50 năm VN thi Olympic toán quốc tế: Những lợi ích lớn lao trong đào tạo nguồn nhân lực  

Lợi ích của việc tham gia Olympic Toán quốc tế (IMO) không chỉ là thành tích - Việt Nam luôn nằm trong top 5-15 trong 50 năm, thậm chí top 10 nước điểm cao nhất toàn thế giới suốt 32 năm, mà còn ở việc thúc đẩy phong trào dạy và học toán ở bậc phổ thông, nền tảng quan trọng cho nguồn nhân lực sau này.

Cuộc Hội thảo đánh giá công tác bồi dưỡng và kết quả thi học sinh giỏi môn toán quốc gia, quốc tế giai đoạn 2015 – 2024 là dịp gặp mặt của thế hệ các nhà giáo dẫn đội tuyển, các thế hệ học sinh tham gia IMO 50 năm qua. Ảnh: BTC

Thúc đẩy niềm say mê học toán

Lần đầu tiên tham gia IMO vào năm 1974, dù việc dạy và học còn đầy rẫy khó khăn do chưa thoát khỏi tình trạng chiến tranh và nghèo khó nhưng Việt Nam đã có huy chương vàng đầu tiên. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đoạt 271 huy chương tại IMO (trong đó, 69 huy chương vàng, 117 huy chương bạc, 85 huy chương đồng), tỉ lệ học sinh được huy chương là 94%. Có 10 học sinh xuất sắc đạt số điểm tuyệt đối, 10 học sinh đạt 2 huy chương vàng.

“Phải nói là IMO đã mang lại phong trào học toán tốt hơn rất nhiều. Mỗi năm có sáu bạn thi IMO thôi, nhưng chúng ta có hàng nghìn học sinh thi toán”. GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, có 11 năm đồng hành, dẫn đội tuyển Việt Nam thi IMO nhận định tại “Hội thảo đánh giá công tác bồi dưỡng và kết quả thi học sinh giỏi môn toán quốc gia, quốc tế giai đoạn 2015 – 2024”, nhân kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự IMO, do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) phối hợp với Hội Toán học tổ chức. Nhưng những thành tích nổi trội này không phải là tất cả và lợi ích mang lại không chỉ “khu trú” ở những em học sinh trực tiếp tham gia IMO mà rộng ra hơn là thúc đẩy sự say mê học toán ở học sinh ở các đội tuyển thi ở các cấp và tinh thần học toán nói chung.

Đây cũng là điều mà những người từng trải nghiệm IMO như GS.TS Ngô Bảo Châu, VIASM và ĐH Chicago, Hoa Kỳ, TS. Phạm Tuấn Huy, ĐH Stanford, Hoa Kỳ hay ông Phạm Kim Hùng, CEO Công ty Cổ phần True Platform, PGS.TS. Nguyễn Phi Lê, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng chung suy nghĩ.

Một cách trực tiếp cho việc học toán và làm toán, việc rèn giũa trong các đội tuyển với cường độ làm bài, thi thử thường xuyên, trong các kỳ thi toán không chỉ mang lại “tâm lý thi cử rất tốt, không cảm thấy áp lực thi cử” và “không có IMO thì tôi không thành nhà toán học” như giáo sư Ngô Bảo Châu kể, hay “IMO mang tôi đến gần toán học hơn, bắt đầu cảm nhận về vẻ đẹp của toán học” như chia sẻ của TS Phạm Tuấn Huy, mà còn mang lại nền tảng tư duy logic, cho công việc sau này.

“Toán học giúp ích gì cho công việc hiện nay? giúp ích rất nhiều”, PGS.TS. Nguyễn Phi Lê cho biết. “Học toán cho tư duy logic rất tốt. Khi mình học toán chuyên sâu một thời gian dài thì mình có tính kiên trì, không ngại khó. Hiện nay tôi làm công nghệ thông tin (IT), đặc biệt là về trí tuệ nhân tạo (AI), mọi người cứ nói học toán sơ cấp không liên quan, nhưng khi làm IT tôi thấy toán sơ cấp liên quan rất nhiều. Chẳng hạn như công nghệ Blockchain chẳng hạn, dùng rất nhiều đến toán sơ cấp hay với AI thì cần đến các kiến thức về xác xuất thống kê hay đại số tuyến tính rất nhiều. Không phải chỉ có đi nghiên cứu toán học mới dùng đến kiến thức ấy, mà kể cả học kinh tế, trong điều hành mình có tư duy logic rất tốt thì cũng làm cho mình lên kế hoạch, giải quyết vấn đề rất tốt”, PGS.TS. Nguyễn Phi Lê nói.

Tạo môi trường bồi đắp cho toán và khoa học từ bậc phổ thông

Nhưng sau chặng đường nửa thế kỷ đó, trong giai đoạn tới đây, trực tiếp với kỳ thi IMO “liệu chúng ta cố gắng duy trì top 5 – 10, hay muốn cạnh tranh vào top 1 – 4?”, GS.TS Lê Anh Vinh cho rằng mấu chốt vẫn là ở việc tổ chức chọn, đào tạo học sinh, tiếp tục phát huy cách làm rất bài bản trước đây và đồng thời học hỏi cách tổ chức của các nước khác.

“Chúng ta thành công phần rất lớn dựa vào mạng lưới trường chuyên. Các trường đã làm rất tốt trong việc chọn đội tuyển”, GS.TS Lê Anh Vinh nói. Sự phát triển của các trường chuyên cũng như hệ thống các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và kỳ thi chọn đội tuyển tham gia các kỳ thi khu vực và quốc tế đã tạo phong trào học tập trong các nhà trường, góp phần phát hiện và bồi dưỡng tài năng ở bậc phổ thông.

Các thế hệ các nhà toán học: giáo sư Hà Huy Khoái, giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư Ngô Bảo Châu, giáo sư Lê Anh Vinh. Ảnh: BN

Cùng chung tâm tư ấy, PGS. TS. Nguyễn Vũ Lương, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên KHTN, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho rằng đúng là “kết quả thi IMO là thực sự xuất sắc”, nhưng nếu “không tổng kết nguyên nhân chiến thắng thì chúng ta tưởng là ngẫu nhiên, tự nhiên được như vậy”. Ông cho biết, “đào tạo học sinh giỏi, và nhất là tại các kỳ thi toán quốc tế là việc không thể chối từ”. Bằng kinh nghiệm của ngôi trường chiếm 30,3% tổng số huy chương của cả nước (trong đó 46,4% huy chương vàng, 26,5% huy chương bạc và 22,4% huy chương đồng), đặc biệt có 6/10 học sinh (chiếm 60%) đạt điểm tuyệt đối, ông cho biết trường đúc rút nhiều kinh nghiệm qua các năm, từ chỗ tổ chức đào tạo theo đội tuyển từ đầu những năm 1990, tới chỗ tìm cách phát hiện sớm, đào tạo gối đầu ngay từ lớp 10, 11 để tạo nguồn kế cận cho tuyến chủ lực cho các đội IMO là lớp 12, từ khoảng 10 năm trước đây. “Chúng tôi tổ chức đội tuyển có 4-5 em học lớp 12, với nhóm này đào tạo thật kỹ để đi thi, 4 em học lớp 11 để chuẩn bị cho năm sau và có 1-2 em học sinh thật sự xuất sắc học lớp 10 học chung với đội tuyển để làm vốn cho 1-2 năm nữa. Rất mừng là trong những năm vừa qua có các em được giải IMO ngay từ lớp 11”, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương nói.

Nhưng làm thế nào để có “vốn” ngay từ lớp sớm? Điều mà PGS.TS Nguyễn Vũ Lương “luôn quan tâm và muốn là có học sinh giỏi từ bậc trung học cơ sở”. Theo ông, nhiều “cái hay cái giản dị, cái đẹp của toán có thể được dạy từ cấp 2”. Hiện nay không còn các trường chuyên từ bậc trung học cơ sở, nên ông khuyến nghị các trường có thể tổ chức các câu lạc bộ toán học – các trường trung học phổ thông liên kết với trung học cơ sở cùng tổ chức cho các em cùng học toán, thi thử toán, cũng như đề nghị cần tổ chức đề thi học sinh giỏi quốc gia sao cho đồng dạng với thi quốc tế với các đề rất giản dị trong sáng; nên lập một ủy ban Olympic về toán.

Nhìn rộng ra hơn, với giáo dục phổ thông, làm sao đề cao vai trò môn toán, từ phổ thông đến đào tạo đại học, sau đại học, trong nghiên cứu, làm sao để toán học không chỉ chiếm thời lượng nhiều hơn trong chương trình học mà còn tạo hứng thú cho người học, là điều mà những nhà quản lý như Thứ trưởng Bộ Giáo dục Hoàng Minh Sơn trăn trở. “Chúng ta muốn có chiều sâu thì phải đào rộng, muốn có cây cao thì phải vun từ gốc”. Trong quá trình xây dựng đề án xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao tới đây, ông cho biết “chúng ta cũng phải đi từ gốc, từ giáo dục phổ thông”. Tuy nhiên “có một tin đáng buồn là tỉ lệ học sinh các trường chuyên chọn ngành STEM ở đại học chỉ đạt 26,6%, còn thấp hơn cả tỉ lệ chung của cả nước là 31%. Đây là điểm chúng ta cần suy nghĩ”, ông Hoàng Minh Sơn nói.

Vì thế, Hội thảo vẫn còn đọng lại với “nhiều câu hỏi làm sao để việc học toán bền vững, làm sao học toán trở thành mong muốn tự nguyện của các bạn trẻ. Chúng ta nói nhiều về công nghệ bán dẫn, AI, cần phải làm chủ các công nghệ này? Làm sao mà làm chủ được khi mà thời lượng các môn toán và khoa học cơ bản bị giảm?”, giáo sư Ngô Bảo Châu nói.

“Tôi thấy bất cập về việc người ta hay hỏi học toán để làm gì, học nhiều thế để làm gì? tại sao lại dùng tiền ngân sách để đào tạo một nhóm nhỏ học sinh, thì đó là suy nghĩ chưa thấu đáo, chưa nhìn thấy thực ra đó là một dạng đầu tư xứng đáng. Đầu tư cho học sinh giỏi, cho một tương lai về khoa học và công nghệ của đất nước”, giáo sư Ngô Bảo Châu nhận định.

Bài đăng số 1305 (số 33/2024) KH&PT

Tác giả

(Visited 60 times, 1 visits today)