10 năm Viện nghiên cứu và phát triển Mekong: Dõi theo từng thay đổi của xã hội
Từ 6 nghiên cứu viên nòng cốt ban đầu, giờ đây MDRI đã trở thành một Viện nghiên cứu chính sách và phát triển hàng đầu tại khu vực sông Mekong.
“Chúng tôi đã thực hiện trên dưới 100 nghiên cứu trong vòng 10 năm qua, từ các nghiên cứu suy dinh dưỡng cho đến béo phì, từ nghiên cứu về tỷ lệ trẻ em đến trường đến chất lượng tiếp cận giáo dục trong nhà trường; chúng tôi chuyển từ vấn đề an ninh lương thực đến an toàn thực phẩm, ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, quy hoạch tỉnh”, TS. Phùng Đức Tùng, Giám đốc Viện nghiên cứu và Phát triển Mekong (Mekong Development Research Institute – MDRI) chia sẻ về những hoạt động của MDRI tại Lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện vào cuối tuần qua.
Những chia sẻ của ông đã tóm tắt đầy đủ những bước chuyển trong hành trình mà các nghiên cứu viên đã đi qua trong một thập kỷ. Là một viện nghiên cứu độc lập tập trung vào các lĩnh vực giảm nghèo, dân tộc thiểu số, nông nghiệp và phát triển nông thôn, lao động và nhập cư,v.v., họ đã chứng kiến từng bước thay đổi và phát triển của xã hội Việt Nam trong những năm qua.
Trong chặng đường 10 năm, Viện MDRI đã thực hiện hơn 100 dự án phát triển với hơn 50 đối tác trong và ngoài nước trong nhiều lĩnh vực nóng ở Việt Nam từ giảm nghèo, nông nghiệp và phát triển nông thôn, dân tộc thiểu số, lao động và nhập cư, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường, biến đổi khí hậu.
Các dự án của họ trải dài trên khắp 63 tỉnh thành, cùng sự đồng hành của 10000 điều tra viên. Trong số đó có dự án lớn và toàn diện như đánh giá độc lập về mô hình trường học mới VNEN trên gần 50 tỉnh hay đánh giá dự án GREAT “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” trên hai tỉnh Sơn La và Lào Cai hoặc đánh giá dự án Giảm nghèo Tây Nguyên của Chính phủ trên sáu tỉnh.
Qua các nghiên cứu và hoạt động tư vấn, MDRI đã đưa ra những sản phẩm tư vấn và nghiên cứu giá trị; nhiều nghiên cứu trong số đó đã được xuất bản trên các tạp chí quốc tế uy tín như American Economic Journal, World Development, Health Economic Journal,.. ; và một số khác đã được công bố dưới dạng các báo cáo tư vấn, tóm lược chính sách gửi đến các lãnh đạo cấp cao; và rất nhiều các kết quả khác được trình bày tại các cuộc đối thoại, hội thảo trong và ngoài nước.
“Ở Việt Nam, rất khó tìm được đối tác thực hiện nghiên cứu đảm bảo tính khách quan, khoa học của nghiên cứu giống như cách MDRI làm. Chúng tôi có thể đếm trên đầu ngón tay các đơn vị như vậy”, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách của UNDP Việt Nam, một trong rất nhiều đối tác của MDRI cho biết. “Bởi vậy chúng tôi đã có được dữ liệu có tính chính xác cao để sử dụng cho các báo cáo, cho các bên liên quan cũng như chia sẻ kết quả tại các hội nghị cấp quốc gia”.
Đó cũng là điều mà TS Phùng Đức Tùng đã tự hào chia sẻ tại Lễ Kỷ niệm: “Giá trị lớn nhất mà MDRI luôn giữ được trong 10 năm qua là sự liêm chính trong khoa học, sự trung thực, minh bạch trong các công việc đã làm”, ông nhận định. “Chúng tôi đã làm việc với rất nhiều đối tác khác nhau trong nước và trên quốc tế. Chúng tôi không chỉ tập trung vào các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới, ADB mà bây giờ chúng tôi còn làm việc với các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức quốc tế bên ngoài Việt Nam”.
Sự chuyên nghiệp đó đã đưa MDRI trở thành viện nghiên cứu kinh tế đứng thứ 1 ở Việt Nam và thuộc top 17% trong số 12,700 viện nghiên cứu kinh tế trên thế giới – theo đánh giá của cơ sở dữ liệu về Kinh tế lớn nhất thế giới IDEAS.
Là người cố vấn đã theo dõi và hỗ trợ Viện từ ngày đầu thành lập, TS. Đặng Kim Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nhận định “10 năm vừa qua là 10 năm đầy thách thức đối với các think tank (cơ quan nghiên cứu, tư vấn). Để có được những thành công như hiện tại, MDRI đã vượt qua rất nhiều khó khăn. Họ giữ được một đội ngũ liên tục trẻ hoá nhưng vẫn đảm bảo được tiêu chuẩn kỹ thuật, khách quan trong khoa học, đặc biệt trong mảng phân tích, điều tra, thu thập số liệu, tham mưu – một công việc không được phép sai sót. Không dễ dàng gì để làm được điều này.”
Từ 6 nghiên cứu viên ban đầu, đến hiện tại MDRI đã có 26 thành viên. “Đến hôm nay, năm 2023, MDRI không còn phải đứng tên vì có ông Tùng hay ông Cường (TS. Nguyễn Việt Cường – Phó Giám đốc Viện MDRI) ở đó. Nói cách khác, công việc đến với MDRI không còn là vì uy tín cá nhân của những người sáng lập nữa mà là vì chất lượng của tổ chức”, TS. Phùng Đức Tùng nhận định về sự phát triển của Viện. Ông bày tỏ mong muốn thế hệ đội ngũ chuyên gia tiếp theo có thể dẫn dắt MDRI phát triển trên một chặng đường mới, “khi Việt Nam và thế giới đã trải qua nhiều biến động hơn, và nhu cầu làm nghiên cứu, tư vấn cũng nhiều hơn rất nhiều”.