Vốn và vốn Xã hội
Bài báo này sau khi điểm qua các khái niệm về vốn (tư bản), một khái niệm trừu tượng đã làm đau đầu nhiều học giả, sự hiểu lầm về vốn đã gây ra đau khổ cho không biết bao người trong vài ba trăm năm qua và vẫn chưa đi đến hồi kết, sẽ điểm chi tiết hơn về vốn xã hội, một khái niệm được đưa ra 90 năm trước nhưng mới thực sự được chú ý nhiều khoảng 15-20 năm lại đây, nêu vài ý tưởng sơ bộ của tác giả.
Năm 2000 Hernando de Soto, nhà khoa học Peru cho ra mắt cuốn The Mystery of Capital tôi đã dịch ra tiếng Việt (2003) là Sự bí ẩn của Tư bản (được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành với tên gọi Sự bí ẩn của Vốn (2006). Ngay trên trang bìa của ấn bản tiếng Việt đập vào mắt bạn đọc là hình ảnh của các đồng schilling Áo, đồng dollar Mỹ, v.v. chứng tỏ những người làm sách đã hiểu sai khái niệm vốn, tư bản đến thế nào. Tiền không phải là vốn, không phải là tư bản.
Cả A. Smith lẫn K. Marx đều coi tư bản là cái gì đó rất quan trọng, tạo động lực cho nền kinh tế thị trường. A. Smith coi tư bản là cái làm cho sự chuyên môn hoá và trao đổi sản phẩm có thể thực hiện được. Ông coi tư bản là lượng tài sản được tích tụ, được cố định và thể hiện trong một đối tượng cụ thể nào đó nhằm mục đích sản xuất, tăng năng suất, tạo giá trị thặng dư. De Doto cho rằng Smith coi tư bản là khả năng của tài sản để triển khai sản xuất mới. Jean Baptise Say cho rằng “về bản chất tư bản luôn luôn là phi vật chất vì không phải vật chất tạo ra tư bản mà là giá trị của vật chất ấy, giá trị không có cái hữu hình”. K. Marx đồng ý với các quan điểm trên. Như thế tư bản, hay vốn là cái nằm ngoài tài sản, nằm trong mối quan hệ của các [chủ] tài sản. Có thể nói các học giả cổ điển này tuy chưa hiểu rõ tư bản là gì nhưng họ đã hiểu khía cạnh quan trọng, và trừu tượng nhất, khó nắm bắt nhất của tư bản, nó là cái gì đó tồn tại ngoài tài sản, ẩn giấu trong các mối quan hệ giữa các tài sản (hay chủ tài sản).
Nếu xét các tài sản vật lí, thì bản thân các tài sản thuộc tầng vật lí (thí dụ một cái nhà, ở tầng vật lí nó chỉ phục vụ cho việc ở). Khả năng để phục vụ sản xuất mới của chúng được thể hiện ở một tầng cao hơn tầng vật lí, đó là tầng biểu diễn tài sản, là tầng thông tin. Khả năng của tài sản phải được biểu diễn, được thể hiện, được mô tả, được cố định ở tầng thông tin. Chính cái khả năng của tài sản được biểu diễn, được cố định này trên tầng thông tin là cái tạo ra tư bản, tạo ra vốn. H. de Soto chỉ ra rằng cái tầng thông tin ấy chính lại nằm trong hệ thống quyền sở hữu (Khả năng kinh tế của nhà đất được thể hiện bằng chứng thư sở hữu, bằng “sổ đỏ”, thực ra là bằng thông tin trong hệ thống thông tin sở hữu, không chỉ gồm có thông tin nhà đất mà cả của các tài sản khác như cổ phần, nhà máy, hầm mỏ, trang trại, số lượng gia súc hay các trang trại cà phê, cao su, v.v.). Đấy có lẽ là hai phát kiến to lớn nhất của H. de Soto.
Ông xác định 6 tác dụng của quyền sở hữu. Quyền sở hữu xác định tiềm năng kinh tế của tài sản. Hệ thống quyền sở hữu tích hợp những thông tin tản mác vào một hệ thống mà mọi tác nhân kinh tế có thể truy cập được, làm cho khả năng kinh tế của tài sản (tức là tư bản, là vốn) có cuộc sống riêng trên tầng thông tin, làm cho sự luân chuyển của chúng dễ dàng. Quyền sở hữu làm cho dân chúng có trách nhiệm. Quyền sở hữu làm cho các tài sản có thể chuyển đổi (kết hợp, chia tách, di chuyển) để thúc đẩy việc kinh doanh. Quyền sở hữu kết nối dân chúng lại thành một mạng lưới, gắn người chủ với các tài sản, với các thông tin về tài sản (nguồn gốc, lịch sử) với việc thực thi các giao dịch và như thế quyền sở hữu bảo vệ các giao dịch, bảo vệ các chủ tài sản, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật của các chủ tài sản.
Chủ nghĩa tư bản chỉ phồn thịnh ở các nước có hệ thống quyền sở hữu tốt (các nước phương Tây) và thất bại ở mọi nơi khác, các nơi muốn thủ tiêu quyền sở hữu thì lại càng không thể có sự phát triển. Đấy là một thông điệp quan trọng của H. de Soto được thể hiện trong nhan đề phụ của cuốn sách.
Nếu xét các tài sản vô hình như hiểu biết, kiến thức hay các tài sản ngầm (tacit) như kĩ năng, duyên (của cô bán hàng chẳng hạn), v.v. thì trong mối quan hệ xã hội (với những người khác, các tổ chức khác) khả năng của các tài sản này chính là vốn con người, tư bản con người. Các tài sản này khó được biểu diễn, được cố định, được mô tả trên tầng thông tin hơn các tài sản vật lí, nhưng nó vẫn có thể được nhận ra qua phỏng vấn, qua lí lịch công tác, bằng cấp, nhận xét của những người sử dụng lao động, đánh giá của giới chuyên môn, hồ sơ của các công ti săn đầu người (lại trên một tầng thông tin). Nghiên cứu cách biểu diễn, cách cố định các tài sản này chắc sẽ là lĩnh vực nghiên cứu lí thú. Như thế khả năng của tác tài sản vô hình hay ngầm ẩn của con người chính là tư bản hay vốn con người được biểu diễn trên tầng thông tin.
2. Vốn xã hội
Khái niệm vốn xã hội được L. J. Hanifan đưa ra lần đầu tiên năm 1916 như những thứ “được tính nhiều nhất trong cuộc sống thường nhật của con người: cụ thể là thiện ý, tình bằng hữu, sự đồng cảm, và giao thiệp xã hội giữa những cá nhân và gia đình tạo thành một đơn vị xã hội…Nếu [một cá nhân] giao tiếp với các láng giềng của mình, và họ với láng giềng của họ, thì sẽ có sự tích tụ vốn xã hội, cái có thể thoả mãn ngay các nhu cầu xã hội của anh ta và có thể có một tiềm năng xã hội đủ để cải thiện đáng kể điều kiện sống của cả cộng đồng” [trích theo M. Woolcock, D. Narayan]. Sau đó khái niệm này thực sự bị lãng quên và lác đác được một số học giả đề cập đến trong các năm 1950, 1960 và 1970. Thực sự khái niệm này chỉ được nhiều người quan tâm và bàn luận sau các công trình nổi tiếng của Coleman cuối các năm 1980 đầu 1990 và Putnam (1993, 1995). Từ đó đến nay vốn xã hội trở thành một đề tài nghiên cứu nóng và đã đi đến nhiều đồng thuận, tuy vẫn còn nhiều bất đồng và nhiều vấn đề chưa rõ cần nghiên cứu tiếp.
Khái niệm vốn xã hội thường gắn với sự tham gia xã hội và công dân, với các mạng hợp tác và đoàn kết, gắn với sự cố kết xã hội, sự tin cậy, sự có đi có lại và tính hiệu quả thể chế.
Hiện có ba cách tiếp cận về vốn xã hội:
Cách tiếp cận vi mô nhấn mạnh đến bản chất và các hình thức của ứng xử hợp tác (giá trị của hành động tập thể, vốn xã hội được coi là 1) sản phẩm của các động cơ của các tác nhân để tạo ra một hiệp hội; 2) ứng xử của họ; và 3) cảm nhận của họ về các vấn đề tập thể, Ngân hàng Thế giới nhắc đến loại này như “vốn xã hội nhận thức” (cognitive social capital).
Cách tiếp cận vĩ mô nhấn mạnh đến các điều kiện (thuận lợi và bất lợi) cho hợp tác, đến giá trị của hội nhập và cố kết xã hội; nó nhấn mạnh đến môi trường xã hội, các thể chế, cấu trúc xã hội và chính trị truyền đạt các giá trị và các chuẩn mực tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động xã hội và công dân; coi vốn xã hội như sản phẩm của các cấu trúc đó. Kết quả là, các cấu trúc này càng củng cố sự tin cậy và sự có đi có lại, thì càng nhiều người tham gia vào đời sống công dân, và sẽ càng có nhiều vốn xã hội.
Cách tiếp cận trung gian (meso) nhấn mạnh các kết cấu cho phép hợp tác xảy ra. Nó nhấn mạnh đến giá trị phương tiện của vốn xã hội, gắn với tiềm năng của các mạng xã hội. Ngân hàng Thế giới nhắc đến nó như “vốn xã hội cấu trúc”(structural social capital.
Người ta cũng phát triển nhiều kĩ thuật và phương pháp để đo lường vốn xã hội, nhưng vẫn chưa có phương pháp được chấp nhận rộng rãi. Chính phủ Canada, Australia và Ngân hàng Thế giới có những sáng kiến đáng kể về nghiên cứu và đo lường vốn xã hội.
Dựa trên ý tưởng của H. de Soto ta có thể hình dung vốn xã hội là khả năng của các tài sản xã hội nằm trong các mối quan hệ, trong mạng lưới xã hội, được cố định, được biểu diễn trên một tầng thông tin, bất luận các tài sản xã hội đó là các tài sản hữu hình hay vô hình. Các tài sản xã hội có thể là các định chế như gia định, nhóm, câu lạc bộ, hiệp hội, quân đội, công an, hệ thống an sinh xã hội, hay các tài sản vô hình như hệ thống luật pháp, các tập quán, tinh thần thượng tôn pháp luật, v.v. Khả năng đó nằm trong mối quan hệ xã hội chứ không phải trong bản thân các tài sản ấy. Có thể phóng sự tưởng tượng của chúng ta lên nữa để hình dung: trên tầng thông tin lại hình thành các tài sản, khả năng, tiềm năng của các tài sản (trên tầng thông tin này) lại được biểu diễn, cố định trên một tầng thông tin nữa, và cứ thế đến vô tận. Nói cách khác khả năng tạo vốn ngày càng tăng lên. Thực ra nghĩ như trên là vẫn theo cách tiếp cận thứ bậc: có tầng vật lí và các tầng thông tin nằm trên nhau, mỗi tầng trên biểu diễn, cố định năng lực của các tài sản thuộc tầng dưới nó. Có lẽ hữu hiệu hơn là một mô hình phi thứ bậc hơn, các tầng đó thuộc về một mạng có quan hệ qua lại với nhau chứ không chỉ từ dưới lên hay trên xuống theo kiểu thứ bậc. Nhìn từ cách tiếp cận này có thể thấy H. de Soto đã đề cập đến phần rất quan trọng của vốn xã hội gắn với định chế quyền sở hữu, tuy nhiên cách nhìn này cho ta cái nhìn bao quát hơn. Đây chỉ là các ý tưởng ban đầu, cần nhiều nghiên cứu hơn để làm rõ, để phát triển nó, hay bác bỏ nó.
Các mạng đã được các nhà toán học và các nhà kĩ thuật nghiên cứu từ lâu (dưới các tên như lí thuyết mạng, lí thuyết matroid, lí thuyết graph). Gần đây nghiên cứu ứng dụng các mạng vào vật lí, sinh học, khoa học trái đất, các hệ thống kĩ thuật (như mạng giao thông, viễn thông), vào xã hội là một lĩnh vực nghiên cứu hết sức sôi động và đưa lại nhiều kết quả hết sức lí thú. Sự giao thoa giữa nghiên cứu các hệ thống phức tạp, các mạng phức tạp và vốn xã hội có thể mang lại nhiều kết quả quan trọng. Đã có nhiều kết quả về vốn xã hội nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết (ngay một định nghĩa được đại bộ phận những người liên quan chấp nhận cũng chưa có). Còn có nhiều chỗ cho các nhà nghiên cứu, cho sự hợp tác giữa các khoa học xã hội và khoa học tự nhiên cũng như khoa học kĩ thuật. Nghiên cứu, hiểu rõ vốn là gì, tư bản là gì, vốn xa hội là gì, sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển, và hứa hẹn nhiều kết quả lí thú, có những hệ quả trực tiếp đến phát triển kinh tế và xã hội, thúc đẩy dân chủ và tự do.