Xu hướng 30 km/giờ ở các đô thị châu Âu

Các thành phố ở Anh đang thí nghiệm trên diện rộng việc giảm tốc độ xe cơ giới. Thí dụ trong những năm qua người ta đã thử nghiệm giảm tốc độ xe chạy ở Cambridge, Oxford và một phần của London từ 50 km/giờ xuống còn 30 km/giờ. Mới đây thủ đô Edinburg của Scottland, thành phố đầu tiên của nước này, cũng đã tham gia “câu lạc bộ tốc độ 30”.

Số người Anh sống tại các thành phố thí điểm lên đến 12 triệu người và “20′s plenty for us” (tạm dịch: 20 dặm là nhiều đối với chúng ta), tổ chức đã đấu tranh, vận động cho tốc độ 30 từ nhiều năm nay, đoán chắc rằng sẽ còn nhiều thành phố khác tham gia dự án này. Hiện tại ở Bỉ vấn đề tốc độ 30 cũng được đặt ra trước công dân EU. Từ nay đến cuối năm nếu thu gom được chữ ký của 1 triệu dân EU trong bảy nước thì EU sẽ xem xét vấn đề giảm tốc độ.

Ở Đức tốc độ 30 km/h bị coi là „rùa bò và đứng nguyên“ (ADAC). Một số người ái ngại đến lúc đó giao thông sẽ „dai như kẹo cao su“ (Bộ trưởng Giao thông Ramsauer). Tuy nhiên những người cổ súy lại hy vọng tốc độ 30 sẽ làm giảm lượng khí thải, đường xá sẽ yên tĩnh hơn và giảm được tai nạn giao thông. Kết quả điều tra nghiên cứu trên thực địa về vấn đề này lại không cho kết quả rõ ràng, khi thì ủng hộ, khi thì phản đối “tốc độ 30”

Lợi hay bất lợi?

Ngay cả những kết quả điều tra nghiên cứu ở các thành phố thí điểm ở Anh cũng không rõ ràng. Các nhà nghiên cứu nhận thấy số vụ tai nạn ở Portsmouth giảm: Do hạn chế tốc độ nên số người bị tai nạn giao thông giảm 20%, đặc biệt số trẻ em bị tai nạn trên đường phố giảm rõ rệt. Ở tốc độ 30, người điều khiển xe ô tô có thể phản xạ nhanh hơn và vết phanh xe cũng ngắn hơn.

Ngoài ra, với tốc độ 30 thì sự hấp dẫn và vai trò ý, nghĩa của xe ô tô cũng giảm đi. Thí dụ ở Bristol có nhiều người tham gia giao thông chuyển sang đi xe đạp và đi bộ. Điều tra của Bộ Giao thông Anh quốc cho thấy nạn ùn tắc giảm, các làn xe chạy từ A đến B thông thoáng trôi chảy hơn. Mặc dù xe phải chạy chậm hơn hẳn nhưng thời gian đến đích bình quân cũng chỉ chậm hơn khoảng 40 giây so với xe chạy theo chỉ tiêu cũ.

Tuy nhiên, người ta không thể chứng minh thêm những ưu điểm khác từ việc hạn chế tốc độ, thí dụ tiếng ồn do giao thông không giảm và lượng khí thải CO2 cũng không giảm rõ rệt. Đúng ra khi xe chạy chậm thì lượng khí thải phải tăng lên: Các nhà nghiên cứu Đức đã phân tích mẫu lấy từ những vị trí xe chạy với tốc độ thấp ở thành phố Stuttgart. Kết quả cho thấy, giảm tốc độ sẽ làm cho lượng khí thải tăng 20%.

Xu hướng chung sẽ là, cho dù việc lấy ý kiến người dân EU mang lại kết quả như thế nào, thì việc giảm tốc độ xuống 30 km/giờ ở các thành phố lớn ở Đức sẽ không còn là ngoại lệ. Theo ADAC thì hiện nay ở Berlin hay Munchen việc giảm tốc độ xuống 30km/h đã được áp dụng trên nhiều tuyến đường.

Nguyễn Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)