AI làm tăng rác thải điện tử
Theo nghiên cứu gần đây được công bố trên Nature, lượng rác thải điện tử, bao gồm các thiết bị điện tử bị vứt bỏ như máy tính xách tay, điện thoại thông minh, TV, máy chủ máy tính, máy giặt, thiết bị y tế, máy chơi game và nhiều thiết bị khác được tạo ra trong thập niên này có thể lên tới 5 triệu tấn, cao hơn khoảng 1.000 lần so với năm 2023.
Nghiên cứu chỉ ra sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ góp phần đáng kể vào làn sóng rác thải điện tử, do AI cần nhiều năng lực tính toán và lưu trữ, do đó máy chủ trong các trung tâm dữ liệu phục vụ nhu cầu tính toán ngày càng tăng của hệ thống AI sẽ phải thay thế thường xuyên hơn.
Các nhà nghiên cứu đã dự báo sự tăng trưởng của rác thải điện tử dựa trên bốn kịch bản được đưa ra là “hạn chế”, “thận trọng”, “vừa phải” và “mạnh mẽ”. Tuổi thọ của máy chủ máy tính tại trung tâm dữ liệu được giả định là ba năm.
Lượng rác thải điện tử được tính bằng cách ước tính số lượng máy chủ bị thải bỏ mỗi năm, từ đó dự báo khối lượng rác thải điện tử tích lũy theo từng kịch bản cho đến năm 2030. Kết quả cho thấy sẽ có từ 1,2 đến 5 triệu tấn rác thải được tạo ra trong giai đoạn từ năm 2020 – 2030.
Rác thải điện tử có thể tác động nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe con người và nền kinh tế. Các hóa chất độc hại trong phần cứng điện tử và điện có thể làm ô nhiễm đất và nước, và việc đốt rác thải điện tử để chiết xuất các vật liệu có giá trị sẽ gây ô nhiễm không khí. Rác thải điện tử có thể chứa các hóa chất gây ung thư như PAH, và việc tiếp xúc với rác thải điện tử cũng liên quan đến tình trạng trẻ sơ sinh nhẹ cân và các vấn đề về sinh sản ở người lớn. Về kinh tế, việc chưa đến 20% rác thải điện tử được tái chế chính thức có thể dẫn đến mất mát các tài nguyên quý giá như vàng, bạch kim và các vật liệu quan trọng khác.
Không chỉ làm gia tăng rác thải điện tử, các trung tâm dữ liệu và mạng truyền dẫn cũng chiếm hơn 1% tổng năng lượng và 0,6% lượng khí thải carbon toàn cầu. Theo báo cáo của McKinsey, đến năm 2030, mức tiêu thụ năng lượng của các ứng dụng AI tại Mỹ sẽ tăng từ 4% lên 12% so với tổng nhu cầu hiện nay. Điều này có thể cản trở các nỗ lực giảm phát thải carbon và tiến độ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là những mục tiêu tìm cách cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Làn sóng rác thải điện tử nhấn mạnh yêu cầu phải có các chiến lược can thiệp. Nghiên cứu khuyến nghị áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn – mô hình sản xuất và tiêu dùng giúp duy trì sử dụng các vật liệu và sản phẩm, tránh tạo ra chất thải – để giải quyết vấn đề. Mô hình này bao gồm kéo dài tuổi thọ máy chủ, tái sử dụng linh kiện, tối ưu hóa hoạt động AI qua các thuật toán tiên tiến, và cải thiện hiệu quả của chip máy tính. Những giải pháp này có thể giảm rác thải từ 16% – 86% tùy cách áp dụng.
Thiết kế xanh trong sản phẩm điện tử cũng có thể mang lại lợi ích môi trường, như sử dụng các bộ phận phân hủy sinh học, thay thế các thành phần độc hại bằng vật liệu ít gây hại hơn, và cải thiện tuổi thọ sản phẩm.
Ngoài ra, cần thay đổi nhận thức cộng đồng từ văn hóa “sử dụng và vứt bỏ” sang thói quen cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua thiết bị mới. Quyên góp thiết bị đã qua sử dụng và khuyến khích sử dụng các trung tâm tái chế được chứng nhận cũng là giải pháp hữu ích.
Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý rác thải điện tử thông qua các chính sách, quy định và chiến lược giảm tác động môi trường, đồng thời thúc đẩy các thực hành bền vững. Chính phủ có nhiệm vụ thiết lập các tiêu chuẩn về thu gom và tái chế rác thải điện tử, giúp đảm bảo rác thải điện tử được xử lý an toàn và hiệu quả và đầu tư cho phát triển công nghệ tái chế.□
Trà My lược dịch
Nguồn: https://theconversation.com/a-rising-tide-of-e-waste-made-worse-by-ai-threatens-our-health-the-environment-and-the-economy-244203
Bài đăng Tia Sáng số 23/2024