Tung cánh trời xanh
Đại khái Thế giới loài cây thật là phong phú. Riêng về hoa hồng thôi, một khu vườn nhỏ ở một thị trấn ở ngoại ô Paris đã sưu tập được tới hơn 3000 loại!
Bây giờ mà người ta giao cho chúng ta bịa ra 3000 cái tên để gọi chúng, mà gọi xong thì phải nhớ, nhớ rồi thì phải nhận diện được các loại hoa đó, chứ chưa cần phải nghiên cứu kĩ lưỡng về chúng, là chúng ta « chết ». Người Việt ta quen nghĩ to mãi rồi, “đại khái” kinh niên rồi.
Bản thân chữ “đại khái” cũng được chúng ta dùng rất… “đại khái” : “đại khái” không phải là « tổng quan », không phải là chiết ra được « những đặc tính căn bản », mà là lơ tơ mơ trong giấc mơ ban ngày.
Rối rắm
Mặt bên kia của đại khái, là rối rắm.
Ngành ngoại giao dùng chữ “công hàm”, người thường nghe thấy phát khiếp, thật bí hiểm. Khi xem văn bản chữ Pháp chẳng hạn, thì nó chỉ là « note », là một « biên bản » mà thôi.
Trước những tình huống căng thẳng trên thế giới, Liênhiệpquốc phải thảo luận chán chê, rồi đưa ra các kiến nghị mang tên « giải pháp », « résolutions ». Chúng ta nhất định gọi các « giải pháp » này là « nghị quyết », cho nó thỏa mãn cái thói quen xuất lệnh của chính mình.
Ngay trong toán học ta có thể xây dựng phép ứng chiếu. Ví dụ ta định nghĩa một đặc tính của phép ứng chiếu « cộng » là như sau : áp dụng phép ứng chiếu « cộng » vào hai tham số, số n bất kì và số 0, thì ta sẽ có kết quả của phép ứng chiếu là bản thân số n. Kí hiệu: cộng(n,0)=n, hay đơn giản: n+0=n. Thay vì gọi « phép ứng chiếu » (hay tên gọi nào đó tương đối rõ ràng như thế), ta gọi nó là hàm số, cá sấu hay cá mập nghe thấy cũng lạnh răng. Chuyện này cũng may là chỉ giới hạn trong mấy nhà toán học, những người dẫu sao cũng có vẻ ít ỉ eo nhất trong giới sĩ phu.
Lây lan
Sự đại khái-rối rắm lây lan khắp các lĩnh vực.
Quan hệ giữa các nước, thân thiện, bạn bè là đủ. Riêng một vài nước ta xếp là diện « anh em », tuy không có văn bản luật định nào chỉ rõ. Và trong quan hệ anh em đó, ai là anh, ai là em thì lại càng rối rắm. Với các nước có truyền thống Khổng giáo hóa, hãy dè chừng nhé: Khổng giáo đòi em phải tuân theo anh, anh đương nhiên có quyền trị em.
Thế rồi với cùng một chính khách, ngay trong cùng một bài báo, phía trên thì gọi ông bà, ở giữa có lúc bỗng dưng gọi đồng chí, cuối bài lại quay về ông bà.
Rất nhiều các đảng trên thế giới mang tên gọi « socialiste », nếu ta cảm giác « thân » thì gọi là « xã hội chủ nghĩa », « không thân » thì lại gọi là « xã hội », không thích thì gọi là « xã » không thôi. Cũng không có văn bản nào qui định rõ mức thân. Vả lại cái tên gọi của người ta thì đâu phải là cái quyết định khen thưởng hay quyết định kỉ luật của chính mình ban ra cho họ.
Không cần phải kể mãi nữa về những xộc xệch rối rắm này.
Tất cả những câu chuyện này đặt ra câu hỏi, rằng liệu có những căn rễ sâu xa gì trong nghiệm sinh của cộng đồng chúng ta hay không trong mối liên quan đến cái chứng « đại khái–rối rắm »? Tôi giả định là có.
Tư duy tạm bợ
Do hoàn cảnh lịch sử tự nhiên mà cộng đồng chúng ta đã phải sinh sống hàng ngàn năm bên cạnh người láng giềng khổng lồ, nhiều mặt phát triển hơn ta. Đó là một trong những nguyên nhân đẻ ra cái tâm thức : chuyện gì phức tạp chết người, đã có « người khác » lo và nghĩ hộ rồi, chúng ta chỉ cần nhanh mắt, nhanh tay « vận dụng linh hoạt » mà thôi. Thậm chí người Việt nào muốn suy nghĩ bàn thảo kĩ lưỡng sâu xa hơn về các nền tảng tinh thần của cộng đồng thì có thể họ sẽ được cộng đồng xếp loại là « dở hơi », « có vấn đề », « sinh sự »…
Việc có « người khác » lo và nghĩ hộ rồi, đã tạo nên một nền tảng tâm thế tư duy tạm bợ, được lúc nào, hay lúc ấy. Nền học thuật, và đến cả chữ nghĩa, cũng luôn luôn phải đi vay đi mượn, sĩ phu tra chữ nhìn nhau nửa tin nửa ngờ, điều đó càng làm cho cái nền tảng tâm thế tư duy thêm lôi thôi xộc xệch.
Tư duy có đặc điểm riêng : càng không đào sâu suy nghĩ, càng thiếu nền tảng, thì càng phải giáo điều thủ cựu, để mà tự trấn an. Không tự xây dựng được chỗ để đứng, thì phải bám, phải víu. Và khi đã bám, víu, thì dù mặt ngoài có giáo điều thủ cựu đến đâu đi nữa, ở sâu thẳm bên trong người ta vẫn không thể có được niềm tin mãnh liệt vào chính mình. Lúc gặp khó, « có bệnh, vái tứ phương », chứ không tự tìm cách chữa chạy dài lâu, bền vững cho chính mình. Lúc tai qua nạn khỏi, lại nhởn nhơ, riêng mình nhất thiên hạ, cho bõ những cơn lo lắng kinh niên.
Trời xanh rộng mở hôm nay
Ngày hôm nay, một cơ hội mới chưa từng có đã mở ra cho chúng ta: toàn cầu hóa!
Công cuộc toàn cầu hóa hôm nay thật là mạnh mẽ, thật là toàn diện : tiền vốn, lao động, khoa học, công nghệ, thương mại, pháp lý, văn hóa, quân sự, chính trị, xã hội, quyền làm người… Nếu các nước đã phát triển buộc phải lo âu nặng nề trước toàn cầu hóa, do bị cạnh tranh ráo riết từ toàn thế giới, thì ngược lại, đây là cơ hội tuyệt vời cho các nước đang đi lên.
Cơ hội này cần phải được khai thác thật bài bản, thật triệt để, thật khéo léo, và thật tốc độ. Nền độc lập theo lý tưởng cổ truyền « nghênh ngang một cõi biên thùy », là ảo ảnh. Thay vào đó, sự thâm nhập hợp tác cố kết vào thế giới quanh ta là điều phải làm bằng được, để có được bình ổn, có được cân bằng, có được hạnh phúc, có được tự do.
Ngày hôm nay các nước « vừa và nhỏ », nói về thế và lực, thay vì bị trói buộc trong các mối liên hệ lệ thuộc 1-1 đối với các « trung tâm quyền lực » cổ truyền, thì họ đã có cơ hội thực sự để hình thành mối liên hệ 1-n (n lớn hơn 1) với các « trung tâm quyền lực». Hơn thế nữa, thời điểm cho các mối liên kết ngang bình đẳng-cộng sinh giữa các nước vừa và nhỏ, đặc biệt là giữa các nước trong cùng khu vực, tỉ dụ như ASEAN, chưa bao giờ tỏ ra thuận lợi, hữu hiệu, và đầy hứa hẹn đến như thế. Có thể nói đây là lần đầu tiên đất nước chúng ta mở suy nghĩ đi tìm bạn bè đồng trang lứa.
Cơ hội có tính chất thời đại này là lúc để chúng ta cất cánh. Cất cánh về mọi mặt.
Để thoát khỏi cái nền đại khái và lơ mơ, cái nền lo âu và thủ cựu.
Cơ hội không chờ người. Chỗ tốt không biết chờ người đến muộn. Đến muộn thì cơ may đã lên men thành ra nạn họa.
Đàn chim Việt đã tập bay cả ngàn năm trong cái vòng bay eo hẹp quanh co của khu vườn xưa cũ.
Hôm nay, là lúc để tung cánh.
Tung cánh trời xanh./.