Văn hóa ứng xử của người làm luật

Cần xây dựng đội ngũ người làm luật như thế nào để, khi tiếp cận với các điều luật, người ta không phải thấy loáng thoáng đằng sau đó bóng dáng của những phần tử cơ hội, mang tính cách nhỏ nhen, làm luật theo cung cách của người đi giăng bẫy để triệt hạ đồng loại. Thay vào đó, phải là hình ảnh những con người thanh lịch, thông thái, đầy quyền uy nhưng cũng rất bao dung, rộng lượng, đảm nhận vai trò dẫn đường cho toàn xã hội trong công cuộc kiến tạo trật tự và công bằng.

Điều luật gây dị ứng

Có một điều luật mà, mỗi khi đọc, tôi luôn có cảm giác băn khoăn và hụt hẫng, dù nhiều năm đã trôi qua: Điều 87 của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000. Chính xác hơn, có một đoạn trong điều luật tạo ra cảm giác không dễ chịu này: “Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn, thi toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng…”.

Băn khoăn, vì không thể hiểu tại sao người làm luật lại buộc thẩm phán chọn một cách xử sự rất đặc thù, nếu không muốn nói là chẳng giống ai. Đáng lý ra, trước một đơn kiện của công dân, người được giao nhiệm vụ bảo đảm công lý trong xã hội có tổ chức chỉ có quyền lựa chọn giữa hai phương án: hoặc tiếp nhận, nghĩa là thụ lý, và giải quyết; hoặc không tiếp nhận, nghĩa là trả đơn mà không thụ lý.

Đơn kiện được tiếp nhận một khi sự việc có tính chất pháp lý và nhất là thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án, như trong các trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tư nhân tài sản hoặc kiện đòi huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Tuỳ theo chất lượng của chứng cứ và lý lẽ mà các bên đưa ra, thẩm phán chấp nhận hoặc bác bỏ yêu cầu.

Trái lại, đơn kiện không được tiếp nhận một khi sự việc không thuộc thẩm quyền của toà án. Có thể vì đó là việc thuộc quyền giải quyết của một cơ quan nhà nước khác, như trường hợp người dân than phiền về thái độ phục vụ của một công chức. Cũng có thể vì đó là việc hoàn toàn không có tính pháp lý, như trường hợp một người kiện một người khác về hành vi… phụ tình, bạc bẽo.

Hụt hẫng, bởi, cứ đặt mình ở vị trí của đương sự trong vụ án, người ta sẽ thực sự ngơ ngác trước việc nhận lại một quyết định của toà án không công nhận quan hệ vợ chồng, sau khi nộp một lá đơn xin ly hôn. Rõ ràng, trong trường hợp này, có gì đó hơi thô thiển, nếu không muốn nói là lỗ mãng, trong thái độ xử sự mà cơ quan công quyền dành cho người dân thường. 

Song, không thể trách thẩm phán hoặc thư ký toà án trực tiếp trao cho đương sự quyết định lạnh lùng, vô cảm đó: họ chỉ làm những gì pháp luật đòi hỏi. Ở đây, chính quy tắc pháp lý cụ thể có vấn đề về tính thích hợp của cách ứng xử được người làm luật xác định trong tình huống dự kiến. 

Sự phũ phàng dành riêng cho người nghèo và ít học 

Đằng sau điều luật có thể là một câu chuyện dài… đến hơn nửa thế kỷ: chuyện về những nỗ lực của Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống các tàn dư của các tập tục hôn nhân phong kiến, cũng như các hệ thống nghi thức kết hôn gọi là phi thế tục.

Các quy tắc của luật viết có khả năng mang dấu ấn động lực sống và tính cách của người sáng tạo ra nó. Ngay lập tức, người ta nhận ra vấn đề làm thế nào để tránh việc lợi ích riêng tư và tính cách tiêu cực của con người chi phối sự hình thành của các quy tắc pháp lý.

Ngay từ cuối những năm 1950, người làm luật đã khẳng định rằng muốn được Nhà nước, xã hội thừa nhận là vợ chồng, thì các cặp chung sống phải đăng ký kết hôn; rằng mọi nghi thức kết hôn khác đều không có giá trị pháp lý. Có lẽ, cứ nói mãi mà vẫn thấy nhiều người tiếp tục coi trọng các lễ cưới theo tập tục, tín ngưỡng hơn là lễ đăng ký kết hôn trước nhà chức trách, nên cuối cùng, người làm luật mới giáng xuống quy tắc ấy. Có thể coi đó như một kiểu trừng phạt đối với những ai không biết tôn trọng công sức và tiền bạc Nhà nước đổ ra để xây dựng, hoàn thiện định chế hộ tịch, trong khuôn khổ thiết lập, củng cố trật tự xã hội.      

Vấn đề là: chắc chắn, những người có sự hiểu biết nhất định về luật sẽ nhận ra được tính chất phi pháp lý của quan hệ giữa hai người chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn: muốn chấm dứt quan hệ, người ta chỉ cần chia tay, đường ai nấy đi, chứ chẳng tội gì mà phải lôi nhau ra toà án, để nhận một quyết định đầy nhạo báng ấy. Vậy cũng có nghĩa rằng người đi nộp đơn trong tình huống dự kiến của điều luật thường là những người ít học và, một cách logic, phải là những người nghèo, lao động chân lấm tay bùn, nói chung, thuộc tầng lớp dưới của xã hội.

Không chỉ ngỡ ngàng và có thể phải cắn răng hứng chịu nỗi bực dọc của người cầm cân nẩy mực, những người trong cuộc còn dễ cảm thấy tủi phận, do bị các công bộc coi như người đã gõ nhầm cửa, vì kém hiểu biết. 

Văn hóa ứng xử của người làm luật

Người làm luật, được hiểu là người trực tiếp soạn thảo các điều khoản cụ thể của văn bản quy phạm pháp luật, trước hết, cũng là một con người. Chắc chắn, người làm luật cũng có tính cách riêng, hình thành và được hoàn thiện như là kết quả nhào nặn của thiên hướng ứng xử tự nhiên, do trời phú, và của sự giáo dục tiếp nhận từ gia đình, nhà trường, cũng như sự tác động của môi trường làm việc, giao tiếp.

Đặc biệt, sống cuộc sống bình thường như tất cả mọi người, trong điều kiện bị giằng xé giữa điều thiện và điều ác, cái xấu và cái tốt, hận thù và bao dung… người làm luật cư xử tùy theo kết quả đấu tranh nội tâm để lựa chọn giữa hai thái cực. Sự lựa chọn ấy, rốt cuộc, được chuyển hóa thành thái độ, hành vi cụ thể trong các giao tiếp nhân văn, kể cả các giao tiếp thực hiện trong khuôn khổ công việc chuyên môn, nghề nghiệp, nghĩa là trong việc làm luật.

Nói cách khác, các quy tắc của luật viết có khả năng mang dấu ấn động lực sống và tính cách của người sáng tạo ra nó. Ngay lập tức, người ta nhận ra vấn đề làm thế nào để tránh việc lợi ích riêng tư và tính cách tiêu cực của con người chi phối sự hình thành của các quy tắc pháp lý.

Vả lại, được coi là một loại ứng xử nhân văn, việc làm luật cũng đòi hỏi ở chủ thể ứng xử sự thỏa mãn một loạt các tiêu chí mà xã hội văn minh đặt ra đối với bất kỳ giao tiếp nào, trong đó có tiêu chí về nét văn hóa của hành vi. Trong lĩnh vực xây dựng chuẩn mực pháp lý, tiêu chí này càng cần được chú trọng, bởi lẽ, người làm luật được chính thức trao quyền áp đặt khuôn mẫu xử sự lên toàn xã hội: dưới sự bảo đảm bằng sức mạnh của quyền lực công, người làm luật có quyền buộc mọi chủ thể quan hệ xã hội cư xử theo khuôn mẫu đó.

Nếu văn hóa ứng xử trong việc làm luật không được coi trọng, thì pháp luật sẽ có nguy cơ bị lạm dụng và trở thành công cụ mà người làm luật sử dụng để hạch sách, nhũng nhiễu, thay vì để tổ chức hành vi của chủ thể trong cuộc sống pháp lý.

Người làm luật mà có tính khí hung hăng, háo thắng và không biết tự kiềm chế còn có thiên hướng dùng pháp luật để trút giận và “ăn thua đủ” với xã hội, nhất là khi đứng trước tình trạng có nhiều chủ thể tỏ ra ngoan cố, bất hợp tác với nhà chức trách trong việc phổ cập khuôn mẫu ứng xử được chính thức thừa nhận và cổ vũ: luật trở thành lời cấm đoán, đe dọa, nhiếc móc… Điều khoản nói trên của Luật hôn nhân và Gia đình năm 2000 là một minh chứng.

Điều đáng buồn là không khó để tìm thấy những hạt sạn tương tự trong hệ thống pháp luật hiện hành. Cuối năm, báo chí, công luận giật mình khi nghe nói người lãnh đạo ngành giáo dục đang cân nhắc việc ra một quy định cho phép ghi chú việc sinh viên vay nợ để học tập vào bằng tốt nghiệp. Biện pháp này được lý giải như một cách lưu ý người sử dụng lao động về tình trạng nợ nần của sinh viên, qua đó, tranh thủ sự hợp tác của người sử dụng lao động trong việc thu hồi vốn vay. Đúng là chủ nợ nào cũng lo mất vốn; nhưng giảm thiểu rủi ro mất vốn bằng một biện pháp khiến người ta liên tưởng đến việc đóng dấu nhận dạng vào thân thể người nô lệ ngày xưa, thì… đúng là hết chỗ nói.  Cũng may, đó chỉ mới là ý tưởng.    

Hiện tượng “ra đòn độc” bằng luật có thể được ghi nhận không chỉ trong quan hệ giữa người làm luật với dân mà, thậm chí, còn giữa những người làm luật với nhau. Ví dụ nổi đình đám nhất trong năm vừa qua, có lẽ là chuyện giữa một bên gồm những người làm Luật đất đai và Bộ luật dân sự, với bên kia, những người làm Luật nhà ở: xây dựng các quy tắc chống lại nhau, những người làm luật đẩy xã hội vào một ma trận giấy hồng, sổ đỏ, giấy trắng… rối rắm và đầy bất trắc.
Bài học rút ra, từ tất cả những chuyện đó, rất ngắn gọn: muốn làm luật, trước hết phải học làm người. Để có những điều luật tốt và có sức thuyết phục, điều cần thiết là phải có những người làm luật tốt. Không chỉ có trình độ chuyên môn đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của công việc, người làm luật còn phải có các phẩm chất và nhân cách của người đại diện cho xu thế ứng xử tích cực trong xã hội.

Nguyễn Ngọc Điện

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)