Hiệu ứng giả dược gây tác dụng phụ sau tiêm vaccine Covid
Một nghiên cứu mới cho thấy hơn 2/3 số tác dụng phụ phổ biến mà mọi người thường gặp sau khi tiêm vaccine COVID có thể do hiệu ứng nocebo, một loại hiệu ứng giả dược, chứ không phải do vaccine.
Các nhà khoa học ở Mỹ đã kiểm tra dữ liệu từ 12 thử nghiệm vaccine COVID-19 lâm sàng và phát hiện ra rằng “hiệu ứng nocebo” chiếm khoảng 76% tổng số phản ứng tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm liều vaccine đầu tiên và gần 52% sau liều thứ hai. Hiệu ứng nocebo là khi bệnh nhân được cho biết giả dược có tác dụng phụ có hại, họ sẽ cảm thấy tác dụng phụ có hại đó.
Phần lớn các tác dụng phụ nhẹ hơn, chẳng hạn như đau đầu, mệt mỏi và đau cánh tay không phải do các thành phần của vaccine gây ra cho người tiêm, mà do hiệu ứng nocebo, có thể xuất phát từ tình trạng lo lắng, kỳ vọng sau khi tiêm hoặc do triệu chứng từ các tình trạng sức khỏe khác.
Nếu nói với bệnh nhân rằng: “tác dụng phụ” sau tiêm cũng xuất hiện ở các nhóm tiêm giả dược trong các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, thì họ sẽ bớt lo lắng, theo Ted Kaptchuk, giáo sư Y học xã hội và Sức khỏe toàn cầu tại Trường Y Harvard, và là tác giả cao cấp của nghiên cứu, cho biết. Tuy nhiên để chắc chắn đây là sự thật vẫn cần nghiên cứu thêm, Kaptchuk lưu ý.
Kaptchuck và Tiến sĩ Julia Haas tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess ở Boston đã phân tích các tác dụng phụ được báo cáo trong hàng chục thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19. Trong mỗi thử nghiệm đều có hai nhóm, nhóm tiêm vaccine thật và nhóm tiêm giả dược, dung dịch muối không hoạt tính. Nhóm Kaptchuk không xem xét các tác dụng phụ nghiêm trọng, hiếm gặp như đông máu hoặc viêm tim.
Báo cáo trên tạp chí Jama Network Open, nhóm nghiên cứu cho biết sau mũi tiêm đầu tiên, hơn 35% những người trong nhóm tiêm giả dược đã trải qua những tác dụng phụ “toàn thân”, chẳng hạn như đau đầu và mệt mỏi, và 16% những người trong nhóm tiêm giả dược báo cáo xuất hiện cơn đau ở các vị trí cụ thể như đau cánh tay hoặc mẩn đỏ, sưng tấy tại chỗ tiêm.
Tuy nhiên, đúng như dự đoán, nhóm tiêm vaccine thật có nhiều khả năng xuất hiện các tác dụng phụ hơn. Khoảng 46% nhóm này cho biết có các triệu chứng toàn thân, và 2/3 bị đau cánh tay hoặc các triệu chứng khu trú khác tại chỗ tiêm.
Khi các nhà nghiên cứu xem xét các tác dụng phụ sau mũi thứ hai, họ nhận thấy tỷ lệ đau đầu hoặc các triệu chứng toàn thân khác ở nhóm tiêm vaccine cao gần gấp đôi so với nhóm giả dược, lần lượt là 61% và 32%. Sự khác biệt thậm chí còn lớn hơn đối với tác dụng phụ ở các vị trí cụ thể, cụ thể là 73% ở những người đã tiêm vaccine và 12% ở những người tiêm giả dược.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu tính toán rằng khoảng 2/3 các phản ứng phụ phổ biến được báo cáo trong các thử nghiệm vaccine Covid là do hiệu ứng nocebo, đặc biệt là các triệu chứng nhức đầu và mệt mỏi – đây cũng là các triệu chứng mà các hướng dẫn tiêm vaccine COVID-19 liệt kê là phản ứng phụ phổ biến nhất sau khi tiêm.
Có các bằng chứng cho thấy rằng thông tin về các tác dụng phụ có thể khiến mọi người dễ gặp hiệu ứng nocebo hơn, Kaptchuk vẫn cho rằng nên cung cấp đầy đủ thông tin về các tác dụng phụ cho người tiêm. “Hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng không nên nói quá nhiều về tác dụng phụ cho bệnh nhân để họ bớt lo lắng. Tôi nghĩ rằng điều này là sai. Trung thực là cách làm đúng,” Kaptchuk nói.
Minh Minh
(Visited 1 times, 1 visits today)