Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp KH&CN: Biết đến bao giờ?

Nhà nước cần đưa ra các ưu đãi hào phóng về thuế dành cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) không chỉ để ghi nhận mà để thúc đẩy khối tư nhân đầu tư cho đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ giải quyết những bài toán về kinh tế, xã hội của đất nước. Nhưng gần 15 năm trôi qua, ưu đãi đó vẫn quá khó thành hiện thực.

Sau nhiều nỗ lực hằng năm chứng minh rằng doanh thu từ những sản phẩm sinh ra từ các nghiên cứu khoa học chiếm một tỉ lệ nhất định trên tổng doanh thu với Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp cuối cùng đã được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN. 

Ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp KH&CN được quy định lần đầu tiên trong nghị định 80 của Bộ KH&CN vào năm 2007. Trong đó, nếu doanh nghiệp chứng minh được doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ lần lượt đạt ít nhất 30%, 50% và 70% trong năm thứ nhất, năm thứ hai và năm thứ ba trở đi, thì họ sẽ được miễn thuế 4 năm, giảm thuế 9 năm và được hưởng thuế suất 10% trong 15 năm hoặc thậm chí suốt đời dự án. 
Thế nhưng, cơ quan thuế tuyên bố rằng doanh nghiệp đã được hưởng ưu đãi thuế đối với dây chuyền, nhà xưởng…mà họ sẽ dùng để sản xuất các sản phẩm khoa học công nghệ kia rồi. Vì vậy, họ sẽ không được hưởng ưu đãi nữa. 

Không ai nên được hưởng hai lần với cùng một dự án đầu tư cả. Đó là lập luận của cơ quan thuế, nhưng khoan đã, doanh nghiệp được ưu đãi cho những cơ sở vật chất vì nhà nước muốn thu hút họ vào các địa bàn và lĩnh vực nhất định. Đó là một chuyện. Tuy nhiên, sau khi đầu tư như vậy rồi, họ lại mất nhiều công sức và nguồn lực tạo ra một công nghệ mới để sản xuất được nhiều sản phẩm hơn, chất lượng tốt hơn, với giá thành thấp hơn và nhanh hơn…lại là chuyện khác. Và đáng lẽ họ cần được ghi nhận cho điều đó. 

Có doanh nghiệp đã trình bày rằng, việc bị “cắt” ưu đãi thuế như vậy giống như họ mua hai tấm vé số, trúng thưởng ở hai tuần khác nhau nhưng khi nhận thưởng, công ty sổ xố lại lấy vé này trừ đi vé kia, hoặc nói rằng họ nhận tiền thưởng một vé là đủ rồi.

Nút thắt của vấn đề nằm ở việc cơ quan thuế chưa nhìn thấy, hoặc ít nhất là chưa công nhận những tài sản vô hình. Nhà xưởng lớn, máy móc hiện đại đều là thứ hữu hình dễ thấy, dễ đánh giá. Nhưng những know-how, những technique đằng sau, nói cách khác là “linh hồn” của những máy móc đó thì không mấy ai nhận ra. Chẳng hạn như, một công ty xây dựng trung tâm dữ liệu với dàn máy chủ hoành tráng thì dễ được cơ quan thuế thừa nhận, nhưng thuật toán để phân tích, nén và lưu truyền dữ liệu trên những máy chủ đó thì chưa chắc cơ quan thuế đã thấy khi đề cập đến việc ưu đãi. Trong khi, đó mới là thứ mà doanh nghiệp “đổ mồ hôi sôi nước mắt” để nghiên cứu, là “đổi mới sáng tạo” mà nhà nước vẫn cổ vũ nhiều năm nay. Công nghệ là thứ không dễ gì hình thành trong một sớm một chiều mà lên đến chục năm thử và sai, “nướng” nhiều tiền của và công sức của doanh nghiệp. Và kể cả khi tìm ra bí quyết rồi, doanh nghiệp cũng còn cần nhiều thời gian để hoàn thiện mới có thể thu lại được những gì đã bỏ ra. Ưu đãi thuế là để khuyến khích tư nhân đầu tư vào khoa học – công nghệ, dám dấn thân chấp nhận rủi ro, góp phần tham gia giải quyết những bài toán của kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trong hơn 300 doanh nghiệp khoa học công nghệ đã được công nhận trước năm 2019, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp được hưởng “hai tấm vé số” đó và cũng phải trải qua chặng đường “đấu tranh” vô cùng gian nan, phức tạp.   

Các cơ quan thuế rất e ngại việc doanh nghiệp trục lợi chính sách. Chính vì vậy, giải pháp an toàn là hạn chế những ưu đãi hết sức có thể, đòi hỏi doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách càng nhiều càng tốt. Nhưng thực ra, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khoa học công nghệ chỉ là “thả con săn sắt bắt con cá rô” đối với nhà nước. Khuyến khích để doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ, đúng là nhà nước có “thất thu” thuế thu nhập của doanh nghiệp đó trong một vài năm, nhưng sẽ nhanh chóng “lãi” một lượng thuế VAT lớn hơn gấp nhiều lần, vì công nghệ mới đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hơn, hấp dẫn hơn đối với thị trường. Hơn nữa, công nghệ đã được doanh nghiệp phát triển thành công rồi, đã được Bộ KH&CN chứng nhận rồi, đâu còn rủi ro gì nữa?  

Nhưng các cơ quan quản lý tài chính của nhà nước vẫn chưa thừa nhận điều đó. Việc ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khoa học công nghệ vẫn là sự thỏa hiệp câu chữ giữa các cơ quan này với Bộ KH&CN. Vào năm 2019, nghị định 13 của Bộ KH&CN ra đời với kì vọng có thể tháo gỡ được sự nhầm lẫn giữa những gì “vô hình” và “hữu hình” trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Nghị định này định nghĩa rằng, nghiên cứu khoa học không nhất thiết phải tạo ra sản phẩm mới mà có thể là một công nghệ mới, giải pháp mới trên một dây chuyền, nhà xưởng đã cũ. Đồng thời, cũng để giải tỏa mối lo ngại từ các cơ quan tài chính nhà nước rằng các doanh nghiệp sẽ lợi dụng chính sách, nghị định này không ưu đãi thuế trên tổng doanh thu của doanh nghiệp mà chỉ ưu đãi trên doanh thu của những sản phẩm, dịch vụ hình thành từ những nghiên cứu phát triển được chứng nhận mà thôi. (Nghĩa là doanh nghiệp càng nhiều sản phẩm dịch vụ xuất phát từ nghiên cứu khoa học thì càng được hưởng nhiều ưu đãi). Đồng thời, doanh nghiệp không được hưởng thuế suất 10% trong 15 năm như nghị định 80 nữa. 

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, có một quy định bất thành văn là, khi áp dụng luật ở lĩnh vực nào thì luật chuyên ngành ở lĩnh vực đó sẽ có giá trị cao nhất, các thông tư, nghị định khác sẽ có vai trò thấp hơn. Nói cách khác, khi nói đến ưu đãi thuế, luật thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ có giá trị tối thượng, khi nói đến các loại hình doanh nghiệp, luật doanh nghiệp sẽ là cơ sở soi chiếu đầu tiên. Nhưng đáng tiếc, trong cả hai luật này đều không đề cập đến doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ. Nói cách khác, ngoài Bộ KH&CN, các bộ khác chưa thừa nhận loại hình doanh nghiệp này.       

Đó là lí do mà trong hơn một thập kỉ qua, không có một ưu đãi riêng với doanh nghiệp khoa học công nghệ. Các văn bản của Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ có thể ghi rằng, doanh nghiệp khoa học và công nghệ được ưu đãi như “doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao” hoặc “như doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao” hay “như doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”. Dù thế nào, chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng chỉ là một cách “vận dụng” thông minh. Phía các cơ quan quản lý tài chính vừa không thể đánh giá về công nghệ, lại vừa ngại việc phải linh hoạt đối với những gì không được quy định trong luật chuyên ngành của mình. Câu chuyện ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ vì vậy, cứ rơi vào một vòng luẩn quẩn không có hồi kết. 

Kể từ khi nghị định 80 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ ra đời, đã có thêm tổng cộng bốn văn bản pháp luật nữa cùng quy định về ưu đãi cho loại hình doanh nghiệp này. Càng về sau, các ưu đãi càng “chặt chẽ” hơn. Để bóc tách và chứng minh tỉ lệ doanh thu các sản phẩm từ nghiên cứu khoa học với tổng doanh thu đạt 30% với cơ quan thuế là việc không hề đơn giản với mỗi doanh nghiệp, nhưng không gì nhụt chí hơn là chứng minh xong lại không mang lại được ưu đãi gì.  
Lối ra duy nhất cho điều này là doanh nghiệp KH&CN ít nhất phải có chỗ đứng trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, con đường vận động chính sách sẽ còn nhiều chông gai khi luật này đã có ít nhất ba lần điều chỉnh từ năm 2008 nhưng vẫn chưa thừa nhận doanh nghiệp KH&CN. 

Doanh nghiệp có thể thuyết phục, đấu tranh, thậm chí là kiện các cơ quan tài chính để đòi quyền lợi. Nhưng vừa qua, Thông tư 03 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 13 dường như lại khiến tia hi vọng nhỏ nhoi này cũng vụt tắt. Văn bản này cũng khẳng định rằng, nếu doanh nghiệp đã và đang được hưởng bất kì một chính sách ưu đãi thuế nào khác khi được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ, thì họ cần lấy “thời gian của ưu đãi này trừ thời gian của ưu đãi kia”. Nói cách khác, cuối cùng, dù trúng thưởng “hai tấm vé số”, doanh nghiệp cũng không được hưởng cả hai. □

 

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)