Vài lời “không dễ nghe”

Vừa là cộng tác viên, vừa là bạn đọc của Tia Sáng từ nhiều năm nay, theo tôi dấu ấn đậm nét nhất của Tia Sáng trong lòng độc giả chính là sự trung thực, thẳng thắn (đôi khi khá quyết liệt) mang tính phản biện của những bài viết về nhiều vấn đề rất thời sự của xã hội Việt Nam đương đại. Nhưng, nếu tôi không nhầm, có lẽ chưa có bài viết “gan ruột” nào đề cập đến những vấn đề của chính bản thân Tia Sáng. Vậy thì, nhân kỷ niệm 15 năm Tia Sáng, tại sao tôi lại không thử viết một bài như vậy?

Trong tay tôi là tờ Tia Sáng số 4, tháng 4/2001 – số kỷ niệm 10 năm thành lập. Những trang đầu tiên được dành cho những bài viết bày tỏ suy nghĩ của nhiều đối tượng độc giả khác nhau đối với Tia Sáng. Đọc lại những bài viết mình đã đọc rất kỹ cách đây 5 năm rồi quay trở về với thực tại, tôi bỗng cảm thấy bâng khuâng, lo lắng cho Tia Sáng khi nhìn về phía trước.

5 năm đã trôi qua, theo cảm nhận của riêng tôi, Tia Sáng vẫn chưa có dấu hiệu thật rõ nét cho thấy sự phát triển – ngoại trừ việc tăng kỳ (lên 2 số/tháng). Mặc dù có thể nói hiện tại chưa có một tạp chí của một bộ, ngành nào làm được như Tia Sáng (về khía cạnh tạo một diễn đàn nghiêm túc và cởi mở cho đội ngũ trí thức), nhưng để đạt được những gì mà người đọc kỳ vọng thì Tia Sáng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Thách thức đầu tiên, không chỉ đối với riêng Tia Sáng mà với cả các báo viết khác, đó là sự xuất hiện ngày càng đông đúc của làng báo điện tử. Với “sức chứa” thông tin gần như vô hạn, khả năng cập nhật thông tin và tương tác trực tuyến với độc giả hết sức nhanh nhậy,  báo điện tử ngày càng thu hút đông đảo người đọc, trước hết là những người có điều kiện tiếp cận với Internet như học sinh, sinh viên, các nhà giáo, các nhà khoa học.

Thách thức thứ hai, đó là về mức độ xã hội hóa còn thấp của Tia Sáng. Bản thân tôi đã kiểm nghiệm điều này qua thực tế: cùng viết về một chủ đề, nhưng khi đăng trên Tia Sáng tôi chẳng nhận được mấy phản hồi từ phía độc giả, trong khi đăng trên một tạp chí phổ thông hơn thì sau đó đã nhận được khá nhiều ý kiến chia sẻ của các đồng nghiệp (trí thức) ở cả 3 miền. Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là vì Tia Sáng chưa đủ sức hút (hoặc do tiếp thị kém) đối với đông đảo người đọc chứ không phải là chủ trương ‘kén độc giả” của tòa soạn. Bởi chẳng hay ho gì khi quanh đi quẩn lại chỉ mấy vị trí thức “cây đa, cây đề” viết cho nhau đọc, gật gù mãn nguyện vì có cơ hội “xả stress” mà không biết những ý kiến đầy tâm huyết và nhiều khi rất có giá trị của mình có được ai đọc hay không, có mang lại hiệu quả gì cho tiến trình đổi mới, phát triển của đất nước hay không? Các nhà lãnh đạo, quản lý thì bận trăm công nghìn việc nên nhiều khi chỉ “đọc báo” qua thư ký.  Các trí thức trẻ thì đang phải vật lộn với cuộc sống  “cơm áo, gạo tiền” đầy cạnh tranh và cạm bẫy, chả hơi đâu mà đọc các bài viết của các bậc cha, chú nếu các bài viết đó không đề cập trực tiếp đến những mối quan tâm rất thực tế của họ. Mà để đáp ứng mối quan tâm đó của thế hệ trí thức thời @ thì báo điện tử là phù hợp và hiệu quả hơn nhiều. Còn các đối tượng độc giả “bình dân” hơn (về vị trí trong xã hội, nhưng chưa chắc đã thua kém về tri thức) thì sao? Họ chẳng dại gì tự làm khổ mình với các bài viết toàn ở tầm vĩ mô mà chữ nghĩa lại hàn lâm với nhiều thuật ngữ cao siêu, thích hợp với các hội thảo khoa học chuyên ngành hơn là xuất hiện trên mặt báo. Hơn nữa, tính xã hội hóa của một tờ báo không chỉ được đánh giá từ góc độ độc giả mà còn từ góc độ người viết. Phải thừa nhận trên Tia Sáng đã hội tụ được rất nhiều các bậc trí thức nổi tiếng trong nước, nhưng hầu hết đó là những người còn sót lại của cái thời “nhân tài (khoa học) như lá mùa đông (chứ không được như lá mùa thu)”, nên hết sức quý hiếm, được trọng dụng và đã nổi tiếng trong nhiều thập kỷ qua như các giáo sư Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu, Nguyễn Văn Chiển, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự... Còn ngày nay thì khác rồi, nhân tài người Việt của nhiều thế hệ tiếp theo, chưa cần kể đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài, cũng đã không thể đếm xuể. Những thế hệ nhân tài mới này, về trí tuệ uyên bác chưa chắc đã hơn được các bậc cha, anh – nhưng những suy nghĩ của họ chắc chắn sẽ gần gũi với cuộc sống đương đại hơn, thực dụng hơn (theo nghĩa tích cực của từ này), phản ánh những xu thế đa dạng, hiện đại mang tính dự báo cho tương lai của chính họ. Đã có bao nhiêu khuôn mặt nhân tài thế hệ mới như vậy xuất hiện trên Tia Sáng? Quá ít! Trong khi các báo điện tử và cả các báo giấy khác đã hết sức quan tâm khai thác trí tuệ của đội ngũ này và họ đã làm không tồi. Bởi vậy, xã hội hóa sẽ còn là một thách thức “dai dẳng” đối với Tia Sáng.

Thách thức thứ ba, cũng có nguyên nhân từ thách thức thứ hai nói trên, đó là tính phản biện mà Tia Sáng luôn tự hào. Các nhà xã hội học gần đây đang nói rất nhiều đến khái niệm “nguồn vốn xã hội” (hay “nguồn lực xã hội”) được hình thành tính cộng đồng, tính dân tộc và từ niềm tin, quan tâm, ủng hộ của xã hội đối với thể chế chính trị hiện hành, tạo nên sức mạnh tinh thần cho sự phát triển của quốc gia. Nếu chấp nhận sự tồn tại một nguồn vốn như vậy thì chúng ta dễ nhận thấy rằng: nói chung, tính phản biện của một quan điểm nào đó thường chỉ có giá trị (tức có tác động tích cực đối với bộ máy công quyền, từ đó góp phần làm tăng nguồn vốn xã hội) nếu nó được sự đồng thuận, ủng hộ của đông đảo người dân. Nhưng liệu có được sự đồng thuận, ủng hộ như thế không nếu quan điểm đó chỉ được một số ít người biết đến? Trong khi trên các tờ báo có mức độ xã hội hóa cao hơn Tia Sáng như các báo điện tử, các nhật báo giấy các bài viết cũng có tính phản biện (không thua kém gì các bài trên Tia Sáng) đang xuất hiện ngày càng nhiều. Chưa nói đến cái “khó” của Tia Sáng: là một tạp chí của Bộ, nhận kinh phí từ Bộ (nên lẽ thường là phải “bảo vệ” Bộ, chỉ nói những điều “dễ nghe”?). Hy vọng rằng lãnh đạo Bộ cũng “thoáng”, thực sự coi Tia Sáng là một kênh thông tin có ích cả trên 2 chiều: từ Bộ đến xã hội (trước hết là giới trí thức) và ngược lại.

Đối với tôi, để Tia Sáng thực sự tỏa sáng còn rất nhiều việc phải làm. Không biết suy nghĩ chủ quan của tôi có đúng không, có ai chia sẻ không? Nhưng dù thế nào đi nữa thì tôi cũng không thể cứ một mình trăn trở, tôi cũng phải tìm “chỗ” để “xả stress” chứ? Và tôi đã “liều mạng” chọn ngay Tia Sáng để làm điều này, bởi tôi tin Tia Sáng đã quá quen với những những lời nói tâm huyết nhưng “không dễ nghe”. Và bởi tự đáy lòng mình, tôi yêu Tia Sáng, tôi mong rằng 5 năm sau chúng ta sẽ kỷ niệm 20 năm trong sự tỏa sáng rực rỡ của nó.                     

GS Nguyễn Thúc Hải

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)