Ác mộng thuở nhỏ có liên quan đến nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ, Parkinson
Những giấc mơ từ thuở nhỏ có thể dự báo những sự kiện sẽ xảy ra vào 40 năm sau không? Câu trả lời là có, theo kết quả nghiên cứu mới nhất vừa được công bố trên tạp chí eClinicalMedicine.
Những đứa trẻ càng hay mơ thấy ác mộng thì chúng càng có nhiều khả năng bị chẩn đoán suy giảm nhận thức hoặc mắc bệnh Parkinson. Ảnh: Pressmaster / Shutterstock
Cụ thể, những đứa trẻ trong độ tuổi từ 7 đến 11 thường xuyên gặp ác mộng có thể bị suy giảm nhận thức (biểu hiện chính của sa sút trí tuệ) cao gần gấp đôi khi chúng bước sang tuổi 50. Và ở tuổi 50, chúng có thể mắc bệnh Parkinson cao gấp 7 lần.
Vào năm 2022, BS. Abidemi I. Otaiku (Khoa Thần kinh, Bệnh viện Thành phố Birmingham) đã phát hiện ra rằng nhiều người trung niên, người già thường xuyên gặp ác mộng có thể mắc chứng mất trí nhớ hoặc mắc bệnh Parkinson cao hơn gấp đôi trong tương lai.
Một tỷ lệ lớn những người thường xuyên gặp ác mộng khi trưởng thành cũng cho biết từ nhỏ họ đã hay gặp ác mộng, điều này khiến ông tự hỏi liệu tần suất mơ thấy ác mộng trong thời thơ ấu có thể dự đoán sự tiến triển của chứng mất trí nhớ hoặc bệnh Parkinson sau này trong cuộc sống hay không.
Để tìm hiểu, BS. Otaiku đã sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu nổi tiếng của Anh vào năm 1958, theo dõi cuộc sống của tất cả trẻ em sinh ra ở Anh, Scotland và xứ Wales trong tuần từ ngày 3 đến ngày 9 tháng 3 năm 1958.
Khi những đứa trẻ lên bảy (1965) và 11 tuổi (1969), mẹ của chúng trả lời một loạt câu hỏi về sức khỏe của chúng, bao gồm cả việc chúng có gặp ác mộng trong ba tháng trước đó không (có/không).
Ông đã nhóm 6.991 trẻ em dựa trên tần suất mơ thấy ác mộng ở độ tuổi 7 và 11: “không bao giờ”, “thỉnh thoảng” hoặc “liên tục”. Sau đó, ông sử dụng phần mềm thống kê để xác định xem liệu những đứa trẻ mơ thấy ác mộng thường xuyên hơn có thể bị suy giảm nhận thức hoặc bị chẩn đoán mắc bệnh Parkinson khi chúng bước sang tuổi 50 hay không (2008).
Kết quả rất rõ ràng. Những đứa trẻ càng hay mơ thấy ác mộng thì chúng càng có nhiều khả năng bị chẩn đoán suy giảm nhận thức hoặc mắc bệnh Parkinson.
Đáng chú ý, so với những đứa trẻ không mơ hoặc chỉ mơ thấy giấc mộng đẹp, những đứa trẻ gặp ác mộng dai dẳng có khả năng bị suy giảm nhận thức cao hơn 76% và có khả năng mắc bệnh Parkinson cao hơn 640%. Con số này tương đương nhau ở cả nam và nữ.
Những kết quả này cho thấy rằng thường xuyên gặp ác mộng trong thời thơ ấu có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiến triển về não như sa sút trí tuệ hoặc bệnh Parkinson sau này trong cuộc sống. Nhóm nghiên cứu cũng đạt được một số kết quả thu vị, rằng việc giảm tần suất ác mộng trong giai đoạn đầu đời có thể là cơ hội để ngăn ngừa cả hai chứng bệnh từ sớm.
Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng quuyết định tần suất chúng ta gặp phải ác mộng khi còn nhỏ. Và một gen làm tăng nguy cơ gặp ác mộng của chúng ta (PTPRJ) cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer khi về già. Vì vậy, có thể những cơn ác mộng và chứng bệnh về não đều do một bộ gen chung gây ra.
Trong thời gian tới, BS. Otaiku sẽ sử dụng điện não đồ (một kỹ thuật đo sóng não) để xem xét các lý do sinh học gây ra ác mộng ở trẻ em.
Về lâu dài, ông sẽ sử dụng những kiến thức này để phát triển các phương pháp điều trị mới cho tất cả những người gặp rắc rối với các cơn ác mộng. Sau rốt, ông mong muốn có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tinh thần của họ, đồng thời giảm nguy cơ mắc sa sút trí tuệ hoặc bệnh Parkinson sau này trong cuộc sống.
Hà Trang lược dịch
Nguồn: