10 startup vào chung kết tài năng khởi nghiệp ĐMST quốc gia
Hầu hết các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp của các starup này đều hướng đến giải quyết các bài toán về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Hằng năm, Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST đóng vai trò là phễu lọc để tìm ra những doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam hoặc do người Việt làm chủ, mang lại các sản phẩm có tính đổi mới sáng tạo cao.
Chính thức phát động từ ngày 23/5/2023, kết thúc nhận đơn đăng ký ngày 22/9/2023, Cuộc thi năm nay đã nhận được hơn 500 hồ sơ trên cả nước, bao gồm các doanh nghiệp tự đăng ký, đề cử từ 18 làng công về và các cuộc thi khởi nghiệp địa phương.
Vòng chung kết sẽ diễn ra vào ngày 24/11 tại TPHCM, trong đó các đội chiến thắng sẽ nhận giải thưởng tiền mặt và các gói hỗ trợ – bao gồm các quyền lợi về phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, truyền thông, hỗ trợ không gian làm việc, trưng bày triển lãm và huấn luyện, đào tạo – lên đến 18 tỷ đồng.
Điểm độc đáo của Top 20 năm nay là hầu hết các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp đều hướng đến giải quyết các bài toán về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Câu chuyện khởi nguồn và sự cống hiến của chính các startup không chỉ là vì doanh nghiệp của họ, mà còn tạo ra giá trị, đóng góp cho xã hội và cộng đồng.
Bà Nguyễn Nhã Quyên – Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi, Giám đốc SVF, chia sẻ: “Bên cạnh các dự án là các nền tảng, dịch vụ chuyển đổi số, đem AI tạo sinh đến gần hơn với cộng đồng doanh nghiệp, giải pháp chuyển đổi chuỗi giá trị nông nghiệp.. thì phần lớn các sản phẩm trong Top 20 đều có công nghệ sâu, giải pháp đổi mới sáng tạo về vật liệu mới, các loại nhựa sinh học, nhựa phân huỷ, các loại chất khử khuẩn không hoá chất, các sản phẩm liên quan đến tích trữ năng lượng và tiết kiệm năng lượng. Đó cũng là một yếu tố làm chúng tôi cảm thấy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững đang ngày càng giao thoa. Điều đó cho thấy rất nhiều nhà khởi nghiệp, nhà sáng tạo thật sự đã hiểu hơn về nhu cầu thị trường và cho ra các sản phẩm mà chúng tôi tin rằng, họ đang tạo tác động rất lớn cho xã hội, cộng đồng và cho nền kinh tế Việt Nam.”
Đánh giá về chất lượng của các đội dẫn đầu, ông Lâm Quốc Thái, quản lý đầu tư tại quỹ VinaCapital Ventures, giám khảo vòng bán kết, nhận xét rằng các đội thi năm nay hướng tới những giải pháp, dịch vụ thực tế hơn.
Trong khi đó, ông Will Klippgen, đồng sáng lập quỹ Cocoon Capital, giám khảo vòng tuyển chọn Top 20, nói cuộc thi năm nay có doanh nghiệp tham gia đa dạng, đưa đến những giải pháp cho người tiêu dùng, cho khối ngành công nghiệp hoặc khối cơ quan nhà nước. “Có thể thấy rằng hệ sinh thái của Việt Nam vẫn đang tiếp tục phát triển và đóng góp vào nền kinh tế.”
Được khởi xướng từ năm 2015, Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia là một trong những hoạt động được quan tâm nhiều nhất của Ngày hội Đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST Vietnam.
10 đội thi vào chung kết TECHFEST 2023
- Airx Carbon: Sử dụng bã cà phê để tạo ra hạt nhựa sinh học bằng một quy trình chuyển đổi tất cả đồng vị carbon (-14, -12, -13) được tìm thấy trong bã cà phê thành Polypropylene thông qua quá trình trộn với nhựa tái chế. Chi phí của nhựa Polypropylene có nguồn gốc thực vật có thể cạnh tranh trực tiếp với nhựa làm từ dầu mỏ khi được sản xuất trên quy mô lớn.
- Buyo: Cung cấp nhựa sinh học có nguồn gốc từ chất thải hữu cơ và phân hủy sinh học sau 3-12 tháng. Sử dụng công nghệ độc quyền sáng chế bằng các vi khuẩn lên men sinh học kết hợp các polyme sinh học khác nhau trong quá trình xử lý. Sản phẩn của công ty được thiết kế riêng cho các ứng dụng sử dụng cuối cùng (bao bì linh hoạt, bao bì cứng, ứng dụng y tế) và phục vụ khách hàng B2B.
- Beekids: Nền tảng gamification giúp phát triển tư duy (Quan sát, Ghi nhớ, Suy luận, Biện luận, Logic, Số học…) cho trẻ từ 4-10 tuổi, ứng dụng phương pháp Montessori, kết nối và tương tác trong học tập.
- Cenergy: Nghiên cứu, phát triển và sản xuất hệ thống tích trữ năng lượng dự trên công nghệ ắc quy dòng chảy Vanadi-Cerium tại Việt Nam. Công ty BKPMST tạo ra hệ thống này hướng tới giải quyết cơ sở hạ tầng lưu trữ năng lượng còn hạn chế trong nước, cho phép sử dụng năng lượng tái tạo hiệu quả, thúc đẩy sự ổn định của lưới điện và hỗ trợ các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững.
- Hubtech.asia: Nền tảng quản lý kế hoạch trồng trọt, sản xuất và dự báo sản lượng dành cho nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Sản phẩm góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện cho nền nông nghiệp Việt Nam.
- Pva Pro: Nhà máy đầu tiên và duy nhất phát triển công nghệ nhựa hòa tan trong nước và hiện là một trong số ít nhà máy trên thế giới kiểm soát được công nghệ này.
- RARE cooling: Sơn làm mát bức xạ, có khả năng làm mát thụ động mà không tiêu hao năng lượng bên ngoài. Hiệu suất phản xạ mặt trời tới 98% và bức xạ trong suốt tới 95%, giúp các bề mặt ngoài trời giảm nhiệt độ tới nhiệt độ không khí trong bóng râm. Sơn dễ thi công và bám dính lên nhiều bề mặt, bao gồm thuỷ tinh, gỗ, đá, xi măng, sắt thép.
- Toothless: Cung cấp các giải pháp AI tạo sinh theo nhu cầu của doanh nghiệp và tập đoàn, chẳng hạn như chatbot, trợ lý ảo, đại lý bán hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng, huấn luyện viên nội bộ, phân tích báo cáo v.v. Công nghệ này được tích hợp với OpenAI.
- Trainizi: Nền tảng đào tạo bằng nội dung tương tác ngắn với trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ game hóa. Sản phẩm này dành cho các tổ chức có nhu cầu đào tạo thường xuyên, liên tục, số lượng lớn.
- Wesolife: Phát triển giải pháp khử trùng bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản. Sử dụng công nghệ điện hóa, tạo ra clo từ nước muối thay vì sử dụng hóa chất clo. Sản phẩm của công ty giúp giảm sự phụ thuộc vào hóa chất và bảo vệ môi trường.