Về dự thảo Nghị định Doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Tiếp theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 05.09.2005 của Chính phủ "Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập", Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 214/2005/QĐ-TTg ngày 30.08.2005, phê duyệt Đề án thị trường công nghệ, mới đây, Bộ KH&CN đã có dự thảo Nghị định về "doanh nghiệp khoa học và công nghệ" và dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về "Một số chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN, giai đoạn 2006-2010". Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận của Bộ KH&CN nhằm thúc đẩy quá trình cải cách hệ thống KH&CN, nâng cao hiệu quả của các cơ sở KH&CN cũng như tạo động lực vật chất đối với đội ngũ cán bộ khoa học-công nghệ.
Điều quan trọng là tổ chức thực hiện, rút kinh nghiệm và mở rộng diện áp dụng trong thực tế. Sau đây thử bàn về một số khía cạnh của dự thảo Nghị định về doanh nghiệp KH&CN.
Trước hết, xét về mặt lô-gich, dự thảo Nghị định về doanh nghiệp KH&CN có quan hệ mật thiết và có thể coi là bước phát triển nối tiếp của Nghị định 115.
Có lẽ việc cần làm là sơ kết việc thực hiện Nghị định 115 trong thời gian qua, phân tích các kết quả đã đạt được và làm rõ bối cảnh và động lực để chuyển đổi các cơ sở KH&CN thành doanh KH&CN.
Theo kinh nghiệm của một số nước, doanh nghiệp KH&CN có thể được thành lập như một doanh nghiệp bất vụ lợi (non-profit) (tức là lấy thu bù chi, bảo đảm đời sống đầy đủ cho nhà khoa học, lợi nhuận được dùng chủ yếu để tái đầu tư) hay là một doanh nghiệp kinh doanh thuần túy vì lợi nhuận không bằng hoạt động kinh doanh mà bằng cách bán những dịch vụ chuyển giao công nghệ, giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp khác. So với cơ sở KH&CN hoạt động theo Nghị định 115, được khoán kinh phí do nhà nước giao, được nhà nước chuyển giao tài sản để sử dụng, không phải nộp thuế lợi nhuận doanh nghiệp và không phải tuân theo các quy định tài chính nghiêm ngặt về kế toán và kiểm toán, doanh nghiệp KH&CN sẽ phải tự vay lấy vốn, tự đầu tư tài sản, tự tìm kiếm thị trường, phải đóng thuế và phải tuân thủ các trách nhiệm kể trên như một doanh nghiệp bình thường khác. Không rõ động lực để chuyển đổi sang doanh nghiệp KH&CN sẽ bao gồm những gì? Chương III đưa ra một loạt những ưu đãi như ưu đãi về thuế, miễn thuế thu nhập trong 4 năm sau khi bắt đầu có thu nhập phải chịu thuế, được giảm thuế thu nhập 50% thêm 8 năm nữa, được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đối với trang, thiết bị nguyên vật liệu. Cách ưu đãi này có thể tạo ra sân chơi không bình đẳng và rất có thể sẽ bị đối thủ cạnh tranh khiếu kiện vì được trợ cấp bất bình đẳng, trái với cam kết WTO. Cho đến nay, qua thực tế việc ưu đãi theo cơ chế “xin-cho” thiếu minh bạch làm cho tác dụng của ưu đãi bị giảm mạnh, thậm chí bị triệt tiêu như trong trường hợp Luật Khuyến khích đầu tư trong nước trước đây.
Trước mắt, theo dự thảo Nghị định này, ngoài việc phải đăng ký như một doanh nghiệp bình thường khác tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp KH&CN phải đăng ký thêm ở Sở KH&CN để được công nhận là doanh nghiệp KH&CN. Lợi thế gì khi mang danh hiệu “doanh nghiệp KH&CN” chưa thấy rõ nhưng nếu “một cổ hai tròng” làm hai báo cáo, hai lần trình bẩm… thì không dễ thuyết phục được nhà khoa học.
Giai đọan tốn kém và có nhiều rủi ro nhất trong chu kỳ nghiên cứu-triển khai là giai đoạn đầu tư đưa kết quả trong phòng thí nghiệm vào thực tế. Giai đoạn này cần một số vốn khá lớn để làm thử ở quy mô kỹ thuật, đưa sản phẩm đi thử về kỹ thuật và thử nghiệm ở thị trường. Kinh nghiệm của các nước cho thấy tỷ lệ thành công bình quân chỉ khoảng 20%, thậm chí còn thấp hơn. Việc trợ giúp các cơ sở khoa học-công nghệ trong giai đoạn này là rất quan trọng như chia sẻ rủi ro, huy động vốn đầu tư qua Quỹ Đầu tư mạo hiểm. Đến khi kết quả đã được thể nghiệm, các cơ sở khoa học thành công, nếu muốn có thể thành lập doanh nghiệp để kinh doanh sản phẩm mới đó. Điều quan trọng là có các hình thức thích hợp để giúp doanh nghiệp trong giai đọan “khởi động” (start-up) có nhiều khó khăn. Khi đã đi vào giai đoạn sản xuất dây chuyền theo nhu cầu thị trường thì doanh nghiệp nên chấp nhận cạnh tranh bình đẳng, không nên và không cần ưu đãi đặc biệt nữa.
Có lẽ nên làm thí điểm cả Nghị định 115 và dự thảo Nghị định này để có kinh nghiệm thực tế. Sau đó. có thể quy định cụ thể và rõ ràng hơn theo đúng tinh thần cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ phù hợp với cam kết WTO thì có sức thuyết phục hơn.