Vai trò của năng lượng hạt nhân suy giảm
Báo cáo về Công nghiệp điện nguyên tử trên thế giới năm (World Nuclear Industry Status Report - WNISR) 2013 vừa được công bố cho thấy, ở nhiều quốc gia, năng lượng mặt trời và gió đang lấn át năng lượng hạt nhân.
Còn quá sớm để nói về sự suy giảm, nhưng những số liệu đã làm rõ: sản lượng điện hạt nhân trên thế giới liên tục giảm, so với năm 2006 là năm có công suất cao nhất, giảm 12%. Năm ngoái, với tổng sản lượng là 2.346 Terawatt giờ, các nhà máy điện nguyên tử đóng góp khoảng 10% tổng sản lượng điện trên toàn thế giới. Với thời hoàng kim những năm 1990, tỷ lệ này đã giảm đến 17%. Trong khi đó, điện mặt trời và điện gió đều có xu hướng tăng ở khắp nơi. Các nước Trung Quốc, Đức, Nhật Bản là ba trong bốn nền kinh tế hàng đầu thế giới, lần đầu tiên có sản lượng điện tái sinh cao hơn điện hạt nhân.
Các số liệu khác cũng minh chứng cho sự thay đổi tương quan này. Theo báo cáo do hãng tư vấn Mycle Schneider Consulting ở Paris tiến hành, thì năm 2012 các nhà cung cấp điện đã đầu tư 268 tỷ USD cho điện tái sinh; đầu tư cho điện nguyên tử chỉ có 25 tỷ USD, không bằng 10% so với điện tái sinh. Tương tự như vậy, năm 2012 trên thế giới có thêm các nhà máy điện gió, với tổng công suất 45 Gigawatt và điện mặt trời với 32 Gigawatt, trong khi đó điện hạt nhân là 1,2 Gigawatt.
Xu hướng này làm cho Nhóm Xanh trong Nghị viện châu Âu, chủ dự án WNISR 2013, rất phấn khởi. “Sự phục hưng của năng lượng nguyên tử chỉ là chuyện cổ tích,” Ralf Fücks, Chủ tịch Quỹ Heinrich-Böll, nhà đồng tài trợ cho WNISR 2013, khẳng định. Mycle Schneider, chủ biên WNISR 2013, giải thích về sự chuyển hướng của năng lượng tái sinh: “Năng lượng tái sinh rẻ hơn và việc xây dựng, lắp đặt kỹ thuật nhanh hơn nhiều.”
Phân tích trên cho thấy, yếu tố hiệu quả kinh tế là nguyên nhân chính dẫn đến sự hạn chế đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Nội trong mười năm gần đây, theo Schneider, giá thành lắp đặt một kWh đã tăng từ 1.000 USD lên 7.000 USD, trong đó có lý do là yêu cầu an toàn rất cao, sau thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản năm 2011.
Xây dựng cầm chừng
Bên cạnh đó, những vấn đề về kỹ thuật cũng gây nhiều khó khăn cho việc triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Trên văn bản, dự kiến có 66 lò phản ứng với tổng công suất là 63 Gigawatt sẽ được xây dựng, trong đó 44 công trình là ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Tuy nhiên, theo WNISR 2013, thì chín lò phản ứng vẫn nằm trong danh sách dự kiến từ hơn 20 năm nay và 45 dự án khác thì vẫn chưa có thời hạn khởi công xây dựng chính thức. Hiện có 427 nhà máy điện hạt nhân hòa vào lưới điện, giảm 17 nhà máy so với năm cao nhất là năm 2002.
Những người tán dương điện hạt nhân thường đề cập chương trình năng lượng hạt nhân đầy tham vọng của Trung Quốc, họ lớn tiếng khoe khoang đất nước khổng lồ này không chỉ cung cấp cho thế giới các tấm pin mặt trời giá rẻ mà sẽ cung cấp công nghệ hạt nhân tiên tiến nhất. Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch xây dựng 28 nhà máy điện hạt nhân, nhiều hơn bất kỳ nước nào, tuy nhiên, theo WNISR 2013, suốt hai năm qua, không một lò phản ứng nào được triển khai xây dựng. Trong khi đó, giới lãnh đạo Bắc Kinh mới đây ra tuyên bố từ nay đến năm 2015, tổng công suất của các nhà máy điện mặt trời sẽ tăng gấp bốn lần, từ 8 Gigawatt lên 35 Gigawatt. Dường như chưa có dấu hiệu gì về sự cải thiện của công nghiệp nguyên tử.
Được xuất bản lần đầu vào năm 1992 và lần thứ hai vào năm 2004, WNISR chỉ ra mắt đều đặn hằng năm kể từ năm 2008. Báo cáo này nhằm phân tích tương quan giữa điện hạt nhân với các nguồn năng lượng khác trên thế giới, được xuất bản theo đặt hàng của các tổ chức nghiên cứu năng lượng và tổ chức chính trị khác nhau.
Những nước tiêu thụ nhiều năng lượng điện nhất thế giới
1. Trung Quốc
2. Mỹ
3. Nhật Bản
4. Nga
5. Ấn Độ
6. Canada
7. Đức
8. Pháp
9. Brazil
10. Hàn Quốc
XH dịch