Tuyển sẽ thành thi biến tướng?

Nhân đề án đổi mới tổng thể thi và tuyển sinh vừa được Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) công bố, Tia Sáng đã có cuộc mạn đàm về vấn đề này cùng PGS.TS. Trần Ngọc Vương, giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội.


Ông đánh giá thế nào về chủ trương nhập hai kì thi tốt nghiệp PTTH và tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng thành một?
Thi tốt nghiệp phổ thông đặt ra những chuẩn yêu cầu mang tính đại chúng, liên quan đến đại đa số người đi học còn thi tuyển sinh vào đại học và cao đẳng, trong thực tế chỉ liên quan đến 1/10 số thí sinh ra khỏi nhà trường phổ thông hằng năm. Hàng chục năm vừa rồi số vào được các trường cao đẳng đến đại học chỉ là 1/10. Vậy thì có chuyện là anh dùng chuẩn đại trà có đánh giá được chuẩn có tính lựa chọn và cạnh tranh? Tốt nghiệp phổ thông không ai định tỉ lệ trước nhưng giáo dục chuyên nghiệp thì định tỉ lệ, định chỉ tiêu đào tạo. Vả lại ngưỡng tuyển sinh vào đại học, cao đẳng lại có sự phân hóa cực kì lớn theo đặc thù từng trường. Như vậy không thể đem hai cái chuẩn so với nhau. Đó là hai đại lượng không thể so sánh. Thế nên không thể gộp hai cái làm một. Ngày xưa, để chọn người làm quan, làm vua, người ta cũng đã phân ra những tiêu chí khác nhau. Người làm quan to thì có thể “tiểu sự hồ đồ đại sự bất hồ đồ”. Người làm quan nhỏ thì không thế. Có anh có năng lực giải quyết những chuyện cao cấp nhưng giải quyết những chuyện bình thường thì cũng chỉ như người thường thậm chí là kém hơn. Đó là chuyện bình thường. Điều đó chứng tỏ người xưa ý thức rõ về các chuẩn mực còn ta thì hình như chưa.

Nhưng có lẽ trong dự kiến, Bộ cũng đã tính đến điều này. Chẳng hạn, Bộ cho phép các trường quyết định môn nhân hệ số hoặc môn năng khiếu.

 

Trong dự án công bố trên báo chí, tôi thấy nhiều vấn đề cơ bản của thi cử vẫn chưa được giải quyết một cách cơ bản. Liệu việc nhân hệ số một số môn có cho phép tìm được những học sinh có một số năng lực nào đó vượt trội? Rồi hàng loạt vấn đề tồn tại từ kì thi trước cho đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Liệu có tiếp tục diễn ra tình trạng có những học sinh thi ba môn được 26,27 điểm thì trượt đại học trong khi đó có những học sinh chỉ được 16,17 điểm thì được quyền học đại học? Vì sao? Vì anh thả nổi hệ thống tuyển sinh đại học. Điểm thi tốt nghiệp thì bị “nắm”, là một thứ pháp định. Trong khi đó, việc tuyển sinh của các trường đại học thì lại không thể nắm được vì họ tự chủ. Anh không thể bắt trường này phải nhận đối tượng được chừng này điểm tốt nghiệp, trường kia nhận đối tượng được chừng kia điểm. Cùng lắm anh chỉ quyết định được một cái gọi là điểm sàn. Còn lại, mỗi trường sẽ tuyển theo cách của họ.

Mô hình này còn có những nhược điểm gì nữa, thưa ông?
Trong thực tế, mọi kiểm định chất lượng giáo dục của ta đều mới chỉ đi những bước chập chững đầu tiên. Bây giờ nếu giao cho Cục khảo thí quản lí chất lượng của cả kì thi quốc gia thì họ có thể làm được không? Chắc chắn không.  Cuối cùng thì kì thi sẽ được giao về cho địa phương. Về địa phương thì sẽ thấy việc người ta tác động đến kết quả là điều cực kì dễ dàng có thể xảy ra.

Vậy là mô hình “ghép” thì hay nhưng có lẽ là khó khả thi?
Mô hình đúng hay không đo bằng việc anh có thể hiện thực hóa được hay không. Nếu mà về lí thuyết anh bị phản biện liên tục trong khi đó về thực tiễn anh có thể không thể thực hiện được thì làm sao có thể gọi là mô hình đúng được? Cần phải nhớ rằng đây không phải là lí thuyết trừu tượng mà là tương tác xã hội cụ thể. Tôi không chấp nhận lối diễn đạt theo kiểu nó đúng nhưng nó không thể thực hiện được mà phải nói là vì nó không thể thực hiện nên nó không đúng. Cần nói như triết học Mác xít là “thực tiễn là thước đo của chân lí”. Đúng hay không là do kết quả thực tiễn quy định. Tôi không bàn chuyện mô hình lôgích hình thức. Tôi không thách thức. Tôi chỉ là người tiếc tiền của mồ hôi của nhân dân. Giáo dục của chúng ta đã thí nghiệm quá nhiều rồi.

Vậy ông cho đó là một thí nghiệm quá không an toàn?

Gộp hai kì thi thì sẽ đẻ ra hàng chục kì thi khác. Đó chính là cơ hội để tính tự phát và tùy tiện phát triển. Dù có bỏ đi một kì thi thì nhu cầu tuyển sẽ vẫn còn và thế thì tuyển sẽ thành thi biến tướng. Và đó sẽ là mảnh đất cho tính tự phát và tùy tiện phát triển. Hơn nữa, nếu tuyển thì dựa vào cái gì để tuyển. Học bạ, bảng điểm phổ thông? Nếu ở những địa phương người ta làm học bạ giả, các trường có tuyển không? Đến những chuyện thiêng liêng như hồ sơ thương binh mà còn bị làm giả hàng nghìn bộ thì sá gì học bạ phổ thông? Đó là chuyện phải nói cho dứt khoát.

Rất không an toàn. Trước khi tiến hành phải có những phép thử cục bộ. Ai được phép đánh giá kiểm định, có đủ tư cách và năng lực không, và sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào. Rồi sự phân quyền giữa quản lí nhà nước và quyền tự chủ của đại học đến đâu. Phải có một sự phân loại đại học để có chính sách cụ thể cho từng trường, thậm chí có những ngành học phải có ưu đãi đặc biệt với sự trợ giúp của nhà nước. Trong những vấn đề đó, nhà nước phải chủ động điều tiết. Phải phân loại các trường và giải một loạt bài toán mà hiện nay là những mâu thuẫn tai hại : những khoa thuộc những ngành đòi hỏi chất lượng sinh viên cao nhất thì điểm tuyển sinh lại rất thấp, nếu không muốn nói là thấp nhất.

Nhưng chúng ta cũng thừa nhận rằng là nói gì thì nói, đại học sẽ vận hành theo một cơ chế thị trường với những trường, những ngành học mà có bắt học sinh cũng không vào. Ông nghĩ sao về điều này?
Giáo dục bị chi phối và tất yếu sẽ bị chi phối bởi tính thị trường. Nhưng giáo dục khi đã là một thực thể có chủ thể quản lí và điều khiển thì nhu cầu về tính tự giác và tính tiên liệu trước lại là yêu cầu bắt buộc. Ví dụ. Nếu anh để cho tự phát thì đến bao giờ có công nghệ hạt nhân, thiên văn học, triết học và kinh tế học?

Ngoài ra, chuyện gộp hai kì thi còn có chuyện áp dụng thi trắc nghiệm cho tất cả các môn, ông nghĩ thế nào về hình thức thi này?
Về vấn đề trắc nhiệm, cứ lấy ví dụ như thế này, một học sinh trung bình yếu nghĩa là có thể làm chắc chắn được khoảng 4 điểm trên 10. 6 điểm còn lại, cứ làm trắc nghiệm theo xác suất là có thêm được 2 điểm nữa. Vậy là có số điểm là 6/10. Vậy là trắc nhiệm sẽ đẩy chất lượng thực lên cao. Vấn đề thứ hai, thi trắc nhiệm có bảo đảm rằng đáp án thi là đáp án đúng duy nhất không? Ví dụ, một câu hỏi ngoại ngữ, chọn một trong ba từ, nhưng người học không biết cả ba từ, trong khi đó anh ta lại biết một từ đồng nghĩa với đáp án đúng, vậy trường hợp này tính sao? Từ đó sẽ thấy đáp án là quay về với triết lí của bộ đề thi trước đây, chỉ chọn đáp án có sẵn, không cho phép mọi sự sáng tạo. Anh có bảo đảm rằng đáp án là chắc đúng và không có khả năng khác cũng đúng không? Và nếu học sinh nhìn thấy khả năng không có trong đáp án đó thì sao? Tóm lại, trắc nghiệm không phải là chìa khóa vạn năng. Nó có ưu điểm nhưng ưu điểm ấy chỉ phát huy được khi kết hợp với thi tự luận theo một tỉ lệ hợp lí.

Qua chuyện dự án thi cử này, theo ông vấn đề lớn của hệ thống giáo dục của chúng ta là gì?
Cho đến nay, các cuộc đóng góp ý kiến về giáo dục chỉ có tính chất là những cuộc tham khảo ý kiến theo kiểu không có không được mà những người làm công tác điều hành bắt buộc phải tiến hành mỗi khi triển khai một công việc nào đó. Chính vì những thứ “không có không được” ấy mà người ta tổ chức ra Hội đồng Quốc gia giáo dục, tổ chức ra các hội thảo, nhưng lại thiếu một cơ chế đối thoại thực sự giữa những nhà giáo có tri thức, kinh nghiệm với các nhà quản lý về các vấn đề giáo dục. Đó chính là vấn đề.
Xin cảm ơn và mừng ông nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

          PV

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)