký kết ngày 19/10/2018 sau sáu năm đàm phán, tạo ra sự ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU. Do đó, đối với gỗ và các sản phẩm gỗ; bao gồm cả gỗ từ rừng tự nhiên và rừng trồng, gỗ tịch thu, gỗ vườn nhà, gỗ cây phân tán và gỗ cao su khi xuất vào thị trường EU bắt buộc phải có giấy phép FLEGT. Ngoài ra, các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đã có chứng nhận FSC như: FMC; CoC và FSC-CoC/CW với các yêu cầu khắt khe dựa trên bộ 10 nguyên tắc thì EUDR lại là cơ hội để gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU, trong lúc nhiều quốc gia phản đối EUDR.

***

EUDR đặt ra thêm các thách thức nhưng cũng là cơ hội để người sản xuất, doanh nghiệp tái cơ cấu theo hướng minh bạch, có trách nhiệm, hướng tới phát triển bền vững. Có lẽ nhà sản xuất, khâu đầu tiên cung cấp nguyên liệu thô trong chuỗi cung ứng, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu họ là hộ tiểu điền. Các vấn đề mà họ gặp phải ở Việt Nam trước tiên là định vị địa lý cho thửa đất của mình và bảo đảm quyền sử dụng đất hợp pháp. Các đối tác kinh doanh của các hộ tiểu điền sẽ hỗ trợ tích cực để họ thu thập được các thông tin có yếu tố kỹ thuật. Nhưng họ sẽ phải dựa vào rất nhiều các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương để có thêm các thông tin cung cấp cho hệ thống trách nhiệm giải trình, từ các thông tin kỹ thuật như định vị địa lý, bằng chứng không phá rừng qua ảnh vệ tinh mà cán bộ địa phương có thể đóng vai trò người hỗ trợ và truyền thông, cho đến các thông tin đất chứng minh được yếu tố này, các thông tin về quyền sử dụng đất hợp pháp mà một hệ thống thông tin địa chính được kỳ vọng phải cung ứng được.

Ở tầm quốc gia, nhà nước có một trách nhiệm to lớn trong việc đàm phán để đạt được sự công nhận về tính kết luận và có thể xác minh được của các thông tin mà người sản xuất cung cấp trong hệ thống trách nhiệm giải trình và báo cáo của họ. Nhà nước đóng vai trò chủ chốt trong việc đạt được mức phân loại rủi ro ở nguy cơ thấp để giảm bớt các chi phí và gánh nặng chứng minh của tất cả các bên tham gia trong chuỗi hệ thống trong phạm vi quyền tài phán của mình.

Với chiều dài thời gian và bề dày kinh nghiệm trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nông lâm sản như gỗ, đồ gỗ, cao su, cà phê của Việt Nam đến các thị trường lớn như Mỹ và EU, EUDR có thể được xem như đặt ra thêm các yêu cầu mới và tăng chất lượng của các yêu cầu. Những đòi hỏi về chống phá rừng, phát triển bền vững cho sản phẩm trong chừng mực nào đó đã và đang từng bước đáp ứng được nhưng sự lồng ghép về bảo đảm quyền con người sẽ cần phải có thời gian để quan sát và điều chỉnh, kể cả đàm phán để tránh khả năng Việt Nam không được xếp vào các nước có nguy cơ thấp.□

*Bổ sung thêm so với bản in

—–

Chú thích

1 Quy định (EU) 2023/1115 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng ngày 31/5/2023 về việc cung cấp vào thị trường Liên minh và xuất khẩu từ Liên minh một số mặt hàng và sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng và suy thoái rừng và bãi bỏ Quy định (EU) số 995/2010.

2 Xem Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 quy định về bản đồ địa chính tại khoản 2 Điều 18.

3 Xem Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Điều 6.

4 Xem Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về xây dựng, quản , khai thác hệ thống thông tin đất tại Điều 10, 11.

5 Xem tại https://baochinhphu.vn/ho-so-cap-so-do-khong-yeu-cau-the-hien-toa-do-lo-dat-102221216132405084.htm# truy cập ngày 01/7/2024.

6 Xem thêm https://www.weforum.org/agenda/2024/03/eu-human-rights-environment-due-diligence-supply-chains/, truy cập ngày 01/7/2024.

7 Thông tư liên tịch số 22/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2016 quy định loại cây lâu năm được chứng nhận quyền sở hữu. 

Bài đăng Tia Sáng số 13/2024

Authors

(Visited 162 times, 1 visits today)