Ý tưởng nung nấu 20 năm

Tóm tắt kỳ I: Liên Xô và Phần Lan, hai nước hoàn toàn đối nghịch nhau về mọi mặt lại tìm ra cách hợp tác khoa học nhờ mối quan tâm chung với tàu phá băng hạt nhân trong thời kì Chiến tranh Lạnh. Nhưng từ dự định đến một dự án ngoài đời thực là cả một chặng đường dài.


Mô hình tàu phá băng hạt nhân Lenin thu hút sự chú ý của khách tham quan tại triển lãm công nghiệp Liên Xô tại Helsinki năm 1959 (Ảnh của Väinö Kannisto, 1959, được Helsinki City Museum cho phép, giấy phép CC BY 4.0.)

Cặp đôi trời sinh

Việc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) được thành lập năm 1957 đã tạo điều kiện cho Phần Lan được sở hữu các lò phản ứng nghiên cứu và giúp các kỹ sư của nước này có cơ hội mà họ đã chờ đợi từ rất lâu được thỏa mãn cơn khát tri thức hạt nhân. Khi Đại học Công nghệ Helsinki bắt đầu mở các khóa học về vật lý hạt nhân năm 1959, một trong những sinh viên đầu tiên là Christian Landtman, nhà quản lý công nghệ trẻ tuổi đến từ một xưởng đóng tàu của thủ đô Helsinki. Kinh ngạc trước những kiến thức toán học và vật lý lý thuyết, anh chàng kỹ sư cơ khí thực hành còn có thêm cảm hứng từ các giờ bài tập ở phòng thí nghiệm và trở nên tin tưởng về khả năng ứng dụng thực tế của vật lý hạt nhân. Năm 1958, báo giới Phần Lan bắt đầu loan tin về sự ra đời của con tàu phá băng có động cơ hạt nhân Lenin của Liên Xô, gần như trùng với đúng dịp năng lượng hạt nhân bắt đầu được nghiên cứu và giảng dạy trong các trường đại học Phần Lan, còn Wärtsilä bắt đầu có được hợp đồng đầu tiên trong mảng kinh doanh công nghệ vùng cực tại thị trường Liên Xô. Landtman và các kỹ sư đóng tàu trẻ tuổi khác ở xưởng đóng tàu của họ ở Helsinki đã hết sức ấn tượng bởi công nghệ cho những chiếc tàu phá băng vùng Cực chạy bằng năng lượng hạt nhân. Khi so sánh với những động cơ chạy dầu diesel với công suất 22.000 mã lực trụ (shp) trên tàu lớp Moskva, thì các lò phản ứng trên tàu Lenin có thể cung cấp gấp đôi công suất này cho một năm chạy liên tục của tàu. Mỗi ngày tàu lớp Moskva tiêu thụ tới 110 tấn dầu diesel – khối lượng nhiên liệu khiến tàu trở nên vô dụng trong điều kiện khắc nghiệt của các vùng biển hẻo lánh nhất trên Bắc Băng Dương nơi cảng biển là hết sức thưa thớt. Khả năng vận hành dài ngày của các lò phản ứng hạt nhân, và khối lượng nhẹ của nhiên liệu hạt nhân giúp cho Lenin có thể chống chịu được với điều kiện của vùng Cực, và vỏ tàu vốn đã được gia cố của các tàu phá băng vùng Cực hoàn toàn có thể bảo vệ được các lò phản ứng.

Sau khi hoàn thành khóa nhập môn về vật lý hạt nhân, Landtman đã đến thăm các địa điểm đóng tàu phá băng và tàu chở hàng chạy động cơ hạt nhân Savannah của Hoa Kỳ khi đó vốn đang mở rộng cửa để quảng bá cho các nhà đóng tàu nước ngoài. Năng lực kỹ thuật của Hoa Kỳ khiến người kỹ sư Phần Lan cảm thấy ấn tượng nhưng chỉ ở mức độ vừa phải, bởi trong giai đoạn khi chủ nghĩa lạc quan đang thống trị giới kỹ thuật này, tàu phá băng hạt nhân rõ ràng là một công nghệ khả thi trong con mắt đầy tham vọng của Landtman và các kỹ sư đồng nghiệp vốn cũng chung niềm tin vào công nghệ của tương lai này.

Tàu phá băng trên giấy

Dưới sự lãnh đạo của Landtman, Wärtsilä phát triển thêm năng lực thiết kế và thành lập một văn phòng thiết kế với nhiều kỹ sư lành nghề, nhất là trong việc thiết kế các loại tàu đặc biệt theo đơn đặt hàng. Bước sang thập niên 1960, văn phòng thiết kế của Wärtsilä đã cho ra đời bản vẽ phác thảo một tàu phá băng hạt nhân có công suất 50.000 mã lực trụ. Trong một bài giới thiệu trước các nhà đóng tàu Đức vào năm 1961, Landtman đã mô tả lại cách thức Wärtsilä lắp đặt thân tàu phá băng Moskva dưới dạng một bản lai của loại lò phản ứng sử dụng trên các tàu hạt nhân Savannah và Lenin. Ông tự tin cho rằng công ty của mình không gặp bất cứ vấn đề gì với các hạn chế về không gian hoặc trọng lượng.

Tuy nhiên, bất cứ ai quen thuộc với việc điều khiển tàu trên biển giữa mùa đông Phần Lan đều có thể nhận ra rằng một thùng tàu vững chắc và đắt đỏ sẽ là một thiết kế thừa thãi cho điều kiện băng giá ở vùng biển Baltic. Khách hàng tiềm năng duy nhất cho một tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân như vậy là Liên Xô. Trước đó không lâu Tổng thống Mỹ Eisenhower đã huỷ bỏ kế hoạch phát triển tàu phá băng hạt nhân nội địa của Hoa Kỳ vì giá thành cao và mức độ ưu tiên thấp. Còn các quốc gia tiếp giáp Bắc Cực khác lại không thực sự có quá nhiều hoạt động hàng hải ở khu vực này và rõ ràng không cần tới sự phục vụ của một tàu phá băng hạt nhân với công suất lớn.

Tại Moskva năm 1961, lãnh đạo cấp cao của hãng Wärtsilä đã trình bày dự án tàu phá băng của họ cho đầu mối liên hệ tại Morflot hay Bộ hàng hải thương mại Liên Xô – cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc vận hành hạm đội Bắc Cực của nước này. Mặc dù Morflot tỏ ra quan tâm tới dự án của Wärtsilä, tất cả đều nhận thấy rằng đề xuất này của công ty Phần Lan là rất khác biệt và chắc chắn sẽ là một dự án đắt đỏ. Một dự án như vậy chỉ có thể thay thế được cho các đơn hàng đặt đóng tàu truyền thống khác của nền kinh tế kế hoạch tập trung Liên Xô nếu nó có giá trị về mặt chính trị. Chỉ chạy bằng năng lượng hạt nhân và có khả năng phá băng là không thể đủ.


Hình 2: Tàu phá băng hạt nhân Taymyr (trái) và Vaygach (phải) được thiết kế với khả năng di chuyển ở vùng nước nông gần bờ, nhưng vẫn có khả năng phá vỡ các lớp băng dày nhiều năm ở Bắc Băng Dương. (Ảnh của Aker Arctic.)

Không hề có kinh nghiệm thực tế trong chế tạo động cơ đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân, công ty Phần Lan chẳng thể hứa hẹn điều gì mới cho đối tác Liên Xô trong khi xưởng đóng tàu Baltic tại thành phố Liên Xô Leningrad đã chứng minh được năng lực chế tạo nội địa thông qua việc đóng thành công tàu Lenin có khả năng vận hành trong điều kiện vùng Cực. Tuy vậy, lợi thế riêng của Wärtsilä đó là họ có thể cung cấp một kênh nhập khẩu công nghệ từ phương Tây cho Liên Xô. Bởi vậy mà các nhà hoạch định chiến lược ngoại thương của Liên Xô đã ngỏ ý sẽ cân nhắc việc đặt hàng một chiếc tàu phá băng hạt nhân, với điều kiện là tàu sẽ được lắp đặt một lò phản ứng với công nghệ phương Tây. Hệ thống lò phản ứng gốc của tàu Lenin đã gặp trục trặc trong hoạt động và bị coi là đã gây ra một số sự cố.

Việc chuyển giao công nghệ từ Tây sang Đông trước đó đã được Liên Xô tận dụng để hiện đại hóa nền kinh tế của họ trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh, và họ tiếp tục đề cao vai trò của chuyển giao công nghệ trong các chính sách kinh tế thập niên 1960 của nước này. Trong cuộc tranh đấu về ý thức hệ cho tương lai thế giới, Liên Xô cho rằng cần phải thực dụng trong việc tận dụng các lợi thế của tiến bộ công nghệ tư bản chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sau khi nhận được đề nghị từ phía Liên Xô, ban lãnh đạo của công ty đóng tàu Phần Lan đã gửi đề nghị hợp tác tới tất cả các nhà cung cấp động cơ đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân dùng cho tàu thủy ở phương Tây. Nếu như các công ty Hoa Kỳ và Tây Đức từ chối thẳng việc bán công nghệ hạt nhân cho Wärtsilä vì sợ công nghệ nhạy cảm này sẽ rơi vào tay Liên Xô, thì các quốc gia châu Âu khác như Anh, Thụy Điển, và Pháp lại có phản hồi tích cực với ý tưởng hợp tác này. Các nhà chế tạo lò phản ứng của Anh và Thụy Điển sau đó từ bỏ cuộc cạnh tranh đến thị trường mới, phần lớn vì bên mua chủ yếu ưu tiên mức độ ổn định và tin cậy của lò phản ứng nhưng lại không muốn trả phần chi phí nghiên cứu – triển khai còn lại vốn rất cần thiết để hoàn thiện công nghệ trước khi sản xuất. Do vậy, Pháp trở thành ứng cử viên cung cấp công nghệ duy nhất cho dự án này. Landtman được mời tham gia đoàn của ủy ban cố vấn năng lượng nguyên tử Phần Lan tới làm việc tại Ủy ban Năng lượng nguyên tử Pháp năm 1965 – một chỉ dấu cho thấy mức độ ưu tiên rất lớn về mặt chính trị của dự án này.

Tại Pháp, đề nghị được đặt mua một lò phản ứng dùng trên tàu thủy của Landtman và các đại diện của Wärtsilä được đối tác Pháp tiếp nhận một cách tích cực. Tuy nhiên, trong khi người Pháp vẫn còn đang cân nhắc câu trả lời của họ, thì Liên Xô đã từ bỏ ý tưởng ban đầu về việc nhập ngoại lò phản ứng mà thay vào đó quyết định sử dụng sản phẩm nội địa cho hạm đội hạt nhân của quốc gia này. Đồng thời, họ cũng chính thức công bố dự án đóng tàu phá băng hạt nhân 100% nội địa. Dự án có tên lớp Arktika có động cơ với công suất lên tới 70.000 mã lực trụ (shp) trong khi thiết kế của phía Phần Lan chỉ có công suất 50.000 shp. Bất chấp thất bại bước đầu trong dự án tàu phá băng hạt nhân tham vọng, Wärtsilä vẫn tiếp tục bận rộn với các đơn hàng từ Liên Xô, bao gồm bảy tàu phá băng vùng Cực và năm tàu phá băng loại nhỏ dùng cho các cảng và sông nhỏ, tất cả đều chạy bằng động cơ thông thường.


Đồng 5 Mark của Phần Lan, đơn vị tiền tệ (bằng xu) lớn nhất nước này có in hình những con tàu phá băng của nước này, phá bỏ suy nghĩ Phần Lan chỉ là một đất nước nông nghiệp và cảnh tự nhiên nên thơ.

Nhưng hy vọng vẫn còn cho dự án tàu phá băng hạt nhân của Phần Lan. Năm 1970, một tuần san của Phần Lan đăng tải một câu chuyện trên trang nhất về Landtman, trong đó Landtman chia sẻ với phóng viên rằng dự án tàu phá băng hạt nhân của Wärtsilä phải tạm ngừng vì thiếu lò phản ứng, mà không hề nhắc tới việc dự án đó còn cần một thân tàu, các kế hoạch chi tiết, và một bản hợp đồng chính thức. Cho đến cuối thập niên 1970, dự án tàu phá băng hạt nhân dùng công nghệ Phần Lan vẫn dừng lại ở mức độ một ý tưởng thú vị, kèm theo đó là một số bản vẽ kỹ thuật về ý tưởng này để thu hút sự quan tâm từ bạn hàng Liên Xô. Dù chỉ tồn tại trên giấy, nhưng dự án này vẫn có ảnh hưởng rất lớn tới việc giúp Wärtsilä trở thành một cái tên được nhắc tới trong mảng công nghiệp đóng tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Chuyển đổi mục đích tàu phá băng hạt nhân

Thập niên 1970 đánh dấu một bước ngoặt trong sự tiếp nhận của công chúng đối với công nghệ hạt nhân – từ một công nghệ của tương lai thu hút được sự chú ý của cả thế giới, hạt nhân dần biến thành một công nghệ của thực tế với cả ưu và nhược điểm trong con mắt công chúng. Từ dự án này cho đến dự án khác, động cơ đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vẫn cho thấy rằng hạt nhân vẫn còn đắt và rủi ro hơn động cơ chạy dầu thông thường trên các tàu hàng. Tàu hạt nhân Savannah của Hoa Kỳ được chấm dứt hoạt động năm 1971 mà chưa bao giờ đạt được đến trạng thái hoạt động hòa vốn. Tàu chở hàng chạy bằng động cơ hạt nhân của Đức mang tên Otto Hahn được hoàn thành năm 1968 nhưng đến năm 1979 cũng đã phải ngừng hoạt động. Tàu buôn hạt nhân Mutsu của Nhật Bản bị người biểu tình ngăn không cho ra khơi trong khi còn chưa thực hiện bất cứ chuyến đi thử nghiệm nào. Những người ủng hộ đầu tiên cho ý tưởng tàu biển chở hàng chạy bằng năng lượng hạt nhân giờ cũng vấp phải nhiều cản trở xuất phát từ các lo ngại có thật hoặc tưởng tượng về an toàn – lý do khiến một số cảng biển từ chối cho tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân neo đậu. Năm 1975, tờ The Guardian của Anh đã nhận xét rằng: “Thực tế là tàu thương mại chạy bằng năng lượng hạt nhân không thể giao thương như các tàu buôn thông thường khác vì các con tàu này khiến cả các chính phủ và người dân cảm thấy khiếp sợ”.

Tại Phần Lan, Wärtsilä quyết định phục hồi dự án tàu phá băng hạt nhân để giúp giải quyết một số vấn đề mới. Cấu trúc thương mại Phần Lan – Liên Xô vốn luôn ở trạng thái bất đối xứng khi Phần Lan nhập dầu thô và nguyên liệu thô trong khi lại xuất khẩu máy móc và các sản phẩm từ dầu mỏ. Kể từ thập niên 1970, Liên Xô dần thúc đẩy việc thay đổi mô hình giao thương mang hơi hướng của quan hệ thương mại kiểu thuộc địa trước đây. Mặc dù mong muốn đó của Liên Xô không thực sự tác động được tới quy luật cung cầu của thị trường, các dự án hợp tác công nghệ giữa hai quốc gia dần trở thành nhân tố vô giá về mặt chính trị. Các dự án hợp tác giúp chứng minh cho những tiến bộ kỹ thuật của Liên Xô, tạo điều kiện chuyển giao tri thức, cũng được sử dụng làm công cụ tuyên truyền ra thế giới cho khả năng chung sống trong hòa bình của các quốc gia này. Trong quan hệ của mình với Phần Lan, Liên Xô muốn trở thành người tiên phong mở đường về mặt công nghệ thay vì chỉ đơn thuần là một khách hàng nhập khẩu công nghệ. 

Liên Xô đã nỗ lực tăng tỉ lệ sử dụng sản phẩm nội địa của nước này trên tất cả các con tàu họ đặt hàng từ công ty đóng tàu Phần Lan. Các đoàn khách đến từ Liên Xô luôn sẵn sàng bán động cơ chính của tàu cho đối tác Phần Lan vì đây là phần có giá trị lớn nhất trong tổng giá thành của một con tàu. Phần lớn đại diện của công ty Phần Lan cũng sẵn sàng không kém trong việc từ chối những đề nghị như vậy vì họ muốn chia phần bánh quan trọng này cho các nhà sản xuất động cơ của chính họ. Để bù lại, phía Phần Lan cố gắng lấp đầy tỉ lệ sản phẩm Liên Xô trên tàu bằng các thiết bị đơn giản hơn như hệ thống điều khiển, trang thiết bị liên lạc vô tuyến, và một số sản phẩm làm từ kim loại như dây xích của mỏ neo tàu. Mặc dù Liên Xô không có bất cứ công cụ pháp lý nào để buộc các công ty tư nhân phải mua các thiết bị mà họ không mong muốn, các công ty đóng tàu Phần Lan vẫn nhận thấy rằng họ phải tìm cách giải quyết nhu cầu nội địa hóa sản phẩm của Liên Xô để duy trì quan hệ tốt với đối tác quan trọng này. 

Khi Wärtsilä đề xuất dự án hợp tác Liên Xô – Phần Lan trong đóng tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân vào mùa xuân năm 1977, cả giới chính trị gia và các kỹ sư đóng tàu đều chia sẻ lo ngại về khả năng một hợp đồng thương mại mang tính nhạy cảm như vậy có thể không được thông qua. Để giải quyết vấn đề, công ty đóng tàu ở Helsinki đề xuất họ sẽ thiết kế và đóng con tàu phá băng, còn đối tác Liên Xô sẽ xây dựng và lắp đặt lò phản ứng hạt nhân lên tàu. Theo cách đó, sự kết hợp giữa năng lực đóng tàu phá băng của Phần Lan và công nghệ hạt nhân của Liên Xô được chứng minh là hợp lý cả về mặt công nghệ cũng như kinh tế. Bản thân Wärtsilä chưa bao giờ có kế hoạch tự phát triển công nghệ hạt nhân của họ, bởi vậy việc lắp đặt một lò phản ứng Liên Xô lên tàu do họ đóng không phải là một sự nhượng bộ, mà chính là một lời giải rất sáng tạo cho nhu cầu nội địa hóa sản phẩm của phía Liên Xô.

Để tạo sự khác biệt với các tàu phá băng hạt nhân do Liên Xô sản xuất, Wärtsilä đề xuất dự án tàu phá băng hạt nhân của Phần Lan sẽ có mớm nước nông. Những thành viên của hạm tàu phá băng hạt nhân Liên Xô với mớm nước sâu như tàu lớp Arktika có khả năng đi đến bất cứ điểm nào trên Bắc Băng Dương ngoại trừ các vùng nước nông gần bờ. Để đóng một con tàu phá băng vừa có thể vượt qua những lớp băng dày tới hai mét, lại vừa có khả năng đi lại trong các con sông và vùng nước gần bờ ở Siberi với mực nước tương đối nông, nhà sản xuất cần phải kết hợp cả những hiểu biết về khoa học và kinh nghiệm kỹ thuật trong cơ học băng, kiến trúc tàu thủy, và công nghệ phá băng. Wärtsilä đã chứng tỏ được năng lực này thông qua kinh nghiệm đóng những con tàu phá băng mớm nước nông khác.

Cho đến lúc này, chiến dịch chào bán dự án tàu phá băng hạt nhân cho đối tác Liên Xô của Wärtsilä có vẻ giống một nỗ lực vận động hành lang theo kiểu chính trị nhiều hơn là chào hàng kỹ thuật thuần tuý. Nỗ lực của công ty đóng tàu Phần Lan tập trung vào việc thuyết phục các chính trị gia cấp cao của Liên Xô đặt mua con tàu do Phần Lan đóng. Tháng 12 năm 1978, Tổng thống Phần Lan Urho Kekkonen trở về từ chuyến thăm Liên Xô với thông tin tích cực rằng Morflot sẽ sẵn lòng đặt mua hai tàu phá băng hạt nhân do Wärtsilä thiết kế và chế tạo. Bên cạnh lò phản ứng hạt nhân, phía Liên Xô muốn được tự cung cấp loại thép nhiệt độ thấp đặc biệt vốn được nghiên cứu và phát triển cho tàu ngầm, tuốc-bin, và động cơ đẩy của họ. Việc bổ sung loại thép này giúp tăng tỷ lệ đồ nội địa Liên Xô trong sản phẩm lên 13% tổng giá trị dự án và giúp nâng tầm dự án tàu phá băng như một điển hình cho hợp tác khoa học, kỹ thuật, và công nghiệp giữa Liên Xô và Phần Lan.

Hai nước Liên Xô và Phần Lan ký thỏa thuận chính thức về dự án vào tháng 11 năm 1980. Đối với một dự án được khởi động đã gần 20 năm, đây là một cột mốc quan trọng, nhưng dự án vẫn phải chờ thêm vài năm để hai bên hoàn tất việc đàm phán về khía cạnh thương mại của dự án. Phía Liên Xô nổi tiếng với thói quen công bố các hợp đồng có giá trị lớn trong các dịp kỉ niệm những ngày lễ quan trọng, bởi vậy cứ đến các ngày lễ lớn của Liên Xô là phía Phần Lan lại cảm thấy hồi hộp chờ tin mừng từ đối tác. Cuối cùng thì tới năm 1984, trong tuần kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, phía Liên Xô đã đồng ý ký kết hợp đồng đặt mua hai tàu phá băng hạt nhân từ Phần Lan. Bốn năm sau đó, con tàu đầu tiên của lớp tàu hạt nhân đã được hoàn thành và đặt tên là Taymyr, vốn là tên một con tàu phá băng chạy bằng hơi nước có từ thời Sa Hoàng, và cũng là tên của mảnh đất cực Bắc của phần đất liền đại lục Á – Âu. Trên hình 2, độc giả có thể thấy Taymyr bên cạnh chiếc tàu còn lại của lớp tàu này là Vaygach, vốn được bắt đầu đóng cùng năm sau khi Taymyr được bàn giao và hoàn thành sau đó hai năm. Là con tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên do Phần Lan tự đóng, Taymyr thu hút tất cả sự chú ý từ công chúng. Tuy nhiên cả hai con tàu hạt nhân này đều chưa được lắp đặt các thiết bị hạt nhân trên lãnh thổ Phần Lan. Cả hai rời Phần Lan với các động cơ chạy dầu được gá tạm thời trên sàn máy bay trực thăng của tàu và chỉ khi tới Leningrad thì các lò phản ứng hạt nhân mới được xưởng đóng tàu Baltic đưa vào lắp đặt. Sau khi hoàn thành dự án này, Phần Lan trở thành một trong số rất ít quốc gia đã từng đóng tàu hạt nhân dân sự, mặc dù đến thời điểm đó phần lớn các giấc mộng về một tương lai hạt nhân sau chiến tranh đã tan biến ở các quốc gia từng có ý định phát triển công nghệ này.

Những con tàu có sức nặng về chính trị

Các nhà đóng tàu Phần Lan không quan tâm nhiều đến khía cạnh chính trị của dự án. Họ làm ăn với Liên Xô là để kiếm lời từ các hợp đồng đóng tàu. Tuy vậy, nhìn từ ví dụ của dự án tàu phá băng hạt nhân Phần Lan – Liên Xô, chính trị thực sự có vai trò quan trọng với sự phát triển công nghệ. Ngay cả các kỹ sư Phần Lan cũng hiểu được ý nghĩa chính trị của các con tàu hạt nhân do họ chế tạo. Với họ, chính trị thời Chiến tranh Lạnh là một trong những công cụ công ty Phần Lan có thể sử dụng để thuyết phục đối tác tiềm năng duy nhất. Trong giai đoạn đầu, phía Liên Xô coi dự án tàu phá băng hạt nhân Phần Lan là một kênh tiếp cận để vươn đến công nghệ lò phản ứng hàng hải của phương Tây. Nhưng cuối cùng thì dự án đã thúc đẩy sự hợp tác về kỹ thuật và công nghiệp giữa một công ty đóng tàu tư nhân của Phần Lan và các tổ chức trực thuộc chính phủ Liên Xô. Nhà nước Phần Lan và công ty đóng tàu có thể dùng dự án tàu phá băng hạt nhân này như một biểu tượng cho sự tiến bộ, và cam kết với công nghệ mới và sự phát triển. 

Sức quyến rũ của năng lượng hạt nhân đã giúp ý tưởng của dự án sống sót suốt hai thập niên cho tới ngày hợp đồng đầu tiên được ký kết – một khoảng thời gian rất dài cho một dự án phi quân sự của một công ty tư nhân hoàn toàn phụ thuộc vào lợi nhuận từ các hợp đồng đóng tàu. Có vẻ như chất lượng kỹ thuật của dự án thực sự đã chứng minh tính đúng đắn cho hợp tác Liên Xô – Phần Lan khi các con tàu do Wärtsilä đóng có đủ công suất để phá vỡ lớp băng dày vùng Cực, có đủ nhiên liệu để hoạt động độc lập dài ngày trên Bắc Băng Dương, và có vỏ tàu đủ nhẹ và linh hoạt để có thể di chuyển trong các vùng nước được coi là quá nông cho các tàu phá băng hạt nhân do Liên Xô đóng. Tuy vậy, khoảng thời gian 20 năm cho thấy rằng việc thương thảo hợp đồng không chỉ đơn thuần là những bàn thảo về mặt công nghệ. Dự án có thể thành công là bởi Wärtsilä đã hết sức sáng tạo và kiên trì trong việc điều chỉnh dự án để phù hợp với các tính toán chính trị của cả Phần Lan và Liên Xô. Dự án này vừa đủ lớn để chứng minh cho hợp tác công nghệ xuyên quốc gia, nhưng cũng không cạnh tranh trực tiếp với các dự án hạt nhân khác của Liên Xô. Dự án cũng có giá trị chiến lược đủ để được giới chính trị gia đưa vào diện ưu tiên cao hơn các dự án dân sự khác, nhưng cũng vừa phải để không gây rắc rối cho chính sách trung lập của Phần Lan. 

Dự án hợp tác giữa Phần Lan và Liên Xô này có thể coi là có giá trị về mặt chính trị, nhưng không hoàn toàn mang tính chất hợp tác chính phủ thông thường, và vẫn là một dự án hạt nhân của Phần Lan nhưng không buộc Phần Lan phải dính líu đến các khía cạnh và công nghệ hạt nhân của dự án. Đây thực sự là một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh và khó lòng có thể được hiện thực hóa mà không có khuôn khổ giao thương công nghệ vốn bị chính trị hóa giữa Phần Lan và Liên Xô. Những cuộc khủng hoảng phạm vi quốc tế như chiến tranh luôn định hướng cho các phát triển về mặt công nghệ thông qua những cơ hội và hạn chế do khủng hoảng đem lại. Chỉ sau khi thời gian đã trôi qua, người ta mới có thể nhìn lại để đánh giá tầm ảnh hưởng thực sự của những sự kiện không thể lường trước như vậy. □

Nguyễn Việt Phương dịch
——-
Đây là một bản rút gọn từ bài nghiên cứu “Flashy flagships of Cold War cooperation: The Finnish– Soviet nuclear icebreaker project” (“Biểu trưng hào nhoáng cho hợp tác thời Chiến tranh Lạnh: Dự án tàu phá băng hạt nhân Phần Lan – Liên Xô), Technology and Culture 60, 347 (2019).

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)