AI hỗ trợ quản lý sinh viên trong ký túc xá

Giải pháp camera giám sát do nhóm tác giả thuộc Trường Đại học Bách khoa TPHCM triển khai, giúp tự động nhận diện, ghi nhớ và phân tích cùng lúc hàng ngàn khuôn mặt.

Ký túc xá (KTX) sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM có khoảng 2.500 sinh viên mỗi năm, được lắp đặt hệ thống camera giám sát, ứng dụng công nghệ thẻ RFID trong việc giám sát vào cổng. Nhờ đó, KTX đã giải quyết nhiều vấn đề an ninh như trộm cắp, phá hoại thang máy, vi phạm nội qui kí túc xá, tạo nề nếp học tập, sinh hoạt lành mạnh trong khuôn viên,… Tuy nhiên, điểm hạn chế của cơ chế nhận dạng này là phụ thuộc vào con người (nhân viên bảo vệ) và rất khó để nhận biết đâu là sinh viên đang lưu trú, đâu là người đột nhập trái phép, đặc biệt là những lúc có số lượng sinh viên đông.
Ngoài ra, hạ tầng camera tại đây còn chưa đồng bộ công nghệ. Một số camera chất lượng thấp, chưa ứng dụng các phương pháp xử lý camera tự động, nên ứng dụng camera trong an ninh để truy vết, tìm bằng chứng là hạn chế. Vì vậy, trong đề tài “Ứng dụng công nghệ AI trong bài toán giám sát an ninh tại Trung tâm dịch vụ Ký túc xá Trường Đại học Bách Khoa TPHCM”, nhóm tác giả đã tập trung xây dựng hệ thống giám sát với số lượng gần 200 camera được bố trí tại nhiều khu vực khác nhau; đồng thời xây dựng, hoàn thiện và tích hợp các phần mềm, công nghệ vào hệ thống như Phần mềm vào cổng kết hợp công nghệ RFID và AI; Phần mềm quản lý video VMS; Lõi nhận diện khuôn mặt bằng thuật giải học sâu; Phần mềm giám sát an ninh; Ứng dụng di động phục vụ giám sát từ xa;..
Trong đó, Phần mềm vào cổng kết hợp công nghệ RFID và AI có tính năng lấy mẫu ảnh sinh viên, phát hiện sử dụng thẻ RFID không đúng chủ thể, với độ chính xác trên 85%; và Ứng dụng công nghệ học sâu trong nhận diện khuôn mặt và nhận diện giới tính đối tượng, giúp phát hiện khuôn mặt trong khung hình (ảnh hoặc video), cũng với độ chính xác trên 85%.
Theo TS Dương Ngọc Hiếu, Chủ nhiệm đề tài, giải pháp có thể ứng dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau như hệ thống điểm danh chấm công, kiểm tra đối tượng có chứng nhận tiêm ngừa vaccine, nhận diện khách hàng bằng khuôn mặt,…
Ngoài áp dụng triển khai tại KTX Đại học Bách khoa TPHCM, giải pháp hiện đang được ứng dụng vào giám sát an ninh, trật tự công cộng tại Công an P.1 Quận 10 (TPHCM), nhận diện bệnh nhân trước khi vào phòng mổ tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu.
Đỗ Ngọc

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)