Vượt dòng Tô Lịch

Bao giờ phục hồi được dòng sông này nhỉ, cho nó ra sông, sạch sẽ, đẹp đẽ, thơ mộng, chảy từ chợ Gạo cho đến tận sông Nhuệ.

Sự tích tên Tô Lịch thì bảy hư ba thật, nghe nói được gắn cho ông… Tô Lịch. Làng xóm xưa của ông nằm bên dòng sông nhỏ thuộc vùng đất Hà Nội ngày nay. Ông là người được ngưỡng mộ về đức hạnh và cứu tế. Làng ấy sau này được lấy tên là làng Tô Lịch, rồi con sông nhỏ cũng được mang tên là sông Tô Lịch, còn bản thân ông Tô Lịch thì được phong thần.

Sông Tô Lịch là nhánh của sông Hồng. Theo vị trí của Hà Nội bây giờ thì sông Hồng chảy vào Tô Lịch qua chỗ phố chợ Gạo, rồi Cầu Gỗ, vòng lên mạn Hàng Lược, men phố Phan Đình Phùng, Thụy Khuê, Đội Cấn, lên Bưởi, gặp “sông Tô Lịch hôm nay”, tiếp về Cầu Giấy, quanh co với đường Láng và đường Kim Giang, rồi nối với sông Kim Ngưu về phía nam, kết thúc đổ vào sông Nhuệ. May quá đi thôi, các tên gọi nằm trên mạch của dòng sông Tô Lịch đều chưa bị hiện đại hóa quá đi!

Nhị Hà quanh Bắc sang Đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này

Những chi tiết này của huyền sử, bạn đọc, cũng như chính tôi, có thể tham khảo trên Wikipedia. Huyền sử thì không thể chính xác cả trăm phần được…

—-

Nói chuyện “Tô Lịch”, để chúng ta lưu ý, rằng “Hà Nội” không phải là thành phố “trong sông Hồng”! Có mà chết lụt! Mà là thành phố “trong sông Tô Lịch”. Một hệ thống sông ngòi ao hồ chằng chịt tuyệt đẹp khi xưa trên đất Hà thành. Ngoài ra thì cũng có thể hiểu là Hà Nội nằm trong phạm vi mà các phía đông và bắc được vây bọc bởi sông Hồng, tây và nam được vây bọc bởi Tô Lịch (Kim Ngưu có thể coi là sự tiếp tục của Tô Lịch). Tuy nhiên chạy ở giữa Đại La-Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội thì vẫn là Tô Lịch!

Thành Đại La được dựng lên bên sông Tô Lịch, các sinh hoạt chợ búa, phố xá hình thành nên dần ở bên dòng sông này. Toàn bộ Hà Nội xưa nằm hoàn toàn bên bờ phải của dòng chảy sông Hồng, con sông vĩ đại được xem là phòng tuyến thiên nhiên cho thành phố. Nhưng hồn của thành phố, lại là sông Tô Lịch.

Sông Tô Lịch chảy ngược hướng với sông Hồng, từ đông sang tây, rồi vòng về nam… Thế mới kì tài.

Xưa các quan cai trị người Hoa một thời rất kinh sông Tô Lịch, “nước sông Tô Lịch chảy ngược, người An Nam chúa làm phản”. Nói sợ sông Tô Lịch, đấy là cách nói thông minh cho đỡ ngượng.

Trong các xứ từng là thuộc quốc của Trung Hoa, chỉ có xứ Việt và xứ Cao Ly, tiếng Hoa bồi là “An Nam” và “An Đông”, là lại ra ở riêng được. Không biết ở xứ Cao Ly có con sông nào “chảy ngược” được không đây?

Dòng sông Tô Lịch hôm nay… (thôi để khi khác đi)…

Dẫu có thế nào, thì có lẽ “dòng sông Tô Lịch” chắc hẳn vẫn đang chảy ngược trong huyết quản người Việt, mạnh mẽ, sâu lắng, bằng không thì nước Việt sao còn?

Bao giờ phục hồi được dòng sông này nhỉ, cho nó ra sông, sạch sẽ, đẹp đẽ, thơ mộng, chảy từ chợ Gạo cho đến tận sông Nhuệ. Làm được không? Làm được! Những đoạn phố phường đã căng kín, sẽ làm cầu máng cho sông chảy ở trên, nhà cửa  ngủ ở bên, xe pháo chạy ở dưới, tha hồ. Cầu máng mà thuyền vẫn bơi được như thường. Ai qua thành phố Toulouse của Pháp sẽ thấy con kênh sông Midi đầy tàu bè nổi tiếng thế giới với những đoạn kênh sông chạy vắt qua đường xa lộ trên… cây cầu giành riêng cho nó!

Những đoạn sông rộng rãi của Tô Lịch, thuyền thuyền sẽ giương buồm đón gió mát mẻ lòng người. Từ tốn hơn, bạn sẽ hưởng một vòng thuyền nhỏ vòng quanh Hà Nội trên… sông Tô Lịch.

Những bãi sông mở rộng của Tô Lịch, sẽ được ắp đầy cát vàng óng nắng. Hàng loạt các sân chơi, bãi tắm, bờ câu… thơ mộng sẽ hiện lên thấp thoáng đó đây.

Sẽ có cả ngày hội bơi cho toàn dân, ngày hội “Vượt dòng Tô Lịch”. Bạn chuẩn bị đăng kí trước cả năm nhé, kẻo mà hết chỗ đấy.

Muốn làm được thế.

Phải làm được thế.

Và làm được thế.

Hồn văn minh nước Việt khắc khoải mãi, để đến lúc ấy chợt bừng sáng trở lại! Yêu lịch sử của mình, thì phải làm sống lại nó.

—-

Lúc ấy, chỉ còn phải lo mỗi một công việc khác nữa thôi.

Lo trau dồi cái nếp khiêm học, lòng cởi mở, để dưỡng hòa được cái đức Tô Lịch chảy ngược trong huyết quản của mình.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)