Xã hội nào, tính cách ấy!

Bàn luận về Tính cách Việt, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh quan niệm không thể nói chung chung về tính cách. Xã hội nào tính cách ấy. Ông nói: Nói đến tính cách, phải nói đến phương thức sống của xã hội vào thời kỳ đó. Phương thức sống ở đây hiểu theo nghĩa là sự thể hiện trên quy mô xã hội và mang tính chất tổng hợp của các phương thức tồn tại vật chất, sản xuất tinh thần, giao tiếp xã hội và quản lý xã hội. Khi bước qua phương thức tồn tại vật chất mới, lối sống, mức sống cũng như quan niệm sống sẽ thay đổi. Phương thức sống trong thời kỳ bao cấp là một trong những nguyên nhân sản sinh ra thói vô trách nhiệm và đạo đức giả...

Đó là thời kỳ trước. Còn hiện nay?

Cơ chế thị trường có hai đứa con là nóng ruột kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ.

Có thể lý giải căn nguyên của hai đứa con này không, thưa ông?

Vấn đề là hạn chế tác hại của hai nhân vật ấy với đời sống xã hội chứ không cần lý giải. Một xã hội có phát triển được hay không và như thế nào là nhờ tốc độ và quy trình tái sản xuất mở rộng, nếu không có tích lũy thì không thể tái sản xuất mở rộng, mà cách thức tái sản xuất mở rộng không phù hợp cũng sẽ tác động xấu tới sinh hoạt xã hội và các phương thức sống trong xã hội. Việt Nam trong thời gian qua nổi lên nhiều hiện tượng sống cho hôm nay không cần nghĩ đến ngày mai, hay chủ yếu sống bằng tiền của người thân ở nước ngoài gửi về… Những phương thức sống như vậy cho dù lương thiện cũng tiềm ẩn những bất ổn. Bởi vì nếu lúc kinh tế quốc gia gặp khó khăn, những người không có tích lũy sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội, thậm chí có thể trở thành một loại tội phạm tiềm năng. Hay khi việc tiêu dùng vượt quá khả năng sản xuất kéo dài thì người ta sẽ từ chỗ tách rời nền sản xuất vật chất của quốc gia bước qua chỗ ly khai các giá trị truyền thống.

Một hiện tượng khác là hiện có nhiều người hoạt động cùng một lúc trong hai khu vực sản xuất vật chất, rất dễ tạo ra loại nhân cách kinh tế lưỡng phân, mà nếu họ có ăn lương Nhà nước thì nguy lắm. Vì với quyền lực được giao, họ sẽ tạo ra các hệ thống sản xuất ảo để thủ lợi. Hiện tượng dạy thêm và bắt học sinh học thêm nhiều năm qua là một ví dụ tiêu biểu về điều này. Ở mức độ thấp hơn, sẽ có những quy trình thừa trong hệ thống sản xuất mọc ra, ví dụ việc mua bán quota trước đây hay chạy quy hoạch, chạy đề tài… hiện nay.

Các phương thức sống khác nhau ở Việt Nam hiện nay lại đang phát triển theo hướng ngày càng cách xa nhau chứ không phải theo hướng hợp nhất, vì khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam vẫn đang tiếp rục được mở rộng ra.

Theo ông, muốn hướng tới phát triển bền vững, chúng ta cần phải làm gì?

Hiện có nhiều người hoạt động cùng một lúc trong hai khu vực sản xuất vật chất, rất dễ tạo ra loại nhân cách kinh tế lưỡng phân, mà nếu họ có ăn lương Nhà nước thì nguy lắm. Vì với quyền lực được giao, họ sẽ tạo ra các hệ thống sản xuất ảo để thủ lợi.

Các phương thức sống sẽ tác động đến tổ chức xã hội, nhưng trên phương diện này thì Việt Nam hiện nay chưa có phương thức sống tiên tiến phù hợp làm hệ quy chiếu – mẫu số chung. Cho nên chúng ta chưa thể phát triển bền vững được. Mỗi năm, lượng kiều hối gửi về nước là ba bốn tỉ USD, đó chỉ là con số thống kê chính thức, mà tình hình này có thể còn kéo dài trong 10, 15 năm nữa. Kinh tế ngầm theo ước tính của các nhà kinh tế thì chiếm tới 1/3 GDP của Việt Nam. Nhưng khi các hệ thống xã hội phát triển không đồng đều và chưa lành mạnh, thì cần có hệ thống quản lý xã hội minh bạch và trong sạch làm trọng tài và chuẩn mực. Đó là điều các tổ chức kinh tế nước ngoài luôn nêu lên trong các bảng phân tích về kinh tế Việt Nam.

Tôi hy vọng trong tương lai, khi lớp trẻ có nhiều người có tri thức tiên tiến và ý thức hướng tới quyền lợi cộng đồng xác lập được phương thức sống tiên tiến khiến xã hội có cơ chế bảo vệ tập tính tốt, loại trừ hiện tượng xấu, thì Việt Nam sẽ có cơ sở xã hội để phát triển bền vững.


Xin cảm ơn ông.


Thục Linh – Quốc Khánh thực hiện

Tác giả

(Visited 49 times, 1 visits today)