Vốn Xã hội nhìn từ Tương quan giữa Ba Giác độ: Nhà nước, Thị trường, Xã hội Dân chính.
Lịch sử là một tiến trình chuyển động với dạng ‘bình thông nhau’: một sự cố trong lĩnh vực này vẫn luôn tương tác với lĩnh vực khác! Và con người –hiểu theo nghĩa nhân loại- có thể làm chủ được phần nào lịch sử của chính nó khi nó nhìn nhận ra:
Vốn Xã Hội và Cách Tiếp cận Liên ngành.
1). Đâu là các lĩnh vực cơ bản tạo nên ‘cơ chế/động thái vận hành’ của lịch sử cộng đồng ; 2). Và thế nào là lưỡng tính vừa ‘vận động tự thân’ vừa ‘độc lập tương đối’ của mỗi một lĩnh vực ấy.
Tiếp cận như trên chính là đặt vấn đề tìm hiểu tính chất của các mối quan hệ giữa những thành tố cấu thành thực thể: mọi thực tế và trạng thái, không bao giờ là một khối toàn nhất tự nó, mà hiện diện từ việc kết nối – chính xác là từ đặc tính của sự quan hệ- giữa những phần tử hay yếu tố khác nhau. Trong chiều hướng ấy, năng lực vận động của một cộng đồng quốc gia thoát thai từ tính chất của các mối tương quan giữa ba lĩnh vực cơ bản là Nhà nước, Thị trường và Xã hội!
Trong sự giao thoa giữa ba lĩnh vực trên, thông thường là giới chính trị học vẫn coi trọng vai trò của Nhà nước và chuyên gia kinh tế lại chú tâm đến sự sinh động của thị trường. Nhưng với cách nhìn phức hợp ngày nay, tính chất của xã hội lại có khuynh hướng chiếm trọng tâm: chẳng phải ngẫu nhiên mà thành ngữ tưởng là giản đơn ‘Xã hội nào thì Nhà nước ấy và Thị trường thế nào thì cần Xã hội thế ấy’ lại biến thành một ‘phương châm nghiên cứu’ của liên ngành xã hội-kinh tế-chính trị học!
Trong khuôn khổ đó, khái niệm ‘vốn xã hội’ trở thành ‘vấn đề lớn’: khác với ‘tài nguyên xã hội’ (‘Social Resources/SR’) chú trọng đến việc liệt kê ‘trọng lực tự thân’ của những ‘lượng của cải’ mà một tập thể nhân quần có được ở ba bình diện khác nhau là nhân lực, tài lực và vật lực, ‘vốn xã hội’ (‘Social Capital/SC’) đặt vấn đề tìm hiểu tính năng động và chiều hướng phát triển của cộng đồng xã hội thông qua việc phân tích cùng lúc cách kết nối giữa ba bình diện vừa nêu trên và thể loại tương giao giữa những tác nhân cấu thành nội hàm của ‘nguồn nhân lực/nhân sự’.
Cần hiểu rõ ý nghĩa của cụm từ ‘thể loại tương giao giữa những tác nhân cấu thành nộị hàm của nguồn nhân lực/nhân sự’ vừa nêu: đó là hình thái của ‘mạng quan hệ cá nhân và cộng đồng’ (‘individual and community network’) bao gồm một bên là giữa các cá nhân với nhau và một bên là giữa các cá nhân với những tập hợp quy tụ các cá nhân đó. Vào thời buổi ‘World Cup’, có thể lấy bóng đá để sáng tỏ vấn đề: chẳng ‘ăn thua’ gì nếu một đội có đủ 11 siêu sao nhưng mỗi siêu sao chỉ khư khư nghĩ đến việc ‘tự mình thể hiện mình’ mà không gắn kết với nhau bởi một ‘tinh thần đồng đội’ phối hợp nhịp nhàng việc vận hành các ‘bộ phận hữu cơ của tập thể’ là thủ môn, hậu vệ, trung vệ, tiền vệ và tiền đạo! Chính vì thế mà trong doanh nghiệp đã hình thành sự tương hỗ giữa hai chuyên ngành là ‘quản trị nguồn nhân lực’ (‘Human Resources Management/HRM’) và ‘quản trị đội ngũ nhân sự’ (‘People-Team Management/PTM’): một bên khởi nguyên từ việc tìm hiểu ‘khả năng bản thân của mỗi một cá nhân hoạt động cho doanh nghiệp’ và một bên lại phát sinh từ sự quan tâm đến ‘tiềm năng của việc tích hợp những quan hệ giữa các thành viên của toàn thể cộng đồng cấu thành nội và ngoại lực của doanh nghiệp’.
Tuy nhiên, xuất hiện ở đây vấn đề mấu chốt mà việc tháo gỡ có khả năng đặt định cơ sở cho việc phát huy vai trò của vốn xã hội trong tiến trình ‘phát triển hài hoà’ với ý nghĩa là ‘tăng trưởng cân đối giữa kinh tế, xã hội và chính trị’ và theo hướng ‘quan hệ tương hỗ và cân bằng cán cân lực lượng giữa Nhà nước, thị trường và xã hội’, cụ thể là ở Việt Nam.
2. Từ Xã Hội Công Dân đến Xã hội Dân Sự và Vốn Xã Hội trong Thể Chế Tư Bản.
Vấn đề mấu chốt ấy được khơi mào từ một câu hỏi thoạt tiên tưởng chỉ đơn thuần là hàn lâm: vì những lý do cụ thể gì mà khái niệm vốn xã hội, nguyên nội dung đã được phân tích khá rõ vào giữa thập niên 1910 (chính xác là 1916 bởi một giảng viên trường cao đẳng ở West Virginia là L.J. Hanifan trong một công trình nghiên cứu về ‘cộng đồng nông thôn/rural community’ đăng trong ‘Annals of the American Academy of Political and Social Science’, 67-XIX/XVI-NY), lại phải chờ đến cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI mới được nhiều tác giả quốc tế đồng loạt đề cao như một ‘công cụ tư duy về xã hội mang tính khai phá và rất hữu dụng cho việc thúc đẩy tích cực tiến trình phát triển kinh tế và chính trị’?
Một nhận định của Karl Marx hoàn toàn đúng ở đây: ‘nhân loại chỉ đào sâu những câu hỏi nào có thể mang đến cho nó hướng giải quyết các vấn đề đang được đặt ra’! Quả thế: xuất hiện trong khoảng thời gian mà khái niệm ‘Xã hội Dân Sự /Công Dân’(‘Civil Society/CS)’ đang trên đà chiếm lĩnh các ngành khoa học xã hội, nhân văn, chính trị và kinh tế Âu Mỹ không chỉ như một luận đề có khả năng kiến giải sự tiến hoá của lịch sử các cộng đồng quốc gia mà còn như một ‘phương thức lâm sàng’ (‘clinical method’) góp phần ‘giải phóng’ con người khỏi sự vô cảm của những guồng máy nặng nề của quyền lực, khái niệm ‘Vốn Xã Hội’ bị ‘bỏ quên’ vì chỉ được nhìn nhận như ‘một chìa khoá nhỏ mở ra một khung cửa sổ hẹp thuộc diện vi mô của sinh hoạt cộng đồng’. Nói cách khác: khi phần lớn các tác giả thời danh lúc bấy giờ đều hình dung là các vấn đề cơ bản có thể được giải quyết rốt ráo với việc triển khai và ứng dụng khái niệm ‘Xã hội Dân Sự /Công Dân’ thì ‘bày thêm’ một khái niệm khác như ‘Vốn Xã Hội’ biến thành ‘việc tốn công không cần thiết’ (: ‘nguyên lý tiết kiệm/principle of economy’ trong ‘tư duy khoa học’: khi mọi vấn đề cơ bản đều có thể giải quyết với ‘CS’ thì ‘SC’ lại đâm ra ‘thừa’)!
Phải chờ đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, khi mà phần lớn các xã hội dân sự /công dân Âu Mỹ đã gần như bị biến chất và lộ rõ sự bất lực trong việc cân bằng các mối tương quan giữa Nhà nước, thị trường và xã hội thì khái niệm ‘vốn xã hội’ -đã được thi thoảng ‘đánh thức’ trước đấy bởi vài tác giả nổi danh kể từ thập niên 1960- lại trở thành một ‘đề tài nóng’. Nói gọn: tính chất của ‘xã hội dân sự/công dân’ còn lại được gì khi mà nhiều quan hệ xã hội đã bị biến thái vì sự ‘co cụm về bản thân’ ?! Ngay đến một thú tiêu khiển trước đấy ở Mỹ (và Tây Âu) mang tính ‘tập thể của những tối thứ bảy sốt bỏng’ (‘Saturday Night Fever’s Community’) mà nay lại biến thành ‘Chơi Bowling Một Mình’ (lấy từ tựa đề một tác phẩm của Robert Putnam ‘Bowling Alone: The Collapse and Revival of American Community’, Simon & Schuster ed. NY 2000) thì việc ‘xé lẻ giữa con người dân sự và cộng đồng công dân’ trở thành không chỉ là mối đe doạ cho sự cường thịnh của chính thể quốc gia mà còn là cơ hội để thị trường bành trướng theo hướng ‘hoàn toàn tự nó và vì nó’!
Thật vậy: cơ bản được đình hình với G.W.F.Hegel và sau đó được phân tích trong các bối cảnh lịch sử khác nhau (chủ yếu là từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX) bởi Karl Marx, nội dung của khái niệm xã hội dân sự/công dân cũng như các mối tương quan biện chứng giữa xã hội ấy và Nhà nước đã được thể hiện rõ ràng: thoát thai từ những tập hợp thuộc ‘phong trào Anh sáng’ và trước sự khủng hoảng của chế độ phong kiến , ‘xã hội dân sự/công dân tư sản’ tự khẳng định nó thông qua việc đối kháng với Nhà nước quân chủ. Nhưng rồi với sự hình thành của Nhà nước tư sản, xã hội dân sự/công dân tư sản lại trở thành một định chế gắn kết tương tác với Nhà nước: thoát thai từ xã hội dân sự/công dân (tư sản), Nhà nước (tư sản) trở thành ‘đại diện’ của nó, là một thiết chế chính trị mà cộng đồng xã hội điều tiết/điều hợp những lợi ích chung và riêng, những mâu thuẫn giữa tập thể quốc gia và các đoàn thể quốc dân, những đối kháng giữa giai cấp/giai tầng xã hội và công dân, giữa cá nhân và tổ chức. Trong chiều hướng đó, xã hội dân sự/công dân không còn là một thực thể hoàn toàn độc lập hoặc/và đối kháng với Nhà nước mà biến thành chính là một ‘cộng đồng môi giới’, trung gian giữa chính quyền và tư nhân, giữa guồng máy tập quyền và các qui hợp tản quyền, giữa ý thức hệ bá quyền của thể chế và hệ tư tưởng đa tuyến của cá nhân.
Cũng trong diễn trình đó, ‘phẩm chất công dân’ của xã hội tư sản ấy càng ngày càng được đề cao: ‘việc dân sự’ không phải thuần tuý là việc ‘riêng của cá nhân’ vì chính là thông qua sự thực hiện ‘việc dân sự’ mà mỗi một thành viên của cộng đồng dân cư thể hiện rõ nét vai trò công dân của mình. Chẳng phải vô cớ mà khái niệm ‘Citizenship’ (‘tính chất công dân’) đã được quảng bá song hành với những định chế thuộc Nhà nước tư sản và khái niệm ‘Civil Society’ đã phát triển song song với việc đề cao ý thức hệ về ‘Civic Rights’ (‘quyền công dân’) của tư bản: xã hội dân sự trở thành một thực thể ‘thiết thực và hữu dụng’ cho Nhà nước tư sản vì nó đóng trọn vẹn vai trò ‘tổ chức công dân’ làm ‘trợ tá hữu cơ’ (‘Organic Clerk’) cho chính thể tư bản. Theo đó, ý nghĩa của từ ‘Civil’ trong ‘Civil Society’ không còn chủ yếu là dùng để đối kháng với ‘phong kiến’ (‘Feudal’) vốn khởi nguyên từ sự mâu thuẫn giữa ‘độc đoán, chuyên quyền’ (‘Autocratic’) và ‘Civilized’ (‘văn minh’, hiểu theo nghĩa đen là ‘không còn bị che lấp bởi sự tăm tối’. Cũng cần chú ý: ‘Civilization’ và ‘Civil’ có cùng nghĩa gốc của từ La Tinh là ‘không [còn] chịu lệ thuộc [và nhờ thế mới biến thành văn minh]’, vì vậy nếu theo nghĩa tầm nguyên của từ ‘Civil Society’ thì phải dịch theo ý là ‘xã hội không còn chấp nhận sự cương toả của Nhà nước phong kiến’, hiểu rộng hơn là ‘xã hội của người dân không chấp nhận chuyên quyền quân chủ’, và chính xác là ‘xã hội của quyền công dân’ hoặc gọn là ‘xã hội công dân’)!
Với triết gia và nhà cách mạng người Y, Antonio Gramsci, biện chứng trên còn được phân tích rõ ràng hơn (‘Gramsci & The History of Dialectical Thought’ by Maurice Finocchiaro, Cambridge University Press 2002): xã hội công dân tư sản –nghĩa là tất cả những tổ chức và tập hợp dân lập ngoài chính quyền- thoạt tiên tưởng là một thực thể nằm bên ngoài Nhà nước tư sản nhưng thực chất lại thuộc ‘phạm trù cai quản’ của Nhà nước tư sản được xem như là một chỉnh thể pháp định. Đúng vậy: dù có là tự lập hay tự quản thì toàn bộ xã hội công dân vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ của pháp chế Nhà nước! Chính vì thế mà khi Nhà nước càng mở rộng nền pháp lý nhằm ‘hợp thức hoá/định chế hoá’ những hoạt động của xã hội công dân thì vô hình trung xã hội ấy trở thành một thiết chế nằm trong hệ thống pháp quy (: ‘luật chơi’) của Nhà nước hiện hành, tự mình biến thành một tác nhân trực tiếp điều tiết những mâu thuẫn tiềm tàng trong công đồng dân chúng, đỡ cho Nhà nước cầm quyền khỏi phải ôm đồm bao biện mọi lĩnh vực. Theo chiều hướng ấy, tính năng động của xã hội công dân rốt cuộc lại bổ sung cho những hoạt động của bộ máy Nhà nước, và cuối cùng là hai thực thể hữu cơ ấy liên hợp lại thành một hệ thống chỉnh thể mà sự ‘vận hành kép’ góp phần vào sự ‘tái tạo mở rộng của chính thể tư bản’.
Kết lại, có thể nói như nhận định của Joseph Schumpeter (‘Capitalism, Socialism and Democracy’, Peter Smith Publishers 1984) là ‘tính đối trọng’ giữa Nhà nước và xã hội công dân trong chế độ tư bản tương tự như sự ‘cân bằng giữa mã lực của chiếc xe và sức chận của cái phanh: xe chạy nhanh mà không có phanh tốt thì dễ toi đời’. Và ‘tuyệt chiêu’ của tư bản là Nhà nước và xã hội công dân hoạt động tương tác với nhau: cái này phóng nhanh quá thì cái kia đạp phanh và cái kia chậm quá thì cái này lại rồ máy tăng ga’. Nói cách khác, Nhà nước và xã hội công dân vừa thúc đẩy tính năng động của nhau vừa làm đối lực cho ‘sức mạnh’ của nhau!
Tuy nhiên, sự vận hành của hệ thống bên trên không còn được như ý kể từ cuối thập niên 1960 với ‘sức mạnh bành trướng’ của thị trường:
Trong kinh tế-chính trị học tư bản, từ ‘bàn tay vô hình’ của Adam Smith đến những ‘mô hình tự điều tiết’ của các trường phái tân cổ điển, vai trò chủ yếu của Nhà nước được đặt định trong việc ngăn chặn những ‘tiêu cực ngoại vi’ của thị trường (‘negative externalities’) và thực hiện những công trình mà thị trường không thu được lợi riêng. Trong chiều hướng đó, chức năng cơ bản của Nhà nước nói chung chỉ là ‘trợ thủ’ cho kinh tế thị trường và ‘bảo vệ’ trật tự tư sản.
Kể từ thập niên 1930 và nhất là sau Đệ Nhị Thế Chiến, với việc ứng dụng lý thuyết kinh tế của Keynes, Nhà nước lại có thêm nhiệm vụ tích cực trong việc phân phối thu nhập quốc dân để ‘kích cầu’ và qua đó thúc đẩy sản xuất. Với ‘Nhà nước bảo trợ’, mức sống của xã hội Âu Mỹ đã được cải thiện đáng kể. Nhưng sự bành trướng của Nhà nước ấy rốt cuộc đã đưa đến hệ quả là sự huỷ hoại tính tự chủ của xã hội công dân đồng thời với sự lan tràn của một guồng máy hành chính công quyền nặng nề: sau ‘30 năm vàng son’ (‘The Glorious’ 30’) của việc điều hợp những thoả hiệp giữa tư sản và lao động và tăng cường phúc lợi xã hội, trước thềm của ‘chu kỳ I trong khủng hoảng kinh tế (dầu lửa)’ -nghĩa là vào thập niên 70-, các xã hội công dân ở Âu Mỹ nhìn chung đã biến thành một mạng lưới chằng chịt tập hợp vô số những tổ chức phường hội, đòi hỏi những quyền lợi cục bộ và trông chờ vào sự ‘bảo trợ của Nhà nước’!
Sang đến cuối thập niên 1980, với sự suy thoái của các chính thể theo mô hình của Keynes (chủ yếu là ở Tây và Bắc Âu), những chính sách kinh tế tân tự do, khởi xướng từ Anh và Mỹ, ngày càng lan rộng: Nhà nước nhường chỗ cho thị trường! Chính xác hơn, Nhà nước càng ngày càng bị ‘thị trường hoá’: không những Nhà nước phải mở cửa cho nguyên tắc tư lợi được triển khai ở những khu vực trước đấy thuộc diện công quản hoặc bán công (y tế, giáo dục, bảo hiểm lao động và xã hội…) mà còn phải nhân danh hiệu năng và hiệu suất kinh tế can thiệp thẳng vào việc tổ chức sản xuất (qui chế lao động, định chuẩn mức lương, chi viện ngân sách, phân bố qui trình…). Và sang đến giữa thập niên 1990, những chính sách ‘giải lệ’ (‘Deregulation’, nghĩa là giải trừ những qui định pháp lý có trước đấy để mở rộng cho thị trường hoạt động một cách toàn năng trong gần như tất cả mọi lĩnh vực) rốt cuộc đã biến Nhà nước thành công cụ trực tiếp của một thể chế tư bản muốn thị trường hoá các vận hành và quan hệ xã hội, kể cả những vận hành và quan hệ vốn nằm ngoài phạm trù kinh tế.
Trong bối cảnh đó, cán cân ‘tương quan lực lượng’ giữa thị trường, Nhà nước và xã hội công dân nghiêng hẳn về thị trường ngày càng trở thành một tác nhân thống lĩnh. Và cũng trong diễn trình đó, các ‘học thuyết tân tự do’ trong khoa học xã hội, nhân văn và chính trị –dựa vào ‘trọng lượng’ của các trường phái tân cổ điển trong kinh tế học- đã phổ biến những ‘định nghĩa mới’ về ‘Civil Society’: đó là khoảng không gian riêng biệt của những mối quan hệ hợp tác giữa tư nhân, nghĩa là những cá nhân trưởng thành, tự do và ý thức, có quyền thiết lập cho riêng mình mọi ‘thể loại hợp đồng quan hệ’ miễn sao các ‘hoạt động dân sự’ ấy không đụng chạm đến quyền lợi của cá nhân khác trong cộng đồng. Nói gọn: nội hàm của ý niệm ‘Civic/Công dân’ trong ‘Civil Society’ hoàn toàn bị triệt tiêu so với ý niệm ‘Civil/Dân sự’ hiểu đơn thuần theo nghĩa đấy là ‘việc riêng của cá nhân, miễn sao tự do của cá nhân này không đụng chạm đến tự do của cá nhân khác’. (Chính vì thế, mà xin nói thêm ở đây là khi dịch khái niệm ‘Civil Society’ ra tiếng Việt với hai thuật ngữ ‘Xã hội Công dân’/’Xã hội Dân sự’ cũng cần lưu ý đến những ‘khác biệt của các bối cảnh’ tác động đến nội hàm của hai ý niệm ‘công dân’ và ‘dân sự’ như vừa được trình bày).
Nói cách khác, khi mà việc ứng dụng triệt để các trường phái tân cổ điển trong kinh tế đã đưa đến hệ quả là ‘thị trường ngày càng phình ra, Nhà nước ngày càng teo lại’ thì các’học thuyết tân tự do’ (mà một số còn tự nhận một cách ‘hàm hồ’ là ‘hậu hiện đại’!) trong các ngành xã hội, nhân văn và chính trị học cũng phải góp phần để ‘xã hội dân sự’ gây sức ép cho Nhà nước ngày càng ‘teo thêm’ bằng cách định chế hoá xã hội ấy thuần tuý như một ‘không gian của tư nhân’ vì thế mà nó nhất thiết phải luôn luôn đối kháng với cái ‘vô nhân lạnh lùng’ của guồng máy Nhà nước!
Kết lại, trong diễn trình lịch sử ấy, sự ‘tái xuất giang hồ’ của khái niệm ‘Vốn Xã Hội’ cũng như việc triển khai những luận đề phát xuất từ khái niệm ấy vào cuối thể kỷ XX đầu thế kỷ XXI ở Âu Mỹ hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên: vấn đề đặt ra là ‘Vốn Xã Hội’ ấy được nhìn từ giác độ nào? Từ Nhà nước? Từ thị trường? Từ chính xã hội? Hay từ mối tương quan giữa cả ba giác độ ấy? Và ‘Vốn Xã Hội’ ấy có chức năng cơ bản gì đối với thể chế tư bản?
3. ‘Xã hội hoá Vốn Xã hội’ và ‘Xã hội Dân chính’
hay Vì sao Tư bản lại Cần Vốn Xã hội?
Với những ai đã đọc kỹ ‘Chơi Bowling Một Mình’ của Robert Putnam, điều gây ấn tượng đầu tiên là khái niệm ‘Social Capital’ trong tác phẩm ấy khởi nguyên được đặt song hành với các khái niệm ‘Civic Participation’ (‘Tham gia với tư cách công dân’) và ‘Civic Engagement’ (‘Cam kết/Dấn thân theo tính chất công dân’): hiện tượng con người trong xã hội ‘co cụm về chính bản thân của riêng nó’ (‘Egotism/Egocentricity’) thể hiện một sự ‘từ chối/từ nhiệm tính chất công dân của nó’ (‘Renunciation/Resignation’. Lưu ý, từ ‘Resignation’ còn có nghĩa là ‘cam chịu số phận, chấp nhận một cách âm thầm’)! Từ đó vấn đề chủ yếu được đặt ra cho nhà chính trị học (chuyên ngành gốc của Robert Putnam) là: liệu một thể chể có thể tồn tại/tái tạo mở rộng khi mà công dân từ chối/từ nhiệm vai trò của nó?! Những số liệu dẫn chứng trong tác phẩm còn làm lộ rõ tính trầm trọng của vấn đề: phần lớn sự tham gia của người dân (ở Mỹ và một số nước Tây Âu) trong các hoạt động mang tính chất ‘Civic Participation/Civic Engagement’ đều giảm sút. Và nếu so sánh sự tham gia của quần chúng đối với hai thể loại sinh hoạt chính trị (‘Political Participation’) và tôn giáo (‘Religious Participation’) thì số lượng đóng góp (tiền của và thời gian) cho các buổi lễ tôn giáo cao hơn rất nhiều, đấy là chưa nói đến sự phổ biến tràn lan của hiện tượng ‘kinh doanh tín ngưỡng’ (‘Belief’s Business’). Do đó, một câu hỏi trọng yếu cuối cùng đã được rút ra: thế thì rốt cuộc làm thế nào để phát triển một cách bền vững thể chế chính trị và nền tảng kinh tế khi mà phần lớn các mối tương giao xã hội biến thành những ‘mạng kết nối vừa bất định vừa ngấm ngầm’ (‘Unpredictable and Informal Social Connections’)?
Câu hỏi trên cũng là mối bận tâm của nhiều nhà nghiên cứu xã hội học-kinh tế Tây Âu (Stefen Baron, John Field & Tom Schuller ‘Social Capital : Critical Perspectives’, Oxford University Press 2002). Chính vì thế mà một khái niệm mới đã được đưa ra: ‘Xã Hội Hoá Vốn Xã Hội’ (‘Socializing Social Capital’). Thoạt nghe rất ‘quái chiêu’ nhưng lại đúng là vậy: trước những ‘mạng kết nối bất định và ngấm ngầm’ của quần chúng, không có cách gì hơn là Nhà nước và xã hội công dân phải hợp sức nhằm ‘công khai và trong sáng hoá’ (‘Officialization & Transparency’) cho tất cả công dân biết về những hoạt động của các guồng máy và tổ chức của chính nó. Đơn giản: hiện tượng ‘kết nối bất định và ngấm ngầm’ khởi sinh từ sự mất lòng tin của dân chúng trước cung cách vận hành của chính guồng máy Nhà nước và các tổ chức thuộc xã hội công dân, vì vậy nếu muốn quần chúng không còn ‘từ chối/từ nhiệm vai trò công dân’ thì ‘thượng sách’ là Nhà nước và các tập hợp của xã hội công dân phải tự mình ‘tiên phong’ trong việc đề cao tính ‘lương thiện’ (‘Honesty’) nhằm khả dĩ có lại được ‘lòng tin’ (‘Trust’) của quần chúng dựa vào sự ‘đối đãi luân lưu’ (‘Reciprocity’) chứ không còn là loại ‘quan hệ một chiều’ (‘One Way Connections’) mà quần chúng phải gánh chịu đối với Nhà nước và các tập hợp của xã hội công dân.
Các nhà nghiên cứu trên còn đưa thêm hai khái niệm mới để nêu rõ sự nghiêm trọng của tình hình: nếu Nhà nước và xã hội công dân không cật lực dồn sức cho việc ‘Xã hội Hoá Vốn Xã hội’ thì các nhà ‘Tư Bản Về Vốn Xã Hội’ (‘Social Capitalists’), xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, sẽ thâu tóm độc quyền việc ‘Kinh Doanh Vốn Xã Hội’ (‘Social Relationship’s Business’)!
Vậy các nhà ‘tư bản về vốn xã hội’ và ‘kinh doanh vốn xã hội’ là gì mà kinh khiếp thế ? Thật ra, nội hàm của hai khái niệm ấy đã được phân giải trước đấy không lâu trong công trình của một tác giả người Mỹ gốc Pháp (Jeremy Rifkin ‘The Age of Access. The New Culture of Hypercapitalism where All of Life is a Paid-for Experience’, T-P Son’s Publishers, NY 2000): đó là những doanh nghiệp mà toàn bộ các hoạt động ‘siêu lợi nhuận’ đều dựa trên việc khai thác sự ‘thèm mong có được những quan hệ xã hội’ càng ngày càng phổ biến. Đơn giản: tiềm ẩn trong ‘co cụm của bản thân’ là một nỗi niềm ‘cô đơn ghê gớm’. Khó có ai cứ ‘chơi bowling một mình’ mà vui mãi! Chính vì thế các nhà ‘kinh doanh vốn xã hội’ dễ biến thành các nhà ‘tư bản về vốn xã hội’ vì thực chất họ không bán sản phẩm và cũng chẳng bán dịch vụ mà chính là ‘cung ứng cho người tiêu dùng những thể nghiệm ấn tượng (‘impressive experiences’) về những thể loại quan hệ xã hội mà thâm tâm họ muốn có’: với bất cứ cơ hội nào –sinh nhật, đám hỏi, ma chay, triển lãm nghệ thuật, tốt nghiệp, lễ tình nhân, hội chợ, hội nghị, thăng quan, vừa khỏi ốm, vừa dứt ăn kiêng, con mọc răng, mẹ vợ rụng răng, mua xe, v…v…- các doanh nghiệp ấy đều ‘phục vụ sáng tạo’ (‘creative offerings’). Nói gọn: trong xã hội ‘thiếu vắng quan hệ’ thì trên thị trường lại xuất hiện việc ‘kinh doanh quan hệ’. Đó là tiến trình mà thuật ngữ chuyên ngành gọi là ‘Access Economy’ hiểu theo nghĩa là ‘bán ấn tượng cho những thành phần cô đơn muốn có được cảm giác là mình không bị ra rìa mà là vẫn còn khả năng hội nhập vào môi trường xã hội bao quanh’ (‘Access’ nghĩa đen là ‘được thâm nhập/tiếp nhận vào một nơi nào đấy’)!
Trong diễn trình trên của việc ‘khai thác vốn xã hội’, đến ngay cả Ngân hàng Thế giới –mà mối quan tâm hàng đầu là tài chính quốc tế chứ không phải là ‘quyền công dân- cũng đâm ra ‘sốt ruột’: một ‘mô hình nghiên cứu về vốn xã hội’ mang tên ‘The SC-IQ’s Six Dimensions’ (‘Bản điều nghiên tích hợp về sáu chiều kích của vốn xã hội’) đã được cho ra đời (D.Narayan, V.Nyhan Jones, M.Woolcock & C.Grootaert ‘Measuring Social Capital: An Integrated Questionnaire’, World Bank Working Papers, Washington 2004). Ngoài hai chiều kích ‘cổ điển’ là ‘kết nối các nhóm’ và ‘tính gắn bó nội bộ’, bốn chiều kích được Ngân hàng Thế giới đặt trọng tâm là : ‘giữ lòng tin và tình đoàn kết’, ‘xây dựng sự hợp tác và các hành động tập thể’, ‘thông tin và phản hồi thông tin’, ‘phân quyền và hoạt động chính trị’. Mục đích của Ngân hàng Thế giới là liên kết với ‘Diễn đàn của Xã hội Công dân Thế giới’ (‘World Civil Society Forum’), một bộ phận của Liên Hiệp Quốc có chức năng chủ yếu là ‘tạo điều kiện cho dư luận quốc tế nhận thức về mọi tiếng nói phản kháng những tiêu cực của tiến trình toàn cầu hoá’ ( ?!), nhằm ‘không để cho giới hoạt động kinh doanh bị chi phối bởi tầm nhìn ngắn hạn thao túng việc khai thác vốn xã hội vì điều này có nguy cơ gây việc mất lòng tin và ảnh hưởng đến sự đoàn kết các công dân quốc tế’!
Tóm lại: kể từ khi thể chế tư bản sản sinh được một thành phần ‘trưởng giả sáng suốt’ (‘clear-sighted bourgeoisie’), thành phần ấy đảm nhiệm ‘chức năng khách quan‘ (‘objective function’) là ‘cảnh báo’ cho chế độ biết những ‘nguy cơ’ đang rình rập nó. Và mối đe doạ hiện nay đối với thể chế ấy là việc ‘thừa vốn tư bản nhưng lại thiếu vốn xã hội’. Cái thiếu này có hậu quả là không những sự ‘cân bằng lực lượng’ giữa ba thực thể hữu cơ của thể chế là Nhà nước, thị trường và xã hội công dân đã bị lũng đoạn bởi thị trường mà vốn xã hội còn biến thành món hàng kinh doanh! Chính vì thế mà vốn xã hội -được nhìn nhận như nguồn năng lượng (‘Energy’) thiết yếu cho sự vận hành của xã hội công dân, nguyên là một thực thể không thể không có trong ‘thế kiềng ba chân’ của chính thể tư bản- đã trở thành một ‘đề tài nóng bỏng’ ở Âu Mỹ.
Và cũng chính là để cho công chúng nhận thức được rõ ràng hơn nữa sự ‘quý giá’ của vốn xã hội cũng như sự cần thiết của xã hội công dân trong việc tái tạo chính thể quốc gia, nhiều giới học thuật Âu Mỹ đã ‘hành hương về nguồn khái niệm Civil Society’ (Michael Edwards ‘Civil Society’, Polity Press, Cambridge 2004) nhằm khẳng định ‘The Core of the Civil Society is the Civic Society’ ( nếu muốn dịch cho sát ý cụm từ này thì có thể phải là ‘cốt lõi của xã hội công dân là xã hội dân chính’. ‘Dân Chính’ hiểu theo nghĩa gốc là ‘việc chung của người cùng làng cùng nước’)!
Và ‘xã hội dân chính’ ấy phải được được thiết chế cơ bản trên sự liên kết của ba ‘trục vận hành’ (‘ Functionality’s Hub’) là : ‘Đời sống Hội đoàn’ (‘Associational Life’) bao gồm tất cả mọi ‘khuyến khích của thể chế’ (‘encouragements from the system’) nhằm thúc đẩy quần chúng nhận lãnh tất cả ‘trách nhiệm công dân’ (‘civic responsability’) của họ thông qua sự ‘hoạt động có ý thức’ (‘conscientious activities’) của các hội đoàn xã hội tự quản (‘Self-Managed Organisations’); ‘Xã hội Tốt lành’ (‘Good Society’) hiểu theo nghĩa là ‘đời sống cộng đồng chỉ thật sự hoàn thiện được chính nó khi con người sống trong đó có thể tin tưởng được người khác và có thể dựa không chỉ vào sự công minh của Nhà nước mà còn vào bản chất bất vụ lợi (‘Non-Profit’) của các đoàn thể nhân quần hiện diện trong xã hội’ và ‘Không gian Công cộng Rộng mở’ (‘Open Public Sphere’) được nhìn nhận như là ‘trục trung tâm’ (‘Central Hub’) nối liền ‘Hai trục Hội đoàn và Xã hội’: nếu Nhà nước không tạo ra được sự tin tưởng cho công chúng để họ nói lên một cách công khai và minh bạch mọi nguyện vọng và tâm tư của họ thì không những khoảng cách giữa nhà cầm quyền và quần chúng sẽ ngày càng lớn mà lúc ấy các hội đoàn có mặt trong xã hội chủ yếu chỉ nhắm đến hướng trục lợi riêng tư (‘Self-Profit Oriented’) và cuối cùng là sự tốt lành của xã hội chỉ là điều ảo tưởng. Nói gọn: mở rộng không gian công cộng –nguyên là vai trò của Nhà nước (phát xuất từ việc công nhận các đòi hỏi của xã hội)- chính là phương cách để ‘tích luỹ và phát triển vốn xã hội’ (‘Accumulating & Developing the Social Capital’) nhằm tạo dựng một ‘xã hội dân chính’ năng động góp phần tích cực vào sự cường thịnh của chính thể quốc gia. Trong chiều hướng đó, ‘không gian công cộng chính là không gian dân chính’ (‘The Public Sphere is the Civic Sphere’) hiểu theo nghĩa ‘mọi việc chung của làng của nước đều được thảo luận minh bạch công khai và không e dè nghi ngại’ (Simone Chambers & Will Kymlieka ‘Alternative Conceptions of Civil Society’, Princeton University Press 2001).
Cũng cần nói thêm là ở thời buổi bành trướng của toàn cầu hoá, việc phát huy ‘vốn xã hội quốc gia và địa phương’ (‘National and Local Social Capital’) trong những thể chế của ‘xã hội dân chính với những dấn thân mạnh mẽ của tính chất công dân’ (‘Civil Society with Strong Civic Engagement’) là điều hết sức cần thiết cho sự tồn tại và tái tạo chỉnh thể chính trị-xã hội trước sự ‘xâm thực’ của ‘thị trường ngày càng lõ rõ bản chất bá quyền’ (‘Market’s Hegemony’, trong John Clark ‘Globalizing Civic Engagement : Civil Society and Transnational Action’, Earthscan ed. London 2003).
Nói gọn : từ ‘dân sự’ đến ‘công dân’ rồi ‘dân chính’, xã hội và vốn xã hội ngày càng hiển lộ –dưới cái nhìn của giới học thuật Âu Mỹ- vai trò trọng tâm của nó trong việc phát triển kinh tế và chính trị cũng như sự tái tạo mở rộng Nhà nước và thị trường theo nghĩa tích cực. Trăn trở còn lại là liệu phải (hay ‘nên’) tiếp cận và giải quyết các vấn đề ấy thế nào ở Việt Nam!
4. ‘Vốn xã hội’ và ‘Mô hình Ba Tác Nhân’ ở Việt Nam.
Thoạt nhìn, có thể nói mà không sợ bị sai lầm quá đáng là vấn đề của Việt Nam hiện nay, ngược với tình trạng của của các nước Âu Mỹ như vừa được phân tích, là: ‘Thiếu vốn tư bản nhưng lại thừa vốn xã hội’!
Nhưng khi đi sâu vào việc kiến giải thực chất của việc sử dụng vốn xã hội ở Việt Nam thì vấn đề lại đâm ra hết sức …có vấn đề! Thật vậy: nói theo thuật ngữ chuyên ngành thì vốn xã hội ở Việt Nam được vận dụng đa phần một cách tiêu cực như một thể loại ‘quan hệ trói buộc’ (‘Bonding Social Capital’) chứ không phải là tích cực theo nghĩa ‘quan hệ bắc cầu rộng mở’ (‘Bridging Social Capital’)!
‘Bonding Social Capital’ là sự ‘ràng buộc/trói buộc’ giữa những nhóm người hiểu theo nghĩa ‘đồng bọn’: người này dựa vào người kia không phải vì thật sự tin tưởng nhau một cách ‘trong sáng’ mà chính vì quan hệ sợ ‘bức dây động rừng’ do việc ‘ông bà này nắm thóp ông bà nọ’. Nói gọn theo kiểu ‘phổ cập trong dân gian’ là : ‘đồng tiền đánh bật đồng chí, và cũng vì đồng tiền mà trở thành đồng phạm có nguy cơ…đồng lĩnh án’ (nghĩa là một thể loại ‘mạng kết nối ngầm’ nhưng lại theo hướng…’tội phạm’)!
‘Bridging Social Capital’, ngược lại, là loại ‘quan hệ xã hội nối nhịp cầu‘ kết liên đoàn thể này với đoàn thể khác, cá nhân và thành phần này với cá nhân và thành phần khác trong xã hội, theo hướng cùng nhau vọng về một ‘chính nghĩa công cộng’ (‘Public Cause’) mà ở đấy mỗi thành viên của cộng đồng đều ‘hưởng được phần của mình đúng theo công lý’ (‘công lý’ hiểu theo hướng ‘Public Reason’ nghĩa là ‘lý lẽ chung đến từ đại đa số của dân chúng chứ không phải đến từ thiểu số nắm quyền chính trị hoặc/và kinh tế tự cho mình đặc quyền ấn định và ban phát chân lý’).
Câu hỏi cơ bản phát xuất từ nhận định của vấn đề trên là:
– Phải chăng ‘truyền thống văn hoá’ của Việt Nam –vốn là một dân tộc tự bao đời hướng về việc ‘lá lành đùm lá rách/bầu ơi thương lấy bí cùng/ba cây chụm lại nên hòn núi cao’- đã bị mai một dần dần bởi một cấu trúc thế quyền mà ở đấy ‘xã hội dân chính’ không được hiện diện với tất cả chức năng tích cực của nó ?!
Và ba câu hỏi có tính hệ luận là:
– Trong một thể chế không có ‘xã hội dân chính’ làm sao phát huy được tính chất tích cực của ‘vốn xã hội’ ?!
– Điều gì sẽ đến nếu sự bành trướng của thị trường –một thị trường toàn cầu hoá- sản sinh ra một ‘xã hội dân sự’ –hiểu theo nghĩa là ‘nơi chốn của những không gian tư nhân’- đồng minh với nó ?
– Rốt cuộc, sẽ là thế nào vị thế của Nhà nước –vốn đang bị đục khoét bởi những hấp lực tư lợi- khi Nhà nước ấy phải đối đầu cùng lúc với một thị trường mang tính toàn cầu và một xã hội dân sự mang tính tư nhân ?!
Trước những vấn nạn trên, người viết không có tham vọng đưa ra được câu trả lời, chỉ gợi ý bằng mô hình sau mà ở đấy vốn xã hội’ được tích cực phát huy trong khuôn khổ của giác độ về một chỉnh thể bao gồm sự cân bằng –hiểu theo nghĩa vừa ‘vận động tự thân’ vừa ‘độc lập tương đối’- giữa ba tác nhân thiết yếu cho sự vận hành của lịch sử mỗi một quốc gia: