Xã hội dân sự: Trọng tâm là hành động
Nếu áp dụng định nghĩa các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) phải hoàn toàn mang tính tự nguyện và độc lập đối với khu vực nhà nước thì dễ dàng kết luận rằng Việt Nam hiện nay chưa có XHDS. Nhưng điều này không đúng, vì hiện đã có rất nhiều tổ chức, hội nhóm, mạng lưới đang hoạt động trong khoảng “tranh tối tranh sáng” giữa khu vực nhà nước và phi nhà nước.
Nhưng điều này không đúng, vì hiện đã có rất nhiều tổ chức, hội nhóm, mạng lưới đang hoạt động trong khoảng “tranh tối tranh sáng” giữa khu vực nhà nước và phi nhà nước. Nhiều nhà hoạt động xã hội, thủ lĩnh các tổ chức phi chính phủ, nhà báo, các nhà nghiên cứu đang hoạt động độc lập, bất kể vị trí và quan hệ của họ với chính quyền. Họ là những người đi tiên phong trong việc xây dựng những hình thức mới để tổ chức mạng lưới và để tham gia vận động chính sách. Phần lớn những người này không tham gia lực lượng chống đối, tuy nhiên họ không ngần ngại thể hiện các quan điểm phê phán chính sách hiện thời. Mặc dù hoạt động của họ bị nhiều rào cản của hệ thống luật pháp nhưng các mạng lưới đã và đang tác động đến các bộ phận khác nhau của bộ máy nhà nước. Họ đã thực hiện vai trò này như một thành phần của XHDS.
Xem xét mạng lưới ở Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử
Từ hàng chục thế kỷ nay, trong xã hội Việt Nam đã tồn tại các mạng lưới của cá nhân và các nhóm địa phương. Các nhà sử học và nhân học đã nhận định là những mạng lưới và liên kết ở cấp làng có vai trò độc lập nhất định đối với quyền lực của triều đình, như được phản ánh trong câu tục ngữ “phép vua thua lệ làng”. Khi nhà nước phong kiến có quyền lực mạnh thì XHDS vẫn tồn tại dưới hình thức các hội, phường hay liên kết mang tính truyền thống. Ở Việt Nam cũng như các nước châu Á khác, những liên hệ mạng lưới phi chính thức đặc biệt quan trọng vào những giai đoạn khi các tổ chức chính thống bị đàn áp hoặc sáp nhập2.
Hiện nay những mạng lưới phát triển tốt nhất ở Việt Nam thường hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Các nhóm hoạt động môi trường giờ không chỉ dừng lại ở các hoạt động cung cấp dịch vụ mà đã tham gia vận động chính sách. Bên cạnh những mạng lưới chính thức trong lĩnh vực bảo vệ sông ngòi, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ rừng và khoáng sản là rất nhiều những nhóm làm việc phi chính thức. Có một mạng lưới của những người chống buôn bán động vật hoang dã hiện đang hoạt động theo những nhóm nhỏ, được gọi là “nhóm làm việc về gấu”, “nhóm làm việc về hổ”… với thành viên đến từ nhiều tổ chức khác nhau. Họ chia sẻ thông tin và cùng nhau hoạch định các chiến lược vận động chính sách. “Hiện nay cả Việt Nam chỉ còn 100 cá thể gấu và 30 cá thể hổ đang sống hoang dã, nên chúng tôi không việc gì phải cạnh tranh với nhau” – một nhà hoạt động trong nhóm chia sẻ.
Một số mạng lưới (hoặc các tổ chức thành viên của mạng lưới) có khả năng tiếp cận các nguồn tài trợ quốc tế, thường là từ các quỹ, hoặc các kênh viện trợ song phương và đa phương. Các cơ chế tài trợ, thông qua các điều kiện công khai hoặc các ngầm định về XHDS, có ảnh hưởng nhất định đối với cấu trúc và năng lực của các mạng lưới.
Vào đầu thập kỷ 90, các học giả bắt đầu chú ý đến sự xuất hiện của các tổ chức xã hội bán độc lập (semi-autonomous) ở Việt Nam. Một nhà quan sát đã ghi nhận sự ra đời của “những tổ chức có vẻ như là độc lập và có khả năng tự quyết về chương trình hành động và có khả năng vận động tài chính cho các hoạt động của mình”3. Ước tính có khoảng vài trăm tổ chức như vậy, được đánh giá là “một trong những nhóm năng động nhất trong xã hội”4.
Đến đầu những năm 2000, các nhà quan sát nhận thấy sự tăng dần về số lượng và loại hình các tổ chức do có sự cải thiện, mặc dù chưa hoàn chỉnh, của các quy định pháp luật; do các phương tiện truyền thông đưa tin và thảo luận nhiều hơn về đề tài XHDS; và do chính quyền đã nới lỏng sự kiểm soát đối với XHDS. Các tổ chức này “có nhiều mối quan hệ chồng chéo với nhau cũng như với khối nhà nước”. Họ tham gia vận động chính sách, nhưng trong khuôn khổ mà Nhà nước cho phép5.
Từ những nghiên cứu này, thuật ngữ “XHDS” bắt đầu được các học giả, nhà tài trợ và các tổ chức ở Việt Nam sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên đôi khi người ta thường gán thêm các tính từ như “nửa vời”, “do Nhà nước chỉ đạo”, “non trẻ”, “trứng nước” hoặc “chưa phát triển”. Ở giai đoạn này, các học giả không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu các đặc điểm mang tính tổ chức của XHDS. Họ chuyển sang phân tích các phương thức tương tác giữa các tổ chức XHDS, các nhà hoạt động và chính quyền6. Bức tranh chung về XHDS cũng thay đổi, một phần là do sự thay đổi trong xã hội Việt Nam. Nguyên nhân khác là do khái niệm về các thành phần của XHDS đã được mở rộng, từ những tổ chức xã hội được đăng ký chính thức, những trung tâm nghiên cứu liên quan đến chính phủ, những dự án của nhà tài trợ, những nhóm chuyên gia, các trang web và các blogger, đến nhóm các sinh viên tình nguyện… Như vậy sự vận động mang tính mạng lưới của XHDS sẽ năng động hơn mô hình kinh điển, trong đó nhà nước, khu vực thị trường và XHDS hoạt động như ba mảng riêng lẻ. Đặc điểm của vận động chính sách theo mô hình mạng lưới là sự vượt qua ranh giới giữa ba khu vực trên, và mở rộng không gian để vận động xã hội.
Lý thuyết mạng lưới về XHDS
XHDS là một tiến trình hành động tập thể khi các cá nhân và tổ chức tập hợp lại để tạo sự ảnh hưởng với giới quyền lực và tạo ra sự thay đổi xã hội. Theo lý thuyết này, đơn vị cơ bản tạo nên XHDS là những mạng lưới của các tổ chức, các nhóm phi chính thức, các nhà hoạt động xã hội chứ không chỉ là các tổ chức phi chính phủ.
Cách tiếp cận mạng lưới đòi hỏi ba điều chỉnh lớn trong lý thuyết về XHDS. Thứ nhất, thành phần cấu tạo nên XHDS là các mạng lưới, chứ không phải là các tổ chức độc lập. Các mạng lưới này bao gồm các cá nhân và/hoặc các tổ chức. Thứ hai, khi các mạng lưới này có hành động thì xuất hiện XHDS. Vì vậy câu hỏi trọng tâm không phải là thành phần nào nằm trong hay nằm ngoài XHDS mà là XHDS có hành động gì và hành động như thế nào. Thứ ba, hành động của mạng lưới XHDS vượt qua ranh giới giữa xã hội, gia đình, thị trường và nhà nước. Những ranh giới này không phải là bất di bất dịch, nhưng cần được phân định dựa trên vai trò và vị trí của từng bên.
Các mạng lưới XHDS rất đa dạng về quy mô, bao gồm những nhóm nhỏ và cả những liên minh của các tổ chức chính thống. Cơ cấu của các mạng lưới có thể chính thức hoặc phi chính thức, với nhiều mô hình lãnh đạo và điều phối khác nhau. Mạng lưới chính thức (ví dụ có tên gọi là Liên minh X), có cơ cấu tổ chức, có quy chế thành viên, các cuộc họp thường kỳ, quy chế hoạt động, tuyên bố chính thức về sứ mệnh, kế hoạch chiến lược và các phương tiện để liên lạc nội bộ. Tùy tình hình ngân sách, liên minh có thể có hoặc không có nhân viên được trả lương hoặc văn phòng cố định. Ngược lại với các mạng lưới chính thức là những mạng lưới phi chính thức (“nhóm những người bạn và đồng minh”), không có tên gọi và không có những thủ tục chính quy. Đó là những nhóm hoạt động trên mạng, những nhóm tình nguyện, những diễn đàn chia sẻ thông tin và những nhóm tương thân tương ái. Đối với những nhóm này các thành viên không coi mình thuộc về một mạng lưới.
Các tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội cũng là một phần của các mạng lưới XHDS nếu họ tham gia vào các hành động chung cùng với các thành viên khác. Theo lý thuyết của Robert Putnam, sự tham gia vào các mạng lưới mang lại những lợi ích về việc tăng vốn xã hội và các giá trị dân chủ cho các tổ chức7.
Mạng lưới cũng có thể có thành viên là các cá nhân và tổ chức như công ty và cơ quan truyền thông, với điều kiện là họ cùng cộng tác với nhau vì lợi ích của cộng đồng bên cạnh những lợi ích riêng của họ. Có những trường hợp các chính quyền địa phương, các cơ quan cấp bộ, hay các viện nghiên cứu của nhà nước cũng tham gia vào mạng lưới XHDS.
Nhiều mạng lưới cá nhân không bao giờ phát triển thành mạng lưới XHDS. Các mạng lưới này chỉ dừng lại ở cấp độ các quan hệ xã hội và không theo đuổi các mục tiêu liên quan đến cộng đồng hay các mục tiêu tác động chính sách. Ví dụ, nhiều câu lạc bộ của các doanh nhân hay các mạng lưới kinh doanh chỉ tồn tại để phục vụ cho lợi ích của các thành viên. Các nhóm tôn giáo thì theo đuổi các mục tiêu vì cộng đồng nhưng không tham gia vận động chính sách và các thành viên gia nhập tôn giáo dựa trên cơ sở căn tính cá nhân chứ không vì mục tiêu cộng đồng. Có những mạng lưới hoạt động trái ngược với lợi ích của xã hội. Có những tập đoàn kinh tế và các nhóm lợi ích thành lập mạng lưới riêng, hoặc những nhóm khủng bố và mafia cũng tập hợp thành mạng lưới. Trong một số trường hợp, có những mạng lưới mang đặc điểm của XHDS nhưng theo đuổi các lợi ích cá nhân.
Đặc điểm của các mạng lưới XHDS là sự tham gia vận động chính sách, được hiểu là “những nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng tới quyết định của nhóm quyền lực vì mục đích bảo vệ quyền lợi của số đông”8. Như vậy khái niệm này mở rộng hơn khái niệm “thay đổi chính sách”.
Một trong những rủi ro của các mạng lưới phi chính thức là sự lặp lại của cơ cấu hệ thống theo chiều dọc, trong đó một cá nhân hay một nhóm nhỏ lãnh đạo mạng lưới. Một rủi ro khác là tính chất không ổn định của mạng lưới, vì sự tham gia và liên kết của các thành viên thường thay đổi tùy theo các vấn đề mà họ quan tâm và thậm chí tùy theo việc ai là thủ lĩnh mạng lưới9. Học giả Mayfair Yang đã trích lời một nghệ sỹ Trung Quốc: “Tham gia mạng lưới cũng giống như đánh cá; khi bắt được cá rồi mọi người buông lưới và tản đi. Khi thả lưới mới, chưa chắc tất cả những người cũ vẫn còn ở đó”.
Hầu hết các mạng lưới phi chính thức đều khá nhỏ. Tuy nhiên khi mở rộng, các mạng lưới gặp phải vấn đề cơ cấu tổ chức. Cũng có những mạng lưới có hàng nghìn thành viên và hoạt động trong một cơ cấu phức tạp, như trường hợp mạng lưới các tổ chức phi chính phủ ở Philippines và Ấn Độ. Cơ cấu tổ chức của các mạng lưới cũng khá đa dạng, bao gồm sơ đồ hình tháp, hoặc sơ đồ vòng tròn trong đó một cá nhân hay một tổ chức nắm vị trí trung tâm, hoặc sơ đồ hình mạng nhện trong đó không rõ ai là thủ lĩnh. Tuy nhiên cần phân biệt sơ đồ tổ chức mạng lưới với cách họ vận hành trong thực tế. Có mạng lưới tuyên bố mô mình hoạt động theo hướng bình đẳng nhưng thực chất chỉ có một nhóm nòng cốt ra quyết định.
Các phương thức vận động chính sách
Vận động chính sách bao gồm hàng loạt các chiến lược nhằm tác động đến Nhà nước và dư luận xã hội. Đây là đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt mạng lưới XHDS với mạng lưới mang tính cá nhân. Một nhà hoạt động ở Việt Nam đã chia sẻ: “Các mạng lưới sẽ hiệu quả và gây ảnh hưởng tốt nhất khi họ vận động chính sách”10.
Thuật ngữ “vận động chính sách” chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng hoạt động này đã diễn ra trên thực tế từ khá lâu. Hơn hai phần ba các tổ chức phi chính phủ Việt Nam mong muốn tham gia vận động chính sách, tuy nhiên họ bị hạn chế về năng lực hoặc thiếu chiến lược11. Các nhà nghiên cứu Ben Kerkvliet, Nguyễn Quang A và Bạch Tân Sinh đã mô tả các trường hợp vận động chính sách. Lúc đầu thì chính quyền không hợp tác và nghi ngờ, tuy nhiên dần dần mối quan hệ được cải thiện. Điều này cho thấy các tổ chức hoặc mạng lưới hoạt động lâu năm thường đạt được nhiều kết quả trong vận động chính sách hơn các nhóm mới ra đời.
Trong luận án tiến sỹ của Joseph Hanna, ông đã đưa ra lý thuyết về vai trò của XHDS, được mô hình hóa trên một trục, với một cực là thực hiện chính sách nhà nước và cực kia là phản đối chính sách. Giữa hai cực này là hàng loạt các vai trò khác như vận động hành lang, giám sát và phản biện. Vào thời điểm Hannah thực hiện nghiên cứu vào năm 2004, ông phát hiện rằng Nhà nước Việt Nam chỉ cho phép các hoạt động góp ý để thực hiện tốt hơn các chính sách hiện có, và không cho phép vận động thay đổi chính sách hoặc phê phán công khai các chính sách của Nhà nước. Nhưng trên thực tế dần dần các giới hạn này đã thay đổi. Đến thời điểm năm 2009, một số mạng lưới đã có thể tuyên bố công khai về vai trò của họ trong việc “giám sát để bảo vệ quyền của những người bị chính sách ảnh hưởng”.
Có thể chia các chiến lược vận động chính sách của các mạng lưới XHDS làm ba loại: Vận động từ bên trong hệ thống nhà nước (sử dụng các mối quan hệ cá nhân và quan hệ tổ chức để liên hệ và tác động vào các bộ phận của bộ máy nhà nước); Vận động bằng truyền thông (làm việc thông qua các tờ báo nhà nước, các kênh truyền thông trên mạng, blog và các kênh truyền thông quốc tế để đạt được mục tiêu tác động chính sách một cách gián tiếp); Vận động cộng đồng (tạo áp lực từ cộng đồng để thay đổi chính sách).
Phổ biến nhất là mô hình vận động cả “bên trong và bên ngoài” vì nó giúp các mạng lưới XHDS có thể tác động đến các quyết sách quan trọng ngay cả khi họ ở thế yếu. Chiến lược này tận dụng sự phân cấp của bộ máy nhà nước. Một số bộ phận hoặc một số cấp khác nhau của bộ máy nhà nước có thể là đồng minh, thậm chí là thành viên của các mạng lưới vận động chính sách. Một nhà hoạt động ở Trung Quốc đã chia sẻ: “Chúng tôi không đối đầu trực tiếp với chính quyền. Chúng tôi giúp cơ quan này đấu với cơ quan kia”. Chiến lược này giống với hình ảnh của một cái bập bênh, khi một vật dù nhẹ nếu được đặt ở đúng điểm trọng lực sẽ thay đổi sự cân bằng trong tương quan với phía bên nặng hơn.
Đây là bài đầu tiên trong series năm bài viết về XHDS ở Việt Nam. Loạt bài này được viết dựa trên tài liệu từ cuốn sách “Mạng lưới XHDS ở Trung Quốc và Việt Nam” của Andrew Wells Dang. Trong các bài viết tiếp theo, tác giả sẽ trình bày các trường hợp nghiên cứu cụ thể, so sánh kinh nghiệm hoạt động của XHDS ở Trung Quốc và Việt Nam, và trình bày các khuyến nghị và đề xuất cho tương lai.
ĐẶNG HƯƠNG GIANG dịch
—
1 Oscar Salemink, “Translating, interpreting and practicing civil society in Vietnam: A tale of calculated misunderstandings” (Diễn giải về xã hội dân sự và thực hành của xã hội dân sự ở Việt Nam: Câu chuyện về sự hiểu lầm có chủ ý) trong tập sách của Lewis D và Mosse D Development Brokers and Translators (Những người môi giới và phiên dịch trong lĩnh vực phát triển) (2006), trang 121; Jonathan London, “Viet Nam and the making of market-Leninism” (Việt Nam và chủ nghĩa Lenin kết hợp với kinh tế thị trường), Pacific Review (2009), trang 10-11; Carlyle Thayer, “Vietnam and the Challenge of Political Civil Society,” (Việt Nam và thách thức của xã hội dân sự chính trị), Contemporary Southeast Asia (2009), trang 10-11.
2 Robert Weller, Alternate Civilities: Democracy and Culture in China and Taiwan (Xã hội dân sự kiểu mới: Dân chủ và văn hóa ở Trung Quốc và Đài Loan), 1999
3 Kerkvliet, Heng, và Koh, Getting Organized in Vietnam: Moving in and Around the Socialist State (Tổ chức ở Việt Nam: Chuyển dịch bên trong và bên ngoài nhà nước xã hội chủ nghĩa), 2003, trang 1
4 Mark Sidel, “The Emergence of a Nonprofit Sector and Philanthropy in the Socialist Republic of Vietnam” (Sự xuất hiện của khu vực phi lợi nhuận và hoạt động nhân đạo ở nước CHXHCN Việt Nam,” trong tập sách của Yamamoto, “The Emergence of a Nonprofit Sector and Philanthropy in the Socialist Republic of Vietnam” (Sự xuất hiện của xã hội dân sự trong cộng đồng châu Á Thái Bình Dương), 1996, trang 293
5 Irene Nørlund, “International analyses and views on Civil Society in Vietnam” (Phân tích quốc tế và các quan điểm về xã hội dân sự ở Việt Nam), 2008; Joseph Hannah, Approaching Civil Society in Vietnam (Tiếp cận xã hội dân sự ở Việt Nam), luận án tiến sỹ, Đại học Washington (2007).
6 Ben Kerkvliet, Nguyễn Quang A, Bạch Tân Sinh, “Forms of Engagement Between State Agencies and Civil Society Organizations in Vietnam” (Hình thái tương tác giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam), 2008, trang 49.
7 Robert Putnam, Making Democracy Work: Civil Traditions in Modern Italy (Thúc đẩy nền dân chủ: Truyền thống dân sự trong xã hội Ý đương đại, 1993), trang 167.
8 JC Jenkins, “Nonprofit organisations and policy advocacy” (Các tổ chức phi lợi nhuận và vận động chính sách) in trong tập sách của Powell, The Nonprofit Sector: A Research Handbook (Khu vực phi lợi nhuận: Sách hướng dẫn nghiên cứu), 1987, trang 267.
9 David Korten, Getting to the 21st Century: Voluntary Action and the Global Agenda (Bước vào thế kỷ 21: Các hoạt động tự nguyện và chương trình hành động toàn cầu), 1990; Hirsch và Warren, The Politics of Environment in Southeast Asia (Chính trị trong vấn đề môi trường ở Đông Nam Á), 1998.
10 Vũ Thị Nga, “Báo cáo kết quả hội thảo: Sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng trong vận động chính sách: kinh nghiệm thực tiễn và khuôn khổ pháp luật” (2008), trang 31.
11 Asia Foundation, Training Needs Assessment of Civil Society Organizations in Vietnam (Đánh giá nhu cầu đào tạo của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam), 2008, trang 6, 32-37.