Xe hơi được kéo bằng sức ngựa

Gần đây người ta liên tục thấy hai ông Bộ Thương mại và Bộ Tài chính xuất hiện để tìm mọi cách (ngụy) biện minh cho mấy ông xăng dầu độc quyền. Mặc cho 2 bộ này cứ lý lẽ, đại đa số doanh nghiệp và người dân cứ cương quyết không bị thuyết giáo. Chuyện người dân và các doanh nghiệp không thông với quan chức thì không có gì khó hiểu bởi mấy ông này cứ tùy tiện diễn giải những khái niệm thị trường, doanh thu, doanh số, thị phần... theo kiểu mờ mờ ảo ảo.


Chẳng hạn như mấy ông ấy cứ lập luận nào là các doanh nghiệp phải cùng nhau liên kết với nhau, phải cùng nhau đồng lòng thỏa thuận và nhìn nhau để… tránh đầu cơ? Mà cũng phải thôi, đến dân kinh tế học thứ thiệt mà còn không hiểu nổi mấy ổng muốn nói gì thì làm sao người dân… thấu. Cứ đuối lý thì mấy ổng lại lấy đặc thù của Việt Nam là coi như xong, các tranh luận đều kết thúc trong oan ức.
Luật cạnh tranh ở ta quy định các hành vi thỏa thuận để hạn chế cạnh tranh và lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Quy định như thế để chống độc quyền, tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp được tham gia thị trường một cách bình đẳng. Có điều đã gần 2 năm kể từ khi có hiệu lực, luật cạnh tranh hầu như đã bị người ta ngang nhiên vô hiệu hóa một cách hợp pháp. Cái thấy ngay đầu tiên là do những bất ổn về vị trí pháp lý và thẩm quyền của cơ quan thực thi pháp luật, cái vô lý của tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” mà không ít đại biểu Quốc hội đã dự báo trước khi thông qua Luật cạnh tranh giờ đã thấy rõ như ban ngày. Cơ quan tài phán quan trọng giải quyết các tranh chấp cạnh tranh là Hội đồng cạnh tranh thì không biết có tồn tại (trên thực tế) cho dù nó vẫn có ban có bệ và ra mắt đình đám như ai cách đây 1 năm?
Éo le là từ đó đến nay thiên hạ chẳng ai biết đến mấy cái tổ chức này cho dù liên tục có các vụ kiện cáo của mấy doanh nghiệp thấp cổ bé miệng. Người dân và các doanh nghiệp có bao giờ thấy mấy tổ chức này cất tiếng nói theo kiểu “giữa đường thấy chuyện bất bình phải la”, chứ đừng mơ đến việc xét xử sao cho công bằng trước những hành vi vi phạm thô bạo cạnh tranh mà đỉnh điểm là việc mới đây 11 doanh nghiệp trong ngành xăng dầu hè nhau “ngẫu nhiên” đến 2 lần: (1) đều tăng giá đúng 800 đồng/lít và (2) đều đúng vào giờ G đã định.
Cứ như là người ta đang giải bài toán xác suất chứ không phải là tính bài toán lợi ích chung vì quyền lợi quốc gia. Mà bài toán xác suất thì còn có mà cho khó, một ông quan quản lý giá của Bộ Tài chính mới đây cho là chỉ cần lật barem ra tính trong 15 phút ra biết hết mấy ông xăng dầu có độc quyền hay không? Giám sát độc quyền theo kiểu lật barem như vậy hèn gì mấy ông độc quyền cứ ỷ thế mà liên tục qua mặt (thông đồng?) với mấy ông quản lý nhà nước để móc túi người tiêu dùng dài dài.
Do các doanh nghiệp nước ta chưa đủ những điều kiện chín mùi để có thể vay nợ thuận lợi trên thị trường vốn quốc tế thì việc Chính phủ sắp tới đây đứng ra vay nợ nước ngoài 1 tỷ USD là có cái lý của nó. Nhưng mà vay nợ nước ngoài để rồi sau đó phân bổ lại cho mấy ông tập đoàn nhà nước với lãi suất thấp, mức lãi suất mà các doanh nghiệp khác có nằm mơ cũng không nghĩ đến liệu có vi phạm những nguyên tắc căn bản nhất của cạnh tranh? Hay như việc mấy ông ngân hàng quốc doanh, chiếm hơn 70% thị phần, thỉnh thoảng đồng loạt thỏa thuận tăng hoặc giảm lãi suất thì có vi phạm luật cạnh tranh và thống lĩnh thị trường?
Cho dù lý giải như thế nào và có dùng giải pháp nào đi chăng nữa, chừng nào mà khu vực DNNN vẫn còn thống trị, chừng đó khó có thể nói đến cạnh tranh bình đẳng, cho dù có sự hiện hữu của luật cạnh tranh hay là có giao cho bất kỳ thiết chế nào xử lý tranh chấp.
Điều thật sự duy nhất mà người dân và các doanh nghiệp quan tâm là liệu trong tư tưởng chúng ta có “muốn” xóa độc quyền và xóa bỏ mọi rào cản để cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế? Nếu thắc mắc này vẫn chưa được xác định trong thực tế, chứ không phải trong thuyết giáo, thì cho dù vị trí pháp lý và thẩm quyền của cơ quan thực thi pháp luật có rõ ràng đến đâu: độc quyền vẫn là độc quyền.
Ra xa lộ WTO nhưng mà người ta lại mừng rơn khi khoe rằng mình đã thắng lợi trong đàm phán vì đã bảo hộ được mấy ông chạy xe hơi nhưng động cơ thì được kéo… bằng sức ngựa. Người ta cứ nuôi béo mấy ông hàng ngựa chứ làm gì để ý đến mấy ông hành nghề chạy xe hơi bằng động cơ chạy xăng.
Tất cả cùng nhau chạy tà tà để có cái ăn chứ chạy nhanh làm chi cho mệt./.


Trần Ngọc Thơ

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)