Vì sao Việt Nam chống dịch Covid-19 thành công?
Làm sao trong một quốc gia, khi các cơ quan quản lý còn chưa thể yêu cầu người dân tuân thủ hoàn toàn các quy tắc giao thông tối thiểu mà lại có thể bắt họ làm theo các nguyên tắc nghiêm ngặt chưa từng thấy để kiểm soát dịch bệnh?
Trên Blog của Quỹ Châu Á, các chuyên gia đặt dấu hỏi, tại sao ở một đất nước người dân không thể tuân thủ các quy tắc tối thiểu như tham gia giao thông, lại có thể đáp ứng các nguyên tắc nghiêm ngặt trong chống dịch Covid? Ảnh: Bloomberg.
Câu hỏi ấy trên blog Quỹ Châu Á cũng là câu hỏi mà nhiều tờ báo quốc tế đặt ra về Việt Nam, quốc gia có biên giới sát Trung Quốc – nơi khởi nguồn của đại dịch Covid-19, lại có thể chống dịch thành công. Để lý giải về điều đó, Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) đã thực hiện một nghiên cứu “Cảm nhận và trải nghiệm của người dân về một số biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 của các cấp chính quyền”, dưới sự tài trợ của Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (Australian Aid).
“Tôi đọc hàng trăm bài báo từ các nước trên thế giới cố lý giải tại sao Việt Nam lại chống dịch thành công, thậm chí có tòa báo [không tin vào tính minh bạch thông tin về hiệu quả chống dịch] nên đã thuê người đến các nhà tang lễ để đếm số người mất trong những tuần Covid ở Việt Nam”, TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng MDRI nhớ lại. Tuy nhiên hầu hết các lý giải của các chuyên gia, của các tòa báo đó đều chỉ dựa trên các quan sát nhỏ, phân tích chính sách và hành động của chính phủ mà chưa có khảo sát quy mô, mang tính đại diện, thu thập thông tin đầy đủ về nhận thức, hành vi thực hành, quan điểm, niềm tin của người dân với các chính sách của chính phủ trong đại dịch, cũng như thông tin tác động tiêu cực của Covid tới các nhóm lao động, tới việc làm của người dân, quan điểm của người dân với gói hỗ trợ 62 ngàn tỉ của chính phủ.
Đó là lý do vì sao MDRI tiến hành một nghiên cứu nhằm “cung cấp bức tranh tương đối đầy đủ với bằng chứng cụ thể, lý giải xác đáng tại sao Việt Nam thành công trong chống dịch Covid thời gian qua đồng thời cũng nhằm đánh giá tác động tiêu cực nghiêm trọng của Covid tới các nhóm dân cư khác nhau”, TS Phùng Đức Tùng nói. Bởi vì chưa có nghiên cứu nào về trải nghiệm và nhận thức của người dân với các phản ứng và chính sách của chính phủ để đối phó với đại dịch Covid-19 ở Việt Nam nên nhhững phát hiện trong nghiên cứu này có thể đem lại cái nhìn sâu sắc về lý do thành công của Việt Nam trong việc chống Covid-19 và gợi ý các chính sách đối với chính quyền trung ương và địa phương để ứng phó với các đợt đại dịch Covid-19 tiếp theo có thể xảy ra hoặc một đại dịch tương tự.
Đồng thuận nhân tâm
Đúng như câu hỏi đặt ra trên blog của Quỹ Châu Á và nhiều tờ báo khác, một chính sách điều chỉnh hành vi của toàn xã hội sẽ chỉ thành công khi có được sự đồng thuận, tin tưởng của phần lớn người dân. Và những nghi ngờ của họ đặt ra phần nào có cơ sở vì các khảo sát chỉ số hiệu quả hành chính công của Việt Nam hằng năm (PAPI) cho thấy chính quyền các tỉnh đều phải tập trung cải thiện nội dung liên quan đến “công khai minh bạch” hay “trách nhiệm giải trình” nhiều nhất.
Một trong những cách thức để các nhà nghiên cứu có thể đo lường đánh giá là khảo sát trên diện rộng. Trong trường hợp này, MDRI đã chọn khảo sát ngẫu nhiên trong bộ mẫu hơn 14 nghìn người của PAPI, TS Phùng Đức Tùng cho biết. Bộ mẫu này là phù hợp để đánh giá cảm nhận chính sách của người dân, vì cuộc khảo sát do PAPI thực hiện đủ trải rộng tất cả các tỉnh, và người dân tham gia trả lời PAPI cũng đã có đánh giá về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền trong năm qua. Tuy nhiên, để đảm bảo tính “đại diện cao” thì MDRI cũng phải chọn lọc ngẫu nhiên. Từ bộ dữ liệu tham gia PAPI trên 63 tỉnh thành trên toàn quốc, MDRI chọn 10% những người cung cấp số điện thoại cho PAPI nhưng phải đảm bảo tất cả 831 làng tham gia khảo sát PAPI 2019 đều có đại diện trả lời (tối đa mỗi làng 4 người) và cuối cùng phỏng vấn thành công 1.335 người. MDRI cũng đã so sánh các đặc điểm nhân khẩu học của những người được hỏi này với số mẫu còn lại trong cuộc khảo sát PAPI năm 2019 để xác định không có sự khác biệt đáng kể về nhân khẩu học giữa các mẫu trả lời khảo sát Covid-19 với tổng thể những người tham gia PAPI nhằm đảm bảo tính đại diện của bộ mẫu.
Công dân Việt Nam trở về từ Hàn Quốc được khai báo y tế, đo thân nhiệt và theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng.
Trong cuộc khảo sát này, 74% số người được hỏi cho biết họ nghe về Covid-19 hằng ngày, còn lại 16,3% và 8,9% người được hỏi nghe về Covid-19 vài ngày trong tuần hoặc thi thoảng nghe, và chỉ chưa tới 1% người trả lời chưa bao giờ nghe nói về Covid-19. Và hiệu quả của tuyên truyền “mưa nhiều thấm đất” đã được chứng minh – như điều quan trọng mà nghiên cứu này đo lường được – chính là 98% người được hỏi nói rằng họ “tin tưởng vào tính chính xác của thông tin về Covid-19”.
Mức độ tin tưởng vào tính minh bạch, đáng tin cậy trong chính sách chống dịch cao như vậy nên phần lớn người dân hoàn toàn đồng thuận với các yêu cầu của Chính phủ, từ các hoạt động cá nhân hằng ngày như cách ly, giãn cách xã hội, rửa tay, đeo khẩu trang (99% người dân đeo khẩu trang, còn các hoạt động khác như rửa tay, tránh tụ tập… theo khuyến nghị của chính phủ đều đạt khoảng 90%) cho tới các chiến lược “thắt lưng buộc bụng”, thậm chí phải “hi sinh phát triển kinh tế để đảm bảo ưu tiên cao nhất của nhà nước hiện nay là cứu người khỏi Covid-19”. Tỉ lệ 89% người dân đồng thuận với chính sách chống dịch là điều mà chính phủ các nước khác trên thế giới không thể có được khi so sánh với Việt Nam. Có thể thấy rõ điều đó khi so sánh kết quả nghiên cứu này với một khảo sát về sự đồng thuận của người dân với chính phủ do Tổ chức Kinh tế thế giới tiến hành – trung bình 67% người dân các nước đồng thuận với chính sách “ưu tiên cao nhất của Nhà nước hiện nay là cứu người khỏi Covid-19 cho dù phải hy sinh phát triển kinh tế” tương tự của Việt Nam; và ở các nước đưa ra mục tiêu “cần ưu tiên phát triển kinh tế, cho dù một tỷ lệ nhỏ dân số bị tổn vong vì Covid-19” thì tỉ lệ đồng thuận của người dân giảm thê thảm – chỉ còn 1/3 dân số đồng ý.
Hỗ trợ cần nhắm vào các nhóm yếu thế
Bài học về hiệu quả khi minh bạch chính sách là rất rõ ràng. Tuy nhiên, cho dù Việt Nam có “đắp đê chống dịch” cao đến mức nào thì vẫn chịu khó khăn về kinh tế tứ phía. Nhưng những khó khăn ấy tác động đến nhóm nào nhiều nhất? nhóm nào cần nhận hỗ trợ cấp bách nhất? là những câu hỏi mà nghiên cứu này tiếp tục tìm hiểu. Có khoảng gần 1/3 số người trả lời cho biết Covid-19 không làm kinh tế gia đình họ suy suyển gì, nhưng còn lại, tới 64% người được hỏi bị mất thu nhập do Covid-19. Trong đó, những nhóm nghèo, yếu thế sẵn trong xã hội chính là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. 24% người trả lời cho biết họ mất việc, mà phần lớn người mất việc là các lao động phổ thông và lao động kinh doanh hộ gia đình, lao động không có kỹ năng và tự làm phi nông nghiệp dễ mất việc nhất; các hộ gia đình nghèo, cận nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cho dù Việt Nam chống dịch thành công, nhưng các nhóm yếu thế vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Có tới 24% người trả lời nghiên cứu này cho biết bị mất việc làm. Trong ảnh: Đám đông những người nhận gạo cứu trợ của một ngân hàng trên phố Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Nam.
Mặc dù chính phủ có gói cứu trợ khẩn cấp 62 nghìn tỉ kịp thời nhưng mức độ bao phủ của các khoản hỗ trợ có giới hạn (với 21% người trả lời tiếp cận được), nên nhìn chung, cách ứng phó với đại dịch của hầu hết người dân vẫn là truyền thống “thắt lưng buộc bụng”, hầu hết các hộ giảm chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu trước, sau đó có khoảng 70% các hộ gia đình giảm hàng thiết yếu, 42% các hộ phải tiêu đến tiền tiết kiệm, 15% phải đi vay mượn người thân và cá biệt có tới 7% phải bán tài sản để chi tiêu.
Dù đánh giá cao tính minh bạch cũng như chính sách tuyên truyền của nhà nước nhưng nghiên cứu này cũng chỉ ra những lỗ hổng trong chính sách hỗ trợ, cứu trợ Covid hiện nay. Đằng sau những con số được hỗ trợ vẫn là 36% hộ gia đình nghèo thuộc diện cần hỗ trợ lại chưa chạm tay vào gói này hoặc ngược lại, có tới 19% hộ không nghèo, không cần hỗ trợ lại được nhận gói này. “Một trong những câu chuyện làm tôi ấn tượng khi tiến hành nghiên cứu này là một cựu chiến binh nói rằng ‘Bản thân tôi và các đồng đội, đã được hưởng lương, hỗ trợ hằng tháng mà vẫn nhận được hỗ trợ, trong khi có nhiều người lao động mất việc làm, giảm thu nhập thì chưa được nhận. Tôi và các đồng đội thấy xấu hổ khi nhận được sự hỗ trợ’ “, TS Phùng Đức Tùng kể lại.
Trường hợp mà TS Phùng Đức Tùng kể ra không phải những cá biệt. Khảo sát này cho thấy, càng những người có trình độ học vấn thấp và thu nhập thấp, chịu ảnh hưởng nhiều nhất của dịch bệnh lại càng ít có khả năng tiếp cận thông tin về các chính sách và gói viện trợ nhất. Các phân tích hồi quy để xem xét các yếu tố tương quan với chính sách của chính phủ cũng cho thấy càng người dân thành thị, những người có trình độ học vấn cao hơn, những người có kinh nghiệm, trải nghiệm tích cực về quản trị và hành chính công càng có nhiều khả năng ủng hộ hoạt động chống dịch của chính phủ hơn so với người dân nông thôn, những người có trình độ học vấn thấp hơn. Đặc biệt là những người bị giảm thu nhập và mất việc làm càng ít ủng hộ chính sách của chính phủ. Vì thế, lưu ý chính sách của chúng tôi ở đây là quan tâm tới các nhóm chịu tác động của Covid, đặc biệt là các nhóm nghèo, yếu thế vốn ít có khả năng tiếp cận thông tin, TS Phùng Đức Tùng nhấn mạnh. □