Xây dựng nông thôn phát triển bền vững
Ngày 27 tháng 6 tại Hà Nội, Hội thảo Người dân nông thôn trong quá trình CNH do Viện Chính sách và Chiến lược PTNN NT, Tạp chí Tia Sáng và Báo Nông thôn ngày nay phối hợp tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, khoa học và văn hóa, nhằm góp phần hoàn thiện báo cáo về phát triển nông nghiệp nông thôn và nông dân của Bộ NN&PTNT. Nhiều vấn đề liên quan đến phát triển nông thôn bền vững đã được đề cập, trong đó sở hữu ruộng đất, đời sống kinh tế, văn hóa và môi trường là ba vấn đề được các đại biểu hết sức quan tâm.
Hội thảo diễn ra đúng vào thời điểm rộ lên mùa thu hoạch vải ở miền Bắc, và bà con nông dân Lục Ngạn đang điêu đứng thêm một mùa vải đắng như một bài viết đăng trên báo Nông thôn ngày nay. Đó là một ví dụ khá điển hình về thực trạng không mấy sáng sủa của nông nghiệp nông thôn và nông dân trong quá trình CNH, HĐH của đất nước khiến nhà báo Hữu Thọ- một thành viên Ban giám khảo Giải Báo chí Quốc gia- phải than rằng: ba giải cao nhất là “ba tiếng thở dài” về đời sống người dân nông thôn.
Báo cáo đề dẫn của TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách PTNN NT, đã phác họa khá sinh động bức tranh cuộc sống của người dân nông thôn. Trong đó những con số về tình trạng mất đất của người nông dân theo kết quả điều tra của Viện ông trên 12 tỉnh với 2324 hộ thì có 13% các hộ bị mất đất, tỉ lệ đất bị thu hồi chiếm 44,2%, đất bán chỉ chiếm 8,9%, đất trao đổi là 10% đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo.
Luật sư Phạm Duy Nghĩa (ĐH Quốc gia HN) cho rằng: Vấn đề Nhà nước ứng xử với quyền sử dụng đất đai của người nông dân tiềm ẩn ba nguy cơ lớn: người dân bị mất đất, chán đất, chán quê. Vì vậy theo ông, Hiến pháp năm 1992 và Luật đất đai năm 2003 cần được viết lại vì quyền lợi của người dân. “Muốn làm cho cuộc sống nơi thôn quê tiện ích chẳng kém đô thị, cần có một cuộc kiểm định lại tác động của chi dùng tài chính công đối với khu vực nông thôn và xây dựng lại các chính sách điều tiết phù hợp”. Còn theo Nhà văn Nguyên Ngọc, từ sau năm 1980 Nhà nước quốc hữu hóa đất đai, nhưng thực chất ở Tây Nguyên, sau năm 1975 đất đai từ sở hữu của từng đơn vị làng trở thành sở hữu của toàn dân. Như vậy đối với người dân tộc Tây Nguyên những mảnh đất đó trở thành vô chủ, ai cũng có quyền phá và lấy đi không gian sinh tồn của họ. Ông bày tỏ quan ngại về dự án khai thác bôxít của Chính phủ dự kiến sẽ được triển khai ở Đắk Nông sẽ gây những tác động xấu về môi trường sống của đồng bào dân tộc. Nhìn nhận vấn đề đất đai từ giác độ CNSH, GS Nguyễn Lân Dũng đưa thông tin: Ở Trung Quốc muốn chuyển đổi 5ha đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác phải do Quốc vụ viện quyết định vì đất dùng cho nông nghiệp là đất cấu tượng ổn định về nước và vi sinh vật hàng nghìn năm nay. Trong khi đó ở ta việc chuyển đất nông nghiệp sang các mục đích khác do chính quyền địa phương quyết định. Ông nói: nếu chính quyền các cấp mà hiểu được điều này thì hẳn đã hạn chế được tình trạng bê tông hóa đất để bán cho các nhà thầu xây dựng các khu công nghiệp.
Vậy giải pháp nào cho vấn đề sở hữu đất đai của người nông dân?
Theo quan điểm của ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: đất đai cũng là một loại hàng hóa phải xử lý theo cơ chế thị trường. Người nông dân bị thu hồi đất phải được tham gia quá trình thương thảo với chính quyền địa phương, với các doanh nghiệp. Cách thu hồi đất hiện nay hầu như là tước đoạt. Một chữ ký của chính quyền tỉnh Hà Tây, hơn 200ha đất thuộc loại “bờ sôi ruộng mật” được giao cho Công ty CP Tuần Châu làm khu du lịch giải trí, người dân hầu như mất trắng. Chuyện tương tự như vậy xảy ra ở nhiều nơi. Người dân ở đồng bằng sông Cửu Long than: “làm ngày nào biết sống ngày đó, chỉ biết còn mơ đến trúng số độc đắc”. Mặt khác, để bảo đảm nâng cao thu nhập của người nông dân gấp 2,5 lần hiện nay thì người dân đồng bằng sông Hồng phải có ít nhất 1ha trở lên, ở Đồng bằng sông Cửu Long từ 2ha trở lên. Vì vậy cần phải tạo điều kiện hỗ trợ cho người nông dân trong việc tích tụ ruộng đất.
Ông Lê Đăng Doanh đưa ra một phương án cụ thể. Theo ông các doanh nghiệp sử dụng đất của nông dân nên bán cổ phần cho người nông dân bị mất đất. Còn đối với đất rừng thì chính sách giao rừng cho nông dân nghèo chưa hợp lý vì họ chưa được cung cấp những điều kiện cần thiết để khai thác nguồn lợi của rừng một cách có hiệu quả. Phải giao rừng cho các doanh nghiệp quản lý. Không đồng tình với giải pháp của ông Doanh, Nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định: thực tế ở Quảng Nam cho thấy, phải giao rừng cho dân chứ không phải thuê dân giữ rừng thì mới giữ được rừng.
Từ thực tế của mình, Anh hùng Lao động Nguyễn Đắc Hải (Phú Xuyên, Hà Tây) cho rằng chính sách hạn điền đã gây rất nhiều khó khăn cho việc phát triển kinh tế trang trại. Thời hạn giao đất cho nông dân chỉ có đến năm 2013 nên nhiều người không dám đầu tư làm ăn lâu dài. Trong khi đó lại giao đất cho các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng tới… 50 năm.
Môi trường (vật chất và tinh thần), giáo dục, dạy nghề… là vấn đề được nhiều đại biểu bàn thào.
Đời sống văn hóa ở nông thôn từ nhiều năm nay luôn được đặt ra ở rất nhiều các cuộc hội thảo, nghị quyết, nhưng thực trạng thì theo nhà văn hóa Nguyễn Quân, trong điều tra xã hội học ở TPHCM, chi tiêu của người dân dùng cho vui chơi giải trí chiếm 30% thu nhập, Hà Nội và Huế 20%, còn ở nông thôn gần như bằng 0. Nguồn giải trí chủ yếu ở nông thôn là các phim “cúng cụ”, thành phố không mấy người xem thì đưa về nông thôn. Nông thôn từ nơi tiêu dùng văn hóa một cách chủ động thì giờ trở thành nơi chứa các văn hóa cặn bã, phế thải từ thành phố về. PGS Trần Ngọc Vương (ĐH Quốc gia HN) thì cảnh báo về sự khủng hoảng dẫn đến sụp đổ của văn hóa làng. Theo ông có hai yếu tố cấu thành văn hóa làng là văn hóa nho giáo và văn hóa tín ngưỡng. Cả hai yếu tố văn hóa này đã bị tận diệt một cách không thương tiếc. Mà tính bền vững của làng là một thuộc tính nổi bật của dân tộc Việt trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước. Chẳng lẽ chúng ta đành khoanh tay ngắm nhìn sự một đi không trở lại của làng, của văn hóa làng sao?
Giáo dục ở nông thôn từ nhiều năm luôn là vùng trũng giáo dục của cả nước. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang khái quát về chất lượng giáo dục ở vùng quê ông: TS bằng đại học, đại học bằng cấp 3, cấp 3 bằng cấp 2, cấp 2 bằng cấp 1, cấp 1 bằng mù chữ. Nguyên nhân của thực trạng giáo dục không chỉ là do đời sống nhiều vùng còn quá khó khăn, đói nghèo… mà theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban GD TTN&NĐ Quốc hội, có một nguyên nhân là chưa có chính sách luân chuyển những giáo viên ở thành phố về nông thôn và ngược lại; phần lớn những giáo viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm thì đưa về nông thôn giảng dạy, không ít giáo viên yếu cả về phẩm chất và năng lực. Với chất lượng giáo dục như vậy, thêm vào đó lại hầu như không có một tổ chức nào quan tâm đến việc dạy nghề ở nông thôn. Theo khảo sát của Viện CS&CLPTNT năm 2006, cả nước đến năm 2006 vẫn còn 30,6 triệu lao động nông thôn, trong đó hơn 91% chưa qua đào tạo, chỉ 3% được đào tạo ở mức sơ cấp và trung cấp kỹ thuật. PGS Trần Đức Viên (Hiệu trưởng trường ĐH NN I) cho biết, qua khảo sát ở Gia Lâm (Hà Nội) và Bắc Ninh thì có tới 17% nông dân không biết trồng lúa, bởi trồng lúa theo yêu cầu mới phải có vốn văn hóa, kỹ thuật nhất định.
GS Phạm Duy Hiển đưa ra một thông tin gây bất ngờ đối với Hội nghị: Bụi ở nông thôn và thành phố tương đương nhau. Bụi ở thành phố là bụi trông thấy được vì hạt bụi to, còn ở nông thôn là bụi mịn, bụi công nghiệp có thành phần độc hại hơn rất nhiều so với bụi thành phố nên đừng nghĩ là về nông thôn sẽ được hưởng không khí trong lành. Hiện nay sông Nhuệ và sông Đáy trong xanh đã là con sông “chết”. 500 xí nghiệp và nhiều làng nghề hoạt động trong vòng 15 năm nay đã thải không biết bao nhiêu chất thải độc hại xuống hai con sông đó. Nhà nước đang có kế hoạch chi trên 3.000 tỷ đồng để làm sống lại hai con sông đã chết này. Còn một thứ ô nhiễm cũng đáng sợ không kém cho nông thôn của chúng ta đó là hàng rởm, hàng tồn kho, hàng hết đát… được cố ý trút về nông thôn. Trong sự tăng trưởng của đất nước hiện nay, riêng về mặt môi trường sống, theo GS Phạm Duy Hiển, lẽ nào lại để những người nông dân làm nên thương hiệu cho một đất nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới lại phải chịu thiệt thòi nhất chính từ sự đóng góp của mình.
***
Để đến năm 2020, Việt Nam căn bản trở thành một nước công nghiệp, chúng ta phải xây dựng được một nông thôn phát triển bền vững đảm bảo cho các cư dân ở nông thôn có một cuộc sống vật chất và tinh thần xứng đáng với vị thế và sự đóng góp của họ vào sự phát triển chung của đất nước. Muốn vậy, theo TS Đặng Kim Sơn, trong chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Nhà nước cần nâng cao mức đầu tư, tập trung vào phát triển KH&CN, giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tạo điều kiện thuận lợi để một số người nông dân sản xuất giỏi có thể mở rộng quy mô sản xuất theo hướng gia trại, trang trại, liên kết trong các hợp tác xã, được tiếp thu khoa học công nghệ, phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng chuyên canh, thâm canh. Tổ chức dạy nghề, hỗ trợ thông tin, vốn liếng để một bộ phận lao động có điều kiện rời khỏi sản xuất nông nghiệp tham gia thị trường lao động công nghiệp và dịch vụ một cách thuận lợi, hỗ trợ cho bộ phận lao động khác từng bước chuyển sang tham gia các hoạt động phi nông nghiệp tại nông thôn. Tạo cơ chế thuận lợi để khi lao động chuyển khỏi nông thôn thì đất đai được giao vào tay những người làm ăn giỏi mở rộng sản xuất.
Đổi mới quản lý Hội Nông dân theo hướng từng bước trở thành tổ chức thực sự đại diện cho quyền lợi và tiếng nói của người nông dân, phát triển tổ chức cộng đồng nông thôn để người dân thông qua tổ chức này tham gia quản lý các hoạt động phát triển nông thôn. Song song với quá trình đó, từng bước Hội tham gia vào các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, đảm nhiệm các chương trình dự án khuyến nông, khuyến lâm, dạy nghề và các chương trình khác giúp nông dân thực sự làm chủ các hoạt động này.
P.V thực hiện
Nông nghiệp, nông thôn trong tương lai
Một ý hướng mới nổi lên và đang ngày càng có sức thuyết phục : vai trò của nông nghiệp và nông thôn chẳng những không bị giảm sút, mà đang hình thành những nét mới mẻ và đặc sắc. Vai trò mới đó được mở rộng và nâng cao hơn nhiều so với những thế kỷ trước của những nền văn minh đã qua. (Trên Google, chỉ riêng mục từ rural economy đã có hơn 2 triệu tài liệu nghiên cứu!) .
Có thể phác họa như sau:
1. Về nông nghiệp:
Ngay cả khi đất nước đã thành nước công nghiệp, thậm chí nước hậu công nghiệp, thì nông nghiệp hiện đại luôn luôn là một ngành kinh tế và một loại dịch vụ có năng suất và hiệu quả dịch vụ cao, có giá trị sử dụng thiết yếu không gì có thể thay thế được. Chúng tạo ra giá trị gia tăng lớn, có thể, cần phải và hiện đang trở thành một ngành rất quan trọng của kinh tế tri thức.
2. Về nông thôn: Nói nông thôn tức là nói đến kinh tế nông thôn, xã hội nông thôn, cuộc sống nông thôn. Và như vậy thì, nông thôn không phải là địa bàn thứ yếu, kém phát triển về mọi mặt, và hậu phương phụ thuộc vào thành thị, cho nên tại đó, con người, nhất là lớp trẻ khao khát hướng ra thành thị văn minh vì tại nơi đây là nơi chất chứa mọi nét cổ hủ, lỗi thời.
Không phải vậy. Trong sự quá tải và đầy ô nhiễm của cuộc sống đô thị, người ta ngày càng nhận ra rằng nông thôn hiện đại chính là:
a. Một dạng tổ chức và vận hành cuộc sống có nhiều ưu việt, trong đó không thiếu những đô thị và thị trấn văn minh với những nét thú vị hơn đô thị nhiều
b. Là một địa bàn có thế mạnh để giữ gìn và tô điểm cho môi trường sinh thái của loài người, ở đấy chính là “cả hai lá phổi và trái tim” của sự sống trên trái đất.
c. Là một không gian rộng lớn, có kinh tế và đời sống phát triển, tại đó con người được sống gắn bó, hài hòa với thiên nhiên, cây cỏ, chim muông, sông núi, đất trời, thoát khỏi sự ngột ngạt của những khối bê tông, sắt thép và kính của những ngôi nhà chọc trời chen nhau.
d. Là một nơi nghỉ ngơi lành mạnh, một nguồn giải trí phong phú, một vùng du lịch đa dạng, một cõi yên tĩnh, thanh bình để con người khôi phục và tăng cường sức sống, có điều kiện để trầm lặng suy tư, chuẩn bị những quyết định lớn và những hành động quan trọng.
Những điều vừa nói trên không là viễn cảnh, mà đã là hiện thực của nhiều nước phát triển. Từ thực tiễn đang chứng minh cho những luận điểm khoa học, người ta đã nêu lên những nhân tố mới trong sự phát triển của thế giới. Nhiều tổ chức của LHQ đã nghiên cứu về những nhân tố quan trọng nhất của một nền nông nghiệp bền vững, đa chức năng và đã nhấn mạnh 4 nhân tố sau đây:
a. Sự tham gia chủ động, tích cực của các cộng đồng nông thôn, bao gồm những người lao động nông thôn, những chủ trang trại, những công nhân, các nông hội, các tổ chức phi Chính phủ, khu vực tư nhân,các cơ quan Nhà nước trong mọi khâu của quá trình ra quyết định và thực hiện quyết định.
b. Môi trường chính sách quốc gia thuận lợi, giàu tính khuyến khích, hỗ trợ, không áp đặt hoặc can thiệp thô bạo hay tinh vi, không đối xử bất công với nông nghiệp và nông thôn.
c. Thông tin minh bạch, thông suốt và có hiệu quả giữa các tác nhân có liên quan.
d. Tập trung nghiên cứu ứng dụng những cách làm, những kỹ thuật thích đáng của từng địa phương, lối sống và văn hóa nông thôn ở từng địa phương.