Vần thơ khiến các nguyên thủ rơi lệ
Trong lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, phần phát biểu ấn tượng và sâu sắc nhất không thuộc về một nguyên thủ quốc gia hay ngôi sao điện ảnh mà bất ngờ thuộc về nữ công dân từ đảo quốc nhỏ bé Marshall, Kathy Jetnil-Kijiner.
Là một nhà thơ kiêm nghệ sỹ trình diễn, Kathy Jetnil-Kijiner gây chú ý bởi những thông điệp bằng thơ của mình trên blog, “thơ của tôi chủ yếu tập trung vào việc nâng cao nhận thức các vấn đề trong cuộc sống và các mối đe dọa mà nhân dân tôi phải đối mặt: việc tiến hành thử nghiệm hạt nhân trên các hòn đảo, chủ nghĩa quân phiệt, nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu, nạn di cư cưỡng bức, nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ”.
Hơn ai hết, Kathy Jetnil-Kijiner đấu tranh để thế giới quan tâm hơn đến Tổ quốc mình – quần đảo Marshall, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Nằm ngoài khơi Thái Bình Dương, nhiều năm qua người dân Marshall đã phải đối mặt với hạn hán khắc nghiệt, lũ lụt, mực nước biển dâng cao… Vì vậy, trong buổi lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa qua, Kathy Jetnil-Kijiner đã nói lên tiếng nói của những người dân “thấp cổ bé họng” thuộc đảo quốc Marshall rộng vỏn vẹn 181km2: “Chúng tôi đã thấy sóng đánh dữ dội vào ngôi nhà mình, những cái cây khô héo vì nhiễm mặn và hạn hán. Nhìn con em mình, chúng tôi tự hỏi nếu quần đảo bị chìm thì liệu chúng làm cách nào để tồn tại”. Qua “Dear Matafele Peinem”, bài thơ nói về cô con gái sơ sinh với lời hứa lạc quan “Chúng ta không để cho con chìm xuống. Con sẽ thấy điều đó” (We won’t let you down. You’ll see), Jetnil-Kijiner kêu gọi hành động của các nhà lãnh đạo thế giới vì lợi ích của các thế hệ tương lai và trước hết là cam kết khắc phục biến đổi khí hậu trước khi quần đảo Marshall bị đại dương nuốt chửng.
Và Jetnil-Kijiner tự tin rằng dù khó khăn như thế nào thì vấn đề biến đổi khí hậu vẫn sẽ được giải quyết, và con gái của cô sẽ có thể tiếp tục sống ở quần đảo Marshall. “Không có ai bị chìm khuất, con yêu”, cô nói. “Không ai phải ra đi. Không ai mất quê hương. Không ai trở thành người tị nạn biến đổi khí hậu.”
Trước Jetnil-Kijiner, tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu Copenhagen năm 2009, cô gái 17 tuổi Christina Ora từ quần đảo Solomon cũng từng kêu gọi: “Tôi sinh ra năm 1992. Quý vị đang đàm phán về cuộc sống của tôi”. Năm năm sau khi những bế tắc vẫn chưa được giải quyết, Christina Ora tiếp tục đăng đàn: “Chúng tôi muốn quý vị lắng nghe tiếng nói của các đảo quốc Thái Bình Dương, lắng nghe những quốc gia dễ bị tổn thương. Quý vị đang giữ tương lai và cuộc sống của chúng tôi trong tay”.
Từ Christina Ora tới Jetnil-Kijiner, người dân các quốc đảo Thái Bình Dương đã có một bước tiến dài trên con đường đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Họ đã tạo nên một hình ảnh khác về những quốc đảo bên lề thế giới, không cam chịu là nạn nhân của mực nước biển dâng mà trở thành những người đang tham gia cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với các quốc gia khác trên toàn thế giới.
T.N tổng hợp
ww.smh.com.au, www.theguardian.co.uk, www.slate.com, www.thinkprogress.org