Việt Nam trước cơn bão thuế quan của Tổng thống Trump 

Cách tiếp cận thuế quan mới của Hoa Kì sẽ đem lại những tác động đáng kể đối với thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Cộng đồng kinh tế toàn cầu đã lên tiếng về những rủi ro áp dụng thuế quan trên diện rộng.

Những tháng đầu nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump được đánh dấu bằng sự leo thang mạnh mẽ trong chính sách thương mại bảo hộ. Vào tháng 2/2025, ông đã tuyên bố mức thuế quan mới toàn diện đối với hàng nhập khẩu từ Canada (25% đối với tất cả hàng hóa), Mexico (25%, tăng lên 35% nếu không giải quyết được vấn đề nhập cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy) và các mức thuế quan bổ sung đối với Trung Quốc ngoài những mức thuế đã áp dụng. Các đồng minh châu Âu cũng nhận được những lời đe dọa tương tự, với việc Tổng thống Trump cho rằng Liên minh châu Âu sẽ phải đối mặt với “mức thuế quan lớn” nếu họ không giảm thặng dư thương mại với Mỹ.

Việc áp dụng thuế quan một cách hung hăng này thể hiện sự đảo ngược với chính thống thương mại đã thịnh hành trong chính sách của Mỹ kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Trong nhiều thập kỷ, cả chính quyền Đảng Cộng hòa và Dân chủ đều ủng hộ tự do hóa thương mại như một nền tảng của sự thịnh vượng kinh tế và ổn định địa chính trị. Năm 1988, Tổng thống Ronald Reagan (Đảng Cộng Hòa) đã nêu rõ quan điểm đồng thuận này bằng những thuật ngữ rõ ràng: “Việc mở rộng thương mại tự do không chỉ là một cơ hội kinh tế, mà còn là một nhu cầu chính trị” và cảnh báo rằng “Chủ nghĩa bảo hộ là chủ nghĩa hủy diệt”. Quan điểm này phản ánh lập trường kinh tế chính thống cho rằng thương mại tự do nâng cao hiệu quả, thúc đẩy chuyên môn hóa, hạ giá tiêu dùng và khuyến khích đổi mới thông qua cạnh tranh.

Ngược lại, Tổng thống Trump đã ca ngợi “thuế quan” là “từ đẹp nhất trong từ điển» và tuyên bố tại lễ nhậm chức năm 2025 rằng “thuế quan sẽ làm cho nước Mỹ cực giàu”. Sự thay đổi cơ bản này trong cách tiếp cận của Mỹ đối với thương mại quốc tế mang lại những tác động đáng kể đối với thương mại toàn cầu và đối với các quốc gia như Việt Nam đã phát triển nền kinh tế hướng đến xuất khẩu phụ thuộc vào việc tiếp cận thị trường Mỹ.

Thâm hụt thương mại không hẳn là xấu

Một trong những lý do biện minh thường được trích dẫn cho chính sách thuế quan của Tổng thống Trump là thâm hụt mậu dịch dai dẳng của Mỹ, đạt 773 tỷ USD (khoảng 2,8% GDP) vào năm 2023. Sự thâm hụt này – phản ánh kinh tế Mỹ nhập khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn là xuất khẩu – đã được chính quyền mô tả là bằng chứng về sự “bóc lột” kinh tế của các đối tác thương mại và là lực cản đối với tăng trưởng trong nước.

Quan điểm này phản ánh các lý thuyết kinh tế trọng thương thống trị tư tưởng châu Âu từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, cho rằng sự giàu có và quyền lực của một quốc gia được phục vụ tốt nhất bằng cách tối đa hóa xuất khẩu trong khi giảm thiểu nhập khẩu. Chủ nghĩa trọng thương coi thương mại quốc tế là một cuộc cạnh tranh tổng bằng không trong đó thặng dư của một quốc gia nhất thiết phải trả giá bằng sự mất mát của quốc gia khác. Khuôn khổ này phần lớn đã bị kinh tế học hiện đại bác bỏ, vốn nhìn chung thừa nhận rằng thương mại tự nguyện tạo ra lợi ích chung thông qua lợi thế so sánh và chuyên môn hóa.

Đối với Mỹ nói riêng, thâm hụt mậu dịch phản ánh một số yếu tố cấu trúc đặc biệt và vì thế  lấy lý do này biện minh cho chính sách thuế quan không hợp lý. Đầu tiên, vì cân bằng thương mại đo lường xuất khẩu trừ nhập khẩu và kinh tế Mỹ đã trong nhiều thế kỷ hưởng mức tăng trưởng thu nhập cao hơn nhiều đối tác thương mại, nên người tiêu dùng Mỹ dĩ nhiên tăng nhu cầu nhập khẩu nhanh hơn so với nhu cầu của người tiêu dùng nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.  Điều này đặc biệt mô tả cán cân thương mại đối với các nền kinh tế đang phát triển, nơi người tiêu dùng Mỹ có thu nhập khả dụng cao hơn đáng kể. Thay vì chỉ ra mối quan hệ thương mại không công bằng, sự mất cân bằng này chỉ đơn giản phản ánh sức mua và khả năng tiêu dùng cao hơn của nền kinh tế Mỹ.

Thứ hai, giả thuyết “thâm hụt kép” chỉ ra mối quan hệ giữa thâm hụt ngân sách chính phủ và thâm hụt thương mại. Khi chính phủ vay nợ nhiều – như đã làm trong những năm gần đây với thâm hụt ngân sách liên bang lên tới 1,7 nghìn tỷ USD (6,3% GDP) vào năm 2023 – lãi suất có xu hướng tăng, thu hút vốn nước ngoài và làm đồng USD mạnh lên. Đồng đô la mạnh hơn khiến hàng nhập khẩu rẻ hơn đối với người tiêu dùng Mỹ và hàng xuất khẩu đắt hơn đối với người mua nước ngoài, làm gia tăng thâm hụt thương mại. Điều này cho thấy việc giải quyết thâm hụt mậu dịch sẽ đòi hỏi kỷ luật tài chính trong nước hơn là thuế quan ở nước ngoài.

Thứ ba, nghịch lý Triffin, được nhà kinh tế học Robert Triffin nêu ra vào những năm 1960, giải thích rằng với tư cách là nước phát hành đồng tiền dự trữ chính của thế giới, Mỹ phải cung cấp đô la cho nền kinh tế toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải thâm hụt thương mại để các quốc gia khác có thể tích lũy dự trữ đô la cho các giao dịch quốc tế, dự trữ ngoại tệ của ngân hàng Trung ương và ổn định tài chính. Khoảng 60% dự trữ ngoại hối toàn cầu được nắm giữ bằng đô la, tạo ra nhu cầu liên tục đối với đồng đô la Mỹ, dẫn đến thâm hụt thương mại. Nếu Mỹ xóa bỏ hoàn toàn thâm hụt tài khoản vãng lai, họ sẽ hạn chế nghiêm trọng nguồn cung USD toàn cầu, có khả năng gây ra bất ổn tài chính quốc tế.

Cuối cùng, thâm hụt mậu dịch mà không giảm giá trị đồng tiền có nghĩa các đồng đô la dùng để mua hàng nhập đã quay về kinh tế Mỹ vì người nước ngoài thấy tài sản của Mỹ là cơ hội đầu tư thu hút.  Thay vì báo hiệu sự yếu kém, nó phản ánh sự tin tưởng vào nền kinh tế và các thể chế của Mỹ. Các quốc gia có quyền sở hữu mạnh mẽ, ổn định chính trị và triển vọng tăng trưởng tự nhiên thu hút dòng vốn chảy vào, biểu hiện dưới dạng thâm hụt tài khoản vãng lai. Các khoản đầu tư này góp phần vào phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao năng suất.

Động cơ không nhất quán cho Thuế quan

Nếu thâm hụt mậu dịch thực sự là mối quan tâm thúc đẩy đằng sau các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump, người ta sẽ mong đợi thuế quan chủ yếu nhắm vào các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Tuy nhiên, sự kiện và lý do biện minh cho việc thực hiện thuế quan không nhất quán, cho thấy các lý do kinh tế được nêu có thể là cái cớ cho các động cơ khác.

Khi Tổng thống Trump lần đầu tiên đe dọa áp thuế quan đáng kể đối với Mexico vào năm 2019, lý do biện minh được nêu không liên quan gì đến cán cân thương mại. Thay vào đó, ông tuyên bố: “Mexico phải hành động và giúp giải quyết vấn đề này”, ám chỉ đến tình trạng di cư qua biên giới phía nam. Tương tự như vậy, ông liên kết các mức thuế quan tiềm năng với yêu cầu Mexico tăng cường thực thi chống buôn bán ma túy, đặc biệt là fentanyl. Việc tập trung vào fentanyl như một lý do biện minh cho thuế quan này đặc biệt không nhất quán vì Tổng thống Trump chưa bao giờ đưa ra sự ủng hộ có ý nghĩa cho các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nghiện ma túy trong chính Mỹ. Trong khi sử dụng dòng chảy ma túy qua biên giới làm cái cớ cho chính sách thương mại, chính quyền của ông đã liên tục đề xuất cắt giảm các chương trình điều trị nghiện và các dịch vụ giảm tác hại có thể làm giảm nhu cầu trong nước thúc đẩy hoạt động buôn bán ma túy. Mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia hầu như không được đề cập trong các thông báo chính thức.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2025, lời giải thích của Tổng thống Trump về những mức thuế quan tương tự này đã có sự thay đổi đáng kể. Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế vào tháng ba, ông tuyên bố: “Những mức thuế quan đó là để họ xây dựng các nhà máy ô tô tại đất nước chúng ta, và họ đã làm như vậy”. Lý lẽ biện minh tập trung vào sản xuất này chưa được đề cập trong các cuộc thảo luận ban đầu về việc thực hiện và thể hiện sự tái định hình đáng kể về mục đích của chính sách.

Sự bất nhất này càng trở nên rõ ràng hơn khi xem xét lập trường của Tổng thống Trump về chính sách sản xuất trong nước. Mặc dù tuyên bố thuế quan là cần thiết để thúc đẩy sản xuất trong nước, nhưng vào tháng 3/2025, ông tuyên bố rằng Đạo luật Khoa học và CHIPS – một chương trình lưỡng đảng được thực hiện dưới thời Tổng thống Biden để hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn trong nước – là “một chính sách tồi tệ” và thúc giục Quốc hội “loại bỏ nó”. Mâu thuẫn này thật đáng kinh ngạc: một mặt tuyên bố thuế quan là cần thiết để đưa sản xuất trở lại Mỹ, đồng thời phản đối các khoản đầu tư trực tiếp được thiết kế để đạt được mục tiêu đó trong một ngành công nghiệp quan trọng về mặt chiến lược. Điều này cho thấy rằng việc hỗ trợ sản xuất trong nước có thể là một lý lẽ biện minh thuận tiện hơn là một mục tiêu chính sách thực sự.

Một mô hình tương tự đã xuất hiện với thuế quan của Canada. Ban đầu được biện minh theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại là cần thiết cho “an ninh quốc gia” – một tuyên bố đáng ngờ vì Canada là đồng minh quốc phòng thân cận – sau đó lý lẽ chuyển sang tranh chấp về quyền tiếp cận thị trường sữa và gỗ xẻ mềm. Đến năm 2025, chính quyền đã trích dẫn những lo ngại về an ninh biên giới và buôn bán ma túy là lý lẽ biện minh chính, với rất ít đề cập đến các tuyên bố an ninh ban đầu. Đáng chú ý là những lý lẽ biện minh thay đổi này đã tiện tay bỏ qua thực tế là Canada có thặng dư thương mại rất nhỏ với Mỹ và khi không tính đến xuất khẩu năng lượng, Canada thực sự đang thâm hụt thương mại với Mỹ. Điều này khiến cho thuế quan đặc biệt khó điều hòa với mục tiêu đã nêu là giải quyết mất cân bằng thương mại. 

Có lẽ đáng nói nhất là Tổng thống Trump ngày càng nhấn mạnh bản thân doanh thu thuế quan là mục tiêu trọng điểm của chính sách thương mại của mình. Trong bài phát biểu nhậm chức năm 2025, ông tuyên bố: “Các quốc gia gửi sản phẩm của họ đến Mỹ sẽ phải trả tiền cho đặc quyền này. Chúng tôi sẽ thành lập một Cơ quan Thuế vụ Bên ngoài để buộc các quốc gia nước ngoài phải trả tiền”. Tuyên bố này cho thấy rằng việc trích tiền từ các đối tác thương mại – về cơ bản là một loại thuế đối với các nhà sản xuất nước ngoài và người tiêu dùng Mỹ – đã trở thành mục đích tự thân chứ không phải là phương tiện để giải quyết các mối quan tâm cụ thể về kinh tế hoặc chính sách.

Mảng biện minh thay đổi này – từ kiểm soát nhập cư đến an ninh quốc gia đến tạo ra doanh thu – chỉ ra rằng các lý lẽ nêu ra có thể là các cách nói tu từ hơn là động lực chính sách thực sự. Sự bất nhất này cho thấy Tổng thống Trump coi thuế quan là công cụ có lợi bất kể hoàn cảnh cụ thể hay mối quan hệ kinh tế liên quan.

Điều này có ý nghĩa gì đối với Việt Nam

Việt Nam đã nổi lên như một đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, với thương mại song phương tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây. Năm 2024, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại với Mỹ khoảng 123 tỷ USD, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ so với quy mô kinh tế.  Về mặt tuyệt đối, thặng dư của Việt Nam chỉ nhỏ hơn Trung Quốc và Mexico. Thặng dư đáng kể này có vẻ khiến Việt Nam trở thành mục tiêu rõ ràng cho chính sách thuế quan của Tổng thống Trump nếu giải quyết thâm hụt thương mại thực sự là động lực chính.

Tuy nhiên, mô hình biện minh không nhất quán cho thấy thặng dư mậu dịch của Việt Nam có thể là yếu tố ngẫu nhiên đối với bất kỳ quyết định thuế quan nào trong tương lai. Nếu mất cân bằng thương mại chỉ là cái cớ cho các mục tiêu khác, thì những nỗ lực của Việt Nam nhằm giảm thặng dư của mình có thể không ảnh hưởng nhiều đến việc liệu nước này có phải đối mặt với các rào cản thương mại mới hay không.

Việt Nam đang ở trong tình thế đặc biệt dễ bị tổn thương vì một số lý do. Đầu tiên, là một nền kinh tế tương đối nhỏ, Việt Nam chịu hạn chế trong các cuộc đàm phán song phương với Mỹ. Không giống như các nền kinh tế lớn hơn như Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Canada, Việt Nam không thể đe dọa trả đũa kinh tế đáng kể có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế Hoa Kỳ.

Thứ hai, Việt Nam đã hưởng lợi đáng kể từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc vào năm 2018-2019, vì nhiều nhà sản xuất đã chuyển hoạt động sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan của Trung Quốc. Chiến lược “Trung Quốc cộng một*” đã chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sản xuất tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm là 15% từ năm 2015 đến năm 2023. Bản thân thành công này có thể trở thành gánh nặng nếu chính quyền Trump coi Việt Nam là cầu nối cho “chuyển hướng thương mại”  –  hàng hóa Trung Quốc đi qua Việt Nam với sự điều chỉnh tối thiểu để tránh thuế quan.

Tổng thống  Trump đã ra hiệu ý định thực hiện các chính sách thuế quan rộng hơn sẽ ảnh hưởng đến tất cả các đối tác thương mại. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3/2025, ông đã gợi ý: “Chúng ta cần một mức thuế cơ sở đối với mọi thứ nhập khẩu. Mọi quốc gia. Mức thuế đó có thể bắt đầu từ 10%, có thể cao hơn đối với một số quốc gia”. Cách tiếp cận chung này sẽ khiến Việt Nam mắc bẫy bất kể các mối quan ngại song phương hay điều chỉnh chính sách.

Có lẽ quan trọng nhất là Việt Nam có ít nhượng bộ rõ ràng để đưa ra phù hợp với các ưu tiên mà Tổng thống Trump đã nêu. Việt Nam không thể ảnh hưởng đáng kể đến việc di cư đến Mỹ, có sự tham gia hạn chế vào các vấn đề an ninh của Bắc Mỹ và cung cấp một thị trường tương đối nhỏ cho hàng xuất khẩu của Mỹ. Nếu không có những con bài mặc cả rõ ràng phù hợp với lợi ích của Tổng thốngTrump, Việt Nam có thể có ít lựa chọn để đàm phán giảm thuế.

Các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam

Việc Việt Nam có phải đối mặt với mức thuế quan mới đáng kể hay không có thể phụ thuộc nhiều hơn vào hậu quả kinh tế rộng hơn của chương trình nghị sự thương mại của Tổng thống Trump hơn là bất kỳ hành động nào mà chính Việt Nam có thể thực hiện. Một số yếu tố có khả năng điều chỉnh hoặc đảo ngược các chính sách thuế quan của chính quyền khi tác động kinh tế của chúng trở nên rõ ràng.

Lạm phát có lẽ là rào cản quan trọng nhất đối với chương trình áp thuế của Tổng thống Trump. Đợt áp thuế trước đó vào năm 2018-2019 đã ước tính tăng thêm 0,3 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng giá tiêu dùng theo nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang – và điều này xảy ra trong giai đoạn lạm phát tương đối thấp. Môi trường kinh tế hiện tại cho thấy tình hình bấp bênh hơn nhiều. Lạm phát giá tiêu dùng do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland báo cáo đã tăng bất ngờ vào tháng 1/2025 (xem Hình 1), bất chấp hy vọng trước đó rằng lạm phát đã được kiểm soát chặt chẽ. Đáng lo ngại hơn, kỳ vọng lạm phát đã có xu hướng tăng kể từ tháng 11 năm 2024, cho thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp đã bắt đầu dự đoán tác động về giá của mức thuế mà Tổng thống Trump đề xuất. Đối với các cơ quan tiền tệ, thách thức khó khăn nhất trong việc kiểm soát lạm phát là quản lý kỳ vọng của thị trường – một khi mọi người kỳ vọng giá cao hơn, những kỳ vọng đó thường tự ứng nghiệm. Kỳ vọng lạm phát đã tăng mạnh vào đầu năm 2025, với cuộc khảo sát của Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát trong năm tới tăng vọt lên 4,9% vào tháng ba từ 4,3% vào tháng hai và 3,8% vào tháng một. Tương tự, dữ liệu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland cho thấy cả kỳ vọng một năm và hai năm đều cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed (xem Hình 2).  

Điều đáng lo ngại đặc biệt là khả năng xảy ra lạm phát là do cú sốc cung, xảy ra khi chi phí sản xuất tăng do các yếu tố như thuế quan hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng. Không giống như lạm phát đến từ phía cầu, mà Cục Dự trữ Liên bang có thể giải quyết thông qua việc tăng lãi suất mà không gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế, lạm phát do cú sốc cung đặt ra cho các ngân hàng trung ương một tình thế tiến thoái lưỡng nan đau đớn: chấp nhận lạm phát cao hơn hoặc gây ra suy thoái thông qua việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ. Hiện tượng này, được gọi là “lạm phát đình trệ” khi kết hợp với tình trạng trì trệ kinh tế, tỏ ra đặc biệt rất khó kiểm soát vào những năm 1970.

Thị trường tài chính đã phản ứng tiêu cực với các thông báo về thuế quan: trong tháng ba (đến ngày 10/3) chỉ số Dow đã giảm 4,5%, S&P giảm 5,7%, Nasdaq giảm 7,1%. Nhiều ngân hàng và cơ quan tài chánh dự báo quý I tăng trưởng GDP Tổng thống sẽ là âm.  Sự suy giảm thị trường nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài hơn có thể ảnh hưởng đến thiện chí của chính quyền trong việc tiến hành các biện pháp thuế quan bổ sung. Trong cuộc chiến tranh thương mại trước đây vào tháng 5/2019, mức giảm 6% trong các chỉ số Dow và S&P 500 trùng với thời điểm tạm dừng tăng thuế quan, cho thấy rằng phản ứng của thị trường có ảnh hưởng đến các quyết định chính sách.

Cộng đồng kinh tế toàn cầu đã lên tiếng về những rủi ro của việc áp dụng thuế quan trên diện rộng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế, OECD, Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức tài chính tư nhân đã công bố các phân tích cảnh báo rằng thuế quan rộng rãi sẽ làm giảm tăng trưởng GDP toàn cầu, phá vỡ chuỗi cung ứng và có khả năng gây ra các biện pháp trả đũa làm trầm trọng thêm thiệt hại kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang ước tính rằng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung năm 2018-2019 đã làm giảm GDP của Tổng thống  khoảng 1%.  Một cuộc chiến tranh thương mại đa quốc gia có khả năng thiệt hại gấp mấy lần. 

Sự phản đối của các công ty cũng có thể đóng một vai trò quan trọng. Trong đợt áp thuế trước, hơn 3.500 công ty Mỹ đã đệ đơn kiện thách thức tính hợp pháp của họ và các hiệp hội ngành đã vận động hành lang rộng rãi chống lại việc mở rộng của họ. Khi các công ty sản xuất, bán lẻ, nông nghiệp và công nghệ bắt đầu cảm nhận được tác động của chi phí đầu vào cao hơn và cơ hội xuất khẩu giảm, ảnh hưởng chính trị của họ có thể tạo ra áp lực để điều chỉnh chương trình nghị sự thuế quan.

Vượt qua cơn bão

Việt Nam đang ở trong tình thế bấp bênh liên quan đến các mức thuế quan tiềm tàng của Tổng thống, nhưng phần lớn là do các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Những lý lẽ biện minh không nhất quán được đưa ra cho các mức thuế quan trước đây cho thấy rằng các nhượng bộ chính sách cụ thể hoặc điều chỉnh cán cân thương mại có thể có hiệu quả hạn chế trong việc ngăn chặn các rào cản thương mại mới.

Những gì Việt Nam phải đối mặt giống như một cơn bão thương mại đang đến gần và chắc chắn sẽ đổ bộ. Chương trình nghị sự về thuế quan của chính quyền Trump đại diện cho một sự xáo trộn kinh tế mạnh mẽ đang gia tăng sức mạnh trong hệ thống thương mại toàn cầu. Đối với Việt Nam, câu hỏi không phải là liệu cơn bão này có đến hay không mà là tác động của nó sẽ nghiêm trọng như thế nào khi nó ập đến. Cường độ mà Việt Nam trải qua sẽ phụ thuộc đáng kể vào cách các quốc gia khác phản ứng và cách các thị trường tài chính phản ứng với việc áp dụng rộng rãi hơn các mức thuế quan. Nếu các nền kinh tế lớn như Canada, Mexico, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc tham gia vào các phản ứng phối hợp hoặc trả đũa đáng kể, hệ thống thương mại toàn cầu có thể phải đối mặt với sự hỗn loạn thậm chí còn lớn hơn, có khả năng làm giảm bớt cách tiếp cận của Tổng thống Trump. Ngược lại, nếu mỗi quốc gia đàm phán riêng rẽ và thị trường vẫn tương đối ổn định, Việt Nam có thể phải đối mặt với toàn bộ sức mạnh của cơn bão thuế quan mà không được bảo vệ nhiều.  

Nếu thị trường tài chính suy giảm đáng kể, lạm phát tăng tốc, tăng trưởng suy thoái, áp lực chính trị và kinh tế có thể buộc phải xem xét lại chủ nghĩa bảo hộ hung hăng. Tất nhiên, hậu quả trong ngắn hạn của một cuộc chiến thương mại đa quốc gia cũng sẽ rất đau đớn đối với Việt Nam, với nguy cơ mất việc làm trong các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư nước ngoài giảm và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Tuy nhiên, hy vọng tốt nhất của Việt Nam có thể nằm ở các lực lượng kinh tế rộng lớn hơn này buộc phải thay đổi chính sách. Ngược lại, nếu các tác động kinh tế tức thời bị các yếu tố khác làm giảm hoặc che khuất, chính quyền có thể tiến hành áp dụng thuế quan mở rộng bất kể hậu quả lâu dài của chúng.

Sự không chắc chắn này khiến Việt Nam không còn nhiều lựa chọn rõ ràng ngoài việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xây dựng khả năng phục hồi kinh tế và chuẩn bị các kế hoạch dự phòng cho nhiều kịch bản thuế quan khác nhau. Mặc dù việc duy trì quan hệ ngoại giao với Mỹ vẫn quan trọng, Việt Nam nên nhận ra rằng các động lực cơ bản của chính sách thương mại Mỹ hiện dường như không liên quan đến các cân nhắc kinh tế truyền thống hoặc các mối quan hệ song phương.

Tuy nhiên, vẫn còn lý do để lạc quan. Trong suốt lịch sử Mỹ, các giai đoạn bảo hộ chỉ là những đặc điểm tạm thời chứ không phải vĩnh viễn của chính sách kinh tế Mỹ. Hầu hết người Mỹ, bao gồm nhiều người giữ vị trí lãnh đạo trong cả hai đảng phái chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và giới trí thức, vẫn tiếp tục tin vào những ưu điểm của thương mại tự do và sự thịnh vượng mà nó đã giúp tạo ra. Khi những hậu quả tiêu cực của chủ nghĩa cô lập và chủ nghĩa bảo hộ trở nên rõ ràng hơn, những tiếng nói này có khả năng sẽ lớn hơn và có ảnh hưởng hơn. Giống như mọi cơn bão, cơn bão này cũng sẽ qua đi, cuối cùng nhường chỗ cho bầu trời tươi sáng hơn. Thách thức của Việt Nam là phải vượt qua sự hỗn loạn trước mắt trong khi định vị bản thân để phát triển mạnh mẽ trong môi trường thương mại cởi mở hơn mà lịch sử cho thấy cuối cùng sẽ quay trở lại.□

Bài đăng Tia Sáng số 6/2025

*Trong bản in, chúng tôi đã viết nhầm là “Việt Nam cộng một”. Chúng tôi chân thành xin lỗi độc giả vì sự nhầm lẫn này.

Tác giả

(Visited 624 times, 13 visits today)