Vốn xã hội trong vấn đề phát triển
Lẽ ra, khái niệm «vốn xã hội» không đủ chính xác để chúng ta bàn nhiều về nó. Quả thực, nó đã gây nên khá nhiều ngộ nhận, với những định nghĩa mà một số người gán cho nó. Không những thế, trong vấn đề phát triển, điều cần đào sâu tìm hiểu đối với chúng ta, chính là bản thân nội dung vấn đề phát triển, chứ không là gì khác.
Phát triển cái gì, và phát triển như thế nào? Đó mới là cốt lõi của vấn đề.
Tôi sẽ dành phần 2 để bàn về vấn đề này.
Trở lại khái niệm «vốn xã hội».
Có hai cách hiểu khái niệm này, một cách hiểu thuần túy «kỹ thuật», thuần tuý kinh tế, đi đôi với cách hiểu khái niệm «phát triển» được khung lại ở khía cạnh kinh tế; một cách hiểu rộng hơn, đi đôi với cách hiểu khái niệm phát triển một cách toàn diện hơn: xã hội ở đây bao gồm tất cả các mặt xã hội, giáo dục, y tế, nhân quyền, v.v…
Một nước phát triển về kinh tế là một nước có GDP cao, thu nhập đầu người cao, có trình độ công nghiệp hóa cao, các ngành ngân hàng, thương mại và dịch vụ hoạt động tốt.
Song, một nước phát triển về kinh tế có thể rất yếu kém trên một số mặt của đời sống xã hội. Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, một nước giàu có vào bậc nhất nhì thế giới, nhưng cơ cấu tổ chức về mặt y tế cho người dân thì lại rất tồi, nhất là đối với một vài tầng lớp người cùng khổ trong xã hội, như người Mỹ da đen chẳng hạn. Về tuổi thọ trung bình, Mỹ cũng chỉ đứng hàng thứ 13 trên thế giới, ngang hàng với 12 nước khác (theo thống kê của Ngân hàng thế giới, năm 1989).
Sự chênh lệch về thu nhập và về quyền hưởng thụ cũng rất lớn ở Mỹ, đặc biệt giữa dân Mỹ đen với dân Mỹ trắng. Tỷ lệ chết yểu của người Mỹ da đen, trong quãng tuổi từ 25 đến 50, cũng nhiều hơn gấp hai, ba lần người Mỹ da trắng. Theo thống kê, ở Harlem, New York, khu người Mỹ đen ở tập trung, tuổi thọ trung bình của một người đàn ông ở đây không có hy vọng đạt tới 40 tuổi như một người dân nghèo ở một xứ nghèo khổ nhất ở Đông Nam Á.
Thủ đô Washington, trông bề ngoài văn minh, sáng sủa như thế, nhưng chỉ cần đi vòng ra phía sau tòa Thượng nghị viện là đã gặp ngay những khu phố nhếch nhác, bẩn thỉu và… không an toàn, nơi những người Mỹ da đen ở, và là nơi khách du lịch không dám bén mảng.
Kinh nghiệm rút ra từ những thí dụ của nhiều nước phát triển trên thế giới mấy thập kỷ qua, cho thấy một nước phát triển không cân bằng, hài hòa, về các mặt vật chất và tinh thần, nhất là lơ là những khâu văn hóa và giáo dục, cũng như những quyền lợi cơ bản của người dân, thì có thể gặp đầy rẫy những khó khăn, tệ nạn về các mặt nhân quyền và xã hội, đặc biệt là trong việc giáo dục thế hệ trẻ.
Bởi vây cho nên, khi nhìn vấn đề phát triển mà chỉ khung lại ở khía cạnh kinh tế không thôi, và chỉ chú trọng đến những chỉ tiêu về tăng trưởng, thì chắc chắn là không nhìn thấy hết mọi vấn đề. Tuy nhiên, đứng về mặt «kỹ thuật» thuần túy, người ta có thể chỉ nghiên cứu vấn đề ở góc cạnh này thôi, để tìm hiểu sự vận hành của riêng khâu phát triển kinh tế.
Cũng vì thế cho nên, có hai cách tiếp cận khái niệm «vốn xã hội».
Cách thứ nhất, có thể hiểu «vốn xã hội» như «năng lực tiếp nhận của một xã hội» trong việc tiếp thu chuyển dịch công nghệ từ một nước phát triển đến một nước đang phát triển. Hiểu theo nghĩa này, thì «vốn xã hội» là một tổng thể những điều kiện xã hội thuận lợi cho sự phát triển về mặt kinh tế, đặc biệt là cho khâu chuyển giao kỹ thuật.
Cách thứ hai, có thể hiểu «vốn xã hội» như là những điều kiện xã hội thuận lợi cho việc phát triển toàn diện của xã hội đó, nhà nước có trách nhiệm đảm bảo cho người dân được hưởng những quyền lợi vật chất và tinh thần tối thiểu, để họ có thể sinh sống, làm ăn trong an toàn và thực hiện được nhiệm vụ công dân của mình, góp phần làm cho xã hội phồn vinh.
Theo cách hiểu thứ nhất, thì «vốn xã hội» chủ yếu là năng lực tiếp thu chuyển giao công nghệ của một nước đang phát triển. Trong một bài viết mang tựa đề: «Du nhập, chuyển giao công nghệ và năng lực xã hội: Vài khảo sát về kinh nghiệm ở Đông Nam Á» (Từ Đông sang Tây, NXB Đà Nẵng, 2005), Giáo sư Trần Văn Thọ, đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản, cho biết, các tác giả Ohkawa & Rosovsky (1973) gọi khả năng đó là «năng lực xã hội» (Social Capability). Khả năng đó gồm có:
1/ Vốn con người được giáo dục và đào tạo;
2/ Khả năng của nhà nước mở rộng thị trường hướng ngoại để sản xuất dựa trên công nghệ nhập;
3/ Khả năng gia tăng tiết kiệm để bảo đảm nguồn cung cấp vốn đầu tư vào công nghệ mới.
Một tác giả khác, nhà kinh tế học Watanabe (1979) cho rằng năng lực này bao gồm:
1. Lao động lành nghề
2. Năng lực kinh doanh của doanh nghiệp
3. Một chính phủ mạnh.
Abramovits (1982) thì lại cho rằng: yếu tố cấu thành «năng lực xã hội», gồm có:
1- Trình độ giáo dục của dân chúng
2- Các cơ chế chính trị, thương mại, tài chánh của một nước
3- Mức độ tự do cạnh tranh của xí nghiệp.
Còn theo Minami (1992), thì Nhật Bản có năng lực xã hội, vì có:
1. Nguồn lực con người phong phú
2. Khả năng hiện đại hóa tổ chức kinh doanh
3. Khả năng xây dựng các mạng lưới thông tin.
Theo ý kiến riêng của Giáo sư Trần Văn Thọ, thì những phân tích của các tác giả trên còn khá tản mạn, và chưa có hệ thống. Theo ông, thì xã hội có thể chia làm 5 thành phần:
1. Giới lãnh đạo chính trị
2. Giới quan chức
3. Giới lãnh đạo kinh doanh
4. Giới trí thức
5. Giới lao động (kể cả nông dân).
Để có năng lực xã hội, thì « mỗi giới phải có những tố chất cần thiết, và xã hội phải có các cơ chế cần thiết để các giới nối kết với nhau thành một sức mạnh tổng hợp ». (Trần Văn Thọ, sđd)
Từ những phân tích và ý kiến nêu trên của các nhà kinh tế học, ta có thể rút ra một vài nhận xét :
1/ Năng lực xã hội (hay «vốn xã hội») tùy thuộc trước hết vào nguồn nhân lực và trình độ giáo dục, đào tạo của nguồn nhân lực ấy. Muốn phát triển nguồn nhân lực ấy, để sử dụng công nghệ du nhập có hiệu quả, phải phát triển giáo dục và đào tạo.
2/ Cần có chính sách định hướng giáo dục, đào tạo, rõ ràng cho từng giai đoạn của quá trình công nghiệp hóa (Ở đây, vai trò của nhà nước cũng là quyết định).
3/ Cần có một lớp các nhà kinh doanh bản xứ năng nổ và có thực lực
4/ Cần có một sự hợp lực giữa các tầng lớp xã hội để có sức mạnh tổng hợp
Theo cách hiểu thứ hai, thì «vốn xã hội» là cái khung cảnh thuận lợi cho việc phát triển về mọi mặt của một xã hội, chứ không phải chỉ riêng về kinh tế. Trong cái khung cảnh đó, nổi bật là quan hệ giữa nhà nước và người dân: nhà nước tạo cho người dân những điều kiện vật chất và tinh thần, trong đó có những quyền tự do cơ bản, để người dân thực hiện được nhiệm vụ công dân của mình, và góp phần trở lại vào sự phát triển của xã hội. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm công ăn việc làm cho người dân, tổ chức và quản lý các dịch vụ phúc lợi công cộng tối thiểu, nhằm phục vụ cho người dân về các mặt giáo dục, y tế, văn hóa, bảo hiểm xã hội… Nhưng ngay cả hiểu theo cách thứ hai này, khái niệm «vốn xã hội» cũng không đủ chính xác để nói lên hết những điều kiện cho phép một xã hội phát triển một cách toàn diện.
2 – Phát triển toàn diện và bền vững
Nhìn vào sự phát triển của một xã hội, điều đáng quan tâm không phải chỉ là những chỉ số về tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm, hay mức thu hoạch đầu người hàng năm, mà quan trọng hơn cả là chất lượng của sự phát triển ấy, là tính chất lành mạnh và bền vững của nó. Cần xem xét sức sản xuất và sức tiêu thụ, cách khai thác các nguồn tài nguyên, cách bảo vệ môi trường thiên nhiên, lối sống vật chất và tinh thần của người dân, các khâu giáo dục, văn hóa, y tế, các quyền tự do, dân chủ, v.v…
Ngay từ những năm 70, nhiều nhà kinh tế học và xã hội học đã gióng lên những tiếng chuông báo động về sự phát triển không hài hòa và không bền vững của các xã hội tư bản phát triển ở phương Tây, đặc biệt là E.F. Schumacher với tác phẩm «Small is beautiful» nổi tiếng (1973). Những vấn đề mà Schumacher nêu lên vào những năm đó, đến nay vẫn còn nguyên giá trị :
– Nguy cơ con người làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên do lòng tham vô hạn và lòng ích kỷ của mình
– Nguy cơ tự huỷ diệt, làm hư hỏng môi trường sinh thái
– Quy mô và phương thức sản xuất không thích ứng
Schumacher đã trích dẫn Gandhi như sau: «Trái đất có thể đáp ứng đầy đủ cho những nhu cầu của con nguời, nhưng chắc chắn sẽ không thỏa mãn được lòng tham của họ». Tăng thêm nhu cầu, theo ông, không phải là một thái độ minh triết, mà chỉ làm tăng thêm sự lệ thuộc vào những yếu tố mà con người không kiểm soát được, những yếu tố gây nên cãi cọ, xích mích và chiến tranh.
Phát triển bền vững đòi hỏi một sự định hướng lại các hoạt động khoa học và công nghệ. Schumacher là một trong những nhà xã hội học đầu tiên nêu lên khái niệm «thích ứng». Một phương pháp, một giải pháp kỹ thuật, hay một cái máy, chỉ thích ứng khi nào nó vừa rẻ, ai cũng có thể mua được, lại có kích thước, quy mô, không quá to tát, khiến ai cũng có thể dùng được, và nhất là không làm thui chột óc sáng tạo của con người.
Một trong những ý tưởng quan trọng mà Schumacher đã nêu lên, là: con người mới là nguồn tài nguyên chính của sự phát triển, chứ không phải là thiên nhiên. Mà con người sở dĩ có được những hiểu biết, những sáng kiến, những phát minh, cũng là nhờ ở giáo dục.
Vào những năm 70, người ta đã phải đặt ra câu hỏi: nếu phương Tây luôn luôn sống trong khủng hoảng triền miên, phải chăng là trong hệ thống giáo dục của họ có điều gì không ổn?
Khoa học, kỹ thuật, thường được coi là «trung tính», chúng có thể dẫn đến phồn vinh và hoà bình , cũng như chúng có thể dẫn đến những tai họa về môi trường hay chiến tranh hủy diệt.
Người xưa có câu: «Science sans conscience n’est que ruine de l’âme» (Rabelais, nhà thơ Pháp, 1494-1553), tạm dịch là: «Có tri thức mà không có lương tri, thì chỉ là sự tàn tạ của tâm hồn».
Do đó mà vai trò của các khoa luân lý, đạo đức, và triết lý trong giáo dục là vô cùng quan trọng. Mà những giá trị đạo đức của nhân loại, những tư tưởng lớn của tiền nhân, vạch ra bản chất của sự vật và những giá trị đích thực của cuộc đời, sở dĩ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cũng là nhờ ở ngôn từ và thông qua giáo dục.
Không phải ngẫu nhiên, mà hồi còn ở trung học, người ta đã phân ra hai ngành học trong bộ môn triết học: ngành lô gích và ngành luân lý!
Lô gích của sự phát triển về mặt kinh tế không phải là lô gích của cuộc sống, lại càng không phải là lô gích của sự phát triển toàn diện của xã hội.