9 startup sẽ thay đổi thế giới trong năm 2016

9 Start-up thuộc các lĩnh vực y học, năng lượng, công nghệ thông tin được Tuần báo Kinh tế Đức bình chọn sẽ có vai trò quyết định trong năm 2016.


DJI – Tiên phong thương mại hóa drone

Frank Wang được coi là một người nhút nhát. “Nếu gặp may thì có thể tóm được anh ấy ở bộ phận nghiên cứu” – nhân viên của anh cho biết. Wang, 35 tuổi, là nhà sáng lập Dajiang Innovation (DJI). Vẫn như lúc bắt đầu sự nghiệp, Wang luôn say sưa tìm hiểu các vấn đề về kỹ thuật. Anh là người đã đóng góp lớn để hãng chế tạo thiết bị bay (drone) có trụ sở ở Thâm Quyến này trở thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này cả về kinh doanh lẫn công nghệ.


Frank Wang và máy bay không người lái của DJI

DJI, thành lập năm 2006, hiện có 4500 nhân viên, có giá trị từ 7 đến 9 tỷ Euro và chiếm 70% thị phần trên thế giới. Lý do khiến DJI thành công là bởi: các drone của họ có thể điều khiển dễ dàng thông qua ứng dụng di động và máy quay phim gắn trên drone có thể quay video với chất lượng cao. Hiện tại, bất kỳ ai dùng loại drone mới nhất của DJI cũng có thể quay những video tuyệt đẹp từ trên không với giá phải chăng.

Nhà sáng lập Wang là một trong những người tiên phong trong việc ứng dụng thiết bị bay dân dụng, những ứng dụng kiểu như cách lính cứu hỏa dùng drone để quan sát đám cháy, Amazon và Bưu điện Đức dùng chúng để vận chuyển bưu kiện.

Hiện nay, DJI đang mở rộng đối tượng khách hàng với việc phát triển một loại drone “nồi đồng cối đá” dành cho nông dân để phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Bên cạnh đó, Wang vẫn phục vụ khách hàng cá nhân: anh vừa khai trương một cửa hàng với diện tích 800 m2 ở Thâm Quyến.

R3 CEV – cuộc cách mạng với Wall Street

Sự thay đổi có thể diễn ra dưới tác động của ngoại cảnh hay chủ động từ nội lực. 42 ngân hàng hàng đầu thế giới, trong đó có Goldman Sachs, Deutsche Bank và UBS – thiên về giải pháp thứ hai và họ đã liên kết với Start-up R3 CEV. Start-up ở New York này muốn dựa vào blockchain – công nghệ đứng sau đồng tiền ảo Bitcoin – để làm một cuộc cách mạng đối với Wall Street. Ít nhất là như thế.


R3CEV sử dụng công nghệ blockchain – đứng sau đồng tiền ảo Bitcoin để thay đổi cách quản lí giao dịch của ngân hàng.

R3 CEV cùng quản lí thông tin với các ngân hàng. Được thành lập năm 2014 bởi nhà môi giới chứng khoán thành đạt David Rutter, R3 CEV hiện có khoảng 25 nhân viên. Đó là các nhà khoa học máy tính, kỹ sư công nghệ và các chuyên gia ngân hàng, không phải là những người trẻ ở lứa tuổi 25 như các công ty khởi nghiệp khác mà là những chuyên gia tài chính giàu kinh nghiệm bậc nhất. Mục tiêu của R3 CEV: trở thành một dạng nhà máy tài chính quốc tế, có khả năng lưu lại mọi sự thay đổi chủ sở hữu của cổ phiếu, ngoại tệ hay bất động sản, việc lưu trữ được thực hiện một cách bảo mật nhờ các khóa mật mã. Công nghệ blockchain cho phép thực hiện điều này. Nó cũng ngăn chặn mọi sự sửa đổi sau khi giao dịch đã được đăng ký.

Mọi chủ sở hữu của một cổ phiếu và tất cả hoạt động kinh doanh liên quan đến nó đều có thể được truy xuất. Ngân hàng – bên trung gian thực hiện chức năng này –  không còn cần thiết trong thế giới số và có nguy cơ trở nên lỗi thời. Nếu muốn tồn tại, các tổ chức tài chính phải cố gắng tạo ra một chuẩn riêng dựa vào R3 CEV. Start-up này có những kế hoạch lớn cho năm 2016 và đang đàm phán với các công ty bảo hiểm và các ngân hàng thanh toán bù trừ (clearing house).

uBiome – Đo lường sức khỏe nhờ vi khuẩn

Nhiều người không khỏi lắc đầu khi tưởng tượng hàng triệu triệu vi khuẩn, virus hay các loại nấm ở mọi ngóc ngách trong cơ thể mình. Tuy nhiên, phần lớn các loại vi sinh vật này (microbiome) không những vô hại mà còn có ích (ví dụ chúng giúp cho quá trình tiêu hóa). Một số nhà nghiên cứu cho rằng quần thể vi sinh vật này cũng có vai trò trong một số bệnh như tiểu đường, béo phì hay trầm cảm.


Bộ kittest của ubiome

Giờ đây uBiome muốn làm rõ vấn đề này. Một nhóm ba nhà khoa học đã thành lập start-up này vào năm 2012 ở San Francisco. Công ty đã bán ra bộ giải mã (Testkits) với giá từ 100 đến 400 Euro cho những người trên thế giới muốn giải mã microbiome của mình. Họ chỉ cần thu thập mẫu nước bọt hay phân. uBiome giải mã các thành phần của mẫu này. Khách hàng có thể xem trực tuyến các số liệu và trao đổi với thầy thuốc của mình. Cho đến nay các nhà nghiên cứu đã đánh giá trên 50.000 mẫu nặc danh đã thu lượm được.

Từ đó cho thấy uBiome liên quan đến ba xu hướng chủ đạo trong y học: nghiên cứu về microbiome, để mọi người tự đo lường sức khỏe của mình và việc sử dụng Big Data trong ngành y tế. Vì chỉ có thông qua phương pháp đánh giá này mới chuẩn đoán được các dấu hiệu từ núi dữ liệu khổng lồ, từ đó các nhà nghiên cứu mới có thể phát triển cách tiếp cận để tìm ra phương pháp điều trị.

Dyesol – Pin mặt trời giá rẻ


Pin Mặt trời của Dyesol, có giá chỉ bằng 2/3 so với pin silicon truyền thống cùng hiệu năng.

Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu ghi rõ: chúng ta phải giã từ than, khí đốt và dầu. Điều này chỉ có thể trở thành hiện thực khi hạ thấp đáng kể giá thành của năng lượng tái tạo. Và đó chính là mục tiêu của công ty Australia Dyesol. Công ty này phát triển pin Mặt trời từ nguyên vật liệu giá rẻ – perovskites (khoáng vật canxi ti tan ôxít). Vào năm 2009, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu đã sử dụng khoáng vật này để làm pin Mặt trời. 

Kể từ đó, hiệu suất của nó đã tăng lên tới 21%, tốc độ tăng nhanh hơn nhiều so với bất kì loại pin Mặt trời nào khác trước đó. Theo Dyesol, nhờ sự phát triển của công nghệ, giá thành của các module pin Mặt trời có thể giảm chỉ bằng 2/3 so với các pin truyền thống làm từ silicon với cùng hiệu năng.

Thành lập từ năm 2004, nhưng mãi tới những năm gần đây, Dyesol mới dựa vào perovskites. Công ty của Australia này đã thu hút được 120 triệu USD vốn mạo hiểm và dự kiến năm 2016 sẽ giới thiệu một module pin Mặt trời khổ rộng. Năm 2017 sẽ sản xuất thử nghiệm với đối tác đang đàm phán là Thổ Nhĩ Kỳ. Khi đưa vào sản xuất quy mô lớn, module của họ có thể cung cấp điện với giá thành là sáu Cent trên một Kilowatt giờ – thấp hơn so với các nhà máy nhiệt điện chạy than kiểu mới.

Crispr Therapeutics – Công cụ điều trị các bệnh di truyền

Tạp chí khoa học “Science” mới đây bình chọn cơ chế với cái tên rắc rối Crispr-Cas9 là “phát hiện đột phá của năm 2015”; “Kỹ thuật này sẽ thúc đẩy rất mạnh mẽ việc nghiên cứu và phát triển”, theo đánh giá của bà Emmanuelle Charpentier, một trong số các nhà phát minh ra công cụ công nghệ sinh học cực kỳ hữu dụng, nhờ nó, vật chất di truyền của thực vật, động vật và cả con người có thể được cắt ghép đơn giản chưa từng thấy.


Emmanuelle Charpentier, người sáng lập Crispr Therapeutics

Nhà nghiên cứu gốc Paris, Pháp – Charpentier hiện là giám đốc Viện Max Planck về sinh học truyền nhiễm ở  Berlin và là đồng sáng lập Start-up Crispr Therapeutics vào năm 2014. Công ty này ngay lập tức có số vốn khởi nghiệp là 25 triệu USD và sau hơn một năm đã có 40 nhân viên. Bà cho biết, “chúng tôi sẽ tìm cách điều trị các căn bệnh di truyền”. Cho đến nay có khoảng 5000 bệnh loại này đã được biết đến.

Cách đây ít tuần, công ty này đã ký kết một thương vụ làm ăn với công ty công nghệ sinh học Vertex (Hoa Kỳ) trị giá 105 triệu USD, nhằm điều trị căn bệnh xơ nang di truyền, bệnh này có thể gây tổn thương phổi nghiêm trọng. Mới đây tập đoàn dược phẩm Bayer (Đức) cũng đầu tư 35 triệu để mua cổ phần của Start-up này.

Crispr Therapeutics giúp cắt ghép gene một cách chính xác, cho phép tạo ra những đứa trẻ với bộ gene được thiết kế trước. Cuộc tranh luận về ứng dụng này chắc chắn sẽ được truyền thông chú ý vào năm 2016.

Magic Leap – Công nghệ ảo thuật

Một vài công nghệ đột phá tới mức như một màn ảo thuật, và người điều khiển nó giống như đang phù phép. Rony Abovitz là một người như thế. Đứng đầu start-up Magic Leap ở California, anh sẽ thay đổi mạnh mẽ cách chúng ta nhìn thế giới. Anh muốn chúng ta nhìn thấy các mô hình máy tính 3D ảo hiện lên cùng với các vật dụng thật trong môi trường thực tế.


Con cá voi ảo do Magic Leap tạo ra hiện hữu giữa phòng tập gym dưới sự chứng kiến của các em học sinh.

Trong phòng tập gym, một con cá voi ảo nhảy lên khỏi mặt sàn, trình diễn như thật. Bởi vì, những nhân vật ảo và những vật dụng thật đều được tính toán mô phỏng và tuân thủ định luật hấp dẫn. Kỹ thuật để thực hiện điều này vẫn là bí mật.

Magic Leap tiến xa hơn rất nhiều so với những ứng dụng thực tế ảo dành cho thiết bị di động hiện nay và họ đã thu về được 827 triệu USD tiền đầu tư và đang tiến tới mục tiêu gọi vốn 1.4 tỉ USD. Những nhà đầu tư đã bị Abovitz thuyết phục và sớm thôi, anh ta sẽ làm kinh ngạc cả thế giới với một thế hệ internet mới: Những kiến trúc sư cặm cụi bên những mô hình ảo, bác sĩ quan sát mô hình cơ thể ảo để phẫu thuật, game thủ chiến đấu với đối thủ ảo trong phòng khách của mình. Thế giới sẽ trở nên hoàn toàn khác.

Faraday Future – Đối thủ của Tesla?

Ngay trước khi khai mạc Hội chợ điện tử CES đầu tháng giêng ở Las Vegas, start-up Faraday Future đã trình diễn ở California một hình mẫu ô tô điện trong tương lai sẽ có mặt trên thị trường năm 2017. Một startup về ô tô điện tầm cỡ Tesla?


Ô tô demo của Faraday Future

Cho đến nay chỉ có một phỏng đoán: Faraday Future muốn sản xuất hàng loạt ô tô điện không người lái nhưng không phải để bán cho khách hàng. Start-up này coi mình là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đi lại: ai muốn sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp này có thể mua số km dự định sử dụng và tự do lựa chọn xe cỡ nhỏ đưa đi làm, dùng xe SUV cho các chuyến đi chơi cuối tuần xa hơn hoặc một chiếc mui trần để làm một chuyến đi biển. Được biết  start-up này dự kiến cho ra đời bảy loại xe khác nhau, nhà máy sản xuất sẽ được xây ở gần Las Vegas với khoản đầu tư cỡ một tỷ USD.

Có khả năng Apple là một nguồn tài chính hỗ trợ start-up này hoặc tỷ phú người Trung Quốc Jia Yueting, nhà sáng lập dịch vụ video trực tuyến Leshi Television, vốn được coi là một Netflix của Trung Quốc.

Điều chắc chắn là: họ có một tỉ USD được đầu tư cho giai đoạn hạt giống.Và startup này tiêu tiền khá thông minh: họ thu hút được nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế, phát triển, chế tạo và bán hàng, giống như đối thủ Tesla. Hiện họ đã có khoảng 500 nhân viên. 

Bước vào thị trường không có nhiều rào cản: ô tô chạy động cơ điện đơn giản hơn nhiều so với xe chạy bằng động cơ đốt trong. Hơn nữa giá ác quy đang giảm. Vì Trung Quốc đổ nhiều vốn vào ngành này nên họ hết sức coi trọng những công ty mới. 

Exiii – Cánh tay giả 250 Euro


Đội ngũ sáng lập đeo bàn tay giả của Exiii

Một người bị tai nạn, mất cánh tay có khi phải chi trên 10.000 Euro để làm cánh tay giả thay thế, ở nhiều nước nạn nhân phải tự bỏ tiền túi. Trong khi đó start-up Exiii ở Tokyo chỉ cần 250 Euro cho toàn bộ cánh tay giả, đây là giá thành sản xuất của 60 bộ phận khác nhau làm bằng chất liệu nhựa, sản xuất bằng máy in 3-D. Một thiết bị di động với cảm biến hồng ngoại nhận biết hoạt động của cơ bắp ở dưới da, rồi điều khiển bàn tay robot với ba động cơ để cử động ngón cái, ngón trỏ và ba ngón còn lại (ba ngón có chung cử động).

Những thử nghiệm lâm sàng đầu tiên đang được triển khai. Người có bàn tay giả này có thể buộc dây giày hoặc lật trang sách.

Genta Kondo, nhà sáng lập tiết lộ, “Những sản phẩm tay chân giả rồi sẽ như các phụ kiện thể thao sành điệu hiện nay”. Rất có thể tới đây cả những người khỏe mạnh bình thường cũng đến thử các chi nhân tạo khác nhau để có thể chạy nhanh hơn hay mang vác được những vật nặng hơn.

Exiii ra đời năm 2014 và không đòi hỏi nhiều vốn. Thông qua crowdfunding, công ty đã thu gom được  26.000 Euro. Thêm vào đó là khoản tiền 190.000 Euro thu được từ giải thưởng một cuộc thi. Việc thương mại hóa sản phẩm sẽ diễn ra trong năm 2016.

Relayr  – Chiếm vị trí then chốt trong Internet of Things?

Một khối nhựa hình chữ nhật màu nâu sẽ thúc đẩy Internet of Things. Chí ít thì đó là ý tưởng của start-ups Relayr. Công ty ở Berlin này đã phát triển một thiết bị gọi là “WunderBar”. (Kì diệu).


Thanh WunderBar của Relayr có thể bẻ ra thành các miếng, mỗi miếng chứa một cảm biến.

WunderBar có hình dạng giống như một thanh sô cô la với các miếng có thể bẻ ra, trong đó mỗi miếng có các cảm biến ánh sáng, âm thanh, cảm biến chuyển động và các chip vô tuyến truyền đi các giá trị đo được. Nó cho phép các nhà thiết kế có thể nhanh chóng tạo ra các prototype cho Internet of things (internet của vạn vật), chẳng hạn như gắn một miếng WunderBar vào máy móc để phát hiện các tiếng động lạ, cán bộ kỹ thuật nhận được tín hiệu sẽ đến tìm hiểu và khắc phục tại chỗ.

Relayr đã bán được hàng nghìn bộ cảm biến này.

Tuy nhiên mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp này là nền tảng đám mây mở (Cloud-Plattform), trên đó các dữ liệu thu thập về được hiển thị, quản lý và phân tích.                                                                                                                                                                                                           

Ví dụ, Relayr đã điều khiển mạng lưới các bộ điều khiển hệ thống sưởi và chiếu sáng trong tòa nhà của Cisco ở Berlin và Manchester. Những khách hàng khác là Coca-Cola, Nestlé hay Bosch Siemens.

Vốn khởi điểm 2,3 triệu USD của của Relayr là của nhà sáng lập Josef  Brunner vào năm 2013, từ tiền bán doanh nghiệp đầu tiên của ông là hệ thống quản lý năng lượng JouleX, cho Cisco – thu được trên 100 triệu Euro.

Relayr còn nhận được thêm 11 triệu USD từ  Kleiner Perkins Caufield & Buyers, một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng nhất thế giới. Relayr muốn mở rộng sang thị trường quốc tế vào năm 2016 để có cơ hội chiếm vị trí then chốt về Internet of Things.

Nguyễn Xuân Hoài lược dịch

Nguồn:http://www.wiwo.de/technologie/forschung/virtuelle-realitaet-energie-gentechnik-diese-start-ups-stehen-vor-dem-grossen-durchbruch/12754262.html

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)