Việt Nam: Những nhân tố hạn chế sự tăng trưởng của chỉ số cạnh tranh toàn cầu
Bài viết “Thấy gì qua chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam (2006 – 2016)” * đã chỉ ra những chỉ số cần ưu tiên cải tiến để tăng chỉ số GCI (Global Competitiveness Index) của Việt Nam. Bài viết này nhận diện những yếu tố hạn chế sự tăng trưởng của chỉ số này.
Hành trình nhận diện
Những chỉ số cần ưu tiên cải tiến để tăng chỉ số GCI của Việt Nam là các chỉ số thể chế, hạ tầng cơ sở, môi trường kinh tế vĩ mô và sức khỏe và GD tiểu học trong Nhóm (I); các chỉ số hiệu quả của thị trường lao động, hiệu quả của thị trường hàng hóa, và giáo dục đại học và dạy nghề trong Nhóm (II). Các chỉ số của Nhóm (III) rất thấp, phản ánh tăng trưởng của Việt Nam còn dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và lao động giản đơn.
Vì chỉ số nhóm các yêu cầu cơ bản có trọng số lớn nhất, 60%, trong tổ hợp xác định chỉ số cạnh tranh GCI, bài viết này xem xét sâu hơn chỉ số thể chế vì nó đã kéo tụt xuống điểm số của Nhóm (I) (xem hình bên phải) và nhận diện trong những yếu tố WEF đã sử dụng để cấu thành chỉ số thể chế, yếu tố nào đã hạn chế sự tăng trưởng chỉ số Nhóm (I) và tiếp theo, chỉ số GCI của Việt Nam.
Cấu thành của chỉ số thể chế
1. WEF xác định chỉ số thể chế như là tổ hợp của yếu tố thể chế công (Public Institution) và yếu tố thể chế tư (Private Institution) theo công thức:
[Thể chế] = 0.75 * [Thể chế công] + 0.25 * [Thể chế tư]
Yếu tố thể chế công được WEF cấu tạo từ 5 yếu tố hợp phần là Quyền sở hữu (Property Rights), Đạo đức và tham nhũng (Ethics and Corruption), Ảnh hưởng phi pháp (Undue Influence), Hiệu lực của Chính phủ (Government Efficiency), An ninh (Security).
Điểm số của chỉ số Thể chế công được WEF tính bằng trung bình cộng của điểm số của 5 yếu tố này.
[Thể chế công] = 1/5 * ([QSH]+[ĐĐ&TN]+[AHPP]+[HLCP]+[AN])
Dưới đây là bảng điểm số và đồ thị diễn biến của hai yếu tố thể chế công và thể chế tư, và của 5 yếu tố hợp phần của thể chế công trong 11 năm (2006–2016).
Bảng điếm số và các đồ thị trên đây cho thấy điểm số của An ninh đứng trên và tách biệt với các yếu tố khác, thấp nhất là 4,42 (2014) và cao nhất 4,95 (2012).
Các yếu tố có điểm số thấp nhất là Hiệu lực của Chính phủ, Ảnh hưởng phi pháp, và Đạo đức và tham nhũng tuy các điểm số này có xu hướng nhích lên từ năm 2104. Điểm số của 3 yếu tố này không vượt quá 3.5 trong các năm 2010 – 2016, với đáy là 3.12 thuộc về yếu tố Ảnh hưởng phi pháp (năm 2012).
Yếu tố Quyền sở hữu tuột dốc từ năm 2009, chạm đáy năm 2012 với điểm số 3.23.
2. Từ đâu các yếu tố Đạo đức và tham nhũng, Ảnh hưởng phi pháp và Hiệu lực của Chính phủ có điểm số thấp?
Đạo đức và tham nhũng được tính từ 3 yếu tố hợp phần là (a) đào tẩu công quỹ (Diversion of public funds); (b) sự tín nhiệm của công chúng đối với các nhà chính trị (Public trust in politicians); (c) thanh toán các khoản không theo quy tắc và hối lộ (Irregular payments and bribes), và điểm số là trung bình cộng của điểm số của 3 yếu tố này. Điểm số lần lượt từ trên xuống như sau:
Yếu tố Ảnh hưởng phi pháp được tính từ 2 yếu tố hợp phần là (a) sự độc lập của tòa án (Judicial independence); (b) sự thiên vị trong quyết định của quan chức chính phủ (Favoritism in decisions of government officials), và điểm số là trung bình cộng của điểm số của 2 yếu tố này. Điểm số như sau:
Yếu tố Hiệu lực của Chính phủ được tính từ 5 yếu tố hợp phần là (a) Lãng phí chi tiêu công (Wastefulness of government spending): (b) Gánh nặng của các quy định của Chính phủ (Burden of government regulation): (c) Hiệu lực của khuôn khổ pháp lý trong giải quyết tranh chấp (Efficiency of legal framework in settling disputes): (d) Hiệu lực của khung pháp lý trong xem xét lại các quy định (Efficiency of legal framework in challenging regs); (đ) Sự minh bạch trong hoạch đinh chính sách của Chính phủ (Transparency of government policy making), và điểm số là trung bình cộng của điểm số của 5 yếu tố này. Điểm số như sau:Yếu tố An ninh được tính từ 5 yếu tố hợp phần là: (a) Đối phó với khủng bố đối với kinh doanh (Business costs of terrorism); (b) Đối phó với tội ác và bạo lực đối với kinh doanh (Business costs of crime and violence); (c) Đối phó với Tội ác có tổ chức (Organized crime); (d) Độ tin cậy của sự phục vụ của cảnh sát (Reliability of police services), và điểm số là trung bình cộng của điểm số của 5 yếu tố này. Điểm số như sau:
Yếu tố An ninh được tính từ 5 yếu tố hợp phần là: (a) Đối phó với khủng bố đối với kinh doanh (Business costs of terrorism); (b) Đối phó với tội ác và bạo lực đối với kinh doanh (Business costs of crime and violence); (c) Đối phó với Tội ác có tổ chức (Organized crime); (d) Độ tin cậy của sự phục vụ của cảnh sát (Reliability of police services), và điểm số là trung bình cộng của điểm số của 5 yếu tố này. Điểm số như sau:
Nhận xét và thảo luận
1. Yếu tố đạo đức và tham nhũng tốt lên đều từ năm 2006 đến năm 2010, sau đó tụt khá sâu các năm 2012 – 2014, rồi hồi phục lại cho tới năm 2016, nhưng điểm số vẫn còn rất thấp.
2. Yếu tố Ảnh hưởng phi pháp tốt lên đều từ năm 2006 đến năm 2010, sau đó tụt khá sâu hai năm 2011 và 2012, rồi hồi phục lại cho tới năm 2016, nhưng điểm số vẫn còn rất thấp do yếu tố sự thiên vị trong quyết định của quan chức chính phủ.
3. Yếu tố Hiệu lực của Chính phủ tốt lên đều từ năm 2006 đến năm 2010, sau đó điểm số tăng, giảm không đều cho đến năm 2016 vẫn chưa đạt được điểm số năm 2010. Lãng phí chi tiêu công và Gánh nặng của các quy định của Chính phủ là 2 yếu tố hợp phần chủ yếu tạo nên sự biến động này.
4. Đạo đức và tham nhũng, Ảnh hưởng phi pháp, Hiệu lực của Chính phủ là các yếu tố làm giảm sự tăng trưởng của chỉ số thể chế công, từ đó chỉ số thể chế;
5. Năm 2011 là năm đánh dấu sự tụt giảm khá sâu của chỉ số thể chế và các yếu tố hợp phần mà 5 năm sau (2015) vẫn chưa phục hồi được.
Trên đây mới là những nhận xét rút ra từ phân tích số liệu trong cơ sở dữ liệu của WEF. Xin nhường việc lý giải nguyên nhân của các nhận xét này cho các nhà khoa học (chính trị, kinh tế, xã hội và nhân văn) và các nhà lý luận.
6. Để có tầm nhìn ra khu vực, 5 yếu tố cấu thành chỉ số thể chế công của 3 nước trong Cộng đồng ASEAN là Việt Nam, của Singapo và của Thái Lan được so sánh tại 3 thời điếm 2006, 2011, và 2016. Singapo được chọn vì quốc gia này nằm trong tốp đầu các nền kinh tế toàn cầu một cách ổn định. Thái Lan được chọn vì tương đồng với Việt Nam.
——————————————————————————
* Nguyễn Ngọc Trân, Thấy gì qua chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam (2006 – 2016), Báo Đại biểu nhân dân số ra ngày thứ sáu 14.10.2016 (http://www.daibieunhandan.vn/
Số liệu trích từ http://www.weforum.org/reports/global-competitiveness-report-2016-2017