AI làm sáng tạo?

AI art có nên được xếp thể loại riêng? Tiêu chí nào để đánh giá một sáng tạo là nguyên bản? Giới hạn nào cho việc chúng ta sẽ để máy móc làm hộ, thậm chí nghĩ hộ?

Bức tranh “Théâtre D’opéra Spatial” sử dụng MidJourney.

Chủ đề trí tuệ nhân tạo không xa lạ gì với nghệ thuật; trước cả khi AI trở thành đề tài của những cuộc tranh cãi khốc liệt như bây giờ. Những bộ phim kinh điển như Ma trận (The Matrix – 1999), 2001: a space OdysseyBlade Runner (1982), Ghost in the Shell (1995), Battle Angel (1993); hay gần đây hơn như Ex Machina (2014), Her (2013), Black Mirror (2011~), tập Zima Blue trong series Love Death and Robots (2019) không chỉ còn là viễn tưởng xa xôi, mà trái lại, gây cảm giác sắp sửa thành hiện thực hơn bao giờ hết. Tưởng tượng của những người làm sáng tạo về AI đã xuất hiện từ thế kỷ 19 với cuốn tiểu thuyết Erewhon: or, Over the Range (1872) – tác giả người Anh Samuel Butler. Tác phẩm này được gợi cảm hứng từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất 1784~1840 và cuốn sách On the Origin of Species (Về nguồn gốc của muôn loài) của Darwin (1859).

Vậy AI có liên hệ, tương quan thế nào với nghệ thuật và làm nghệ thuật?

AI art là gì?

AI art – nghệ thuật AI hiểu đơn giản là các sản phẩm được tạo sinh (generate) từ những dữ liệu được trộn lẫn thông qua các thuật toán. AI art là một ứng dụng rất nhỏ trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo. Để tạo ra được sản phẩm, AI cần được “dạy”, cần cung cấp càng nhiều nguyên liệu càng tốt. Ban đầu, AI art được phát minh để giúp các nhà khoa học và kỹ sư cụ thể hóa bằng hình ảnh trong quá trình nghiên cứu machine learning. Những hình ảnh đã qua xử lý bằng thuật toán này có không khí giống như những bức tranh trừu tượng.

Từ cuối những năm 1950, các nghệ sĩ thị giác như Manfred Mohr và Vera Molná đã có những thể nghiệm sáng tạo cùng với đồ họa máy tính. Nhưng cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của AI art là phát minh GAN (generative adversarial networks). Năm 2015, nhà nghiên cứu Alexander Mordvintsev tại Google đã tìm hiểu được cách máy móc học các khái niệm thị giác, từ đó tạo ra Deep Dream Generator – một trong những ứng dụng hình ảnh đầu tiên của GAN. Các nhà nghiên cứu tiếp tục thử nghiệm, sử dụng nhiều hình ảnh đa dạng, từ ảnh chụp động vật cho tới các kiệt tác hội họa kinh điển để đào tạo GAN. Nhờ những kho dữ liệu mở (open source) dồi dào, người ta ngay lập tức tạo ra được các sản phẩm AI art. Năm 2016, cuộc đấu giá tranh AI đầu tiên được tổ chức tại Gray Area, San Francisco, Mỹ. Cuộc đấu giá này trưng bày sản phẩm do các nghệ sĩ thị giác như Memo Akten và Mike Tyka tạo ra bằng công cụ Deep Dream của Google. Hiện nay đã có thêm rất nhiều ứng dụng để tạo ra AI art như MidJourney, Jasper Art, DALL-E2, Stable Diffusion, RunwayML… Chỉ bằng vài từ khóa đơn giản, trong phút chốc ai cũng có thể dùng AI để tạo ra những bức tranh theo chủ ý.

Nếu đến một thời điểm AI có thể tự suy nghĩ, sáng tạo mà không cần chờ lệnh từ con người, tạo ra các sản phẩm nguyên bản thì câu hỏi đặt ra là vậy con người sẽ làm gì với… tất cả đống thời gian rảnh họ có được khi máy làm hộ tất? Sáng tạo của con người có còn ý nghĩa gì không?

Không chỉ vẽ tranh, AI còn có thể viết sách, làm phim… Cuốn sách thử nghiệm đầu tiên hoàn toàn do AI viết được xuất bản vào năm 2018, mang tên 1 the Road. Mô phỏng bộ phim On the Road của Jack Kerouac, tháng 3/2017, Ross Goodwin – một nhà thơ dữ liệu và kỹ sư đã lái xe từ New York đến New Orleans với máy tính xách tay được kết nối với nhiều cảm biến khác nhau. Sản phẩm của AI chạy trên máy tính được in ra trên các cuộn giấy hóa đơn. Goodwin sau đó không biên tập lại câu chữ của AI, cho dù đó là một sản phẩm còn nhiều lỗi và diễn đạt thiếu tự nhiên, nhằm lưu trữ làm dữ liệu nghiên cứu. Cuốn sách được mở đầu bằng câu: “It was nine seventeen in the morning, and the house was heavy.” (Lúc ấy là 9 giờ 17 phút sáng, và căn nhà thì nặng.)

Hiện tại, sản phẩm của AI art vẫn là chắp ghép từ những dữ liệu có sẵn, đã “học” được từ nguồn dữ liệu do con người tạo ra, theo định hướng yêu cầu của người sử dụng. AI art chưa có tính nguyên bản, hay chủ động sáng tạo cá nhân. Tuy vậy, trong tương lai thì khó nói trước được điều gì.

AI có biết sáng tạo nghệ thuật?

AI art được một bộ phận khán giả tán thưởng, thán phục, đồng thời cũng tạo ra vô số tranh cãi dữ dội, đặc biệt từ giới sáng tạo. Năm 2022, bức tranh “Théâtre D’opéra Spatial” sử dụng MidJourney của tác giả Jason M.Allen đã đạt giải nhất tại hội chợ nghệ thuật thường niên của bang Colorado, Mỹ cùng tiền thưởng 300 USD. Tác giả Allen chia sẻ rằng đã đổ rất nhiều công sức vào sản phẩm này, tạo ra tới hơn 100 bức ảnh, sau nhiều tuần ròng rã chỉnh sửa ngôn từ đưa vào cho máy mới ra được sản phẩm ưng ý. Và vì tranh do máy làm nên xếp vào hạng mục Digital Art không có gì sai. Hai trong số ban giám khảo của cuộc thi khi chấm bài đã không biết đây là sản phẩm của AI. Tuy vậy họ vẫn không thay đổi quyết định vì cho rằng bức tranh có câu chuyện và gợi cảm xúc.

Những sự kiện như vậy đặt ra nhiều câu hỏi vô cùng quan trọng: AI art có nên được xếp thể loại riêng? Tiêu chí nào để đánh giá một sáng tạo là nguyên bản? Giới hạn nào cho việc chúng ta sẽ để máy móc làm hộ, thậm chí nghĩ hộ?

Cuốn sách thử nghiệm đầu tiên hoàn toàn do AI viết được xuất bản vào năm 2018, mang tên 1 the Road.

Việc Jason M.Allen kể lể, so “công sức” gọt giũa vài từ khóa với các họa sĩ khác phải tự suy nghĩ rồi vẽ bằng tay rất khập khiễng. Có ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng đó là hành động tránh né việc sáng tạo nghệ thuật chứ không phải sáng tạo nghệ thuật. Bởi anh muốn nhanh, muốn đỡ mệt mà đã dùng máy làm hộ gần như toàn bộ công việc chính. Thậm chí tồi tệ hơn, nếu người ta có thể trong nháy mắt dùng máy móc tạo ra được một sản phẩm nhìn na ná tác phẩm mà bình thường phải mất nhiều thời gian, công sức dễ khiến người ta đánh giá sai hoặc coi nhẹ giá trị của việc sáng tạo lẫn người làm sáng tạo. Một ví dụ khác của ứng dụng AI là họa sĩ chỉ cần vẽ phác thảo còn máy sẽ hoàn thiện nốt. Trên thực tế, dùng cách này kỹ năng và tư duy của họa sĩ rất khó phát triển, vì thiếu sự rèn luyện và quá trình hoàn thiện đến cùng. Quy trình sáng tạo không bao giờ chỉ dừng lại ở bước lên ý tưởng, phác thảo hay đưa ra vài từ khóa “đề bài” cho máy. Trong cả quá trình làm, ý tưởng được nuôi dưỡng, chỉnh sửa, gọt giũa trở thành phiên bản sau cùng tốt nhất của chính nó. Phó mặc cho AI là chúng ta tước đi cơ hội đào sâu sáng tạo & phát triển. Ứng dụng thì rõ là có đấy, nhưng liệu có cần thiết như chúng ta tưởng?

Sự trỗi dậy của AI hiện nay, chắc chắn tạo ra một sức ép không nhỏ lên giới sáng tạo, cũng có thể đồng thời tạo ra thử thách để thúc đẩy. Bàn về vấn đề này, trong cuốn 21 Lessons for the 21st Century, tác giả Yuval Noah Harari cho rằng tuy khả năng máy móc tạo ra các tuyệt tác còn thấp (tương lai thì không biết thế nào) nhưng chỉ cần tạo ra các sản phẩm vừa vừa, tầm tầm là đủ lưu hành thị trường. Ông cũng dự đoán rằng AI rồi sẽ hiểu con người đến chân tơ kẽ tóc, hơn cả người thân, thậm chí cả chính bản thân chúng ta, để từ đó tạo ra các sản phẩm nghệ thuật đo ni đóng giày cho sở thích của từng cá nhân. Tương lai này nghe rất… tiện lợi nhưng cũng không kém phần lạnh lẽo.

Khi ứng dụng AI vào công việc sáng tạo, chắc chắn sản lượng sẽ tăng nhưng không có gì đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm. Trái lại, thừa mứa dễ gây ra tình trạng bão hòa, giảm trải nghiệm và giá trị của hầu hết mọi thứ. Ông Đinh Trần Tuấn Linh, Giám đốc Công nghệ Unikon.vn – đơn vị sản xuất nội dung bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (big data) lại có góc nhìn lạc quan hơn đôi chút. Ông Linh cho rằng thay vì lo lắng AI sẽ thay thế con người thì nên nghĩ về việc chúng ta sử dụng AI như một công cụ ra sao cho hiệu quả. Mặt khác, sáng tạo nghệ thuật là một ngành nghề đặc thù nơi các sản phẩm bằng tay vẫn luôn được coi trọng. Ví dụ với digital art, vẽ trên máy tính vô cùng phổ biến, nhưng tranh vẽ tay bằng các chất liệu truyền thống vẫn giữ được giá trị. Thậm chí, trong mảng xuất bản sách thiếu nhi, gần đây xu hướng chuộng chất liệu vẽ tay có chiều hướng tăng ở nhiều thị trường lớn.

AI art có lẽ sẽ khiến thị trường phân hóa rõ rệt hơn: những sản phẩm với chất lượng chấp nhận được (tính ở thời điểm công nghệ hiện tại), tốn ít thời gian và khả năng giá rẻ đối lập với các tác phẩm chăm chút bằng tay, tốn thời gian hơn và chi phí cao hơn. Đối với một bộ phận công chúng, sản phẩm sau cùng chấp nhận được là được, không cần quan tâm tới quá trình hay cách thức làm. Tương tự như mấy vị giám khảo tại hội chợ nghệ thuật thường niên của bang Colorado, tranh nhìn đẹp mắt là được, người hay máy vẽ không quan trọng. Ở chiều hướng ngược lại, khi người ta coi trọng việc tranh phải do người vẽ lại vấp phải những tình huống trái ngang như không phân biệt nổi người hay máy vẽ. Gần đây một họa sĩ Việt Nam đã bị xóa tranh và khóa tài khoản trên một diễn đàn digital art thế giới vì hội đồng xét duyệt không xác định được có phải là AI art hay không. Có lẽ các kỹ sư cũng nên phát triển thêm một con AI giúp nhận diện sản phẩm của AI chăng?

Một điều mỉa mai là các nghệ sĩ nếu sao chép tác phẩm của người khác, mắc tội đạo nhái sẽ bị lên án, thậm chí tẩy chay. Nhưng giới hạn ràng buộc AI về đạo đức hay bản quyền lại vô cùng mơ hồ, mong manh? Nếu đến một thời điểm AI có thể tự suy nghĩ, sáng tạo mà không cần chờ lệnh từ con người, tạo ra các sản phẩm nguyên bản thì câu hỏi đặt ra là vậy con người sẽ làm gì với… tất cả đống thời gian rảnh họ có được khi máy làm hộ tất? Sáng tạo của con người có còn ý nghĩa gì không? Hay AI sẽ là sáng tạo cuối cùng của loài người để kết thúc tất cả những sáng tạo khác?

Tương lai nào cho AI art?

AI art chỉ là một ứng dụng của AI nhưng nó chạm đến những phẩm chất mà tưởng như chỉ con người mới có. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong một tương lai mà máy móc làm thay con người tất cả mọi việc, kể cả tư duy, tưởng tượng và sáng tạo. Bi bét như Ma trận thì chúng ta thành mấy cục pin thịt cho đám máy móc làm chủ thế giới. Hay như Wall E (2008), bộ phim hoạt hình với không khí tương đối tích cực, ấm áp, vẫn chứa đựng lời cảnh báo về tương lai loài người nếu quá phụ thuộc vào máy móc. Con người thậm chí không còn tự đi đứng trên đôi chân của mình, không biết trò chuyện trực tiếp với nhau. Vui vẻ, giải trí như Travis của Iron man trong phim siêu anh hùng Marvel cũng đẻ ra Ultron tý thì toi cả thế giới.

Nhiều người đi xa hơn, đặt ra những câu hỏi như máy móc có thể có cảm xúc không? Con người có thể coi máy móc như một người bạn với kết nối tình cảm hay không? Bộ phim A.I. Artificial Intelligence (2001) khiến tác giả coi tình cảm của người máy David cũng như một đứa trẻ con. Hay như trong bộ phim Bicentennial Man (1999), điều giúp “người máy” NDR-114 cuối cùng được công nhận là một con người là khả năng biết yêu thương, với những cảm xúc đa dạng. Vậy bản chất của thực sự của con người còn lại là gì, nếu như không phải là những cảm xúc phức tạp?    

Anime Memories (1995) đặt ra một câu hỏi kết phim rất thú vị, đại ý rằng điều gì khiến con người không ngừng tham vọng tạo ra những thứ càng giống mình càng tốt, bất chấp khả năng chúng có thể phát triển ưu việt hơn cả chúng ta?

Chia sẻ từ giới chuyên môn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nói chung đều hướng tới mục tiêu tốt đẹp, cải thiện chất lượng đời sống con người. Những nhà khoa học, kỹ sư tạo ra AI không nhằm mục đích phủ nhận tầm quan trọng của kết nối giữa người với người. Tuy vậy, loài người có lắm tiền lệ xấu khi chủ đích ban đầu thì tốt nhưng không lường trước được kết quả. Ví dụ như phát minh túi ni lông, vốn nhằm tạo ra một vật liệu siêu bền, giá thành rẻ. Giờ lại thành vấn nạn toàn cầu. Hay việc Google làm thay đổi hành vi tìm kiếm thông tin, kiến thức khiến người dùng dễ vội vàng tin vào những kết quả hiển thị đầu tiên mà không kiên nhẫn đào sâu tìm hiểu. Mạng xã hội vốn sinh ra để kết nối mọi người dễ dàng hơn lại gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tâm lý của không ít người dùng. Tương tự, liệu sự dễ dàng của AI art có giúp nâng cao thẩm mỹ, trải nghiệm nghệ thuật của con người hay không? AI art có thật sự giúp khai phá những giới hạn sáng tạo mới cho con người như những nhà phát triển AI art mong đợi hay không vẫn là một vấn đề nên được soi xét cẩn trọng. Với tốc độ tiến rất nhanh của trí tuệ nhân tạo, có giải pháp, định hướng nào trong đầu tư phát triển công nghệ này hoặc điều luật quản lý cũng như hướng dẫn sử dụng để giảm thiểu khả năng con người bị lệ thuộc vào AI? Hay lại chỉ quy về bài toán công nghệ không có lỗi, lỗi ở người dùng?

Về phía các nghệ sĩ, cực đoan bài trừ AI chưa chắc là một phương án tốt. Nếu coi đó là một mối nguy thì càng nên nắm rõ về nó. Trong thời đại hiện nay, không chỉ riêng với ngành sáng tạo, mà dù làm ngành nào cũng nên sẵn sàng tâm lý, cởi mở học hỏi những kiến thức mới. AI nói riêng và công nghệ nói chung có nhiều ưu điểm và công dụng không thể phủ nhận. Liên tục cập nhật, tận dụng công cụ sẽ là cách phát triển cũng như tự vệ tốt nhất. Lý thuyết là vậy nhưng chắn chắc thực hành vẫn là một bài toán khó. □

Tác giả

(Visited 48 times, 1 visits today)