Vượt lên chính mình
Trong phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định “thách thức lớn nhất đối với chính phủ và hệ thống nhà nước là phải vượt lên chính mình”.
Điều người đứng đầu Chính phủ mới khẳng định thật sự là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để Thủ tướng và các thành viên Chính phủ bắt kịp dòng chảy mãnh liệt và liên tục, đầy những bất ngờ khó tiên đoán trước của thời cuộc hiện nay, để hoàn thành được trách nhiệm nặng nề và kỳ vọng mà nhân dân giao phó.
Cách đây hơn hai nghìn năm, Khổng tử đã có lời răn chí lý: “tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã”: biết nói là biết, không biết nói không biết, chính là biết! Biết mình phải học cái mình chưa biết là cực kỳ quan trọng, đặc biệt đối với một người gánh trên vai mình gánh nặng với dân, với nước. Song, còn quan trọng hơn nữa, là biết dùng người, khó hơn nữa là biết dùng người giỏi hơn mình, nói theo ngôn ngữ hiện đại là biết sử dụng chuyên gia.
Lê Lợi biết dùng Nguyễn Trãi, dẹp giặc Minh, dựng lại nước, mở ra một giai đoạn phát triển của đất nước. Nguyễn Hoàng tiếp nhận một cách sáng tạo tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, phá vỡ được cái thế kẹt địa-chính trị, mở đường xuôi về phương Nam, tạo dựng nên hình hài của tổ quốc ta hôm nay, mở tầm mắt vượt qua biển lớn, kết nối với thế giới. Trí tuệ và bản lĩnh của nguời lãnh đạo chắc sẽ nhân đôi nhờ biết dùng người, biết tiếp nhận những tinh hoa của dân tộc qua những hiền tài. Tuy nhiên, quy tụ và phát huy trí tuệ của hiền tài không dễ. Chẳng thế, mà Lê Thái Tổ đã bộc bạch trong chiếu cầu hiền: “Nay trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng bờ vực thẳm, chỉ vì chưa tìm kiếm được người hiền tài giúp đỡ trị nước”.
Cái tâm thế “sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng bờ vực thẳm” khi phải “gánh vác trách nhiệm nặng nề” là tâm thế của một nhân cách chính trị hiểu rõ sứ mệnh của mình và biết mình phải làm gì. Từ đó mới có sự chân thành và khắc khoải có sức thuyết phục, giục giã hiền tài: “Nhân tài ở đời cố nhiên là không ít, nên đường lối tìm người tài không chỉ có một phương. Nếu có ai ôm ấp tài lược kinh bang tế thế, nhưng phải chịu khuất ở hàng quan thấp, không có người tiến cử cho, cùng là những hào kiệt bị vùi dập ở bụi bờ, hay lẫn lộn trong quân ngũ, nếu không tự đề đạt thì trẫm làm sao biết được?…Khi chiếu này ban ra, các quan hãy đem hết lòng thành, lo việc tiến cử. Còn như kẻ hàn vi ở chốn hương thôn, cũng chớ cho thế là phải đem ngọc bán rao mà hổ thẹn, để trẫm phải thở than vì thiếu nhân tài”. Dự liệu đến sự gạt bỏ sự sĩ diện phải “đem ngọc bán rao” là đã chạm được đến chỗ sâu kín trong tâm lý tự trọng của “kẻ sĩ”. Chẳng thế mà Lưu Bị phải ba lần đội tuyết, đội gió đến lều cỏ của Khổng Minh.
Xưa nay kẻ sĩ có thực tài và biết tự trọng thường chọn cách ứng xử “dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng” (được dùng thì ra làm việc, không được dùng thì lui về) thể hiện một quan niệm sống, một thái độ sống thanh thản. Ngày nay, sức nam châm có lực hút hiền tài, trí thức là độ rộng mở của dân chủ và công khai trong việc tao ra môi trường để cho những tài năng thật sự có thể phát huy trong sự nghiệp phát triển đất nước. Trong dòng chảy miệt mài với những đột biến không tính trước được, kiểu tư duy tuyến tính, những kinh nghiệm có sẵn, những phương pháp truyền thống trong rất nhiều tình huống đã không còn đủ cho hành trình của dân tộc trên con đường phát triển và hội nhập. Hành trình ấy đòi hỏi người gánh vác trọng trách với đất nước luôn phải tự nhìn lại mình, thấy ra được sự hạn hẹp của nhận thức đã có, nhặt bỏ những thô thiển, những sai lầm, những ngộ nhận nhằm không ngừng bổ sung tri thức mới để có được tầm nhìn mới sát với sự vận động của cuộc sống.
Một Chính phủ sẽ trở nên mạnh nếu từ người đứng đầu cho đến mỗi thành viên biết cách khơi gợi và tập hợp quanh mình những hiền tài, biết cách khai thác, sử dụng và phát huy trí tuệ và kinh nghiệm của những chuyên gia giỏi. Vả chăng, người hiền không thiếu. Chỉ riêng đất Dĩnh, nơi Khổng Minh ở ẩn, Lưu Bị đã gặp đến bốn danh sĩ. Trong đó, người đời sau cho rằng Tư Mã Huy đáng mặt là “cao danh ẩn sĩ “ hơn cả, quá thấu hiểu chữ “thời” nên không chịu dấn thân. Chia tay Lưu Bị, con người ấy đã ngẩng mặt lên trời mà cười to rằng: “Ngọa Long tuy gặp chủ, nhưng không gặp thời, tiếc lắm thay!”.
Tư Mã Huy mà sống trong thời đại của chúng ta hôm nay chắc cũng không phải ngửa mặt lên trời mà tiếc cho hiền tài vướng lụy bởi chữ thời. Bởi vì, trong một “thế giới đã trở nên phẳng” các hệ thống thứ bậc đang bị thách thức từ bên dưới, hệ thống cấu trúc theo chiều dọc phải tự biến đổi thành cấu trúc theo chiều ngang và có tính cộng tác hơn. Cấu trúc ấy rất gần với luận điểm cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh: “quyền hành và lực lượng đều nơi dân”, chữ thời, nếu có, cũng biến đổi theo vòng xoáy trôn ốc lên tầm cao mới của triết lý “quan nhất thời, dân vạn đại”. Và có lẽ, vị cao danh ẩn sĩ ấy chắc sẽ nhắc đến chữ khiêm của Lão Tử: Người biết khiêm là biết tự cao lớn mà không tranh đoạt với ai.
“Đạo đức kinh” có đoạn: “Đạo trời không tranh mà khéo thắng” (thiên 73), “Không tranh với ai nên không ai tranh với mình” (thiên 66), “Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, biết ở chỗ mọi người ghét [chỗ thấp] cho nên gần gũi với đạo” (thiên 8). Khiêm thì không muốn ở trên người, cũng không muốn ở trước người [bất cảm thiên hạ tiên]. Song nhờ tự đặt mình ở sau người mà thân lại ở trước[hậu kỳ thân nhi thân tiên] (thiên 7). Muốn cầu hiền, muốn quy tụ và phát huy hiền tài thì phải biết chữ khiêm.
Đó là bí quyết đem lại sức mạnh bất tận từ sự bổ sung trí tuệ và kinh nghiệm cho người cầm quyền. Và đương nhiên là người cầm quyền hiểu đầy đủ về trọng trách của mình phải biết vượt lên chính mình.