Yuval Noal Harari – Nhà khoa học dân túy

Harari được coi là nhà trí thức được săn đón nhất trên thế giới, không phải vì độ xác thực trong những kiến thức mà ông đưa ra, mà vì tài năng kể chuyện một cách hấp dẫn, khéo léo che giấu những thiếu sót về khoa học.

Ảnh: currentaffairs.

Nếu muốn biết mức độ ảnh hưởng của nhà sử học Yuval Noah Harari, hãy nhìn vào những con số mà những cuốn sách của ông mang lại. Cuốn Sapiens: Lược sử loài người (Sapiens) đến năm 2019 đã được dịch ra trên 50 ngôn ngữ và bán được 13 triệu bản. Nguyên Tổng thống Barack Obama khi giới thiệu cuốn sách trên CNN vào năm 2016 đã nói rằng, cuốn Sapiens như Kim tự tháp Giza, cho ông “một cảm quan” về nền văn minh phi thường của chúng ta. Harari sau đó đã xuất bản thêm hai cuốn sách bán chạy – Homo Deus: Lược sử Tương lai (2017) và 21 bài học cho thế kỷ 21 (2018). Sách của ông đã bán được hơn 23 triệu bản trên toàn thế giới. Ông được coi là nhà trí thức được săn đón nhất trên thế giới.

Còn nếu xem những video có sự xuất hiện của Harari, bạn có thể thấy, trong những môn đệ của ông có những người quyền lực nhất thế giới, đến với ông như những vị vua cổ đại đến với vị tư tế của mình. Mark Zuckerberg hỏi Harari rằng liệu công nghệ ccđang khiến loài người đang trở nên đoàn kết hơn hay chia rẽ hơn không? Giám đốc Điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hỏi ông rằng liệu các bác sĩ có phụ thuộc vào Thu nhập cơ bản toàn dân [UBI] trong tương lai hay không. Giám đốc điều hành của Axel Springer, một trong những nhà xuất bản lớn nhất ở châu Âu, hỏi Harari rằng các nhà xuất bản nên làm gì để thành công trong thế giới kỹ thuật số. Và còn nhiều những cuộc nói chuyện khác ở TED Dialogues, India Today Conclave hay vô số những diễn đàn, trường đại học cầu cạnh kiến thức của vị sử gia này về mọi lĩnh vực, từ tương lai cho tới nghề nghiệp, thậm chí là cả thiền hành.

Chúng ta đang sống trong một thời điểm khó khăn. Tất cả chúng ta đều đang đi tìm những câu trả lời về sự sống và cái chết, về khoa học và nhân loại. Liệu mã gene của chúng ta có chứa đựng chìa khóa để hiểu mọi thứ về con người không? Liệu công nghệ sẽ cứu rỗi hay phá hủy chúng ta? Sự thèm muốn có một người dẫn lối không phải là khó hiểu.

Là một nhà khoa học thần kinh hành vi, tôi biết khi nào khoa học bị đánh đổi lấy chủ nghĩa giật gân [sensationalism]. Tôi gọi những người như Yuval Harari, hay nhà tâm lý học lâm sàng người Canada kiêm thầy phán YouTube Jordan Peterson, là những “nhà khoa học dân túy”. Họ hiểu sức hấp dẫn của những câu chuyện được kể hay, và chẳng màng hy sinh khoa học trong nỗ lực mở rộng tập khán giả của mình. Trong xã hội hiện nay, khi khoa học cần thiết hơn bao giờ hết, chúng ta phải đánh giá nghiêm túc về Nhà tiên tri Dân túy này và những người khác.

***

Ông đã quyến rũ chúng ta bằng lối kể chuyện hấp dẫn, nhưng một khi chú tâm quan sát hơn, ta có thể thấy rằng ông đã hy sinh khoa học vì chủ nghĩa giật gân, mắc những lỗi thông tin nghiêm trọng và miêu tả những suy đoán cá nhân như thể chúng là hiển nhiên.

Sự thật này có thể gây ngạc nhiên, nhưng tính xác thực thông tin trong các cuốn sách của Yuval Harari nhận được rất ít đánh giá từ các học giả hay các tạp chí nghiên cứu lớn. Giáo sư Steven Gunn của Đại học Oxford, người đã hướng dẫn luận án của Harari về “Hồi ký quân sự thời Phục hưng: Chiến tranh, Lịch sử và Bản sắc, 1450 – 1600”, đã thừa nhận một điều đáng ngạc nhiên: Học trò cũ của ông gần như luôn tránh né thao tác kiểm chứng thông tin. Trong bài chân dung của Harari đăng trên tờ New Yorker năm 2020, giáo sư Gunn nói Harari đã “né quanh” thao tác này bằng cách, “đặt một câu hỏi rộng đến nỗi không ai có thể chỉ ra lỗi sai của từng chi tiết […] bởi không ai có thể là chuyên gia về tất cả mọi thứ, về lịch sử tất cả mọi người”.

Chỉ cần đọc lướt đã chỉ ra bao nhiêu lỗi sai cơ bản.

Đúng như một nhà khoa học dân túy chính hiệu, ông đưa ra các phát biểu nằm ngoài chuyên môn trong suốt thời gian đại dịch diễn ra trên hàng loạt các kênh tin tức như NPR, CNN, BBC Newsnight hay cả podcast của Sam Harris. Tại đây, ông nói về những vấn đề từ kinh tế cho tới cách giải quyết hậu quả dịch bệnh hay quan điểm lịch lẫn tương lai về corona. Ông cũng sử dụng những cơ hội đó để thúc đẩy một cuộc khủng hoảng giả. Harari nghiêm giọng cảnh báo về thứ gọi là “giám sát sát sườn” [under-the-skin surveillance] – tức là việc chính phủ có thể theo dõi mọi cảm xúc hỉ nộ ái ố của bạn khi bắt người dân phải đeo vòng tay sinh trắc học với lý do ngăn ngừa dịch bệnh.

Dù bản thân việc chính phủ giám sát là đáng lo ngại, nhưng những gì ông nói về theo dõi cảm xúc là không có cơ sở, bởi cảm xúc và biểu hiện cảm xúc của con người là rất chủ quan. Cảm xúc của chúng ta không thể bị dò ra chỉ từ các biện pháp sinh lý bị tước khỏi thông tin ngữ cảnh (kẻ thù lâu năm, người yêu mới và caffein đều khiến tim ta đập mạnh hơn). Điều này vẫn đúng ngay cả khi các biện pháp sinh lý mở rộng ra như theo dõi nhiệt độ cơ thể, huyết áp và nhịp tim hay thậm chí là các chuyển động khuôn mặt. Các nhà tâm lý học như Lisa Feldman Barrett phát hiện ra rằng ngay cả những cảm xúc như buồn bã và tức giận cũng không phải là phổ quát. Đây cũng là lý do vì sao chúng ta chưa, và rất có thể sẽ không bao giờ, tạo ra được một công nghệ nhận diện cảm xúc con người tại mọi thời điểm.

Dù những tuyên bố của Harari vô giá trị với khoa học, nhưng người ta khó lòng bác bỏ vì mối lo ngại “kỹ thuật số giám sát toàn cảnh”, các tập đoàn và chính phủ liên tục theo dõi chúng ta. Khi nghe những lời cảnh báo “làm quá” của Harari, chúng ta lại càng lo sợ công nghệ giám sát có thể “biết về chúng ta nhiều hơn chúng ta biết về chính mình”2.

techvshuman.com

Những dự đoán của Harari dựa trên những hiểu biết kém cỏi về khoa học. Chẳng hạn, những dự đoán của ông về tương lai sinh học của chúng ta dựa trên quan điểm đặt gene vào trọng tâm của tiến hóa, một góc nhìn giờ đã thống trị các cuộc thảo luận đại chúng nhờ những người nổi tiếng như ông. Chủ nghĩa giản lược như vậy thúc đẩy một cái nhìn đơn giản về thực tại, và tệ hơn thế, đang rẽ dần sang lãnh địa của chủ nghĩa ưu sinh3 một cách vô cùng nguy hiểm. Ví dụ, trong chương cuối Sapiens, Harari viết:

“Tại sao không quay trở lại bản vẽ của Chúa và thiết kế một loài Sapiens tốt hơn? Những khả năng, nhu cầu và mong muốn của loài Homo Sapiens có cơ sở gene di truyền, và genome của Sapiens thì không phức tạp gì hơn so với loài chuột […]. Nếu kỹ thuật di truyền có thể tạo ra những con chuột kỳ tài, thì tại sao nó không tạo ra được những con người kỳ tài?”

Thật tiện lợi xiết bao nếu kỹ thuật gene là một cây đũa thần, chỉ cần một cái vẩy đũa là có thể biến toàn nhân loại thành Einstein. Đáng buồn là không phải vậy. Ví dụ, trong sinh học, hoạt động thấp của gene monoamine oxidase-A (MAO-A) được cho là có liên quan đến hành vi hung hăng và tội phạm bạo lực. Nhưng không phải người nào có hoạt động MAO-A thấp đều bạo lực, cũng như không phải tất cả những người có hoạt động MAO-A cao đều ôn hòa. Yếu tố nuôi dưỡng và môi trường đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển tính cách của trẻ. Gene không phải là kẻ thao túng giật dây chúng ta từ đằng sau.

Khi Harari viết về việc thay đổi gene, ông đã bỏ qua nhiều cơ chế phi di truyền tạo nên con người. Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra, con của những người thích uống nước cà rốt trong ba tháng cuối của thai kỳ thích ngũ cốc vị cà rốt hơn các trẻ khác, hay con của các bà mẹ Hàn Quốc thích uống nước rong biển thì sẽ có sở thích tương tự. Yếu tố vị giác đặc thù văn hóa này là do ảnh hưởng của vị các món ăn này trong sữa mẹ, chứ không cần một loại gene đặc thù nào. Thậm chí, các yếu tố tưởng chừng căn cốt như sự phân chia tế bào cũng không được tạo ra bởi một mình gene mà còn nhờ các sự kiện sinh lý như phản ứng hóa học trong tế bào, áp lực cơ học bên trong hay cả trọng lực. Nhà khoa học J. L. Marx kết luận, cơ thể động vật là sự kết hợp phức tạp giữa các gene và các sự kiện vật lý, môi trường thay đổi, còn hai nhà di truyền học Eva Jablonka và Marion J. Lamb thì thẳng thắn chỉ trích: “Những người […] không phải nhà di truyền học mà vẫn nói về gene như tác nhân duy nhất, không hơn gì là những kẻ tuyên truyền cần phải bị chúng ta đặt câu hỏi về kiến thức hoặc động cơ của họ”.

Một người có thể biến những vấn đề phức tạp thành đơn giản, thêu dệt những sự thật khoa học theo một ngôn ngữ thuyết phục và thú vị, không còn chút sắc độ hay sự hoài nghi nào. Điều đó tạo cho những nhà tiên tri này một bầu không khí uy quyền, nơi họ có thể truyền đi những thông tin sai lệch, những cuộc khủng hoảng giả trong khi tự đôn mình lên như những người có câu trả lời.

Những mô tả về sinh học và những dự đoán về tương lai của ông, dù còn nhiều lỗ hổng, nhưng vẫn được dẫn lối bởi hệ tư tưởng phổ biến với các ông lớn công nghệ ở Thung lũng Silicon như Larry Page, Bill Gates, Elon Musk và nhiều người khác, những người tin vào thứ mà Harari đặt tên ở phần cuối quyển Homo Deus là “dữ liệu giáo”. Họ coi tất cả các sinh vật là bộ xử lý dữ liệu sinh hóa và tin rằng “thiên chức vũ trụ” của nhân loại là tạo ra một bộ xử lý dữ liệu toàn năng, có thể hiểu chúng ta hơn chúng ta có thể hiểu chính mình. Harari dự đoán rằng từ đây các thuật toán sẽ nắm quyền tiếp quản mọi mặt đời sống của chúng ta – chúng sẽ quyết định chúng ta kết hôn với ai, chúng ta theo đuổi nghề nghiệp gì và chúng ta sẽ bị quản lý như thế nào.

Homo sapiens là một thuật toán đã lỗi thời” – Harari tuyên bố, diễn giải lại quan điểm những tín đồ dữ liệu giáo, trước khi so sánh con người với con gà, cho rằng sự ưu việt của người so với gà chỉ là khả năng hấp thụ nhiều dữ liệu hơn. Nhưng một con người không phải một con gà, hoặc cứ nhất nhất phải vượt trội hơn so với con gà. Trên thực tế, thị giác gà theo dõi chuyển động và cảm nhận màu sắc tốt hơn người rất nhiều. Ý của tôi không phải gà hay người tốt hơn, mà gà cũng độc nhất kiểu “gà” giống chúng ta độc nhất là “người” vậy.

Cả gà và người đều không chỉ đơn giản là những thuật toán. Bộ não của chúng ta có một cơ thể, và cơ thể đó nằm trong một thế giới. Các hành vi của chúng ta thành hình nhờ các hoạt động đời sống và sinh lý của chúng ta. Các sinh vật không chỉ hấp thụ và chuyển hóa các dòng dữ liệu trong môi trường của mình, chúng ta liên tục thay đổi và tạo ra môi trường của riêng mình – và của nhau – trong một diễn trình được gọi là “xây dựng ổ sinh thái” [niche construction]. Ví dụ, khi một con hải ly xây một con đập trên dòng suối, nó sẽ thay đổi toàn bộ hệ sinh thái của cái hồ nó tạo ra cho con cháu của nó trong nhiều thế kỷ tiếp theo và có khả năng gây ra các sự thay đổi trong quá trình tiến hóa. Con người cũng có thể thay đổi và thích ứng với môi trường xung quanh. Các hoạt động sống này không chỉ phân biệt chúng ta với các thuật toán, chúng còn khiến các thuật toán gần như không thể dự đoán chính xác các hành vi xã hội của chúng ta, như việc ta yêu ai, ta giỏi trong công việc nào hay ta có phạm tội hay không.

Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook bước lên sân khấu để nói về công nghệ thực tế ảo, khi cả hội trường đều đeo kính thực tế ảo và không ai để ý tới Mark ngoài đời thực đang bước đi, cho thấy sự phát triển đáng kinh ngạc của công nghệ.

Harari luôn tỏ ra là một người viết sử khách quan, nói rằng ông chỉ ghi chép lại những gì những người theo dữ liệu giáo nói mà thôi. Nhưng rồi ông làm một điều rất lén lút. Ông nói, quan điểm của tín đồ dữ liệu giáo “có thể lập dị, trái với thường thức, nhưng thật sự đã chinh phục hầu hết giới khoa học uy tín rồi”. Bằng cách trình bày thế giới quan của người theo Dữ liệu giáo là sự thật “khách quan” khoa học, ông nói với chúng ta rằng con người chỉ là “thuật toán” và con đường của chúng ta đi đến lỗi thời là không thể tránh khỏi. Tuy vậy, bốn người ông trích dẫn để ủng hộ tuyên bố này thì có đến ba người không làm khoa học.

Số phận loài người không có gì là tiền định. Chúng ta phải nhận thấy rằng quyền tự chủ của mình đang bị xói mòn bởi các mô hình kinh tế mới do Google và Facebook làm chủ, như cách nhà khoa học xã hội Shoshana Zuboff gọi tên là “chủ nghĩa tư bản giám sát”. Các tập đoàn công nghệ lớn này tạo ra các nền tảng số để theo dõi các hoạt động trực tuyến của chúng ta và dùng chúng để tối đa hóa lợi nhuận của họ. Hệ quả là những buồng vọng4 được tạo ra dẫn đến sự hoài nghi về khoa học, phủ nhận biến đổi khí hậu hay phân cực chính trị. Shoshana Zuboff cũng cho rằng chúng ta phải nhìn nhận nó như một phát minh của con người chứ không phải sự thật tự nhiên hay tính tất yếu công nghệ. Dễ thấy là Zuboff không được Thung lũng Silicon yêu thích như Harari.

***

Harari vẫn đang không ngừng tìm kiếm những tín đồ mới, thậm chí là hướng đến trẻ em với các chương trình TV và phiên bản Sapiens tranh màu mới xuất bản. Ông đã quyến rũ chúng ta bằng lối kể chuyện hấp dẫn, nhưng một khi chú tâm quan sát hơn, ta có thể thấy rằng ông đã hy sinh khoa học vì chủ nghĩa giật gân, mắc những lỗi thông tin nghiêm trọng và miêu tả những suy đoán cá nhân như thể chúng là hiển nhiên. Cơ sở mà ông ta dựa vào để đưa ra những kết luận của mình thì tối nghĩa vì ông hiếm khi cung cấp các chú thích hoặc tài liệu tham khảo đầy đủ và đặc biệt keo kiệt trong việc công nhận ý tưởng của các nhà tư tưởng khác5. Và nguy hiểm hơn hết, ông đã củng cố các diễn ngôn của các nhà tư bản giám sát, cho họ quyền tự do thao túng các hành vi của chúng ta để phù hợp với lợi ích thương mại của họ. Để tự cứu mình khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại này và các cuộc khủng hoảng tiếp theo trong tương lai, chúng ta phải từ chối hoàn toàn thứ khoa học dân túy nguy hiểm của Yuval Noah Harari.□

Vương Vi lược dịch

Nguồn: Darshana Narayanan, “The Dangerous Populist Science of Yuval Noah Harari”, Current Affairs, March/April 2022.

https://www.currentaffairs.org/2022/07/the-dangerous-populist-science-of-yuval-noah-harari

—-

1 Thu nhập cơ bản toàn dân: Lý thuyết thuộc hệ thống nhà nước phúc lợi, trao một số tiền nhất định cho toàn bộ dân số như là nguồn lương cơ bản.

2 Gaslight: Thuật ngữ tâm lý phát triển từ vở kịch cùng tên, nói về việc người ta dần dần tin vào những gì bị nói dối qua các thủ thuật tâm lý và áp lực.

3 Chủ nghĩa ưu sinh: là một loại ngụy khoa học hoặc phong trào sinh học-xã hội ủng hộ việc sử dụng các phương thức nhằm cải thiện cấu tạo gene của dân số, loại bỏ những “nguồn gene không mong muốn” (người yếu đuối, khuyết tật, mắc bệnh bẩm sinh).

4 echo chamber: Một nơi mà người tham gia không chấp nhận những ý kiến khác biệt mà chỉ nghe và đồng ý lẫn nhau

5 Một độc giả đại chúng khi đọc Harari sẽ nghĩ rằng đó đều là các ý tưởng của riêng ông. Nhưng trên thực tế, khung quan điểm của Harari thường là na ná với quan điểm của những người đi trước. Ví dụ: so sánh của ông giữa hệ tư tưởng tôn giáo và thế tục với trò chơi Pokemon Go giống y hệt với một so sánh được nhà triết học người Slovenia Slavoj Žižek đưa ra trước đó trong cuốn sách Incontinence of the Void: Economico-Philosophical Spandrels xuất bản năm 2017, vốn cũng đã được ông này đề cập trong nhiều bài giảng trước đó. Trong cuốn Homo Deus, Harari dành hẳn một chương để nói về “dữ liệu giáo”, nhưng lại không ghi nhận vai trò của nhà báo David Brooks (người đầu tiên phát minh khái niệm này) và Steve Lohr (người đã xuất bản một cuốn sách cùng tên năm 2015).

Tác giả

(Visited 345 times, 1 visits today)