12.000 máy bay không người lái cho châu Phi
Những chiếc máy bay không người lái này có thể giúp châu Phi giải quyết vấn đề thiếu hụt thuốc men và các thiết bị y tế cỡ nhỏ
Loại Drone của Wingcopter có thể vận chuyển tới 120 kg hành lý
Doanh nghiệp Wingcopter ở bang Hessen, Đức, chuyên sản xuất máy bay không người lái cỡ nhỏ (drone) như loại máy bay mô hình. Loại này thích hợp để vận chuyển thuốc chữa bệnh đến vùng sâu vùng xa, nơi hệ thống đường xá không thuận lợi. Drone so với các phương tiện vận chuyển khác có các ưu điểm kỹ thuật vượt trội.
Cơ sở Kawumba Healthcare Center ở Miền trung Malawi là một ngôi nhà một tầng ở một nơi hẻo lánh, đường xá gập ghềnh và xa bệnh viện, thậm chí vào mùa mưa thì hầu như không thể đi lại. Tuy nhiên điều này đã thay đổi vào thời gian gần đây khi dân cư ở vùng này có thể được cấp thuốc men, thiết bị y tế thuận lợi bằng máy bay không người lái.
Loại máy bay không người lái được dùng để vận chuyển thuốc, vaccine đồng thời lấy mẫu máu, nước tiểu để đưa đi xét nghiệm. Thiết bị này được sử dụng trên một địa bàn có khoảng trên 7 triệu dân.
Loại Wingcopter 198 không lớn hơn một chiếc mô hình máy bay. Nó có thể điều hướng tự động bằng sử dụng định vị GPS, có bốn hoặc tám cánh quạt nhỏ, tùy thuộc vào kiểu máy và có một tời cáp nhỏ ở bụng, để kéo hộp tải lên, xuống mặt đất với khoảng cách 30 mét. Chiếc máy bay không người lái này dùng để giao các loại hàng có giá cao. Giá một chiếc máy bay này khoảng 100.000 euro. Tốc độ tối đa 240 km một giờ, tầm bay 120 km, độ cao bay 100 mét, trọng tải tối đa sáu kg. Không nhiều nhưng đủ để vận chuyển những thứ quan trọng như thuốc men, đồ dùng cấp cứu.
Trong những năm tới, hàng nghìn máy bay không người lái như vậy dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho các khu vực rộng lớn của châu Phi. Doanh nghiệp khởi nghiệp Wingcopter của Đức đã có được các đơn đặt hàng với số lượng lớn. Dự kiến, sẽ có 12.000 máy bay được giao cho Continental Drone trong vòng 5 năm tới, công ty này dự định sử dụng chúng để thiết lập mạng lưới giao hàng ở 49 quốc gia châu Phi khu vực cận Sahara.
Hiện nay đã có khoảng 10 drone của nhà sản xuất Wingcopter Đức hoạt động tại miền trung Malawi.
Cách đây mười năm, Tom Plümmer, nay là giám đốc Wingcopter, học xong khóa phương tiện kỹ thuật số. Anh làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Ghana, chuyên chụp ảnh từ trên không bằng drone. Trong quá trình làm việc tại đây Plummer đã nẩy sinh ý định dùng drone để vận chuyển hàng hóa, thuốc men chữa bệnh cho con người. Từ đó, ra đời dịch vụ vận chuyển bằng drone ở châu Phi.
Khi về Đức anh gặp Jonathan Hesselbarth, một người có nhiều kinh nghiệm với drone. Họ đã cùng nhau cải tiến để sau khi drone cất cánh thẳng đứng, các cánh quạt được quay 90 độ, biến máy bay không người lái thành một mặt phẳng cho phép đạt được tốc độ và tầm bay lớn hơn. Kỹ sư công nghiệp Ansgar Kadura sau đó cùng tham gia. Bộ ba này đã cùng nhau thành lập công ty Wingcopter cách đây 5 năm. Wingcopter 198 được sản xuất từ đầu năm nay.
Cần tiền để chuyển sang sản xuất lớn
Nhiều công đoạn sản xuất hiện nay như làm khung nhựa của máy bay đều làm thủ công cho nên mất nhiều công sức và thời gian. Hiện tại mức phấn đấu của họ là sản xuất mỗi ngày 12 drone.
Để thiết lập sản xuất công nghiệp cho hàng nghìn máy bay không người lái, Plümmer và các đồng nghiệp của ông hiện bí nhất là tiền vốn. Tính đến thời điểm hiện tại, họ đã thu về khoảng 25 triệu euro nhưng khoản tiền này chỉ đủ để mày mò, thử nghiệm ban đầu. Đối thủ cạnh tranh gần nhất của công ty này là Zipline có trụ sở tại San Francisco, đã huy động được 250 triệu đô la vào năm ngoái và được định giá 2,75 tỷ đô la.
Máy bay không người lái giao hàng của Mỹ có vẻ kém hơn về mặt kỹ thuật. Máy bay không người lái zipline không thể tự cất cánh hoặc hạ cánh mà phải được phóng lên không trung bằng thiết bị phóng. Máy bay không người lái của Mỹ thả hàng bằng dù và phải bắt bằng lưới an toàn. Người Mỹ đã thực hiện 275.000 lượt giao hàng thương mại, tại khu vực xung quanh thủ đô Kigali của Rwandan, được biết 75% tổng số mẫu máu được gửi bằng đường zipline.
Bây giờ Wingcopter cũng muốn tiến sâu vào cuộc tranh đua này. Plummer nói việc huy động vốn ở Đức vốn dĩ rất khó khăn, sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu có sơ lượng đặt hàng lớn hơn. Theo Plummer máy bay không người lái giao hàng đang là ngành kinh doanh phát triển nhanh nhất trong phân khúc máy bay không người lái hiện nay. “Thị trường của chúng tôi đang tăng hơn 53% hàng năm lên 39 tỷ euro vào năm 2030.” Một nghiên cứu của Mỹ từ năm ngoái xác nhận dự báo này.
Plummer nói, có rất nhiều cách sử dụng có thể có đối với máy bay không người lái giao hàng. Ngoài các dự án đang thực hiện ở Châu Phi và Nam Mỹ, Wingcopter đã được thử nghiệm thành công ở Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ở bang Mecklenburg-Western Pomerania tại Đông bắc Đức, máy bay không người lái đã vận chuyển các mẫu máu từ Wolgast đến Bệnh viện Đại học Greifswald. Plummer nói: tại các nước công nghiệp hệ thống giao thông không thiếu nhưng lại hay xảy ra ùn tắc. Drone có thể giúp khắc phục tình trạng này.
Hoài Nam tổng hợp
(Visited 1 times, 1 visits today)