Vốn Xã hội và phát triển(2)

Việc xây dựng con người Việc xây dựng con người ở đây không được nhìn theo gíáo dục hay văn hóa mà theo khía cạnh là: (1) trang bị cho con người những đức tính tốt - (2) để họ có khả năng ngồi lại với nhau - (3) hầu làm được những công việc nhất định nào đó. Đảo ngược ba vế kia để nói về điều chúng ta đang quan tâm thì: để cho kinh tế phát triển phải có việc (3) - việc đó thành hiện thực nhờ (2), đó là vốn xã hội - và muốn có cái vốn đó thì phải có (1). Xây dựng con người ở đây nhắm vào vế (1). Và ta sẽ xem xét ba vấn đề: tinh thần tập thể; việc tạo lập các đức tính tốt, và cách thực hiện óc tư lợi.

Tiếp phần 1 

Tinh thần tập thể
Có một thời tập thể là nền tảng của xã hội ta. Cá nhân phải đứng dưới tập thể. Đại đa số cá nhân được đưa vào đội ngũ một cách này hay cách khác, mà không có sự chọn lựa, theo nguyên tắc “tất nhiên phải thế” vì đó là khuôn mẫu của chế độ chính trị. Ngày nay việc đoàn ngũ hóa giảm nên tinh thần tập thể cũng bị ảnh hưởng; tuy nhiên, não trạng tập thể với những lợi ích tinh thần mà nó đã từng đem lại cho con người sẽ không bao giờ mất; bởi vì người ta chỉ bỏ những gì bất lợi, còn giữ mãi những gì có lợi cho mình dù nhiệm và được khen ngợi hay tôn vinh. Thế nhưng, khi tham gia vào một tập thể – vì cơ cấu xã hội không cho phép làm khác – thì cá nhân bị mất bản ngã. Họ không thể tách biệt, sống khác với tập thể. Họ không còn tự do, phải làm theo quyết định của tập thể; nếu còn thì chỉ được ghi nhận theo quyền bảo lưu và quyền này không bao giờ bihoàn cảnh có đổi thay. Ta có thể nêu vài thứ.

Bản ngã bị mất đi

Là một nhân vị, một bản ngã, mỗi cá nhân phải được tự do quyết định, chịu trách ến thành hiện thực. Khi họ phải làm theo người khác thì không thể bắt họ chịu trách nhiệm cá nhân được. Khi người khác đã nghĩ cho mình thì họ trở nên ỷ lại. Vậy là họ mất đi cái bản ngã của mình, luôn cả tinh thần trách nhiệm cá nhân! Dù có vậy, thì nhu cầu được tôn vinh của họ không hề mất; kẻo họ không còn cảm thấy mình là người nữa; nhu cầu ấy đã biến thể thành chủ nghĩa thành tích mà ta sẽ đề cập sau này.

Lợi ích nằm dưới chiêu bài tập thể

Khi sinh hoạt theo tập thể, cá nhân có những mối lợi nhất định cho riêng mình nhân danh tập thể. Họ có một chiêu bài tốt của người khác để mình có thể làm xấu. Ví dụ sau đây sẽ làm rõ điều này.

Bạn chơi chung với một nhóm người – đó là một tập thể – nếu lúc nãy bạn để cái bút cho anh em dùng mà nay cần nó, bạn hỏi: “Có bạn nào thấy nó không?” thì có thể không ai trả lời. Thậm chí một người tên A đang cầm nó thì anh ta cũng không cảm thấy phải trả lời; vì bạn không hỏi thẳng anh ta. Điều này cho thấy trong tập thể thì không thể đặt ra trách nhiệm cá nhân.Và anh A kia đã che chắn trách nhiệm cá nhân mình dưới danh nghĩa tập thể. Thế nhưng khi không nghe ai trả lời mà bạn có buột miệng nói: “Tập thể gì mà xấu thế!” thì ngay lập tức có thể anh A kia sẽ đứng ra sừng sộ với bạn: “Mày dám bảo tập thể xấu”; hay có giọng nói: “Này nói thế động chạm lắm nghe!” Có thể người sừng sộ với bạn không thích bạn; nhưng anh ta làm không phải vì không thích bạn, mà vì bạn xúc phạm đến tập thể đấy!

Với đủ loại che chắn dành cho cá nhân như thế, tính tập thể làm cho ý thức phạm tội của cá nhân mất đi và do đó cũng làm mất đi sự xấu hổ trong họ. Điều này có thể thấy qua hình phạt tập thể. Một người trong tập thể làm điều gì sai trái, hình phạt sẽ được áp dụng cho tập thể với ý nghĩa “phạt vì không biết bảo nhau”. Do tính lây lan của tình cảm con người nên khi tất cả bị phạt thì không ai còn cảm thấy bị phạt. Đứa bên cạnh cũng bị như mình, ôi có gì đâu mà phải xấu hổ!

Tạo lập các đức tính tốt của con người

Con người ai cũng có vật chất và tinh thần. Tinh thần thúc đẩy, ngăn cản và hướng dẫn hành động của con người. Tạo lập các đức tính tốt cho con người là dạy bảo họ về mặt tinh thần từ lúc nhỏ. Về cách tạo lập ấy, tôi xin nêu cách làm trong đạo Công giáo như là một thí dụ với mục đích dẫn giải.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, cuộc tranh luận về vốn xã hội xoay quanh các đề tài sau:
– Vai trò của các hình thức khác nhau của vốn xã hội trong sự tạo lập một cuộc sống sống động và bền vững?;
– Làm sao để đánh giá vốn xã hội và liệu có thể đo lường được nó không?;
– Sự phân định giữa các hình thức khác nhau của vốn xã hội (có những cái không có lợi cho xã hội);
– Có thể “tạo nên” vốn xã hội qua các diễn tiến hay thể thức xúc tác từ bên ngoài?;
Vai trò của vốn xã hội trong việc thúc đẩy sự quản lý tốt (good governance) và một xã hội dân sự mạnh, và những thứ này có những hiệu quả gián tiếp đối với sự phát triển kinh tế như thế nào? 

Người Công giáo có một giáo lý: ngoài những điều ấn định về Thiên Chúa, họ có những điều phải tin về sự tồn tại của mình; những điều không được làm cho chính mình và cho người khác. Bình thường, sau khi đã thấm nhuần giáo lý, hành động của họ là thói quen; nhưng trong những trường hợp bị phân vân thì giáo lý trở thành kim chỉ nam. Cơ bản nhất trong các giáo lý này là 10 điều răn: 3 điều là cư xử đối với Chúa; 1 điều đối với cha mẹ; 6 điều còn lại là đối với mình và với người. Tuy nhiên, vì đã tồn tại từ lâu, các điều răn trên đã được triển khai thành những bài kinh ngắn gọn dễ nhớ và trẻ em từ khi lên ba đã phải đọc theo ở trong nhà qua các buổi kinh tối, rồi sau này học ở nhà thờ. Chẳng hạn, các em học từ bé: khiêm nhường chớ kiêu ngạo; rộng rãi chớ hà tiện; cho khách đỗ nhà; yêu người chớ ghen ghét… Đây là quá trình nhận thức và nó từ từ thấm vào các em. Khoảng 2, 3 tuổi các em thường đòi theo bố mẹ đi nhà thờ. Ở đó, giáo lý được đào sâu, thực tế hóa, với gương tốt xấu được nêu ra. Việc đi nhà thờ, bị buộc mỗi tuần một lần vào ngày Chúa Nhật, là cơ hội để cho người công giáo tự mình và cùng những người khác học hỏi để “phát huy các ưu điểm, khắc phục các khuyết điểm” trong việc sống theo giáo lý. Đó là quá trình hỗ trợ. Cuối cùng, người Công giáo qua các linh mục được Chúa ban cho một số ơn lành cần thiết cho đời sống của họ; thí dụ chịu lễ để tăng cường sức mạnh tinh thần; lúc cưới được chịu phép hôn phối, lúc ốm nặng đươc chịu phép xức dầu. Những phép này – gọi là bí tích – tác động vào niềm tin của họ, và có một hiệu quả tâm lý, giúp họ an tâm giữ và làm những gì đã được dạy. Sự thể ấy có thể thấy qua việc sau.

Lúc chiều cô bé nhìn thấy anh trai mình đánh gẫy cái môi múc canh. Khi dọn cơm, mẹ hỏi cô ai làm gẫy. Cô bé phân vân. Nếu bảo anh làm thì anh ấy sẽ không chơi với mình nữa, nếu nói “không biết” là dối mẹ. Với một người lớn họ không có sự phân vân kia vì nghĩ đến mẹ, đến việc làm gẫy. Cô bé kia không nghĩ được như thế, chỉ sợ người anh không chơi với mình; tuy nhiên cô biết không nói với mẹ là nói dối và là phạm tội nói dối. Nghĩ đến tội, cô nhớ đến Chúa, mà cô đã được dạy dỗ đấy là một đấng rất thương mình, đã chịu chết vì tội lỗi của mình; vậy nếu nói dối là phạm tội với Chúa. Cô không thể phạm tội đối với Chúa; mặc dù nếu nói dối, thì mẹ cũng không biết và cô sẽ được chơi với anh. Cô có sự chọn lựa và cô quyết định nói với mẹ là người anh trai làm gẫy. Cô bé đã nghĩ đến một cái gì cao hơn, vượt trên tất cả. Cô sợ mất lòng Chúa hơn là mất lòng anh mình. Và cô là một người nói thật.

Về người nói thật, thì không phải chỉ những người có tín ngưỡng, mà tất cả những ai nói thật đều giống nhau ở một điểm là: họ chỉ biết một điều duy nhất là nói thật. Trái lại, người nói dối biết hai thứ: nói thật và nói dối. Trong lần đầu tiên giao tiếp với người khác, người nói thật (là A) không bao giờ nghĩ ra được rằng người mình tiếp xúc (là B) sẽ nói dối vì (i) A không biết nói dối và (ii) suy bụng ta ra bụng người. Về phần người nói dối (là A’), họ đã nói dối, nên trong lòng họ sự nói dối hiện diện; và khi suy bụng ta ra bụng người họ cũng nghĩ B nói dối. Và để an toàn cho mình, họ tin B nói dối nhiều hơn nói thật. Những thái độ ban đầu khác nhau này tạo nên vốn xã hội. Người nói thật giao tiếp với người khác trong sự thành thật; còn người nói dối thì trong sự nghi ngờ. Quen thế mãi, người nói dối mất đi sự ham muốn nói thật; lòng họ không còn áy náy khi nói dối, cũng chẳng còn bực mình vì phải nói dối; cuối cùng họ tin điều họ nói dối là thật.

Ở các nước mà hiến pháp của họ không có điều khoản “mọi người được tự do theo hay không theo một tôn giáo nào” thì ở trong gia đình và nhà trường, người ta dạy cho con người các đức tính phổ biến là: sự tự chế, lòng thương người, trách nhiệm, tình bạn bè, sự làm việc, can đảm, kiên nhẫn, thật thà, trung thành và niềm tin tôn giáo.

Với những hiểu biết ở trên, ta có thể hỏi việc tạo lập các đức tính tốt cho con người trong xã hội của ta được làm như thế nào? Chúng ta có một tập hợp (một bộ) các đức tính tốt để cho một người cư xử với người khác, những người không phải là thân thích với mình, không?

Câu trả lời là đối với những người nắm chức vụ công quyền thì có. Thí dụ cho công chức là “cần kiệm liêm chính chí công vô tư ”; cho công an có 6 điều, cho phụ nữ có 8 chữ…. Những đức tính này được trang bị cho những người có chức vụ xã hội nhất định chứ không phải cho mọi người bình thường trong xã  hội; chúng là đạo đức nghề nghiệp nên không giúp nhiều vào việc tạo nên vốn xã hội giúp kinh tế phát triển.

Đối với những người bình thường và chiếm đa số trong dân chúng thì trong một thời gian rất dài trên các phương tiện truyền thông và giáo dục chúng ta ít nghe đến giáo dục gia đình, đến việc cha mẹ dạy dỗ con cái trong nhà, đến phép lịch sự của một cá nhân bình thường; mà nghe nhiều đến sinh hoạt của các tổ chức chính trị truyền thống trong đó hội viên được khuyến khích, giúp đỡ để coi trọng quyền lợi chính trị. Ý thức về quyền lợi chính trị là biết cách giữ, biết cách đòi để không làm mất quyền lợi của mình, để hơn người; chứ không phải để cư xử ra sao với người hàng xóm.

Về cách thức phải đối xử với người hàng xóm thì những đức tính tốt dạy cho con người cũng ít. Ngoài năm điều Bác Hồ dạy cho trẻ em trong đó những đức tính có thể dùng một cách phổ quát là “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, đoàn kết tốt, kỷ luật tốt” thì chỉ có một khẩu hiệu đạo đức tổng quát “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Thế nhưng đoàn kết tốt là phải làm gì? Mình vì mọi người thì phải làm sao? Tất cả không được triển khai, không có gương soi chung. Trong các đoàn thể có các nội quy, nhưng chúng là những gì từ bên ngoài áp đặt vào con người. Nội quy là một loại luật pháp, nó đòi hỏi phải có người khác canh chừng; chứ không phải là những gì nằm sẵn bên trong con người, được hun đúc lên, hay được thấm nhuần vào trong họ để rồi họ tự mình kiểm soát mình. Trong các tổ chức nêu trên chắc chắn không có những đức tính tốt nằm trong đạo đức cổ truyền mà đã bị phá hủy qua các phong trào “bài phong đả thực”.

Do cách giáo dục áp đặt từ bên ngoài vào và nặng về việc đòi ăn trên ngồi trốc (quyền lợi chính trị) nên một số không nhỏ những người ở xã hội ta, bắt đầu từ giới có chức có quyền sau lan rộng ra dân chúng, khi đánh giá theo khía cạnh đạo đức, thì họ cũng giống như một cột xi măng không có cốt sắt bên trong. Sự tự chế của họ, sự kiểm soát chính mình, để ngăn họ không làm điều xấu hầu như không có. Nhiều người trong giới cầm quyền đã đầu hàng tiền bạc. Họ không làm điều xấu vì thấy có người khác biết hoặc sợ bị phê bình; chứ không phải từ ý thức của họ rằng việc ấy xấu. Những câu chuyện “quá xá” của các con dòng cháu giống nêu trên báo cho thấy sự thiếu tiết chế này. Khi một người không tự ngăn chặn mình làm xấu thì chuyện họ ngồi chung với người khác rất khó; vì  họ không thích, hay người khác không thích họ. Trong thời kỳ chiến tranh,  hội viên của các tổ chức chính trị truyền thống hoạt động rất tốt, rất thành công; dẫu cũng chịu những gì áp đặt từ bên ngoài vào, lý do là vì hồi đó có mục tiêu rõ ràng và nó đứng ngay trước mặt (giải phóng vùng địch chiếm). Trong sự phát triển kinh tế ngày nay, mục tiêu không rõ ràng nên rất khó huy động hội viên bằng áp lực bên ngoài. Họ không làm nhưng nói rất hay, rất hợp thời.

Khi xem xét theo nhiều khía cạnh, và thuần túy lý thuyết,  ta thấy vốn xã hội đã có từ khi loài người xuất hiện, nó nằm trong các đức tính tốt của mỗi người và nẩy sinh khi họ tự nguyện làm chung với nhau một công việc nào đó; nhưng chỉ cách đây không lâu lắm người ta mới nhận ra và nêu nó lên. Ngay từ năm 1835, Alexis Tocqueville đã nói về sự kết hợp tự nguyện ở Mỹ rồi.  Mỹ là một nước hữu thần, và cái vốn kia như thế đã có trước bản Tuyên ngôn của Marx năm 1848; dựa trên đó chủ nghĩa Cộng sản đề ra một thế giới mới khác với cái xưa. Vậy có thể nói đến vốn xã hội trong một thế giới mới khác với cái cũ lại ưu việt hơn không? Nếu có thì nó thuộc loại co cụm hay vươn ra bên ngoài?

Cách thực hiện óc tư lợi

Lợi ích mà mỗi người chúng ta theo đuổi là lợi ích vật chất hay tinh thần. Đi tìm nó thì ai cũng làm nhưng cách làm khác nhau tùy theo đức tính của mỗi người. Vậy vấn đề là làm như thế nào để có nó? Có ba cách làm chính: đòi theo lợi thế chính trị, theo sự công bằng và theo đạo đức. Ở xã hội ta, cách đầu khá phổ biến, nó bắt nguồn từ giới nắm quyền lực sau đó lan rộng ra theo tâm lý “sở dĩ tôi làm cho anh như thế vì người ta đã đối xử với tôi như vậy.” Ta xem xét cách thực hiện óc tư lợi qua hai kiểu phổ biến ở ta.

Đòi theo lợi thế chính trị

Đòi theo cách này là dựa vào quyền hạn của mình để đòi hỏi hạch sách. Thí dụ cấp giấy phép. Cách đòi này không tạo ra sự hợp tác, vì người bị đòi chỉ có bỏ ra mà không lấy về. Cái mà họ lấy về là nhiệm vụ mà người cấp phép phải làm.

Ở ta sự đòi hỏi theo lợi thế chính trị rất thịnh hành, đến mức người ta đòi trước rồi làm sau. Nạn tham nhũng là do nguồn gốc này. Nguyên do là từ cách đào tạo đoàn viên thanh niên, lực lượng dự bị của Đảng – những người sẽ cầm quyền sau này. Ngay từ khi học ở trung học, chỉ có ai vào Đoàn mới được làm lớp trưởng. Điều này đúng về mặt chính trị, chọn người mình tin tưởng: là đoàn viên – mới được giao; nhưng sai lầm về mặt đạo đức vì trong suy nghĩ của em được chọn nó trở thành: là đoàn viên thì sẽ có. Và em phấn đấu vào Đoàn để nhắm một lợi ích cho mình, chứ không phải dùng Đoàn để phục vụ người khác. Đối với em, Đoàn là bữa tiệc, là một mục tiêu tự thân. Và sau này khi anh ta vào Đảng, lên nắm quyền, cách suy nghĩ kia đã ăn sâu vào lòng. Đây là một thí dụ đơn giản để làm rõ vấn đề. Trên thực tế sự tính toán của các người có quyền lực phức tạp hơn nhiều. Ngày xưa đoàn viên Hướng đạo tham gia tổ chức này là để phục vụ người khác; vì tổ chức đó không có quyền lực chính trị. Tổ chức Đoàn gắn với chính trị nên nó cho đoàn viên một lợi thế chính trị và vào đó là được hưởng ngay. Vì quyền lợi bày trước mắt nên trước khi làm bao giờ họ cũng hỏi: “Làm việc ấy ta sẽ được gì ?”. Họ không còn tự nguyện chịu thiệt thòi để mà có thể hợp tác với người khác.  
Chủ nghĩa thành tích

Ta biết cá nhân bị xóa nhòa trong tập thể. Không còn tự do thì chẳng có trách nhiệm; thế nhưng họ không thể bỏ được nhu cầu muốn được tôn vinh; mà muốn được thế thì phải có thành tích. Đây là nguồn gốc thứ nhất của chủ nghĩa thành tích. Trong tập thể khi một cá nhân phạm lỗi thì họ biết, dẫu không bị quy trách; nhưng ít nhiều họ xấu hổ, và để khỏa lấp sự xấu hổ kia họ phải đi tìm thành tích. Đây là nguồn gốc thứ hai. Trong lĩnh vực cá nhân, muốn kiếm thành tích thì cách an nhàn nhất là nhận vơ, làm lẫn lộn thành tích của người khác với mình, thay đổi quan điểm theo kẻ thắng, hoặc bảo là người khác xấu để chứng minh mình tốt.

Về mặt tập thể, khi cá nhân không được tôn vinh thì mọi người trong tập thể đều muốn tập thể của mình được tôn vinh. Ước mong cá nhân trở thành đòi hỏi của tập thể. Đây là lý do thứ ba. Vậy tập thể được tặng huy chương phải là chủ trương của người lãnh đạo. Tập thể ở đây là một đơn vị chính trị, vậy thành tích của nó phải là vật chất, cái gì thấy ngay, chụp ảnh được. Người lãnh đạo tập thể không đi tìm lợi ích tinh thần vì nó không giúp họ tranh cử trong nhiệm kỳ sau. Vì vậy, lấy ngành giáo dục làm thí dụ, họ quan tâm đến số học sinh tốt nghiệp mỗi kỳ thi; chứ không phải chuyện các em có giỏi hay không. Khi tập thể cao nhất, to nhất (cấp tỉnh) lấy số học sinh tốt nghiệp làm thành tích, thì họ sẽ chỉ thị cho các tập thể trung gian (quận) phải đạt được thành tích ấy; các quận bèn chỉ thị cụ thể cho mỗi trường (một tập thể) tỷ lệ học sinh phải đỗ. Các giáo viên, ngoài thành tích cho cá nhân mình, còn bị áp lực thành tích từ trên ấn xuống; do vậy họ không ngại ngần hay cảm thấy sai khi cho học sinh thuộc bài mẫu trước khi thi, hay cứ cho điểm cao dẫu học sinh kém. Các tỉnh vùng sâu, vùng xa mà điểm thi tốt nghiệp của học sinh ở đó cao hơn thành phố lớn là vì vậy.

Chủ nghĩa thành tích phá hủy tương lai, vì thành quả của hiện tại mà nó đề cao không thật. Khi cá nhân theo đuổi chủ nghĩa này họ phải loại trừ người khác, phải đứng trên người khác, nếu không  họ sẽ bị lu mờ. Cách thức người ta dùng để thực hiện óc tư lợi không tạo nên sự hợp tác để làm việc chung, để có sự tự nguyện.

Kết luận

Cho câu hỏi vốn xã hội ở ta có cao không, chúng ta vừa xem qua các yếu tố giúp tạo nên vốn đó, chú trọng vào một vài đức tính, xem nó có thể nảy sinh từ cơ cấu xã hội và trong việc xây dựng con người. Khi xem xét như thế chúng ta đã có câu trả lời.

Như đã đề cập, bài này nhằm gợi lên một số đề tài liên quan đến vốn xã hội tại Việt Nam để rồi rút ra một số vấn đề sẽ thảo luận sau này; vì thế những gì nêu ở trên, trả lời ở đó, chưa chắc đã đúng. Do đó, chúng sẽ là những đề tài để thảo luận một cách rộng rãi. Có thể độc giả sẽ bác bỏ, sẽ đặt ra những vấn đề khác với những kết luận khác. Điều đó sẽ rất hữu ích cho tất cả chúng ta, những người quan tâm đến tiền đồ của đất nước, tương lai của dân tộc.

Nguyễn Ngọc Bích

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)