Việt Nam: Thặng dư hay thiếu hụt công suất?

Việt Nam đã và đang trải qua ít nhất hai cột mốc quan trọng từ khi bắt đầu tiến trình đối mới đến nay: Thứ nhất, khởi đầu tiến trình đổi mới vào 1986, chuyển từ mô hình kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường. Trên thực tế, Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội này để vượt qua ngưỡng nước nghèo sau 20 năm; Thứ hai, trở thành thành viên WTO vào năm 2007. Điều này có nghĩa là Việt Nam chấp nhận mở cửa toàn diện với thế giới bên ngoài để đón nhận những cơ hội cũng như chấp nhận những thách thức mới. Tiếp cận từ góc nhìn thặng dư công suất, Việt Nam sẽ tận dụng được những cơ hội, vượt qua những thách thức này như thế nào?

Việt Nam 20 năm về trước
Chiến tranh tàn phá tiếp tục với một thập kỷ triển khai mô hình kinh tế tập trung, mô hình không khuyến khích người ta làm việc, đã làm cho nền kinh tế Việt Nam hết sức tiêu điều, lương thực phải nhập khẩu, sản phẩm công nghiệp hầu như không có gì, dịch vụ không được xem là một ngành kinh tế chính thức và trong xã hội không nhiều gia đình có thể ăn no mặc ấm. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những vùng đất màu mỡ, nhưng liên tục mất mùa do người ta không muốn canh tác hay hệ thống thuỷ lợi không đảm bảo, những mỏ dầu, mỏ than giàu trữ lượng, phố phường trống vắng, thưa thớt người qua lại thì có thể thấy sự trù phú có thể xuất hiện trong tương lai gần nếu các nguồn lực được cởi trói.
Mặt khác, tuy khó khăn trăm bề, nhưng việc học hành luôn được nhiều gia đình coi trọng. Tinh thần học hỏi cũng ở một mức độ rất cao. Nếu có một quyển sách, hay một tờ báo rơi vào tay ai đó thì chúng sẽ được đọc từ trang đầu đến trang cuối, việc đọc đi đọc lại nhiều lần hay chép lại sách là điều hết sức bình thường. Tuy hệ thống giáo dục rất lạc hậu so với thế giới, nhưng những tiêu cực dường như không có, người thầy luôn được tôn trọng và đề cao. Chính những điều này đã làm cho chất lượng và khả năng của nguồn nhân lực vượt xa so với nhu cầu thực tế.
Thêm vào đó, tuy chưa có bất kỳ một sự chuẩn bị nào cho nền kinh tế thị trường, nhưng do trong giai đoạn đầu, cấu trúc nền kinh tế còn tương đối đơn giản, tình trạng tham nhũng không phổ biến và đáng báo động nên hệ những quy định, thể chế mới được xây dựng cũng tạm ổn để nền kinh tế có thể vận hành mà không gặp nhiều bất trắc. Trên thực tế, trong 20 năm qua, không có nhiều vấn đề làm Việt Nam phải quan tâm nhiều và tập trung giải quyết, trừ cuộc khủng hoảng các hợp tác xã tín dụng cuối thập niên 1990 và những vấn đề liên quan đến chính sách đất đai.
Sự thặng dư về tài nguyên và nguồn nhân lực cộng với một môi trường thể chế không phức tạp đã giúp Việt Nam có được sự thành công trong 20 năm với thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần, tỷ lệ hộ nghèo từ hầu như toàn bộ giảm xuống dưới 20%.

Câu chuyện của ngày hôm nay

Trái ngược với hơn 20 năm về trước, giờ đây về cơ bản Việt Nam đã vượt qua khỏi ngưỡng nước nghèo, nhiều người đã có thể ăn ngon mặc đẹp. Tuy nhiên, những vấn đề đang bộc lộ sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển ổn định trong dài hạn của Việt Nam.
Các nguồn lực vật chất đang dần cạn kiệt: Giờ đây, những câu chuyện về nâng cao năng suất mở rộng diện tích đã không còn là vấn đề thời sự như cách đây 20 năm mà là hoang mạc hoá, khô hạn, ngập mặn, ô nhiễm môi trường… Các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dầu mỏ, than đá (hai nguồn tài nguyên chính) không phải là vô tận. Thời điểm cạn kiệt dầu mỏ đang ở rất gần. Sự quy hoạch manh mún, chia cắt đô thị dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông đang tạo ra bầu không khí hết sức ngột ngạt, nhất là ở hai đô thị lớn mà nếu không có những giải pháp kịp thời thì hậu quả sẽ khó mà lường được. Cứ nhìn những nước chung quanh cách đây hơn 10 năm thì có thể cảm nhận được điều gì có khả năng xảy ra đối với Việt Nam trong một tương lai không xa.
Hậu quả của thời “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đang hiển hiện: Cải cách hệ thống giáo dục lạc hậu là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên những trục trặc, những điều không lường đón hết khi tiến hành cải cách đã gây những tác động hết sức tiêu cực. Đầu những năm 1990, do đời sống giáo viên quá khó khăn, không ít người đã phải xoay sở tìm nghề khác. Trong số những người ở lại, cho dù còn rất nhiều người có năng lực và tâm huyết với nghề, nhưng những người không thể đi đâu vẫn tiếp tục làm thầy.
Hơn thế, chính sự khó khăn trong giai đoạn này đã không khuyến khích những người giỏi nhất vào ngành sư phạm và tình trạng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đã xảy ra. Người viết không hề có ý định “vơ đũa cả nắm”, nhưng có thể nhìn nhận một cách khách quan rằng, do những người “kém nhất” trở thành thầy cộng với cơ chế quản lý đã đẩy hệ thống giáo dục Việt Nam vào một tình cảnh hết sức éo le. Hiện tượng vi phạm đạo đức học đường như thầy lạm dụng trò, trò đánh thầy ngay trên bục giảng, chất lượng đào tạo không đáp ứng nhu cầu, học sinh bỏ học hàng loạt… không còn là những sự kiện cá biệt mà trở thành hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội. Giờ đây, chúng ta có thể cảm nhận được hậu quả của việc quan tâm không đúng mức đến “lợi ích trăm năm”.
Một điều đáng quan tâm khác là cấu trúc nền kinh tế hiện nay và những vấn đề liên quan đã khác rất nhiều so với cách đây 20 năm. Tham nhũng trầm trọng hơn, dần xuất hiện các nhóm lợi ích chi phối một bộ phận, một ngành hay toàn nền kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả không phải là do cơ chế hay năng lực quản lý mà có thể là do chủ đích với mục tiêu cuối cùng là tìm cách đánh cắp tài sản của nhân dân hay củng cố địa vị cá nhân làm tổn hại đến lợi ích chung.
Tuy nhiên, cho dù những dấu hiệu không tốt đang hiển hiện ngày một rõ nét hơn, nhưng tiềm năng của Việt Nam vẫn rất lớn, nếu có những chính sách hợp lý để mỗi người Việt Nam có thể phát huy tối đa khả năng của mình thì việc có được thành công từ hai bàn tay trắng như Nhật Bản hay Singapore là điều không phải là không thể.

Dự báo tương lai

 


Mọi chuyện đang rất trôi chảy, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2007 đạt 8,48%, mục tiêu đặt ra cho năm 2008 lên đến 9%. Do vậy, việc đưa ra những nhận định kém lạc quan có lẽ không hợp thời cho lắm. Tuy nhiên, Economist Intelligence Unit (EIU) đã đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến năm 2030 theo một kịch bản chúng ta không hề mong đợi. Trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng vẫn hết sức khả quan ở mức trên dưới 8%, nhưng sau đó những rắc rối, yếu kém của nền kinh tế có thể sẽ bộc lộ kéo tốc độ tăng trưởng xuống dưới 5% vào năm 2020, thời điểm Việt nam đặt ra mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp.
Nếu dự báo về tốc độ tăng trưởng nêu trên là của một người tiểu tốt vô danh như tác giả bài viết này thì không có gì là chú ý, nhưng đây là EIU, ít nhất cũng là tổ chức có uy tín và họ có cơ sở trên cơ sở quan sát những gì đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Do vậy, muốn tránh kịch bản như vậy, Việt Nam cần hết sức quan tâm tìm hiểu tại sao EIU lại đưa ra con số như vậy.
Xét dưới góc độ công suất cần thiết để hấp thu những cơ hội mới thì có lẽ Việt Nam đang ngấp nghé bên bờ thiếu hụt công suất. Nếu không có những quyết sách hợp lý, rất có thể Việt Nam sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính mà nó là nguồn gốc gây ra những bất ổn xã hội và trì trệ nền. Việc mắc phải “căn bệnh Hà Lan”*, sai lầm của những nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào nhưng khai thác và sử dụng không hợp lý rất có thể xảy ra.
Có lẽ, tất cả các nguồn lực đều bị giới hạn, ngoại trừ nguồn nhân lực, nếu có một hệ thống giáo dục tốt và một môi trường làm việc khuyến khích mọi người hăng say lao động thì khả năng có được một nội lực mạnh mẽ để tận dụng tốt các cơ hội trong tiến trình hội nhập là điều nằm trong tầm tay. Nếu không, việc chỉ có thể làng nhàng ở những nước thường thường bậc trung làm điều không khó dự đoán.
—————-
* “Căn bệnh Hà Lan” là thuật ngữ trong kinh tế học ra đời năm 1977 để mô tả sự suy giảm của khu vực sản xuất Hà Lan sau khi nước này tìm ra mỏ khí gas lớn. Từ đó về sau, thuật ngữ này được sử dụng để nói về mối quan hệ giữa việc phát hiện những nguồn tài nguyên thiên nhiên mới với sự tụt hậu của sản xuất trong nước của một quốc gia.
“Căn bệnh Hà Lan” phát tác một khi nguồn tài nguyên trong nước đã cạn kiệt hoặc có sự biến động giảm giá tài nguyên trên thị trường thế giới. Khi đó việc khai thác tài nguyên để bán gặp khó khăn, các ngành sản xuất khác trong nước hầu như đã tê liệt vì tụt hậu kĩ thuật khi không được đầu tư trong một thời gian dài. Nền kinh tế lâm vào khủng hoảng. (Theo www.saga.vn)

Từ sự phát triển công nghiệp Thuỵ Điển, GS Ari Kokko thuộc Trường Kinh tế Stockholm, một học giả nổi tiếng về thương mại quốc tế và chính sách công nghiệp, đã chỉ ra rằng sở dĩ Thuỵ Điển có thể tận dụng được các cơ hội và đạt được sự thành công trong hơn 100 năm qua là do nước này có một sự “thặng dư công suất”, nói một cách đơn giản là tiềm năng của nền kinh tế, khả năng của nguồn nhân lực cao hơn nhu cầu thực tế của nền kinh tế. Do vậy, “Khi quá trình công nghiệp hoá được châm ngòi bởi các phát minh đổi mới kỹ thuật từ nước ngoài và nhu cầu tăng mạnh của các nơi khác ở châu Âu đối với nguyên liệu thô, thì Thuỵ Điển ở vào vị thế vững vàng để khai thác các cơ hội mới.” Kết quả Thuỵ Điển đã thành công. (Xem thêm Ari Kokko, “Vai trò của công suất thặng dư trong phát triển công nghiệp Thuỵ Điển”, Tia Sáng số 1/2008)

Hùynh Thế Du

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)