Vị trí và trách nhiệm xã hội của nhà khoa học
Sự kiện sáu nhà khoa học người Italia phải ngồi tù vì kết luận chuyên môn sai khiến chúng ta không khỏi liên tưởng đến vị trí và trách nhiệm xã hội của nhà khoa học Việt Nam.
Ngày 6 tháng 4 năm 2009, một trận động đất gần 6 độ Richter đã làm rung chuyển L’Aquila, một thị trấn cổ kính nhỏ ở miền trung Italia, cướp đi sinh mạng của 309 người dân. Đây là một thảm kịch lớn đối với nhân dân vùng này và vì thế cộng đồng dân sự cũng như các giới chức trách đã tìm hiểu rất kỹ về vụ động đất và các hệ quả của nó. Sau hơn hai năm, ngày 22 tháng 10 năm 2012, tòa án dân sự L’Aquila đã kết án bảy người vì tội ngộ sát và mỗi người trong họ phải nhận một án tù giam sáu năm. Chắc không ít bạn đọc sẽ ngạc nhiên khi biết là ngoài một quan chức địa phương, sáu người trong nhóm bị kết án tù là các nhà chuyên gia KH&CN: ba nhà địa chấn học (seismologist), hai kỹ sư và một chuyên gia về núi lửa (volcanologist). Đây là những chuyên gia trình độ cao đã được mời tham dự Hội đồng quốc gia về dự báo và các biện pháp hạn chế ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên ngày 31 tháng 3 năm 2009, sau khi L’Aquila đã trải qua liên tiếp một loạt các dư chấn động đất nhỏ trong vòng hơn ba tháng. Vội vã dựa trên các kết quả nghiên cứu và tính toán mô phỏng, thiếu tìm hiểu kỹ càng lịch sử các quá trình động đất ở vùng này từ thế kỷ 18 cho đến nay, các chuyên gia đã khuyến cáo rằng loạt dư chấn này là hệ quả bình thường của quá trình tỏa năng lượng qua khe hở giữa hai lớp thềm lục địa và xác suất của một trận động đất cường độ lớn là không có, một khi dư chấn nhẹ đã xảy ra liên tục trong một thời gian dài như vậy. Sự tin cậy vào kết luận khoa học của hội đồng quốc gia trên là nguyên nhân mà rất nhiều nạn nhân của trận động đất ngày 6 tháng 4 năm 2009 đã chủ quan không tìm cách thoát thân mà cứ ở lại trong nhà mình (theo lời kể của họ hàng còn sống sót).
Theo nội dung của bản cáo trạng gần 500 trang, trong một cuộc phỏng vấn vào buổi chiều trước khi động đất TS Bernado De Bernardinis, phó giám đốc Trung tâm bảo vệ dân cư (civil protection department) của Italia còn khuyên dân chúng ở L’Aquila hãy yên tâm thưởng thức các buổi tối với những cốc rượu vang ngon. Một lời khuyên quá chủ quan và thiếu trách nhiệm xã hội. Những gì xảy ra sau đó thực sự là một cảnh báo hà khắc về sự yếu kém chuyên môn của nhóm chuyên gia khoa học tham gia hội đồng quốc gia trên và là một cú shock đối với cộng đồng khoa học của cả nước Italia. Một bức thư với chữ ký của gần 5.000 nhà khoa học đã được gửi lên Tổng thống Italia xin ân xá cho những nhà khoa học bị kết án tháng 10 vừa qua nhưng đã bị bác. Rõ ràng là các hậu quả của kết luận chuyên môn sai trong trường hợp này là quá lớn và nhà khoa học bắt buộc phải chịu hình phạt tương xứng với sai lầm và sự thiếu trách nhiệm xã hội của mình.
Ở Việt Nam, sau một loại những dư chấn nhẹ làm rung chuyển vùng đất quanh công trình thủy điện sông Tranh trong những tháng qua, một số chuyên gia cũng đã tin rằng chắc không thể có dư chấn mạnh hơn nữa xảy ra. Tuy nhiên, chiều ngày 15 tháng 11 năm 2012 một trận động đất cường độ 4,7 độ Richter (mạnh nhất kể từ hơn 50 năm nay) đã làm cho dân chúng vùng này vô cùng hoang mang và nhiều chuyên gia cùng giới quản lý công trình thủy điện sông Tranh một lần nữa phải thực sự lo lắng. Tất nhiên tất cả chúng ta đều mong muốn dự đoán của giới chuyên môn rằng không thể có động đất cao hơn mức 5,5 độ Richter ở vùng sông Tranh là chính xác, nhưng mỗi một kết luận hay khuyến cáo trong tương lai đối với công trình thủy điện này phải được đưa ra với một trách nhiệm xã hội cao nhất của các nhà khoa học và quản lý đối với “quyền được sống” của người dân địa phương, như đã được kêu gọi trong cuộc họp Quốc hội vừa qua.
Hà Nội ngày 19/11/2012
—
* Viện Khoa học & Kỹ thuật hạt nhân