Accelerator: Làm sao để hiệu quả hơn nữa?
Phong trào khởi nghiệp công nghệ phát triển dẫn theo sự bùng phát của các hoạt động hỗ trợ xung quanh, trong đó có mô hình thường gặp: Vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp. Ở Việt Nam, mô hình ươm tạo phổ biến là Accelerator (khóa tăng tốc khởi nghiệp). Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn: các vườn ươm hiện tại có hoạt động thực sự hiệu quả không?
Accelerator có vai trò thiết thực với các nhóm khởi nghiệp ở giai đoạn đầu tiên. Thế nhưng để vận hành một Accelerator đúng nghĩa và hiệu quả chưa từng là câu chuyện dễ dàng. Để làm được điều đó, Accelerator phải kết hợp được các yếu tố cần thiết nhất và tối giản các hoạt động về số lượng để nâng cao chất lượng. Từ các bài học đến từ các nước bạn, bên dưới là ý kiến của tác giả về những điều sẽ giúp các Accelerator trong nước tham khảo để hoạt động hiệu quả hơn:
Đừng giới hạn kênh truyền thông tiếp cận cộng đồng
Trong vòng tuyển chọn hạt giống, các Accelerator thường giới hạn việc tuyển chọn trong vòng mối quan hệ của mình hoặc chỉ làm vài hoạt động kêu gọi trên mạng xã hội. Cộng đồng khởi nghiệp không thực sự quá lớn nên nếu làm như vậy, chính các Accelerator đang tự giới hạn mình rất nhiều vì đã bỏ qua các nơi có thể tiếp cận các nguồn dự án mới mẻ khác, ví dụ như thông qua kênh trường học, các diễn đàn trường học hay sinh viên sáng tạo, kênh báo chí chính thống,…
Dành ra vài phút trò chuyện với người ứng tuyển
Tạo dựng bảng câu hỏi nhằm mục đích lựa chọn những hồ sơ đạt đủ tiêu chuẩn là một điều tốt, thế nhưng vẫn rất nhiều nhân tài bên ngoài không có khả năng giỏi ăn giỏi nói, thậm chí nhiều người chỉ có thể tập trung làm ra được sản phẩm thay vì “thao thao bất tuyệt” về mô hình kinh doanh siêu lợi nhuận trong tương lai. Thành ra, hoặc là Accelerator có thể yêu cầu người ứng tuyển tự quay video giới thiệu về bản thân trong đôi ba phút, hoặc lý tưởng hơn cả là dành ra vài phút trò chuyện qua mạng hoặc trực tiếp cũng là cách giảm thiểu được những ý tưởng hay ho bị loại vì không biết cách thể hiện bằng con chữ.
Xây dựng chương trình tập trung vào một yếu tố chính
Nội dung được đào tạo trong Accelerator thường quá tham so với khả năng tiếp thu của người sáng lập. Ở giai đoạn Accelerator, đội ngũ sáng lập có thể chưa cần biết tới những kỹ năng “râu ria” như cách thức gọi vốn, kỹ năng quản lý tài chính,… – vốn dĩ những kỹ năng này sẽ được rèn giũa và tích luỹ kinh nghiệm theo thời gian. Thay vào đó, chương trình đào tạo chỉ nên tập trung thứ quan trọng nhất: xây dựng và phát triển sản phẩm. Không có sản phẩm thì không khởi nghiệp được.
Ở Thái Lan có một chương trình đào tạo khởi nghiệp rất hay mang tên Disrupt University do ông Krating Poonpol thành lập. Chương trình này mỗi khoá chỉ nhận đào tạo tối đa 30 bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp và có khả năng trở thành một người khởi nghiệp thực thụ. Disrupt University chỉ tập trung giúp những bạn trẻ này phát triển tư duy về sản phẩm và làm sao để sản phẩm có thể tiếp cận đến 100 khách hàng hoặc người dùng đầu tiên. Ông Krating chia sẻ rằng, ở giai đoạn mới bắt đầu tìm hiểu khởi nghiệp thì khó có thể yêu cầu một người có thể hoàn thiện tất cả những kỹ năng kinh doanh như một người khởi nghiệp đã hơn 10 năm kinh nghiệm. Nếu học nhiều hay đón nhận nhiều thông tin, người khởi nghiệp sẽ “bội thực” và bắt đầu loay hoay không biết những yếu tố nào là trọng tâm. Và ông Krating cũng tin rằng điều quan trọng nhất đối với một người khởi nghiệp đó chính là sản phẩm, có thể nói một cách khác, sản phẩm là linh hồn của họ, cả hai không thể tách rời.
Mentorship
Một số Accelerator tin rằng việc có những tên tuổi nổi tiếng trong giới kinh doanh, hay những CEO hàng đầu trong nước sẽ giúp cho Accelerator của họ trở nên thật thu hút với người khởi nghiệp. Tuy vậy, đối với người khởi nghiệp, họ cần những người cố vấn không chỉ hiểu việc họ đang làm mà còn hiểu rất rõ những cảm xúc hay khó khăn mà họ đang đối mặt ở giai đoạn đầu khởi nghiệp. Những người cố vấn tốt nhất cho giai đoạn Accelerator là những người khởi nghiệp có tinh thần đang ở phong độ tốt nhất, vừa gọi vốn được ở giai đoạn seed – funding hoặc series A, B (không qua quá series B), như vậy sẽ không tạo ra khoảng cách quá xa giữa người vừa mới bắt đầu khởi nghiệp và người khởi nghiệp vừa có vài năm kinh nghiệm đi trước (khoảng cách hợp lý là ba năm).
Ngoài ra, cần có một hợp đồng hợp thức hoá công việc giữa người cố vấn và người khởi nghiệp. Trên nguyên tắc, cả hai phải ký hợp đồng bảo mật thông tin trước khi bắt đầu đi vào việc cố vấn. Bên cạnh đó, người cố vấn cũng phải thể hiện rõ trách nhiệm và đề xuất mong muốn của mình đối với người khởi nghiệp. Nếu không, hoạt động cố vấn hay tư vấn cho dự án chỉ dừng lại như một buổi café trao đổi thông thường và không có lợi ích về lâu về dài cho tất cả các bên.
—–
*Đồng sáng lập accelerator SeedforAction
Phân biệt Acceleraotor và Incubator Có hai cụm từ thường được nhắc đến khi nói về “hoạt động ươm tạo ý tưởng hỗ trợ khởi nghiệp” nhưng ít người có thể phân biệt rõ ràng: Accelerator và Incubator.
“Accelerator” được hiểu như một hoạt động tiếp nhận những ý tưởng sơ khai, sau đó sàng lọc thật kỹ và lựa chọn ra những ý tưởng hay dự án tiềm năng, hay còn gọi là các hạt giống. Sau đó, đội ngũ sáng lập những ý tưởng được chọn vào Accelerator sẽ có một khoảng thời gian nhất định (thông thường khoảng bốn tháng) để phát triển ý tưởng thành sản phẩm ở dạng cơ bản. Mỗi Accelerator khác nhau sẽ có một chương trình ươm tạo khác nhau nhưng chủ yếu vẫn xoay quanh việc làm sao để giúp nâng cao các kỹ năng cần có trong khởi nghiệp dành cho người sáng lập. Accelerator thường đầu tư một khoản tiền rất ít đổi lấy cổ phần dưới 10%, chủ yếu là hỗ trợ các công ty ở dạng chưa thành hình bằng chính kinh nghiệm và mối quan hệ của mình. “Incubator” được hiểu như một vườn ươm những hạt giống tài năng đã được chọn lọc qua vòng “Accelerator”. Ở giai đoạn “Incubator”, thông thường các công ty khởi nghiệp đã dần hình thành cứng cáp, đã có thể tự giải quyết các vấn đề và sẵn sàng cho vòng gọi vốn tiếp theo. Sự phát triển của “Accelerator” hay “Incubator” tuỳ thuộc vào độ trưởng thành của phần lớn các nhóm khởi nghiệp, cụ thể tại Việt Nam, mô hình Accelerator có phần chiếm ưu thế hơn hẳn so với Incubator. Bên cạnh đó, Incubator thường được hậu thuẫn bởi các công ty, tập đoàn lớn, nhất là khi chính các công ty đó đang có kế hoạch phát triển mở rộng các ngành nghề kinh doanh trực thuộc khác và muốn dành cơ hội tìm kiếm những tài năng trẻ hay sản phẩm mới mẻ hơn. Ví dụ như hãng bảo hiểm AIA tại HongKong có chương trình Incubator hằng năm nhằm tìm kiếm những ý tưởng hay sản phẩm đột phá trong lĩnh vực y tế hiện đại hay thiết bị chăm sóc sức khoẻ thân thiện với người dùng. |