Xung đột lợi ích trong thi hành công vụ

Trong các quy định dành cho người lao động ở khu vực công, Việt Nam dường như đã bỏ qua một nội dung quan trọng, đó là hiện tượng xung đột lợi ích.

Ảnh: Adobe Stock.

Vô tình rơi vào tình huống “khó xử”

Những ngày gần đây mạng xã hội Facebook lan truyền bài chia sẻ của một tài khoản được cho là của người dẫn chương trình truyền hình Bích Hồng. Cụ thể, nữ MC phàn nàn về việc diễu binh gây tắc đường hàng giờ đồng hồ vào tối ngày 18 /4 /2025: 

“Xin đội ơn diễu binh, diễu hành ạ. Nhờ vậy mà thay vì 45p từ q12 về q7 thì bây giờ là 1 tiếng rưỡi rồi còn nhích từng chút một ngoài đường ạ. Với tư cách là người sinh ra và lớn tại Sài Gòn, xin phép không vui, không háo hức, miễn tự hào ạ. RẤT PHIỀN!!!”

Trong một hoàn cảnh khác, đó chỉ là một lời than thở buột ra lúc mệt mỏi vì kẹt xe của những người bình thường. Nhưng trong trường hợp này, phát ngôn của MC Bích Hồng có tiềm năng mâu thuẫn với tôn chỉ nghề nghiệp của cô gắn với công vụ. Ở thời điểm chia sẻ quan điểm của mình, cô đang cộng tác với đài SCTV4. SCTV4 là một kênh nằm trong hệ thống Truyền hình cáp Saigontourist với 100% vốn nhà nước, do Đài truyền hình Việt Nam đồng sáng lập và quản lý cùng Tổng công ty Du lịch Sài Gòn. Là một kênh trực thuộc đài truyền hình Quốc gia, SCTV4 khả năng cao sẽ đưa tin về cuộc diễu binh, diễu hành – trung tâm của chương trình đại lễ kỉ niệm 50 năm thống nhất đất nước với thông điệp thuần túy tích cực với tinh thần chủ đạo là ngợi ca, tự hào. 

Là người dẫn chương trình thời sự của SCTV4, là gương mặt đại diện của nhà đài, là cầu nối giữa khán giả và các nội dung được phát sóng, MC Bích Hồng sẽ được công chúng kỲ vọng về những gì cô thể hiện trước công chúng phải nhất quán với những gì cô phát ngôn trên màn ảnh. Sự than phiền và chỉ trích về cuộc tập dượt diễu binh, diễu hành của người nữ MC trên mạng xã hội đã vô tình đặt cô vào tình thế xung đột lợi ích – giữa quyền tự do bày tỏ quan điểm cá nhân và nghĩa vụ tuân thủ với những định hướng, mục tiêu của cơ quan công tác. Việc thể hiện quan điểm như vậy không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân mà còn có thể làm tổn hại đến uy tín của đơn vị, đồng thời đặt dấu hỏi về khả năng giữ vững tính khách quan, chuyên nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ truyền thông về các sự kiện khác sau này. 


Người lao động trong khu vực công phải đảm bảo các mối quan tâm hay các hoạt động của mình không can thiệp – hoặc thậm chí là không tạo ra ấn tượng can thiệp vào nghĩa vụ phục vụ các lợi ích công và thực hiện mục tiêu của tổ chức. Họ cần chủ động tránh những tình huống có thể dẫn đến xung đột lợi ích hoặc khiến người khác nghi ngờ về sự khách quan trong hành vi nghề nghiệp của mình.  

Những người làm việc trong các cơ quan nhà nước thường được xã hội kỲ vọng phải đạt được những chuẩn mực về liêm chính cao hơn những lĩnh vực khác. Đây là điều kiện để đảm bảo sự công tâm, độc lập, khách quan trong thực thi công vụ, để duy trì niềm tin của người dân với các cơ quan nhà nước và dịch vụ công. Những hành vi xung đột lợi ích – được định nghĩa là khi cán bộ có quan điểm, niềm tin, các hoạt động của cá nhân mâu thuẫn với nhiệm vụ và trách nhiệm công vụ của mình – sẽ phương hại tới sự liêm chính của họ, của cơ quan mà họ đang làm việc và rộng hơn là nền quản trị công. Bởi vậy, người lao động trong khu vực công phải đảm bảo các mối quan tâm hay các hoạt động của mình không can thiệp – hoặc thậm chí là không tạo ra ấn tượng can thiệp vào nghĩa vụ phục vụ các lợi ích công và thực hiện mục tiêu của tổ chức. Họ cần chủ động tránh những tình huống có thể dẫn đến xung đột lợi ích hoặc khiến người khác nghi ngờ về sự khách quan trong hành vi nghề nghiệp của mình.  

Câu chuyện của MC Bích Hồng chỉ là một ví dụ nhỏ. Trong đời sống khu vực công ở Việt Nam, có nhiều trường hợp phổ biến mà nguy cơ xung đột lợi ích và những tác động tiêu cực của nó còn thể hiện rõ ràng hơn và nghiêm trọng hơn, ví dụ như:  

– Bác sĩ, y tá kinh doanh sữa bột và bán cho chính bệnh nhân của mình;

– Bác sĩ góp vốn đầu tư vào cơ sở vật chất tại bệnh viện nơi mình công tác để hưởng lợi tài chính;

– Các nhà thuốc đặt ngay trong khuôn viên bệnh viện công;

– Giáo viên mở lớp dạy thêm cho chính học sinh mình đang giảng dạy trên lớp;

– Cán bộ, công chức nhận quà biếu, phong bì từ doanh nghiệp hay người dân;

– Người thân, bạn bè của cán bộ công chức tham gia đấu thầu các dự án do chính người cán bộ đó trực tiếp hoặc gián tiếp quản lý, ra quyết định.

Ảnh: Adobe Stock.

Trong các tình huống trên, cán bộ ở khu vực công rất có thể bị những lợi ích tài chính và ưu ái cá nhân xen vào các quyết định quan trọng liên quan đến đạo đức cốt lõi của nghề nghiệp. Chẳng hạn, trong ba trường hợp đầu tiên, các bác sĩ và nhân viên bệnh viện có động cơ khuyến khích bệnh nhân mua những dược phẩm hoặc trải qua những dịch vụ xét nghiệm vốn không cần thiết đối với bệnh tình của họ. Trong trường hợp của người giáo viên tổ chức dạy thêm cho chính học sinh chính khóa, thầy/cô dễ có xu hướng thúc đẩy học sinh của mình đi học ngoài giờ, ưu ái học sinh đi học thêm hơn các học sinh khác bằng nhiều cách…Các xung đột lợi ích này càng khơi gợi và khoét sâu vào bất bình đẳng trong giáo dục và y tế vốn đã và đang ưu đãi những người có hoàn cảnh kinh tế khá hơn trong xã hội.  Điều đáng nói là những hành vi như vậy vẫn diễn ra thường xuyên, thậm chí công khai, trong khi chưa thấy có chế tài đủ mạnh hay biện pháp răn đe rõ ràng nào được áp dụng.

Đạo đức công vụ và trách nhiệm của cơ quan nhà nước

Trong ví dụ của MC Bích Hồng, người viết không khẳng định mà chỉ dừng lại ở phán đoán “có tiềm năng” xung đột lợi ích. Lí do là bởi, bản thân báo chí là ngành có đặc thù phản biện xã hội, vẫn có khả năng SCTV4 phản ánh hiện tượng ùn tắc trong thành phố do cấm đường để tập diễu binh, diễu hành vào những giờ cao điểm. Hơn nữa, sau khi sự việc xảy ra, phát ngôn của lãnh đạo SCTV4 chỉ nhận định chung chung mà không chỉ rõ chia sẻ người nữ MC trên mạng xã hội có xung đột với quan điểm của đài hay không: “Phát ngôn cá nhân của Bích Hồng trên mạng xã hội là quan điểm cá nhân, không liên quan và không đại diện cho quan điểm của SCTV. Đài luôn đề cao tinh thần trách nhiệm xã hội, tôn trọng các giá trị lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội… của đất nước và mong muốn cùng cộng đồng lan tỏa những thông tin tích cực, nhân văn, trách nhiệm”.1  Chúng ta cũng không biết đài đã từng ban hành một bộ quy tắc ứng xử nào yêu cầu nhân viên phải đảm bảo tính độc lập, khách quan và công tâm trong vai trò là người làm việc cho nhà đài hay chưa để so sánh và đối chiếu.


Quản lý hiệu quả những xung đột lợi ích là luôn là bài toán đi tìm sự cân bằng giữa trách nhiệm với cơ quan và mục tiêu duy trì một nền dân chủ mạnh mẽ với quyền cá nhân chính đáng của cán bộ với tư cách là công dân.

MC Bích Hồng cũng nhanh chóng xin lỗi gần như ngay lập tức sau khi đăng tải lời than phiền trên mạng: “Tôi gửi lời xin lỗi chân thành và sâu sắc đến tất cả quý cô chú, anh chị và các bạn vì đã không cẩn thận trong lời ăn tiếng nói và phát ngôn trên mạng xã hội của mình”. Chỉ một phút nông nổi, bốc đồng, tôi đã không kiểm soát được cảm xúc tiêu cực và biết như vậy là rất sai. Khi về nhà bình tĩnh lại, đọc các bình luận góp ý của khán giả, tôi thật xấu hổ và ân hận nên lập tức xóa bài đăng. Tự đáy lòng mình, tôi xin chân thành xin lỗi rút kinh nghiệm sâu sắc và mong nhận được khoan dung tha thứ”.2

Dẫu vậy, đài SCTV4 vẫn quyết định dừng tất cả các chương trình, hình ảnh, hợp tác có liên quan đến MC Bích Hồng kể từ ngày 19/4. Đài SCTV cũng chấm dứt cộng tác với MC Bích Hồng.3 Trong bối cảnh chưa có những chỉ dẫn rõ ràng để cán bộ, nhân viên định hướng hành xử phù hợp, thì việc cho thôi việc một cá nhân vì lý do có thể chịu sức ép từ dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu nhà đài đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nhân sự, đồng thời xây dựng một môi trường làm việc minh bạch và công bằng?

Hiện nay, khối nhà nước của Việt Nam chưa có (hoặc chưa công khai) các quy định cân nhắc thấu đáo vấn đề xung đột lợi ích này. Nếu đối chiếu với Bộ quy tắc ứng xử của Bộ Nội vụ dành cho cán bộ, công chức thì chỉ có một quy định duy nhất liên quan đến kỷ luật phát ngôn, cụ thể: “Không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ.” Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa giải quyết được mối quan hệ giữa quyền tự do biểu đạt cá nhân với trách nhiệm công vụ. Và cũng chưa có hướng dẫn nào rõ ràng giúp cán bộ, công chức nhận diện và tránh những xung đột có thể nảy sinh từ việc sử dụng không gian mạng. Hơn thế nữa, xung đột lợi ích, như ta chứng kiến ở trên, không chỉ giới hạn trong hành vi phát ngôn mà còn liên quan đến nhiều mặt của đời sống người lao động như các mối quan hệ (không ưu ái người nhà, người quen, bạn bè, chiến hữu…), thiên kiến (tôn trọng sự khác biệt vùng miền, giàu nghèo, dân tộc), thái độ vụ lợi… 

Trên thực tế, bằng con mắt của đời thường, xác định đâu là những hành vi xung đột lợi ích trong khu vực công không phải lúc nào cũng dễ dàng, rành mạch rõ “trắng – đen”. Giữa sự phức tạp và đa dạng của đời sống, người lao động luôn có thể vô tình có những mối quan tâm và rơi vào những hoạt động xung đột với nghĩa vụ nghề nghiệp trong vai trò là nhân viên của một tổ chức công mà họ không hề hay biết. Bởi vậy, các cơ quan nhà nước cần thiết phải có một bộ công cụ, quy định đi kèm hướng dẫn chi tiết, thậm chí là kết hợp với việc tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo thường xuyên dựa trên các tình huống giả định liên tục cập nhật để đảm bảo các nhân viên công vụ, ở mọi tổ chức, cấp bậc đều có thể tự nhìn nhận, giới hạn các hành vi có tiềm năng xung đột lợi ích và quy trình xử lí rõ ràng, minh bạch trong các trường hợp đó. Các quy định này đóng vai trò cốt lõi trong thái độ làm việc, ứng xử của cán bộ nhà nước. Việt Nam có thể tham khảo Bộ Quy tắc Ứng xử kèm theo Hướng dẫn giải thích chi tiết do Ủy ban Công vụ New Zealand ban hành, nhằm giúp cán bộ, công chức hiểu và vận dụng hiệu quả trong thực tiễn công vụ. Hằng năm, các cơ quan nước này đều yêu cầu người lao động khai báo và cập nhật những xung đột lợi ích tiềm tàng mới nảy sinh. 

Cũng cần phải hiểu rằng, các quy định này không nhằm mục đích giới hạn quyền tự do biểu đạt hay quyền tự do cá nhân khác của người lao động. Làm việc trong khu vực công không đồng nghĩa với việc từ bỏ các niềm tin cá nhân sâu sắc, chỉ là cán bộ cần đánh giá cẩn trọng mức độ ảnh hưởng của những niềm tin đó tới nhiệm vụ công. Quản lý hiệu quả những xung đột lợi ích là luôn là bài toán đi tìm sự cân bằng giữa trách nhiệm với cơ quan và mục tiêu duy trì một nền dân chủ mạnh mẽ với quyền cá nhân chính đáng của cán bộ với tư cách là công dân.

Trong những trường hợp nảy sinh mâu thuẫn, cán bộ cần có cơ chế để họ có thể thông báo sớm và đầy đủ đến cơ quan mà không sợ bị phán xét hay trừng phạt để đảm bảo trách nhiệm công vụ không bị ảnh hưởng. Nếu người lao động khu vực công nhận thấy rằng quan điểm hoặc niềm tin cá nhân của mình xung đột nghiêm trọng với định hướng hoặc mục tiêu của cơ quan đến mức không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ một cách trung lập về mặt chính trị, họ có trách nhiệm chủ động báo cáo vấn đề này với người quản lý trực tiếp để cùng tìm giải pháp phù hợp. Trong một số trường hợp, nếu không thể dung hòa giữa trách nhiệm công vụ và niềm tin hay các hoạt động khác của cá nhân – đặc biệt khi họ mong muốn tự do bày tỏ quan điểm chính trị trái ngược trong không gian công cộng – thì việc rút lui khỏi vị trí công tác có thể là lựa chọn cần thiết nhằm bảo vệ cả tính liêm chính cá nhân lẫn uy tín của tổ chức.□

——

Chú thích

1 MC Bích Hồng thấy ân hận, xấu hổ sau phát ngôn diễu binh gây kẹt xe.

2 MC Bích Hồng thấy ân hận, xấu hổ sau phát ngôn diễu binh gây kẹt xe.

3 SCTV4 dừng tất cả các chương trình do MC Bích Hồng dẫn.

Bài đăng Tia Sáng số 9/2025

Tác giả

  • Tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Victoria, Wellington, New Zealand. Hiện chị đang công tác trong lĩnh vực phân tích và tư vấn chính sách công cho Chính phủ New Zealand.

    View all posts
(Visited 57 times, 57 visits today)