Văn hóa đối thoại

Với đà phát triển tăng tốc của "toàn cầu hóa" đối thoại đã vượt khỏi giới hạn một kỹ năng và trở thành một phạm trù mới của đạo đức.

 1) Một trong những tiến bộ đáng nể nhất của tư duy hiện đại là đã vượt qua thời nguyên lý loại trừ bước sang kỷ nguyên của nguyên lý bổ sung.

Nguyên lý loại trừ có một sức ỳ thâm căn cố đế vì nó đã chế ngự tư duy nhân loại đằng đẵng hàng nghìn năm trời.

Nó vận hành trên hai vế đúng/sai và không công nhận, tuyệt đối không công nhận có vế thứ ba.

Cách hành xử của nó là độc thoại và cao trào của nó là định kiến: kẻ nào không đi với ta là chống lại ta.

Phong cách của nó là khép kín, bảo thủ, hẹp hòi và độc đoán.

Lịch sử còn nhớ lời phát ngôn nổi tiếng của Goebel một cánh tay đắc lực của Hitle: “Khi tôi nghe thấy từ văn hóa, tôi rút súng ra”.

Nguyên lý bổ sung cung cấp cho vận hành tư duy hiện đại một vế thứ ba: cái khác.

Cách hành xử của nó là đối thoại. Phong thái của nó là cởi mở, dung nhận, thực sự cầu thị, bình đẳng và đoàn kết.

Nó phủ-nhận mọi chân lý độc tôn, tất định.

Nó khuyến khích mọi cuộc tranh luận, mọi ý kiến khác biệt trên con đường không có kết thúc (non finito) của hành trình chân lý.

Nguyên lý bổ sung của Bohr và đôi bạn đồng hành nguyên lý bất định của Heisenberg và nguyên lý bất toàn của Godel hoạt động như bộ ba “ngự lâm quân pháo thủ” của tư duy hiện đại. Hiểu biết của con người ngày một trưởng thành. Con người ngày càng hiểu rằng tri thức của mình là hữu hạn, rằng chân lý là một quá trình tiếp cận trường kỳ, chân lý luôn luôn trên đường đi và không có ngày Chúa nhặt cũng như không có một công ty độc quyền chân lý.

Xây dựng một nền văn hóa đối thoại hết sức bức thiết nhưng cũng trường kỳ khó khăn vì loài người sống quá lâu năm trong thói quen độc thoại- Nó như một bóng ma bất đắc kỳ tử luôn luôn ám ảnh hành trình đối thoại của loài người.

2) Tôi xin phép được nhắc lại và nhấn mạnh đề phòng mọi sự hiểu lầm.

– Độc thoại là tin rằng mình đã nắm vững chân lý và chỉ có nhiệm vụ cao cả là thuyết phục kẻ khác chấp thuận. Tật cố hữu của nó là áp đặt cửa quyền và sốt ruột. Các nhà tri thức học gọi đó là phong cách nóng (hot).

Như trên đã nói: với người độc thoại chân lý là đã có sẵn và ở phía sau lưng nên do đó thường có tính chất bảo thủ tự mãn và đa nghi.

– Đối thoại, ngược lại, tin rằng chân lý không phải một tiền đề (précepte) mà một hậu đề (postcete) kết quả của một quá trình phân tích, thảo luận, xây dựng của nhiều người nên phong cách của nó là thành khẩn, bình tĩnh và dân chủ. Giới học thuyết gọi đó là phong cách mát (cool).

3) Từ thời mở cửa chúng ta đã bắt đầu xây dựng được một sinh hoạt đối thoại khá tốt. Trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng đã xuất hiện những cuộc thảo luận tương đối có chất lượng.

Nhưng phải nói thật với nhau, để xây dựng được một nền văn hóa đối thoại thực chất còn rất nhiều điều cần phải làm.

Một số cá nhân hoạt động văn hóa “nhà nọ nhà kia” hẳn hoi trong lúc tranh cãi về học thuật đã cãi nhau theo nghĩa đen với những lời lẽ rất mất vệ sinh của đám người ngoài chợ.

Một số người còn mắc bệnh cay cú “cãi lấy được” cố tìm cách moi móc, cố tình đánh những đòn hiểm (?) để hạ “nốc ao” đối thủ.

Chúng ta phải cố gắng trọng thị hơn nữa những bạn đối thoại với ta (đó cũng là thái độ tự trọng) và cố gắng “fair play” (chơi đẹp) đến mức tối đa có thể như những vận động viên có tư cách.

Cái bi kịch cũng như cái lớn lao của con người là: Điều gì cũng phải học và điều gì cũng có thể học được.

Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Học nói chính là văn hóa đối thoại.

Ngay từ thời xa xưa các cụ ta đã có những lời khuyên hết sức tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc về đối thoại. Chẳng hạn: “Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Một sự nhịn là chín sự lành”, “Nói phải củ cải nghe cũng được”.

Trong đối thoại một đòi hỏi quan trọng là phải biết lắng nghe.

Một thiền sư dạy: Không phải vô cớ mà trời sinh ra con người có hai tai và một miệng.

4) Đầu thế kỷ XX trước thiên hướng chuyên môn hóa cao của khoa học, Nitsơ đã lo rằng một ngày không xa con người sẽ chuyên môn hóa đến mức trở thành những thằng gù(?)

Như những Cátxăngđrơ (cô đồng báo điềm gở), các trí tuệ lớn thường đứng ở điểm lâm nguy của nhân loại. Mặc dầu khả năng tiên tri lỗi lạc, Nietzsche cũng chưa vượt qua được nguyên lý loại trừ của thời đại minh.

Cơ nguy chuyên môn đến mức “gù hóa” là có thật nhưng chưa bao giờ người ta đề cập đến những khoa học liên thông liên ngành nhiều như bây giờ.

Nhà bác học lớn người Bỉ Prigogine còn công khai hô hào cho một khối liên minh mới giữa tất cả các ngành khoa học tự nhiên và xã hội để tạo dựng một cái nhìn nên thơ và đỡ khô cứng đối với sự sống.

Và những câu nói “hội nhập”, “toàn cầu hóa” gần như đã trở thành lời nói cửa miệng của thế kỷ XXI.

Văn hóa đối thoại đã trở thành một yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết.

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)