Vài đề xuất cho giao thông trên quốc lộ và trong thành phố

Trong khi hiệu quả của các “dự án” hoặc “siêu dự án” giao thông quốc lộ đối với xã hội còn xa mới đạt mức trung bình thì các giải pháp được đề xuất nhằm khắc phục tình trạng tắc nghẽn ngày càng trầm trọng ở Thủ đô lại đang trở nên “nhàm chán”.

Quốc lộ kiểu… đường thị tứ

Không ai phủ nhận tác dụng của Quốc lộ 5 nối Hà Nội-Hải Phòng đối với thành công thời mở cửa của Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ hơn 10 năm sau khánh thành – con số rất nhỏ bé so với tuổi thọ của một xa lộ, con đường huyết mạch nối Thủ đô với thành phố Cảng nhộn nhịp nhất miền Bắc, đã trở thành một kiểu đường thị tứ với trung bình cứ 2km đường thì có một đoạn hạn chế tốc độ <=50km/giờ. Điều này lý giải tại sao quãng đường chỉ tròm trèm 100km mà một xe con chạy nhanh cũng phải mất 2 giờ!

Chạy trên Đại lộ Thăng Long với tốc độ 90km/h và hầu như vắng tanh vắng ngắt cả năm nay, những người lái xe không khỏi ao ước giá như quốc lộ 5 cũng được như vậy.

Và cũng giá như, Hải Phòng trở thành một thành phố vệ tinh của Thủ đô với quốc lộ 5 nối liền như Đại lộ được liệt vào hàng hiện đại nhất của Việt Nam kể trên thì chắc chắn bộ mặt kinh tế của toàn bộ đồng bằng Sông Hồng đã có những thay đổi thần kỳ chỉ trong một vài năm.

Với đúng khoảng cách từ Sân bay Quốc tế về Thủ đô Bangkok như từ Nội Bài về Hà Nội, chưa đầy 10 năm, người Thái đã hoàn thiện bằng việc nâng cấp từ xa lộ thông thường bán và xé vé như của ta hiện nay bằng một xa lộ 2 tầng cực kỳ hiện đại!

Suốt chiều dài từ Nội Bài về Hà Nội, không hề có cầu vượt dân sinh cho các làng mạc bị con đường này phân cách làm hai nửa. Cũng như vậy, khi Quốc lộ 5 trở thành đường thị tứ với quá nhiều giới hạn <=50km/h thì việc xuất hiện quá muộn của những cây cầu vượt dân sinh đã trở nên lỗi thời. Có thể người đề xướng làm cầu vượt cho đường 5 không biết rằng thay vì làm cầu vượt vào thời điểm này, họ nên “tháo khoán” việc chính thức mở thêm các ngã tư, ngã ba với việc bố trí hệ thống tín hiệu giao thông đầy đủ (đèn đỏ-đèn xanh) cộng với làn đường dành cho người đi bộ, thay vì cứ chăm chăm làm rào ngăn thêm kiên cố, thì thời gian chạy xe từ Hà Nội đi Hải Phòng không những không bị chậm hơn so với hiện nay mà chắc chắn rằng con số tai nạn giao thông cũng sẽ giảm đi rất nhiều vì sẽ không còn cảnh trẻ em, phụ nữ và các cụ già trèo qua dải phân cách rất cao bất kể giờ nào.

Ùn tắc trong phố – sao không đánh chặn từ xa?

Hãy bỏ qua mọi yếu tố mang tính cơ sở hạ tầng như đường rộng, phân làn đúng hay sai, kể cả yếu tố của phương tiện tham gia giao thông như số lượng ô tô đang bị “lên án” như hiện nay, hay như con số khổng lồ về số lượng xe máy đang lưu hành tại Thủ đô; theo quan điểm của chúng tôi, lực lượng góp phần quan trọng trong giải pháp tình thế nhằm giảm thiểu và tránh ùn tắc giao thông tại Hà Nội là lực lượng dân phòng hoặc an ninh Phường-chúng ta gọi họ nôm na là lực lượng An ninh Giao thông Phường (ANGTP). Vì họ là những người sâu sát nhất và hiểu tường tận mọi lý do ùn tắc trên địa bàn của họ, do đó, việc huy động tối đa lực lượng này vào việc điều hành giao thông cùng CSGT chính là chìa khóa cho tình trạng ùn tắc hiện nay.

Sẽ có thắc mắc, luôn có lực lượng này tham gia mà ùn tắc vẫn luôn trầm trọng. Câu trả lời là chúng ta đã chỉ coi lực lượng này là hỗ trợ cho CSGT, và “công cụ” điều hành duy nhất mà họ có chỉ là những gậy gỗ được sơn thô thiển. Do đó, sự hiện diện của họ nhiều khi rất phản cảm trong con mắt người tham gia giao thông.

Trước tiên, chúng ta phải chính thức hóa nhiệm vụ của lực lượng An ninh Giao thông Phường. Về số lượng: Đội ngũ này phải được tăng cường một cách đáng kể (ít nhất gấp 5 lần hiện nay) với kinh phí trực tiếp được san sẻ giữa Quận+Đơn vị Giao thông Công chính Quận+phụ cấp từ Bộ GT-VT. Chắn chắn việc trả phụ cấp cho lực lượng này sẽ “rẻ” hơn so với việc bổ xung thêm lực lượng CSGT, cũng vì đôi khi, sự hiện diện trên mức cần thiết của lực lượng CSGT có thể phản tác dụng trong con mắt người tham gia giao thông. Việc cần thiết sau đó là trang bị cho lực lượng ANGTP những phương tiện tác nghiệp cần thiết, thí dụ như các thiết bị bộ đàm phục vụ việc “đánh chặn” ùn tắc từ xa.

Ở đây, có một yếu tố chuyên môn là dường như CSGT hiện nay chỉ giải quyết các điểm ùn tắc theo nghiệp vụ “tĩnh”. Vì rằng chưa thấy có một điểm ùn tắc nào được CSGT đứng đánh chặn từ xa. Cũng có thể vì lực lượng CSGT quá mỏng?! Nếu quả thực như vậy thì với con số dồi dào về ANGTP, họ sẽ làm được điều mà chúng ta gọi là “đánh chặn ùn tắc từ xa” rất hiệu quả bằng việc dùng bộ đàm liên hệ, thông báo cho nhóm thuộc ngã tư trước (sau) để ngăn (hoặc điều chỉnh luồng giao thông một cách cưỡng bức như tạm thời đi tắt qua đường một chiều), không cho người tham gia giao thông tiến xa hơn, làm trầm trọng thêm tình cảnh đang ùn tắc.

Tất cả những biện pháp này đều nằm trong tầm tay Bộ GT-VT. Nếu làm theo cách này, Bộ trưởng Bộ GT-VT sẽ có một đội ngũ rất tiềm năng và hiệu quả. Điều quan trọng hơn là do họ sâu sát thực tiễn địa phương, cũng vì họ không có quyền “sách nhiễu” người vi phạm và họ chính là con em của người dân tại phường nên mọi hành động của họ sẽ mang một sắc thái tình cảm và trước hết vì danh dự phường nơi họ sinh sống.

Nói như vậy nhưng lực lượng CSGT vẫn là chủ đạo, vì chỉ có các anh mới đủ trình độ đào tạo lực lượng An ninh Giao thông Phường, cũng chỉ các anh mới là những người liên kết các tụ điểm ùn tắc liên thông giữa các Quận khác nhau trong thành phố.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)