WHO kêu gọi giảm mạnh tiêu thụ đường
Mỗi người mỗi năm tiêu thụ tới 35 kg đường từ những đồ ngọt hấp dẫn như sô-cô-la, kem hay nước ngọt… Trong một dự thảo chỉ thị mới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) một lần nữa kêu gọi mỗi người không nên tiêu thụ đường quá 5% nhu cầu về calorie hàng ngày - như vậy chỉ còn một nửa so với hướng dẫn trước đây cũng của WHO.
Tiểu đường và béo phì ngày càng phổ biến
“Năm phần trăm là một mức hợp lý”, theo bình luận của chuyên gia dinh dưỡng Walter Willett, làm việc tại Trường Y tế công cộng Harvard. Chúng tôi có những bằng chứng đáng tin cậy về nguy cơ tăng đối với bệnh đái đường khi mỗi ngày tiêu thụ 25 gr đường. Nếu ăn đường nhiều hơn thì có nguy cơ bị béo phì.”
Trên 370 triệu người trên thế giới bị bệnh tiểu đường, xu hướng tiếp tục tăng mạnh. Những nước công nghiệp, như Đức, có nguy cơ tăng đặc biệt cao. Hiện ở Đức có khoảng 6 triệu người bị tiểu đường, tức 9% dân số ở tuổi trưởng thành. Số người bị béo phì cũng tiếp tục tăng. Trên thế giới có khoảng 1,5 tỷ người bị liệt vào dạng quá béo, khoảng 500 triệu thuộc diện béo phì.
Trong cuộc chiến chống tiểu đường thì việc hạn chế ăn đường được coi là một bước đi quan trọng. Theo bà Marion Nestle, một chuyên gia nghiên cứu về dinh dưỡng thuộc ĐH New York: “Có nhiều bằng chứng cho thấy con người sẽ sống khoẻ mạnh hơn nếu giảm ăn đường.”
Một cốc Cola đã là quá nhiều
Duy trì được mức 5% trong một ngày là việc khó. Chỉ một cốc Cola (một phần tư lít) hay nửa phong sô-cô-la đã vượt mức 25 gr đường trong một ngày cho người lớn theo như hướng dẫn của WHO. Để so sánh: mức tiêu thụ đường bình quân hiện nay ở Đức mỗi người mỗi ngày là 96 gr. Có nghĩa là muốn thực hiện được khuyến nghị của WHO, người Đức phải giảm hai phần ba mức tiêu thụ đường hiện nay.
Chỉ riêng người tiêu dùng không thôi thì khó thực hiện được chỉ tiêu mới về sử dụng đường, quan trọng hơn, các doanh nghiệp bánh mứt kẹo cần giảm mức sử dụng đường trong sản phẩm của họ.
Đường được coi là một chất bổ sung giá rẻ, nó giúp cho thực phẩm như các loại nước sốt hay thức ăn đã chế biến bảo quản được lâu hơn. Vả lại người tiêu dùng thích những món ăn có vị ngọt.
Các nhà nghiên cứu lo ngại sẽ có phản ứng ngược mạnh mẽ như hồi năm 2003, khi WHO kêu gọi chỉ ăn đường ở mức 10% nhu cầu calorie mỗi ngày. Hồi đó giới vận động hành lang của ngành công nghiệp thực phẩm Mỹ thậm chí còn doạ sẽ giảm sự hỗ trợ tài chính cho WHO. Tuy nhiên ý đồ này không thực hiện được.
Mới đây đã xuất hiện những lời chỉ trích: giới kinh doanh đường của Mỹ đã viện cớ Viện Y học và Cơ quan an toàn thực phẩm của châu Âu trong quá khứ chưa đưa ra được những bằng chứng chắc chắn làm cơ sở cho số liệu làm rõ mối quan hệ giữa lượng đường tiêu thụ và những căn bệnh như béo phì, tiểu đường… Ngành công nghiệp bánh mứt kẹo của Đức cũng từ chối những giới hạn do WHO đề xuất với lý do tương tự.
Sẽ được thông qua trong mùa hè này
WHO tỏ ra bình thản trước những làn gió ngược, trong khi tiếp tục thu thập ý kiến của các nhà chuyên môn đến hết ngày 31 tháng 3, sau đó sẽ quyết định liệu bản dự thảo có phải sửa đổi hay không và liều lượng tiêu thụ đường cụ thể là bao nhiêu.
Tiêu thụ quá nhiều đường, ít vận động và chế độ dinh dưỡng sai lệch từ lâu không được coi là những nguyên nhân duy nhất dẫn đến bệnh béo phì và tiểu đường. Theo một công trình nghiên cứu của Tổ chức Môi trường Anh quốc ChemTrust tiến hành năm 2012, những chất làm mềm (softener) và một số hoá chất khác cũng có vai trò trong việc hình thành những căn bệnh đó. Những hoá chất có mặt trong vật dụng hàng ngày như đồ chơi bằng nhựa, thiết bị điện tử, tấm trải nền nhà PVC và đồ hộp có thể thâm nhập vào cơ thể qua hít thở, qua da hay qua các loại thực phẩm, chủ yếu bị nghi ngờ có liên quan đến hiện tượng rối loạn chức năng tình dục.
Nguyễn Xuân Hoài dịch