AI biết cách lắng nghe tiếng kêu của gà

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Thành phố Hong Kong đã phối hợp với các cộng sự ở Vương quốc Anh để phát triển công nghệ AI phân biệt tiếng kêu của gà nuôi. Công nghệ này có thể phân biệt tiếng kêu căng thẳng của gà với những tiếng ồn khác trong chuồng trại với độ chính xác 97%. Người nuôi có thể áp dụng cách này để nâng cao tiêu chuẩn phúc lợi cho gà cũng như các vật nuôi khác.

Số lượng gà nuôi trên thế giới mỗi năm rơi vào khoảng 25 tỷ con – phần lớn được nuôi trong các chuồng trại lớn, mỗi chuồng chứa hàng nghìn con. Một cách đánh giá phúc lợi của gà nuôi là lắng nghe âm thanh do chúng tạo ra. Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng động vật có xu hướng biểu hiện nhu cầu của mình bằng cách phát ra tiếng kêu.

“Gà rất ồn ào nhưng tiếng kêu khi đau đớn, căng thẳng thường sẽ to hơn các tiếng kêu khác – một tiếng kêu đơn âm (tín hiệu âm thanh dạng sóng hình sin)”, Alan McElligott, Phó giáo sư về hành vi và phúc lợi của động vật tại Đại học Thành phố Hong Kong, cho biết. “Ngay cả những người chưa qua đào tạo cũng có thể phân biệt không mấy khó khăn”.

Về lý thuyết, người nuôi có thể dùng tiếng gà kêu để đánh giá mức độ căng thẳng và cải thiện chuồng trại khi cần thiết. Tuy nhiên, với các đàn gà thương mại có quy mô hàng nghìn hoặc chục nghìn con, rất khó để triển khai vì không đủ nhân sự đánh giá. McElligott cho biết, sự hiện diện của con người có thể khiến đàn gà thêm căng thẳng. Hơn nữa, với quá nhiều tiếng ồn, việc định lượng khách quan những tiếng kêu căng thẳng là điều bất khả thi.

Nghiên cứu cho thấy tiếng kêu của những con gà bị căng thẳng thường to hơn so với bình thường. Nguồn: Theguardian

Thay vào đó, nhóm nghiên cứu của ông đã phát triển một công cụ học sâu để tự động xác định các tiếng kêu căng thẳng của gà từ các bản ghi âm các con gà nuôi trong chuồng trại đông đúc. Họ đào tạo công cụ này bằng cách sử dụng các bản ghi âm đã được chuyên gia phân loại thủ công để xác định các loại âm thanh biểu hiện khác nhau.

Theo bài báo công bố trên tạp chí Journal of the Royal Society Interface, thuật toán đã xác định chính xác 97% các tiếng kêu căng thẳng.

“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi không phải là đếm các tiếng kêu căng thẳng mà là cải thiện điều kiện sống của gà nuôi và giảm bớt sự căng thẳng”, McElligott cho biết. Ông ước tính công nghệ này có thể thương mại hóa trong vòng năm năm tới.

Trước khi điều này trở thành hiện thực, nhóm nghiên cứu cần đảm bảo thiết bị thu âm sẽ hoạt động ở các loại chuồng gà khác nhau, cũng như thử nghiệm trong các trang trại có tiêu chuẩn phúc lợi cao hơn hoặc thấp hơn để xác nhận sự tương đồng của kết quả đọc được.

Việc thuyết phục người chăn nuôi áp dụng công nghệ này có lẽ tương đối dễ dàng. Nghiên cứu trước đây của McElligott phát hiện ra rằng tiếng kêu căng thẳng của gà con có thể dự đoán lượng cân tăng và tỉ lệ tử vong của cả đàn trong một chu kỳ nuôi.

“Đôi khi, cũng khó để thuyết phục những người chăn nuôi – vốn bán gà với giá cố định cho các siêu thị và người tiêu dùng – áp dụng công nghệ để cải thiện phúc lợi động vật” McElligott nói. “Nhưng chúng tôi đã chứng minh được rằng tiếng kêu căng thẳng là một chỉ dấu hiệu quả về tỉ lệ tử vong và tỉ lệ tăng trưởng, và nó là một cách tự động hóa quy trình”.

Ông cho biết có thể phát triển công nghệ này để theo dõi các loại vật nuôi trong chuồng và hay kêu khác như lợn hoặc gà tây.

Nghiên cứu này đã nhận được sự hoan nghênh của Hiệp hội Hoàng gia về Phóng chống ngược đãi thú vật của Anh (RSPCA). “Phương pháp này rất hữu ích trong việc giám sát và cải thiện phúc lợi vật nuôi trang trại. Nhưng chúng tôi không mong sẽ thay thế việc kiểm tra thực tế hoặc giảm tiếp xúc giữa người nuôi và gia cầm, vì điều đó có thể làm giảm kỹ năng chăn nuôi của nông dân, hoặc khiến gia cầm trở nên khó quản hơn”, phát ngôn viên của Hiệp hội cho biết.

“Ngoài ra, tiếng kêu căng thẳng chỉ là một chỉ số phúc lợi. Có rất nhiều yếu tố thể chất khác mà người chăn nuôi cũng nên chú ý, chẳng hạn như gà đứng không vững hoặc bị bỏng chân”.

Hà Trang dịch

Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2022/jun/29/ai-could-improve-welfare-of-farmed-chickens-by-listening-to-their-squawks

Tác giả

(Visited 105 times, 1 visits today)