Xã hội kỳ vọng điều gì ở một GS/PGS?

Nếu chúng ta không thực sự trả lời thấu đáo câu hỏi này* thì cuộc thảo luận về tiêu chí phong PGS và GS nhiều khả năng sẽ đi chệch hướng, dẫn tới những quy định lệch tạo hệ lụy lâu dài cản trở sự phát triển lành mạnh của nền khoa học trong nước.

Đa số các nội dung thảo luận hiện nay tập trung vào yêu cầu công bố quốc tế. Đây là vấn đề cấp bách giúp tăng cường khả năng hội nhập quốc tế trong khoa học, và quan trọng hơn là giúp khai thác năng lực bình duyệt của giới khoa học quốc tế để sàng lọc các nhà khoa học trong nước, một giải pháp hữu hiệu để thay đổi tình trạng những người kém cỏi hoặc dùng những sản phẩm ngụy tạo để đạt được những phẩm hàm cao quý trong khoa học.

Tuy nhiên, yêu cầu về công bố quốc tế không đủ để đánh giá một người có đủ tiêu chuẩn là GS/PGS. Nó chỉ là một cơ sở cho thấy nhà khoa học có những đóng góp mới và nguyên bản cho khoa học, nhưng không đảm bảo rằng đóng góp ấy có ý nghĩa khoa học đáng kể – may chăng chỉ có những công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới mới đảm bảo được điều này, còn với toàn bộ hệ thống các tạp chí ISI hay Scopus thì sự lẫn lộn vàng thau vẫn đang tồn tại và việc đảm bảo như vậy là điều bất khả thi.

Hậu quả khi một nhà nghiên cứu có một số công bố quốc tế không có mấy ý nghĩa khoa học nhưng lại dựa vào đó để được xét phong GS/PGS – khả năng xảy ra điều này là cao ở những nước thuộc vùng trũng trong khoa học – là vị GS/PGS “đáng kính” đó sẽ dẫn dắt, đào tạo ra những lứa học trò tiếp theo, tiếp tục đi sâu vào những hướng nghiên cứu vô bổ, gây lãng phí nhân lực và của cải xã hội, chỉ để tạo ra những sản phẩm chất lượng thấp đóng mác công bố quốc tế.

Đến đây, ta phải quay lại câu hỏi căn bản: xã hội và khoa học cần gì ở một GS/PGS? Nếu chỉ cần làm ra những kết quả công bố quốc tế, hay những sáng chế có tính ứng dụng cao, thì một nhà nghiên cứu có thể chỉ là nghiên cứu viên cũng đủ, và nếu cần thì có thể phân bậc nhà nghiên cứu thành nghiên cứu viên bậc I, bậc II… tùy theo nhu cầu công việc cụ thể của tổ chức nghiên cứu nơi người đó làm việc.

Sở dĩ chúng ta cần những người có phẩm hàm GS/PGS, bởi đó là những người có trách nhiệm đào tạo, dẫn đường cho những thế hệ nhà khoa học kế cận, giúp những thế hệ đi sau có đủ năng lực tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa khoa học ngày càng được nâng cao. Muốn vậy thì người GS/PGS phải có đủ tầm tri thức để theo dõi tương đối sát các xu hướng phát triển trong phạm vi ngành khoa học của mình, hiểu rõ đâu là những nội dung có tầm quan trọng nền tảng mà học trò của mình cần nắm bắt và tìm hiểu.

Trong bối cảnh hiện nay, số lượng các công bố quốc tế hay các sách chuyên môn của một nhà nghiên cứu là những căn cứ đáng để xem xét, nhưng không đảm bảo độ tin cậy để cho thấy người đó có tầm tri thức, văn hóa khoa học đòi hỏi cho một GS/PGS như mong muốn trên đây.

Phương thức đáng tin cậy hơn là ngoài những yêu cầu trên, bổ sung thêm yêu cầu ứng viên GS/PGS phải trình bày trước hội đồng xét duyệt về những nội dung có tính căn cốt trong lĩnh vực khoa học của người đó (phạm vi nội dung cụ thể do từng hội đồng ngành quy định), đồng thời công khai hóa trên internet bài trình bày này cũng như những ý kiến của các thành viên trong hội đồng thẩm định để đông đảo giới khoa học có thể theo dõi, phản biện. Qua đó sẽ góp phần đảm bảo công khai, minh bạch về chất lượng của cả ứng viên cũng như các thành viên hội đồng xét phong GS/PGS. Ngoài ra, cũng cần công khai cả thông tin về những đề tài nghiên cứu của các ứng viên và thông tin về những nghiên cứu sinh mà họ đã đào tạo.

Chỉ như vậy những người thầy mới đúng là thầy, thay vì là những người thợ lành nghề làm công bố quốc tế.

* Câu hỏi đặt ra nhân bài viết “5 câu hỏi dành cho các vị giáo sư” của Vũ Dương đăng trên Giaoduc.net:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/5-cau-hoi-danh-cho-cac-vi-giao-su-post174971.gd

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)