5 mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn

Trước những mối đe dọa nhãn tiền về sự khan hiếm nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường, khái niệm về một nền kinh tế mới – nền kinh tế tuần hoàn – đang nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía các chính phủ, tổ chức, nhà kinh tế và các tập đoàn lớn trên thế giới. Dưới đây là một số thông tin khái quát về mô hình nền kinh tế này.


Nền kinh tế chia sẻ là một mô hình hiệu quả và tiết kiệm, đang được nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng hưởng ứng.

Ở quy mô doanh nghiệp, hiện nay, chiến lược kinh doanh, cơ cấu tổ chức, hoạt động, chuỗi cung ứng… của các công ty hầu hết đều được xây dựng xung quanh nền kinh tế tuyến tính. Những công ty muốn tận dụng lợi thế của nền kinh tế tuần hoàn cần phải phát triển các mô hình kinh doanh mới, không có những cản trở của lối tư duy có tổng bằng 0 (người này được tức là người kia mất).

Qua nghiên cứu đối với 120 công ty đã đạt được những thành tích quan trọng trong việc cải thiện hiệu suất nguồn lực, hãng nghiên cứu Accenture đã tổng kết và đưa ra năm mô hình kinh tế có khả năng giúp các doanh nghiệp tạo dựng được sự khác biệt, giảm bớt chi phí dịch vụ và sử dụng, tạo nguồn doanh thu mới và giảm thiểu các rủi ro thị trường. Dưới đây là những thông tin tóm lược giới thiệu về năm mô hình kinh doanh này:

1. Chuỗi cung ứng tuần hoàn

Khi một công ty cần các nguồn nguyên liệu hiếm hoặc gây hại cho môi trường, thường thì họ phải trả tiền nhiều hơn để mua hay phải tìm các nguồn nguyên liệu thay thế khác. Mô hình chuỗi cung ứng tuần hoàn lại mang đến những nguyên liệu có thể tái chế, tái sử dụng hoặc được phân hủy bằng con đường sinh học. Có thể sử dụng các nguyên liệu này trong các chu kỳ tiếp nối nhau không ngừng, từ đó giúp làm giảm chi phí, củng cố khả năng kiểm soát nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp, đồng thời giảm bớt những rủi ro về thị trường. Ví dụ: CRAiLAR Technologies Inc., một công ty tại Mỹ sản xuất sinh chất tái chế sử dụng cây lanh và gai dầu để tạo ra sợi có chất lượng tốt tương đương sợi bông mà không gây tác động tới môi trường.

2. Phục hồi và tái chế

Trong mô hình phục hồi và tái chế, chất thải từ các hệ thống sản xuất và tiêu thụ đều được “tái sinh” và sử dụng cho các mục đích khác. Các công ty có thể phục hồi các sản phẩm đã tới giai đoạn cuối của chu kỳ sử dụng để lấy hoặc tái sử dụng các nguyên liệu, năng lượng và hợp phần còn giá trị trong sản phẩm, hoặc họ cũng có thể tái chế rác thải và sử dụng các sản phẩm phái sinh trong một quá trình sản xuất. Ví dụ: Tập đoàn P&G vận hành 45 cơ sở sản xuất của mình mà không hề thải ra bất kỳ chất thải nào.

3. Kéo dài đời sống sản phẩm

Với những sản phẩm bị hỏng hóc, lỗi thời, hay không còn cần thiết nữa, người tiêu dùng ngày nay thường vứt bỏ chúng đi. Nhưng trên thực tế, nhiều sản phẩm trong đó vẫn còn giá trị đáng kể, và mô hình kéo dài đời sống sản phẩm ra đời nhằm thu lại và sử dụng những giá trị đó. Bằng cách bảo dưỡng và cải thiện sản phẩm thông qua việc sửa chữa, nâng cấp, tân trang, hay tiếp thị lại thị trường, các công ty có thể duy trì những lợi ích về kinh tế của các sản phẩm này trong một thời gian dài. Để làm được điều này, các công ty cần chuyển từ hoạt động bán sản phẩm đơn thuần sang chủ động duy trì giá trị tương thích của sản phẩm. Mối quan hệ giữa công ty với khách hàng cũng cần thay đổi từ mối quan hệ đơn lẻ giữa các lần trao đổi/mua bán sang mối quan hệ dài lâu, trong đó các công ty có thể thực hiện nâng cấp và thay đổi sản phẩm cũ dựa trên yêu cầu cụ thể của từng khách hàng. Ví dụ: tập đoàn máy tính Dell mở thêm hoạt động tân trang máy tính, trong đó họ mua lại những máy tính cũ và bán lại các linh kiện còn giá trị sử dụng

4. Nền tảng chia sẻ

Tại các quốc gia phát triển, có đến 80% đồ vật trong một hộ gia đình trung bình chỉ được sử dụng trong khoảng thời gian một tháng và sau đó bị “bỏ xó”. Mô hình nền tảng chia sẻ, vốn đang được sự hỗ trợ ngày càng hiệu quả của các công nghệ kỹ thuật số mới ra đời, kiến tạo nên các mối quan hệ mới và các cơ hội kinh doanh mới cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ) để họ có thể cho thuê, chia sẻ, trao đổi hay cho mượn những đồ dùng họ sở hữu nhưng ít sử dụng. Với mô hình này, việc sản xuất các sản phẩm thường dùng sẽ tốn ít nguồn lực hơn, còn người tiêu dùng lại có thêm cơ hội kiếm thêm thu nhập và tiết kiệm tiền. Các hãng cung cấp dịch vụ dùng chung phương tiện di chuyển như Uber, Lyft và Airbnb (website rao vặt các đồ vật muốn cho thuê) là những ví dụ tiêu biểu trong mô hình này.

5. Coi sản phẩm là dịch vụ

Điều gì sẽ xảy ra nếu cả nhà sản xuất và nhà bán lẻ đều chịu chung “tổng chi phí sở hữu?” Trong trường hợp này, nhiều công ty hẳn sẽ ngay lập tức thay đổi chiến lược và quay sang tập trung vào tuổi thọ, sự tin cậy, và khả năng tái sử dụng của các sản phẩm. Khi người tiêu dùng thuê sản phẩm về sử dụng thông qua mô hình coi sản phẩm là dịch vụ này, mô hình kinh doanh sẽ có sự biến đổi cơ bản theo chiều hướng tích cực, bởi lúc này tính hiệu quả của sản phẩm sẽ được coi trọng hơn số lượng, độ bền sản phẩm sẽ được đánh giá cao, và các công ty cũng sẽ có cơ hội được xây dựng những mối quan hệ mới với người tiêu dùng. Ví dụ: hiện nay, hãng Koninklijke Philips NV đang áp dụng cơ chế cung cấp “dịch vụ chiếu sáng” trong đó họ tính tiền khách hàng theo công suất điện được sử dụng chứ không theo số lượng sản phẩm bán ra.

Việc ứng dụng năm mô hình kinh doanh tuần hoàn trên ngày càng phát triển trong thập kỷ qua. Ban đầu, các mô hình kinh doanh sáng tạo này chủ yếu do các startup triển khai. Tới nay, nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng đang có những động thái nghiêm túc trong khía cạnh này.

Đức Phát lược dịch theo báo cáo của Accenture

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)