Vốn – Vốn xã hội và Phát triển kinh tế

Cách tiếp cận vốn xã hội đặt trọng tâm vào mối quan hệ tương tác giữa các phần và của toàn hệ thống, thay vì chỉ duy nhất trong bản thân của chính từng bộ phận. Hiện tượng “đảng hóa” bộ máy nhà nước trong các đảng cầm quyền chính là do cách tiếp cận theo lối tư duy cơ học mà ra, thay vì là lối tư duy hệ thống.

Vốn xã hội là gì?

Putnam (1993) đã bắt đầu công trình nghiên cứu vốn xã hội khi ông phát hiện mối tương quan mạnh mẽ giữa các hoạt động cộng đồng với chất lượng thể chế trong các vùng ở Italy. Nhiều học giả, sau đó, cũng góp phần vào nghiên cứu mối quan hệ này. Knack và Keefer (1997) đã phát hiện ra mức độ tin cẩn (trust) trong một quốc gia tăng lên có tác động đến tăng trưởng kinh tế. Laporta, Lopez-de-Silanes, Shleifer và Vishny (1997, nghiên cứu ở nhiều quốc gia) còn bổ sung thêm: mức độ tin cẩn tăng lên còn làm giảm tham nhũng trong bộ máy công quyền.

Tuy vẫn còn có một số điểm chưa thống nhất giữa các nhà nghiên cứu, nhưng vốn xã hội có thể tiếp cận, ở mức độ khái quát nhất, từ các mối quan hệ  trên. Theo đó, vốn xã hội hàm ý đến mối quan hệ tương tác và kết dính lẫn nhau cả về mặt số lượng và chất lượng giữa con người với thể chế trong một xã hội.

Khái niệm vốn xã hội làm giảm đi những bất đồng quan điểm giữa các nhà xã hội học và các nhà hoạch định chính sách trong việc tìm ra giải pháp “phi kinh tế” để giải quyết các vấn đề văn hóa và xã hội, kể cả các vấn đề kinh tế, ít tốn kém nhất.

Khác với vốn tài chính (financial capital) – như có bao nhiêu tiền ở ngân hàng – và vốn con người do đầu tư của cá nhân vào giáo dục, vốn xã hội có thuộc tính ẩn chứa trong cấu trúc và chất lượng của các mối quan hệ xã hội giữa các cá nhân. Coleman (1990) đã nhận diện các hình thức của vốn xã hội, bao gồm mức độ tín cẩn trong một cấu trúc xã hội, quy tắc (norms), sự trừng phạt (sanctions), và các kênh thông tin.

So với các hình thức khác của vốn (vốn tài chính, vốn con người), vốn xã hội ít có tính hữu hình hơn và do đó cũng khó đo lường hơn, do vốn xã hội thể hiện dưới quá nhiều hình thức phong phú (mức độ tin cẩn, quy tắc và sự trừng phạt, sự phong phú của các tổ chức và hiệp hội dân sự trong một quốc gia). Các công cụ đo lường, do vậy, đòi hỏi phải sử dụng rất nhiều tham chiếu, đến mức vẫn còn khá ít các công trình nghiên cứu thuyết phục về cách thức đo lường vốn xã hội.

Trong công trình nghiên cứu mô hình kinh tế đơn về vốn xã hội vào năm 2000, Edward L. Glaeser, David Laibson của trường đại học Harvard và Bruce Saerdote của đại học Darmouth đã phát hiện chỉ một phần rất nhỏ vốn xã hội được giải thích bằng các biến chia cấp độ theo nhóm (group-level variables). Chẳng hạn có 49 biến giả thể hiện trạng thái (state dummy) – biến định tính quy theo cấp độ – chỉ giải thích được 1,4% các biến đổi mối quan hệ tương tác giữa các thành viên với tổ chức. Thậm chí 1075 biến giả được xây dựng theo tương tác giữa các nhóm tôn giáo với các khu vực thành thị cũng chỉ giải thích được 10,6% tương tác giữa các thành viên trong tổ chức.

Chẳng phải vô cớ mà Ichiro Kawachi (2000) phê phán: tuy vẫn có nhiều tranh luận về vốn xã hội nhưng hầu như chỉ là các tranh luận theo kiểu “old wine in new bottles” (bình mới rượu cũ).

Vốn xã hội và phát triển kinh tế ở Việt Nam

Nếu thừa nhận với những gì mà các học giả đã nghiên cứu về vốn xã hội, có lẽ không cần mất nhiều thời giờ để tranh luận về tầm quan trọng và tính hiển nhiên về tác động của vốn xã hội đến tăng trưởng của một quốc gia. Một quốc gia tuy có thể nghèo về tài nguyên nhưng có vốn xã hội tăng trưởng vẫn có thể trở nên giàu có. Đối chiếu với những gì thuộc về vốn xã hội trong các nghiên cứu trên, có lẽ bất kỳ ai cũng dễ dàng liên tưởng đến thực trạng vốn xã hội ở nước ta.

Vốn xã hội hiện nay ra sao? Chúng suy giảm, tăng trưởng, hay là gì gì nữa? Nếu nói là suy giảm thì còn có để mà mất!

Vốn xã hội ở nước ta vẫn đang trong giai đoạn hình thành, nhưng dường như là theo kiểu đặc thù hiếm thấy. Lấy ví dụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, có thể nào các kiến thức và kỹ năng của các thế hệ công dân trở thành vốn xã hội hay không khi mà các trường đại học phải học theo một chương trình khung thống nhất (có nhiều môn vô bổ), theo kiểu “áp chế tư duy” mà không tuân thủ bất kỳ khuôn mẫu đào tạo nào trên thế giới và cập nhật kịp thời với kiến thức đương đại.

Giống như “vốn” của các định chế, vốn xã hội cũng phải biết phủ định trong nội tại bản thân để phát triển và tăng trưởng. Như các tổng công ty lớn ở ta chẳng hạn, cứ khư khư bám lấy một cấu trúc vốn bảo thủ với đa phần là nợ vay mà không có những biến chuyển kịp thời bán ra cổ phiếu để thu về một khoản tiền lớn khi chỉ số VN-Index tăng kịch trần. Việc chuyển hướng từ một cấu trúc vốn chuyển hướng “thâm dụng nợ” sang “thâm dụng vốn cổ phần” là điều bình thường ở các công ty trên thế giới để bắt kịp với những thay đổi của thị trường. Thiếu tư duy để phủ định cái cũ là căn bệnh trong bộ máy ở ta. Hoặc như kiểu đồng thuận “riết” trong nội bộ chính thể cầm quyền về một mô hình tăng trưởng nào đó mà không biến chuyển kịp thời theo thời cuộc và có sự tham gia của yếu tố bên ngoài có thể làm cho vốn xã hội không thể phát huy hết nguồn lực, thậm chí là không thể hình thành. Bởi vốn xã hội, theo định nghĩa, cần phải có thành tố mạng cộng đồng trong đó (community networks). Thiếu một yếu tố nào đó cấu thành, có còn là vốn xã hội?

Các nghiên cứu về vốn xã hội của De Soto (2000) còn nhấn mạnh đến quyền sở hữu, là vật thế chấp căn bản để mọi cá nhân có thể phát huy hết tiềm năng trong các giao dịch. Để thấy được tầm quan trọng của vốn xã hội, ta thử liên hệ đến sự chậm trễ trong chủ trương tái cấu trúc (cổ phần hóa, giao, bán, khoán, cho thuê) các DNNN. Thường thì các lý do làm chậm trễ tiến trình tái cấu trúc được lý giải như là những khó khăn trong định giá doanh nghiệp, hoặc là phải giải quyết lao động thất nghiệp v.v… Song trên thực tế, lực cản chính yếu và lớn nhất có lẽ là vấn đề quyền sở hữu.

Có một thực tế, các DNNN cổ phần hóa vay vốn ngân hàng thường gặp rất nhiều khó khăn so với khi còn là DNNN thuần túy. Tài sản thế chấp của các DNNN cổ phần hóa là của ai? Không dễ trả lời, khi mà vấn đề pháp lý để vốn có thể chuyển nhượng lẫn nhau vẫn chỉ là quyền “sở… hữu hạn”. Đụng đến tài sản thế chấp của doanh nghiệp có yếu tố nhà nước không hề đơn giản, chẳng thà cứ 100% DNNN thì các ngân hàng vẫn còn dễ chơi hơn là DNNN cổ phần hóa.

Cứ thế mà liên tưởng rộng ra đến vấn đề sở hữu của các người dân và cư dân nước ngoài thì thấy vốn đã “chết” hay là chậm luân chuyển như thế nào trong các giao dịch do những phức tạp trong hệ thống luật lệ về quyền sở hữu. Làm thế nào có thể đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc và huy động mọi nguồn lực xã hội khi mà vấn đề sở hữu, đáng lý là động lực lại trở thành phản lực.

Một hình thức nữa của vốn xã hội là các kênh thông tin, bất cân xứng thông tin hiện nay đã làm lãng phí nguồn lực xã hội ghê gớm. Ở các nước phát triển, giá cả hàng hóa phản ảnh khá toàn diện tính hiệu quả của thị trường (efficient market), tuy rằng vẫn còn đó nhiều tranh luận về bằng chứng xác thực của thị trường này. Những thông tin có được từ quá khứ (ví dụ tết này giá vàng tăng cũng giống như tết năm trước), hiện tại (giá cả phản ảnh tất cả thông tin hiện có) và dự báo tương lai (chẳng hạn nhà nước hứa không tăng giá xăng) đều hội tụ vào giá cả ngày hôm nay và thay đổi một cách ngẫu nhiên (random walk) tùy thuộc vào thông tin mới xuất hiện, ít ai có thể trục lợi từ sở hữu riêng thông tin. Còn ở Việt Nam, từ các cơn sốt chứng khoán đến sốt đô la, đến các cơn sốt giá khác dường như không tuân theo một quy luật nào cả và đều do một thế lực nào đó dẫn dắt thông tin sai lệch cho ai đó liên tục đánh bại thị trường để làm giàu không chính đáng.

Hiện tượng này còn có thể chấp nhận được, nếu nguyên nhân chỉ là do tính hiệu quả của thị trường còn đang trong giai đoạn hình thành. Nhưng thật nguy hiểm khi tính không hiệu quả lại có nguồn gốc từ hệ thống. Mới hôm sáng, nhà nước tuyên bố không tăng giá xăng dầu, thì tối đó lại tăng bất ngờ; vừa tuyên bố không bảo hộ ô tô trong nước, thì sau đó chính sách lại khác đi theo kiểu nói sao cũng đúng.

Lời nói gió bay, dần dần mọi người có thói quen mất đi sự tin cẩn – một dạng kết tinh của vốn xã hội – đối với các chính sách phát triển. Đứng ở góc độ phát triển kinh tế, việc mất đi sự tin cẩn từ phía nhà nước cũng tương tự như việc nền kinh tế không có khả năng tạo ra yếu tố “có thể dự báo được”. Khi nền kinh tế là không có “khả năng dự báo”, các doanh nghiệp không thể nào lập ra được các kế hoạch dài hạn. Xa hơn nữa, cũng chẳng ai dám bỏ vốn liếng ra để làm ăn. Chống tham nhũng cũng vậy, người dân cũng ít có sự tin cẩn trong cách thức xử lý đối với loại tội phạm này do lỗi bắt nguồn từ hệ thống. Không có sự tin cẩn, tất yếu không thể tạo lập được vốn xã hội cho các mô hình phát triển.

Vốn và đo lường vốn xã hội?

Có một rắc rối từ thuật ngữ “vốn” trong khái niệm vốn xã hội. Trong bài đề dẫn của mình, TS. Trần Hữu Dũng có đề cập đến việc Arrow cho rằng vốn vật thể có ba đặc tính: “dãi ra trong thời gian (extension in time), hàm chứa những hi sinh cho lợi ích mai sau, và có thể được chủ thể này chuyển nhượng cho chủ thể khác. Theo Arrow, “vốn xã hội” có đặc tính thứ nhất nhưng thiếu đặc tính thứ hai và thứ ba. Solow đặt thêm câu hỏi: vốn vật thể có “suất thu hoạch” và có thể đo bằng cách tổng cộng tất cả đầu tư trong quá khứ, trừ đi phần tiêu hao, còn vốn xã hội thì làm sao đo? “Suất thu hoạch” của nó là cái gì?
Trong phạm vi diễn đàn, tác giả xin mạnh dạn bổ sung thêm một số đặc tính của “vốn” để góp phần tranh luận làm sáng tỏ vấn đề, theo đó vốn có đặc tính: (1) tuần hoàn để chuyển hóa từ hình thái này sang hình thái khác (cycle of operations), và (2) có thể chuyển nhượng và định ra được giá trị (alienable objects).

Khái niệm vốn xã hội thường biểu hiện ở dạng vô hình và đương nhiên rất phức tạp để có thể cân đong đo đếm, do vậy vốn xã hội dường như gần gũi với những gì thuộc về kỹ năng (skills) và kiến thức (knowledge) nhiều hơn. Rõ nhất là vốn xã hội có đặc tính gần với đặc tính thứ nhất (tuần hoàn) của khái niệm “vốn” mà các nhà kinh tế sử dụng. Dường như đây là đặc tính mà Arrow chưa đề cập đến. Khái niệm dãi ra theo thời gian liên quan đến tính lâu bền (durable) của vốn nhiều hơn, và liên quan đến vấn đề tính toán khấu hao của tài sản, chúng khác với tính tuần hoàn của vốn.

Vốn có thể tuần hoàn chuyển hóa từ hình thái tiền tệ sang hình thái tài sản, rồi sau đó quay trở về dưới hình thái tiền tệ tăng thêm. Vốn xã hội, tương tự, cũng có thể chuyển đổi từ hình thái giáo dục của gia đình và xã hội thành tài sản chung của cộng đồng. Nếu ứng dụng hình thái tuần hoàn, sẽ có nhiều hữu ích khi tiếp cận táo bạo việc vận dụng khái niệm vốn xã hội ở nước ta.

Vốn xã hội làm sao đo? “Suất thu hoạch” của nó là cái gì?.

Cần phải thấy, hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được cách thức đo lường, tức là định ra giá trị của vốn xã hội, chứ không hẳn là không thể tìm ra cách thức đo lường vốn xã hội.
Thị trường tài chính đã từng phát kiến ra một cách thức độc đáo đo lường để định ra giá trị của các công cụ phái sinh (derivatives). Điều mà có lúc tưởng như đã tuyệt vọng.
Tại sao định giá các công cụ phái sinh khó đến như thế? Cũng giống như vốn xã hội, các công cụ phái sinh không phải là các tài sản thực, thậm chí cũng không phải là tài sản vô hình, nên không có các xuất lượng (output) là dòng tiền (cash flow) hay suất thu hoạch để có thể dùng phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) định ra giá trị. Công cụ phái sinh là những tài sản ảo (không phải vô hình) và hoàn toàn không có phương pháp gì để tìm ra được chi phí cơ hội (opportunity cost), do rủi ro của chúng (như option mua cổ phiếu chẳng hạn) thay đổi mỗi lần giá của tài sản cơ sở (underlying assets) thay đổi, và điều này xảy ra trong từng khoản thời gian nhỏ nhất xuyên suốt thời gian sống của công cụ phái sinh.
Vậy một tài sản ảo lại không có suất thu hoạch thì làm sao đo? Black-Scholes đã làm được điều không tưởng này bằng cách đi “đường vòng” thông qua việc xây dựng một danh mục khác tương đương với tài sản cơ sở. Hai ông đã được trao vòng nguyệt quế giải Nobel kinh tế năm 1997 về công trình táo bạo này. Ngày nay thị trường tài chính toàn cầu đã ứng dụng rộng rãi mô hình Black-Scholes về định giá công cụ phái sinh cho các giao dịch tài chính. Thậm chí các ứng dụng này còn lớn hơn nhiều khi chúng lan tỏa sang các lĩnh vực ra các quyết định “nên và không nên đầu tư vào đâu”. Trong tương lai, có thể có một cách thức đường vòng nào để định ra giá trị của vốn xã hội hay không? Có thể lắm chứ.
 
Ứng dụng mới của vốn xã hội?

Khi vốn xã hội có đặc tính nào đó như “vốn”, chứ không khác biệt hoàn toàn, ta có thể vận dụng và triển khai vào trường hợp của vốn xã hội hay không?

Điều này là có thể và đặc biệt quan trọng, nhất là ở các nước đang phát triển, nơi đang cố tìm mọi cách tìm ra một điều gì đó mới lạ nhằm bổ sung vào kho tàng lý luận nhiều khi đã quá lạc hậu, và vào nguồn vốn vật thể hiện hữu để thoát kiếp đói nghèo và nhược tiểu.

Thực tế cho thấy cùng một trường hợp như nhau nhưng doanh nghiệp nào tạo ra được một cấu trúc vốn độc đáo với các công cụ kết hợp phong phú, giá trị của doanh nghiệp đó có thể tăng lên đáng kể. Như vậy, một công ty hay một định chế, ngoài các loại vốn hiểu theo nghĩa truyền thống, còn có thể huy động thông qua các công cụ là chứng khoán ngoại lai (exotic security). Các khoản vay nợ kết hợp với option mua cổ phiếu, chẳng hạn, và hàng ngàn cách kết hợp khác mà khó có ai thông thạo hết, cho dù có là các chuyên gia thứ thiệt, là điển hình của các kết hợp “vốn” độc đáo đó.

Tương tự, vốn xã hội có thể là một kếp hợp giữa những gì chung của cộng đồng và thừa nhận tính độc đáo, kiểu như “ 1 quốc gia 2 chế độ”. Hoặc nhiều ông bộ trưởng cũng có thể là người ngoài đảng ngay trong lòng của một đảng cầm quyền. Điều này có nghĩa, các nước có thể cùng một hoàn cảnh như nhau, nhưng nếu nước nào có được những kết hợp độc đáo trong gây dựng vốn xã hội vẫn có thể trở nên giàu có và thịnh vượng.

Sở dĩ như thế là do, thay vì tư duy theo lối cơ khí máy móc, vốn xã hội được tiếp cận theo lối tư duy hệ thống. Cách tiếp cận đặt trọng tâm vào mối quan hệ tương tác giữa các phần và của toàn hệ thống, thay vì chỉ duy nhất trong bản thân của chính từng bộ phận. Hiện tượng “đảng hóa” bộ máy nhà nước trong các chính đảng cầm quyền chính là do cách tiếp cận theo lối tư duy cơ học mà ra, thay vì là lối tư duy hệ thống.

Muốn hình thành và chuyển hóa vốn xã hội thành một động lực để phát triển, không những chỉ tìm cách tạo lập các yếu tố cấu thành mà còn cách phải thay đổi cả hệ thống, nếu như hệ thống đó là lực cản làm cho vốn xã hội mãi mãi không thể tuần hoàn và chỉ dừng lại ở dạng tiềm năng mà thôi.

Lời kết

Mặc dù tác giả có một số ít quan điểm riêng để phát triển bài viết về vốn xã hội, nhưng về căn bản vẫn dựa trên những ý niệm về vốn xã hội mà các học giả nổi tiếng phát kiến và tham khảo những nghiên cứu của TS. Trần Hữu Dũng.

Nhưng tại sao chúng ta không dám mạnh dạn bổ sung những tranh luận của mình vào khái niệm vốn xã hội, đặc biệt là những ứng dụng của vốn xã hội cho phát triển kinh tế mà chỉ bó hẹp trong phạm vi phát hiện của các học giả đi trước, khi mà bản thân các nghiên cứu này cũng chưa hoàn chỉnh. Nếu những luận bàn của tác giả có những liên kết quá mức về khái niệm “vốn” và vốn xã hội và vẫn còn có những gì chưa chính xác, ít ra chúng cũng cung cấp cho chúng ta một khuôn khổ đồng nhất để luận bàn về các vấn đề phát triển kinh tế của đất nước. Để không ai phải đi lạc đề phải không các anh chị!./.

PGS.TS Trần Ngọc Thơ

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)