AI nói thật hay nói dối?
Những điều thần kỳ mà AI tạo nên trong thời gian gần đây không dễ khỏa lấp đi một điều: khi nào con người có thể tin cậy hoàn toàn vào AI để phát hiện tranh thật – tranh giả?
Mới đây, tiến sĩ Carina Popovici, một chuyên gia về xác thực tác phẩm nghệ thuật ở Art Recognition, một công ty Thụy Sĩ về công nghệ AI, đã tuyên bố 40 bức tranh được bán trên eBay, một sàn thương mại điện tử đa quốc gia, là tranh giả, trong đó có những bức được ghi là của danh họa Monet hay Renoir. Cô đã dùng công nghệ AI tiên tiến của công ty chụp ảnh các bức tranh được hiển thị trên eBay và sốc khi khám phá ra có quá nhiều tranh có “xác suất cao” là tranh giả. “Thuật toán này nhận diện tất cả chúng đều là đồ giả”, cô nói. “Chúng tôi đã thử tải xuống một số bức và những gì chúng tôi phân tích đều cho thấy đây không phải là tranh thật, một xác suất cao tới 95% và còn hơn thế nữa. Tôi chắc chắn đây mới chỉ là một phần của tảng băng”.
Các bức tranh đã được nhận diện là tranh giả qua các phân tích AI, bao gồm một bức đề tác giả là Monet, Forest with a Stream, có giá là 599.000 USD, một bức đề là của Renoir có giá là 165.000 USD. “Tôi có đầy đủ căn cứ để nói rằng bức tranh được vẽ vào năm 1867 này được chính Claude Monet ký và đề ngày tháng. Bức họa không ở tình trạng hoàn hảo và tôi không có bằng chứng nào về nguồn gốc xuất xứ của nó ngoài việc tôi đã sở hữu nó trong vòng hơn 20 năm”, người bán tranh sống ở Millersburg, Ohio, viết như vậy trên eBay.
Trên trang web của mình, eBay tuyên bố “Chúng tôi không cho phép trưng bày các sản phẩm giả hoặc những sản phẩm sao chép”. Khi được hỏi về sự tồn tại của các bức tranh giả trên nền tảng của mình, eBay trả lời “Việc bán những sản phẩm giả mạo là điều bị cấm nghiêm ngặt trên eBay, và chúng tôi cam kết đảm bảo hàng hóa bán trên nền tảng của chúng tôi đều là thật”. Họ cũng cho biết cách mình đối phó với hàng giả “Chúng tôi làm điều này bằng nhiều lớp AI khác nhau, do các chuyên gia của eBay huấn luyện và các chương trình bảo vệ một cách chuyên nghiệp. Năm 2022, eBay đã xét 88 triệu sản phẩm bị nghi ngờ và 1,3 triệu sản phẩm đã bị loại khỏi nền tảng sau một giám sát của chuyên gia eBay”.
Vậy nên tin vào AI của ai? AI nào thực sự có đủ năng lực cao cường để phát hiện thật giả?
Sự lên ngôi của các thuật toán
Trong vòng năm năm trở lại đây, các thuật toán AI, học máy được sử dụng ngày một nhiều trong các phòng tranh, một kết quả hợp tác giữa các nhà bảo tồn tranh, các nhà sử học nghệ thuật và các nhà nghiên cứu về AI trong các trường, viện, bảo tàng. Những tiến bộ trong các kỹ thuật phân tích, xử lý ảnh mà các thuật toán thông minh được huấn luyện bằng các cơ sở dữ liệu số ở các bảo tàng đem lại khiến người ta không khỏi kinh ngạc. Nhờ vậy có nhiều bức họa thuộc diện nghi ngờ đã được AI xác nhận là do các danh họa vẽ hoặc ngược lại.
Với trường hợp của Công ty Art Recognition, họ đã sử dụng hai mạng thần kinh tích chập (CNN) phân tích các mẫu hình của thành phần và phong cách nghệ thuật của một bức họa. Các thuật toán của họ được huấn luyện để nhận biết “các chi tiết như nét cọ, các rìa, hình dạng, độ biến thiên màu sắc của họa sĩ; các nguyên tố thành phần màu vẽ ở độ phân giải cao, bao gồm độ lặp motif (chủ đề), sự sắp xếp vật thể và tỉ lệ chung; cũng như những đặc trưng được phân biệt”, Art Recognition tuyên bố như vậy trên trang web của mình. Họ cũng cho biết thêm là các nhà sử học nghệ thuật của công ty “cũng đóng một vai trò tối quan trọng trong việc đánh giá xuyên suôt từng dữ liệu hình ảnh được sử dụng trong thuật toán và các nguồn thông tin tin cậy nhất về mỗi nghệ sĩ cụ thể”, Popovici nói trên Artnet.
Các thuật toán của Art Recognition được tạo ra từ hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học ở ĐH Liverpool và ĐH Tilburg, đã phân tích 500 tác phẩm nghệ thuật ở vô số các bộ sưu tầm của Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia London), Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Oslo. Nó cũng đã xác nhận một bức họa nghi ngờ của Rubens, thuộc bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia London, A View of Het Steen in the Early Morning, có xác suất 98,76% là của danh họa này. Các mạng thần kinh tích chập của Art Recognition cũng có công nhận diện được một số bức họa đáng chú ý khác, ví dụ như xác nhận bức tự họa, được vẽ năm 1889 đúng là do Vincent van Gogh vẽ.
Tuy nhiên nó cũng thách thức việc nhận định Rubens, bậc thầy người Flemish thế kỷ 17, là tác giả của bức họa Samson and Delilah đồng thời đứng về phía một số nhà phê bình từng hàng thập kỷ nghi ngờ đây chỉ là một bản sao. “Hệ AI đánh giá Samson and Delilah không phải là tác phẩm nguyên bản của Rubens với xác suất là 91,78%”, Popovici trao đổi với The Guardian. “Tôi đã bị sốc. Chúng tôi đã phải làm đi làm lại các thực nghiệm để có thể chắc chắn là mình không mắc lỗi và kết quả ở các thí nghiệm luôn luôn đồng nhất với nhau. Mỗi phần, mỗi diện tích trên tranh đều cho ra cùng một kết quả là giả mạo”.
TS. Katarzyna Krzyżagórska-Pisarek, một nhà sử học nghệ thuật, từ lâu đã nghi ngờ bức Samson and Delilah “có vấn đề” cũng phải thốt lên “phương pháp xác thực bằng AI này là một đột phá tiềm năng. Không có sự chủ quan của con người, những quan tâm về mặt cảm xúc và thương mại, phần mềm này đã chạm tới sự khách quan lạnh lùng và độ chính xác về khoa học. Vào đầu thế kỷ 20, nhiều tác phẩm nghi ngờ là của Rubens nhưng chúng ta không có cách nào để đồng ý hay bác bỏ. Ngày nay, rõ ràng chúng ta có những phương pháp đánh giá có độ tin cậy cao hơn”.
Có rất nhiều hứa hẹn khác nhau mà AI có thể đem lại. Các nhà khoa học tại trường Đại học Case Western Reserve (Mỹ) đã huấn luyện một mạng thần kinh tích chập (CNNs) bằng các bản quét ba chiều bề mặt các bức họa. Khi đã thuần thục, mạng thần kinh tích chập này có thể nhận được ra “phong cách không chủ ý” (unintentional style) hay “dấu cá nhân” của từng nghệ sĩ. Sau đó, bằng việc khớp các phong cách của từng họa sĩ vào bố cục của các đường cọ, AI có thể xác định được chính xác những bức họa khác có đúng của họa sĩ đó không với độ chính xác tới 96%. Họ mong muốn dùng mạng thần kinh này vào giải quyết một vấn đề tồn tại đã lâu, đó là trường hợp một số bức tranh đang bị nghi ngờ có phải của họa sĩ Tây Ban Nha thế kỷ 16 El Greco vẽ hay con trai ông, hay của người khác, và thậm chí có thể dùng AI để hỗ trợ phục dựng lại một bức của chính El Greco từng bị cắt trong thời kỳ Nội chiến Tây Ban Nha (1936 – 1939).
Mới năm ngoái, các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Nottingham và trường Đại học Bradford, đã tạo ra một đột phá bằng việc áp dụng công nghệ nhận diện gương mặt và AI đã đề xuất một lời giải cho tranh cãi từ cuối thế kỷ 19: bức họa Madonna della Rosa được treo ở Prado, Madrid có phải của danh họa Raphael không? Các nhà sử học nghệ thuật nhà phê bình nghệ thuật thì cho rằng tác giả có thể là ai đó trong xưởng của ông, đặc biệt là khuôn mặt của thánh Joseph, nhưng ở Tây Ban Nha, người ta luôn tin chính Raphael vẽ. AI do Hassan Ugail, giáo sư về điện toán hình ảnh tại Đại học Bradford phát triển thì có thể nhận ra các tác phẩm đích thực của Raphael với độ chính xác 98%, sau khi xem xét một cách chi tiết 49 tác phẩm chưa được kiểm chứng của ông. “Máy tính đánh giá rất chi tiết. Không chỉ khuôn mặt, nó còn xem xét tất cả các thành phần, tìm hiểu bảng màu, sắc thái, tông màu và nét vẽ, nghĩa là tìm hiểu bức tranh ở góc độ vi mô để tìm ra đặc điểm chính trong nghệ thuật của Raphael”, Hassan Ugail nói.
Trong trường hợp Madonna della Rosa, ban đầu AI nhận định 60% là của Raphael nhưng sau khi đánh giá từng phần, nó đi đến kết luận rằng khuôn mặt của thánh Joseph không phải do Raphael vẽ.
Như vậy đã đủ để người ta tin ở AI?
Vẫn còn tranh cãi nảy lửa
Bất chấp việc AI ngày càng thể hiện khả năng của mình thì người ta vẫn còn nhiều hoài nghi về kết quả mà nó cung cấp. Tiến sĩ Bendor Grosvenor, một nhà sử học nghệ thuật và là người dẫn chương trình “Những kiệt tác bị mất mát của Anh” trên BBC Four, lo ngại là việc nhiều công nghệ xuất hiện có thể làm ảnh hưởng đến vai trò thực sự của các chuyên gia trong đánh giá độ xác thực của các tác phẩm nghệ thuật, đồng thời chỉ ra “công nghệ AI còn thực sự yếu bởi quyết định của nó còn phụ thuộc vào điều kiện của một tác phẩm – rất nhiều kiệt tác của các bậc thầy hội họa đã bị hư hại và bị biến dạng bởi chịu rất nhiều tác động của ngoại cảnh, ví dụ như việc bị vẽ phủ lên trên nữa. Không có giám định một cách kỹ lưỡng thì thật khó để phân định thật giả”, ông nói. “Nếu ai đó đưa ra một quyết định trao ‘chứng nhận độ xác thực’ cho tác phẩm trị giá hàng ngàn đô la mà chỉ dựa trên một bức ảnh iPhone đi kèm một chút hiểu biết về sự nghiệp của một nghệ sĩ thì người ta sẽ cười vào mặt họ”.
Lo ngại của Bendor Grosvenor không phải không có lý. Vào đầu năm 2023, các nghiên cứu sử dụng AI để phân tích một bức họa bậc thầy, Brécy Tondo, đã cho ra kết quả trái ngược nhau, dù đều là công nghệ vô cùng tiên tiến. Bức tranh này được treo ở Phòng tranh Cartwright, Bradford, được nghi ngờ là của Raphael nhưng có dư luận cho là nó không phải là con đẻ nghệ thuật của bậc thầy Phục hưng.
Một nghiên cứu do nhóm nghiên cứu ở ĐH Nottingham và Bradford sử dụng công nghệ nhận diện hình ảnh để so sánh các khuôn mặt trong bức Brécy Tondo với bức khác của Raphael, Sistine Madonna. Sau khi sử dụng hàng triệu khuôn mặt để huấn luyện thuật toán ghi nhận hình ảnh và so sánh các đặc điểm trên gương mặt, họ tuyên bố “sự tương đồng giữa khuôn mặt Đức mẹ giữa hai bức họa là 97%, trong khi khuôn mặt Chúa hài đồng trong cả hai bức có độ tương đồng là 86%”. Do đó họ kết luận “hai bức họa này có khả năng cao là được tạo ra từ cùng một họa sĩ”.
Tuy nhiên thuật toán do một nghiên cứu khác do chính Art Recognition phát triển, đã đưa ra một kết quả khác: xác suất 85% bức Brécy Tondo không phải của Raphael. Tiến sĩ Popovici thì vô cùng ngạc nhiên khi thấy kết quả của nghiên cứu mà mình thực hiện khác biệt một cách rõ ràng với kết quả của nhóm Nottingham và Bradford. Khi được hỏi về nghiên cứu này của Popovici, Ugail cho rằng thật khó nhận xét được gì khi không được xem xét chi tiết nghiên cứu đó và “chúng tôi có chứng cứ rất thuyết phục về việc Brécy Tondo là của Raphael”.
Trước kết quả này, người phát ngôn của Hội đồng thành phố Bradford, nơi sở hữu bức họa, nói hài hước “đây chính là cuộc so găng giữa các thuật toán AI”. Sir Timothy Clifford, một học giả hàng đầu về hội họa Ý Phục Hưng và cựu tổng giám đốc Bảo tàng Quốc gia Scotland, thì tò mò khi nghe thấy sự xung đột trong phát hiện của hai nhóm “Tôi chưa bao giờ dự liệu được về ý tưởng sử dụng AI cho việc quan trọng như thế này. Tôi nghĩ, chúng còn xa mới đạt được độ chính xác. Nhưng cách áp dụng này cũng hấp dẫn đấy”.
Riêng về trường hợp của Brécy Tondo, ông cho biết đây là một trong những bức tranh nổi tiếng bậc nhất thế giới có nhiều bản sao chép “Tồn tại phải tới hàng trăm và hàng trăm bản sap chép rất tốt bức này. Tôi nghĩ bản thân bức ở Pháp vào đầu thế kỷ 19 là một bản sao chép tốt – thời điểm mà bức tranh này có thể đã được Napoleon thúc đẩy đưa vào Louvre. Rất nhiều màu vẽ từng được sử dụng vào năm 1810 tương đồng với màu vẽ từng được sử dụng vào năm 1510. Ít nhất một hoặc hai màu trong số đó sẽ được sử dụng theo cách tương tự nhau”.
Michael Daley, giám đốc của ArtWatch UK, một tổ chức được hình thành để giám sát, vận động các thực hành tốt hơn cho bảo tồn nghệ thuật ở các bảo tàng và phòng trưng bày tranh, thì ủng hộ AI của Carina Popovici khi lập luận “Nếu đúng là Raphael đã tự tạo ra một bản sao khác thì hầu như không nghi ngờ gì nữa, ông sẽ tạo ra những thay đổi, chỉnh sửa trên bức họa. Nhìn vào bức Brécy Tondo có thể thấy hầu như là được vẽ ra vào thế kỷ 19”.
Vậy có nên tin hoàn toàn vào công cụ AI khi mỗi thuật toán AI được các nhà khoa học thiết kế lại đưa ra những kết quả trái ngược nhau? Vấn đề ở đây là, nếu một bức họa được xác nhận là tác phẩm của một họa sĩ nổi tiếng thì giá của nó sẽ lên tới hàng trăm nghìn đô la, ngược lại, nó sẽ bị mất giá thảm hại. Ví dụ trường hợp hai bức mà Art Recognition phát hiện trên eBay là giả mạo – một bức có giá là 599.000 USD và một bức có giá là 165.000 USD – sẽ không còn được ai quan tâm nữa.
Việc AI của Art Recognition phát hiện bức họa Samson and Delilah không phải của danh họa Rubens cũng làm dấy lên chỉ trích bởi Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Anh từng mua nó với giá 2,5 triệu bảng vào năm 1980 (tương đương 6,6 triệu bảng ngày nay). Đó là chỉ trích của các chuyên gia từng tuyên bố đó chỉ là một bản sao chép tác phẩm nguyên bản của Rubens, vốn được vẽ từ năm 1608 đến 1609 để tặng vị bảo trợ của mình ở Antwerp là Nicolaas Rockox. Bức này đã biến mất sau cái chết của Rockox vào năm 1640 và chỉ xuất hiện trở lại vào năm 1929 với tuyên bố xác thực của Ludwig Burchard, một chuyên gia mỹ thuật mà chỉ sau cái chết của ông vào năm 1960 thì người ta mới thêm nghi ngờ là trao những chứng nhận giả vì tiền.
Việc xác thực độ nguyên bản của bức tranh luôn luôn cần thiết vì trong lịch sử nghệ thuật luôn có nhiều “nghi án” tồn tại, ví dụ sản phẩm của những xưởng vẽ của những họa sĩ bậc thầy ở thế kỷ 17. Họ luôn nhận được nhiều đơn đặt hàng, trong đó có nhiều tác phẩm quy mô lớn. Người tham gia vào thực hiện các tác phẩm không chỉ là các họa sĩ mà còn có cả các trợ lý, học trò với một số nhiệm vụ như vẽ một số chi tiết, góp phần kết thúc các tác phẩm… Bản thân các họa sĩ bậc thầy này cũng bắt đầu làm việc ở nhiều xưởng vẽ khác nhau khi bắt đầu nghề vẽ, ví dụ Rembrandt từng học ba năm với họa sĩ chuyên vẽ tranh lịch sử ở Leiden, Jacob van Swanenburg, sau đó mở xưởng vẽ và đào tạo nhiều họa sĩ nổi tiếng như Carel Fabritius, Nicholas Maes…
Dĩ nhiên, việc phân định luôn là điều cần thiết nhưng không dễ để đưa ra một kết luận chỉ thuần túy dựa vào AI. Đó là lý do mà Sir Timothy Clifford cũng thừa nhận “Tôi cảm thấy việc dựa vào máy móc để ghi nhận các tác phẩm của các danh họa là một điều vô cùng nguy hiểm”. Đồng nghiệp của ông, Julian Radcliffe, Chủ tịch của tổ chức Art Loss Register, nơi lưu trữ cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp cho rằng “AI có vai trò ngày một gia tăng trong việc giúp xác thực độ thật giả trong nghệ thuật nhưng cần phải có sự tham gia của các chuyên gia, những người sành sỏi và hiểu biết, sự hỗ trợ của khoa học về phân tích màu sắc và nghiên cứu về nguồn gốc… Mặc dù cái tiên tiến của AI nằm ở năng lực ngày một cải thiện trong việc đưa ra câu trả lời có/không khi phân tích các mẫu hình hoặc so sánh nhưng công việc nó thực hiện cần được một chuyên gia diễn dịch”.
Cuộc truy tìm về độ xác thực tuyệt đối của các tác phẩm nghệ thuật vẫn còn chưa kết thúc và có thể không bao giờ đạt được nhưng có lẽ với sự trợ giúp của AI thì con người đang ngày một đi xa hơn trên con đường này. □
Anh Vũ tổng hợp
Bài đăng Tia Sáng số 11/2024